Tháng 1 năm 1938, Trưởng   quan phó Tư lệnh đệ ngũ chiến khu kiêm Tổng tư lệnh tập đoàn quân số 3 vì kháng lại quân lệnh kèm theo 18 tội trạng khác đã bị cách chức và xử tử. Đó là Hàn Phục Củ, Hoàng đế của đất Sơn Đông, trong cuộc kháng chiến chống quân Nhật, chưa rõ Hàn có những tội tình gì, nhưng ở một mặt khác, Hàn bị Tưởng Giới Thạch mang mối hận lớn.

Hàn Phục Củ tự Hướng Phương, người huyện Bá, Hà Bắc, sinh năm 1890, vốn là bộ hạ của Phùng Ngọc Tường thống lĩnh quân Tây bắc, là một tướng lĩnh tâm phúc của Phùng Ngọc Tường.

Sau chiến tranh Tưởng Quế năm 1929, Phùng Ngọc Tường điện gấp cho Hàn Phục Củ nhanh chóng  đưa quân về Vũ Hán. Nhưng Tưởng Giới Thạch lập tức điện cho Hàn dừng ngay việc điều quân này, đưa tất cả về Cự Khoản với danh nghĩa không để quân mỏi mệt, nhằm thu phục Hàn. Ở Lạc Dương, Hàn biểu thị tinh thần “duy trì hòa bình, ủng hộ trung ương” sau đó trở thành một bộ phận trong tập đoàn Tưởng Giới Thạch. Trong đám tướng lĩnh khi ấy có những người muốn lật đổ Tưởng Giới Thạch, nhưng Hàn vẫn muốn tồn tại để phát triển, cùng Tưởng Giới Thạch  tranh giành quyền lực.

Tháng 9 năm 1930, sau khi Hàn Phục Củ được giao làm Chủ tịch tỉnh Sơn Đông, mâu thuẫn với Tưởng Giới Thạch được công khai hóa. Để khống chế Tưởng Giới Thạch, đưa Quân đoàn 17 của Lưu Chân Niên thuộc phe của Tưởng ra khỏi Sơn Đông, tháng 9, 10 năm 1932, được sự hỗ trợ về pháo binh của Trương Học Lương, Hàn Phục Củ mở cuộc tiến công quân của Lưu Chân Niên, buộc Tưởng Giới Thạch phải đưa Quân đoàn 17 về Chiết Giang mà trong lòng ôm hận.

Để giám sát Hàn Phục Củ, Tưởng Giới Thạch giao cho Trương Vi Thôn công việc chỉnh đốn Ủy viên hội Quốc dân đảng ở Sơn Đông. Trương Vi Thôn vừa thu thập các tin tình báo về Hàn Phục Củ, báo cáo với Tưởng Giới Thạch, còn vừa quở trách Hàn, thậm chí còn nói “ta là người chịu trách nhiệm của Quốc dân đảng ở Sơn Đông, có quyền tới hỏi về các công việc của Sơn Đông”. Thái độ của Trương Vi Thôn khiến Hàn hận thấu xương, mắng Trương Vi Thôn là “đảng cướp”. Sau đó, Trương Vi Thôn tiến thêm một bước, kiến nghị với Tưởng Giới Thạch, đưa quân của Hàn Phục Củ ra khỏi Sơn Đông đưa quân Trung ương tới thay thế. Những chuyện này Hàn đều biết, nổi giận, rồi cho người ám sát Trương Vi Thôn.

Năm 1936, khi “sự biến Lưỡng Quảng”  và “sự biến Tây An” phát sinh, Hàn Phục Củ trước sau đã gửi điện báo tán dương hành động chống Tưởng của Trần Tế Đường, Lý Tông Nhân và Trương Học Lương. Đặc biệt đối với sự biến Tây An, Hàn Phục Củ gửi điện, nói Trương, Lương tiến hành câu lưu Tưởng để tiến hành can gián, chủ trương chấm dứt nội chiến để cùng đối phó với nước ngoài là một hành động sáng suốt, cho nên Hàn thể hiện thái độ ủng hộ. Ngày 21 tháng 12, Hàn lại chuẩn bị cử binh lính tập kích do Hà Ứng Khâm lãnh đạo đánh vào “Trung ương quân”.  Những hành động này của Hàn Phục Củ khiến Tưởng Giới Thạch không thể chấp nhận.

Sau khi sự biến ngày 7 tháng 7 bùng nổ, Hàn Phục Củ được cử làm Trưởng quan Phó tư lệnh chiến khu thứ 5 kiêm Tổng tư lệnh tập đoàn quân thứ 3. Ngày 23 tháng 12 năm 1937, quân Nhật vượt sông Hoàng Hà ở Độ Môn Đài, Hàn Phục Củ được tin đã nói:

  • Quân Nhật đã qua Hoàng Hà, chúng ta chưa có đại pháo không thể giữ được .

Để bảo tồn lực lượng, Hàn Phục Củ đã hạ lệnh “thủ quân hậu triệt”. Ngày 22 tháng 12, khi Tưởng Giới Thạch biết tin Hàn Phục Củ sắp rút quân khỏi Tế Nam, lập tức gửi điện cho Hàn: Hướng Phương huynh, xin ông quyết tử thủ Hoàng Hà, nhất định không được bỏ Tế Nam. Đọc xong bức điện, Hàn Phục Củ  đập tay xuống bàn, nói:

  • Quân Nhật đã qua Hoàng Hà, quân ta không có trọng pháo, sao cố thủ được.

Rồi lập tức lên xe dời Tế Nam đến Thái An tạm nghỉ. Ngày 28 tháng 12, Lý Tông Nhân phát điện ra lệnh:  Ông phải tử thủ Thái An. Nhận được điện, Hàn Phục Củ nói: Nam Kinh thất thủ, sao phải giữ Thái An? Rồi đưa quân lui về huyện Lỗ Tây, Thành Vũ, một phần của huyện Tào. Hành động này khiến phòng tuyến Tân Phổ mở rộng, quân Nhật dễ dàng thâm nhập khiến chiến lược đã đặt ra sau khi Nam Kinh thất thủ khó bề thực hiện. Tưởng Giới Thạch giận Hàn Phục  Củ thấu xương, quyết định phải bắt giữ Hàn Phục Củ.

Ngày 17 tháng 1 năm 1938, Trưởng quan tư lệnh chiến khu 5 Lý Tôn Nhân khai mạc hội nghị quân sự quan trọng ở Từ Châu, Hàn Phục Củ làm Trưởng quan Phó tư lệnh chiến khu 5 đương nhiên có mặt dự hội nghị, Vừa khi Hàn Phục Củ mới tới Từ Châu, từ Hán Khẩu, Tưởng Giới Thạch phát đi bức điện: từ ngày 11 tháng 1, ở Khai Phong, Hà Nam sẽ khai mạc hội nghị quân sự quan trọng.

7 giờ tối ngày 11 tháng 1, Hàn Phục Củ và bộ tướng là những tướng lĩnh cao cấp tới tham gia hội nghị. Hội nghị sắp bắt đầu, Tưởng Giới Thạch nhìn Hàn Phục Củ, nói:

  • Chúng ta kháng Nhật là toàn quốc phải nhất trí. Đây là trách nhiệm của mỗi tướng lĩnh không ai có thể chối từ, nhưng có những tướng lĩnh đã bỏ vùng Sơn Đông, Hoàng Hà có vị trí vô cùng quan trọng, chống lại mệnh lệnh…. Tôi hỏi Hàn Chủ tịch: Vì sao ông buông súng từ Sơn Đông bờ bắc sông Hoàng Hà rút lui, sau đó lại bỏ Tế Nam, Thái An khiến cho hậu phương dao động. Việc này do ai phải chịu trách nhiệm?

Hàn Phục Củ không nhìn Tưởng Giới Thạch, chậm rãi nói:

  • Sơn Đông mất là trách nhiệm của tôi, Nam Kinh mất thì là trách nhiệm của ai?

Hàn Phục Củ vừa nói xong, Tưởng Giới Thạch không kìm được cơn giận dữ, đập bàn:

  • Bây giờ tôi đang hỏi chuyện Sơn Đông, không nói chuyện Nam Kinh!

Nam Kinh mất, khắc sẽ có người chịu trách nhiệm.

Hàn Phục Củ đang định cãi lại, người bên cạnh Lưu Kỳ La gạt tay, khuyên:

  • Hướng Phương, ông đang nóng, trước hết ông hãy vào trong phòng họp nghỉ ngơi đã.

Rồi đưa Hàn tới trước sảnh của Hội trường, sau đó, đưa Hàn lên một chiếc xe nhỏ đã chờ sẵn, nói:

  • Hướng Phương, ông đi trước đi. Tôi còn phải vào họp đã.

Trên xe khi ấy đã có hai vệ binh ngồi đợi trước. Họ để Hàn Phục Củ ngồi vào giữa hai người, đưa lệnh bắt cho Hàn, nói:

  • Ông đã bị bắt!

Hàn Phục Củ quay người nhìn, thấy đặc vụ đã đứng đầy trước mặt, khi ấy mới tỉnh ngộ.

Sau đó, họ bí mật áp giải Hàn Phục Củ tới Vũ Xương, giam lỏng trong trại quân pháp. Ngày 21 tháng 1Chính  phủ Quốc dân đảng tổ chức Tòa án quân sự cao cấp tiến hành thẩm vấn. Chánh án Hà Ứng Khâm nói:

  • Ông không chấp hành mệnh lệnh, tự ý rút lui, tội này đã được điều tra và xác minh. Ông còn có thể nói gì nữa không?

Nghe xong, Hàn Phục Củ chỉ ngẩng đầu, mỉm cười, không nói một lời nào.

Khoảng 7 giờ tối ngày 24 tháng 1, một đặc vụ nói với Hàn Phục Củ:

  • Hà Thẩm phán mời ông tới nói chuyện.

Hàn Phục Củ tin là thật, bước theo viên đặc vụ xuống  lầu. Bước được nửa cầu thang, nhìn xuống sân thấy đầy những  binh lính, súng ống đầy đủ, Hàn biết mình sẽ chết. Hàn nói:

  • Đôi giày tôi đang đi hơi nhỏ, chân đau, tôi muốn đổi đôi giày khác. Vừa nói, Hàn vừa quay lại lên lầu. Mới đi được vài bước, tiếng súng nổ vang. Hàn quay lại, nói:
  • Các anh bắn tôi… chưa nói hết câu thì đã “mệnh tuyệt thân vong”.

Sau khi Hàn Phục Củ chết, “Trung ương nhật báo” phát tin đi cả nước, tuyên truyền Hàn đã chống lại quân lệnh bỏ chức vụ cùng với 18 tội danh khác. Việc Hàn Phục Củ bị xử lý không phải hoàn toàn vô lý. Nhưng Tưởng Giới Thạch trong vụ này cũng không phải hoàn toàn công tâm, hành động này ẩn chứa những mâu thuẫn cá nhân giữa hai người từ lâu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here