Bình dân học vụ là tên chỉ phong trào xoá nạn mù chữ sau khi Cụ Hồ phát động 3 diệt (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm) năm 1945. Còn Bổ túc văn hoá là chỉ phong trào học văn hoá vào buổi tối của nhân dân và cán bộ, công nhân để nâng cao trình độ từ cấp 1, cấp 2, cấp 3. Còn học kiểu này ở trình độ Đại học thì gọi là “chuyên tu” hay “tại chức”.
Phong trào Bình dân học vụ phát động ngay từ năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phong trào đặc biệt sôi nổi ở vùng tự do (vùng do ta kiểm soát). Tôi biết đọc từ năm 5 tuổi, cũng chính một phần nhờ phong trào này. Bố Mẹ tôi dạy chữ cho tôi từ sớm. Dạy là dạy chơi thế thôi, vì lúc ấy tản cư, ban đầu chẳng có việc gì làm. Nhưng ở những nơi tản cư, cứ ra đường là thấy khẩu hiệu, thấy các chữ cái giúp người ta nhớ chữ ở trên tường, trên vách, ở tất cả những nơi nào có thể viết được. Nhiều nơi như ở Thanh Cù (Phú Thọ), khẩu hiệu các loại được viết trên nong, nia treo khắp nơi. Nong nia quét vôi trắng, chữ viết bằng than đen, rất ngay ngắn. Thế là tôi cứ thế đọc. Chữ nào không biết thì lại hỏi, Bố Mẹ giảng cho. Thế là đọc được. Phong trào ở khắp nơi. Sôi nổi lắm. Có nơi tổ chức thành lớp, có bàn ghế, có bảng, học vào buổi tối, mỗi người đi học đều mang theo một ngọn đèn dầu. Có khi theo kiểu chị bảo em, chồng bảo vợ, người biết bảo người chưa biết ở nhà. Có vận động, cũng có kiểm tra để thúc đẩy. Trước mỗi chợ, người ta dùng mấy cây tre dựng một cái cổng. Giữa là cổng chính, cao, rộng, người gánh hàng có thể qua lại dễ dàng, còn bên cạnh là cổng phụ hẹp, thấp, người lớn qua phải cúi, có gánh hàng phải bê từng bên một qua. Đây gọi là “cổng mù”. Trước khi vào chợ, một người đưa cho anh một mảnh báo, hoặc một trang sách, có nơi viết mấy câu trên một tấm bảng gỗ. Ai đọc được, xin mời đi vào cổng chính. Ai không đọc được, xin mời đi vào “cổng mù”. Có lần Mẹ dẫn tôi đi chợ. Thấy người ta kiểm tra, tôi ngần ngại định đi qua “cổng mù”. Mẹ tôi ngăn lại bảo: “Con lại tự nhận là mình mù chữ à?” Thế là tôi quay sang đi cổng chính. Có anh đưa cho tôi một trang sách, tôi đọc được. Mọi người ngạc nhiên lắm. Quanh cổng người đứng xem rất đông. Cho nên ai đọc được đều rất đắc ý. Còn người chưa đọc được thì xấu hổ, chỉ muốn chui xuống đất. Có người chạy vội về, không dám vào chợ.
Đến năm học lớp 7, tôi học trường Nguyễn Trãi, đội Thiếu niên tổ chức xoá nạn mù chữ ở mấy khu lao động Phúc Tân, Phúc Xá, An Dương, …Những khu này đều ở bên ngoài đê sông Hồng. Từ đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải đi xuống cũng có một dãy phố, hai bên hai dãy nhà thưa thớt. Nhưng đường là đường đất, mưa thì lầy lội lắm, còn nhà là nhà bằng tre nứa, lợp lá cọ, lớp tranh. Bên trong thì nhiều nhà như ở quê. Cũng có rặng cúc tần, râm bụt… làm hàng rào, trong có nhà ở (cũng nhà tranh), chuồng gà, chuồng lợn, vườn trồng rau. Ở đây toàn là dân nghèo, sống bằng các nghề như khuân vác, đánh xe bò kéo, kéo xe bò chở hàng thuê, đạp xích lô , buôn thúng bán mẹt. Hình ảnh những nơi này đã được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ghi lại trong bài Xóm đê ngày ấy:
Xóm đê ngày trước gọi nhau
Mụ còng bới rác
Mẹ con nhà lông gà rẻ rách
Lão Tư say
Thằng bé đánh giày
Ông già mù tẩm quất
Không ai giống ai nghề nghiệp
Không ai khác ai cái nghèo…
…cho nên phần lớn đều mù chữ. Ban ngày họ đều phải kiếm sống, không có thời gian học. Phải chờ buổi tối, khi họ về nhà.
Bọn chúng tôi được chia làm các nhóm. Mỗi nhóm 3, 4 đứa và đựợc phân công dạy cho một người. Sao lại cần đến 3, 4 đứa? Vì khi đi làm về, ai cũng còn rất nhiều việc. “Trăm thứ bà rằn” như gánh nước, nấu cơm, giặt giũ, dỗ con, cho gà cho lợn ăn, tưới rau…Thế là chỉ một đứa dạy học thôi, còn những đứa khác làm mọi việc giúp để họ có thể rảnh tay ngồi học. Có người đi làm về mệt, không muốn học cứ kiếm cớ. Nào “tôi còn phải đi giặt quần áo”. Thì lại có đứa nhận ngay: “Bác để cháu làm cho.” Ông ấy lại kiếm cớ: “Tôi còn phải nấu cơm.” Thì lại có đứa khác bảo”: “để cháu nấu cho.” Lại có cớ khác, lại có đứa nhận làm. Ông ấy cáu quá, vác đòn gánh đuổi. Cả lũ chạy “bán sống bán chết.” Bây giờ nghĩ lại thấy cũng không oan. Làm suốt ngày, việc nặng nhọc, về đến nhà lại bị mấy đứa “ôn con” nó ám. Làm sao chịu được! Nhưng chạy đi một lát, quay lại, chắc ông ấy đã “hạ hỏa” nên lại ngồi vào học.
Có một chuyện, bây giờ nhớ lại vẫn thấy buồn cười. Hôm trước mấy đứa đến dạy rồi. Hôm sau đến kiểm tra, ông học viên ấy cứ đánh vần “e cờ ịt”. Bảo đánh vần lại. Ông ấy vẫn cứ thế : “e cờ ịt”. Và bảo :”Thì con lợn nó chẳng kếu thế là gì?” Hóa ra hôm trước dạy “e cờ éc” mấy lần mà ông học viên vẫn quên. Một đứa trong bọn mách: “Khi nào quên bác cứ nhớ con lợn nó kêu thế nào !” “Thầy giáo” rất hài lòng về sáng kiến này. Khi ở nhà ôn bài, ông ấy quên, không biết là “e cờ…” gì liền ra chuồng lợn, lấy cái que chọc chọc con lợn xem nó kêu thế nào. Tất nhiên là khi chọc nhẹ thì nó không thể kêu “éc” được, Nó chỉ “ịt ịt” thôi. Thế là thành chuyện “e cờ ịt”.
Chúng tôi dạy một thời gian thì đến mùa lũ. Trước năm 1989 khi chưa có thuỷ điện Hoà Bình, năm nào sông Hồng cũng có lũ to. Những lúc ấy, mấy bãi Phúc Tân, Phúc Xá đều ngập hết cả, có khi ngập lút mái nhà. Dân ở những khu này đều phải lên cắm lều dựng trại ở trên bờ đê. Nhất là khu vực trước cửa Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng cách mạng có hè rộng thì tập nập đông vui lắm. Một lần chúng tôi đi dạy, nước đã lên, nhưng chưa to lắm. Cả lũ ướt lướt thướt. Sau đấy, chắc sợ nguy hiểm nên chúng tôi dược lệnh nghỉ.
Đến giờ đã gần 60 năm rồi. Vẫn không quên được chuyện “e cờ ịt”.