Sau khi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, lục quân Nhật Bản vào trận rất quyết liệt, hải quân và không quân Nhật cũng sẵn sàng; quân phiệt và tài phiệt hỗ trợ lẫn nhau, dốc toàn lực vào cuộc chiến tranh với Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến chống Nhật, trong cuộc đàm phán Lư Sơn, Tưởng Giới Thạch nói: “Đánh mất chủ quyền lãnh thổ quốc gia là có tội nghìn đời với dân tộc Trung Hoa”. Vì thế, Trung Quốc nhanh chóng động viên và bố trí lực lượng chiến đấu.

Sau khi chiếm Bắc Bình, Thiên Tân, quân Nhật tiến thêm một bước trong việc chĩa mũi dùi về phía Thượng Hải. Ngày 28 tháng 2 năm 1932, sau sự biến 18 tháng 9 không lâu, quân Nhật tăng cường lực lượng tiến công Thượng Hải, gặp phải sự kháng cự kiên quyết của Lộ quân thứ 19 do Thái Đình Khải, Tưởng Quang Nãi lãnh đạo. Lúc ấy, họ đã huy động lực lượng mạnh nhất nhằm bảo vệ thành phố lớn nhất của Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 7, Thượng Hải truyền đi tin một người lính Nhật Bản mất tích, tình hình vùng Hoa Đông bỗng nhiên trở nên khẩn trương. Hai ngày sau, người lính mất tích bỗng được phát hiện ở Trấn Giang, vốn anh ta gặp bạn khi tới một kỹ viện. Từ đó, tình hình mới tạm hòa hoãn.

Ngày 9 tháng 8, ở Thượng Hải lại phát sinh sự kiện ở sân bay Hồng Kiều. Hai người lính Nhật giấu vũ khí trong người đi vào sân bay Hồng Kiều, bị đội bảo vệ sân bay ngăn lại. Lính Nhật nổ súng bắn chết vệ binh nên xảy ra đấu súng, hai lính Nhật bị bắn chết. Sau khi sự kiện xảy ra, quân đội Trung Quốc tăng cường cảnh giác, còn phía Nhật cố làm to chuyện, kêu gào chiến tranh. Mượn cớ này, quân Nhật tập trung quân áp sát Thượng Hải, Hoa Đông, chiến sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

9 giờ sáng ngày 13 tháng 8, quân Nhật đột nhiên tiến công Ấp Bắc ở  Thượng Hải. Cuộc chiến tranh Trung Nhật trên quy mô lớn nhất bùng nổ ở Tùng Hộ ngày 13 tháng 8.

Thượng Hải là nơi tập trung nhất sự lũng đoạn của tư bản Anh Mỹ, đó cũng là nơi “tứ đại gia” của Quốc dân đảng và nguồn lợi tài chính của chính phủ Nam Kinh tồn tại. Sau khi sự kiện 13 tháng 8 phát sinh, lợi ích của Anh Mỹ và sự sinh tồn của “tứ đại gia” bị uy hiếp. Ngày 14, Bộ Ngoại giao chính phủ Quốc dân tuyên bố, thể hiện thái độ kiên quyết chống lại sự xâm lược của quân Nhật, đồng thời, quân Nhật cũng đưa ra kế hoạch những quyết chiến điểm   cần nhanh chóng thôn tính để từ đó mở ra một khu vực rộng lớn hơn.

Cả hai phía Trung Nhật đều cho rằng khả năng thắng bại như nhau nên đều ra sức huy động lực lượng. Quân Nhật cử một Đại tướng làm Tư lệnh, trước sau điều tới hơn mười sư đoàn lục quân và không quân, hải quân đều là những lực lượng tinh nhuệ tới hơn ba mươi vạn quân, chiếm một nửa số quân của Nhật khi đó. Trung Quốc cử Phùng Ngọc Tường làm Tổng tư lệnh (từ ngày 17 tháng 9 về sau do Tưởng Giới Thạch kiêm nhiệm), tham chiến cơ hơn năm mươi sư đoàn, gồm hơn bảy mươi vạn quân, chiếm ba phần năm lực lượng quân sự của Trung Quốc bấy giờ. Đây là lực lượng đáng tin cậy nhất của Tưởng Giới Thạch bao gồm cả không quân và hải quân còn non trẻ và toàn bộ lực lượng đích hệ đều tham chiến.

Đây là những quyết định có tính chất sống còn với cả vận mệnh dân tộc Trung Hoa, nhưng những người vốn tự cho là bạn bè của Trung Quốc lại có thái độ thờ ơ, họ đã tỏ rõ lập trường phản bội đáng xấu hổ. Khi cuộc chiến tranh nổ ra, Anh Mỹ tuyên bố “trung lập”. Thái độ “trung lập” của Mỹ khiến quân đội Trung Quốc không có cách nào để mua được các vật tư phục vụ chiến tranh, thực tế họ đã dung túng cho phía Nhật Bản. Còn phía Anh thì đề nghị cả hai phía Trung Nhật cùng rút quân đội khỏi Thượng Hải, nhưng phía Nhật không chấp nhận. Đại sứ Anh bị thương do không quân Anh cũng chỉ chấp nhận lời xin lỗi từ phía Nhật, không có một phản ứng nào khác.

Vì có chỗ dựa, quân Nhật càng tỏ ra ngang ngược, tuyên bố phong tỏa bờ biển, tiến thêm một bước gây sức ép với Anh Mỹ. Chính phủ Nam Kinh tỏ ra bị cô lập trên trường quốc tế.

Chính vào thời  điểm quan trọng đó, Tưởng Giới Thạch đã tới gặp kẻ thù trước đây là Liên Xô, kêu gọi tinh thần quốc tế, đáp ứng yêu cầu của chính phủ Nam Kinh. Từ đó, vũ khí của Liên Xô được đưa tới Trung Quốc.

Thượng Hải  trong tình trạng khẩn cấp, lục quân Nhật Bản được sự chi viện đầy đủ của hải quân và không quân, Tưởng Giới Thạch đã gặp sai lầm khi lựa chọn Thượng Hải làm chiến trường quyết chiến. Nhưng cuộc chiến đấu ở đây đã có tiếng vang lớn, quân đội Trung Quốc đã chiến đấu anh dũng với hải lục không quân của Nhật Bản. Con số tử thương mỗi giờ kể tới hàng nghìn, trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược nước ngoài của dân tộc Trung Hoa, cuộc chiến đấu ở Tùng Hộ có sự hy sinh vô cùng oanh liệt chưa từng có.

Trong cuộc kháng chiến Tùng Hộ, tinh thần anh dũng của quân đội và nhân dân Trung Quốc  hết sức đáng ca ngợi. Tinh thần kháng chiến ở Tùng Hộ có thể viết lên những trang hào hùng trong lịch sử nhân dân thế giới chống phát xít. Trong khoảng thời gian không dài, hải quân và không quân còn non trẻ của Trung Quốc đã anh dũng chiến đấu hầu như tiêu hao gần hết nhưng cũng làm thiệt hại nặng nề cho hải quân và không quân Nhật Bản; trong thời gian ba tháng, quân đội Trung Quốc thương vong hơn ba mươi vạn nhưng cũng làm cho quân Nhật thương vong hơn mười vạn, trở thành chiến dịch mà quân Nhật bị tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến tranh Trung Nhật. Chiến dịch Tùng Hộ đã đánh một đòn mạnh mẽ vào giấc mộng điên cuồng của Nhật Bản hòng “ba ngày chiếm được Thượng Hải, ba tháng chiếm được Trung Quốc”.

Trong chiến dịch Tùng Hộ, Đoàn phó đoàn 524, Lữ đoàn 262 thuộc sư đoàn 88 Tạ Tấn Nguyên đã chỉ huy cuộc chiến đấu của “Tám trăm tráng sĩ” đẫm máu ở nhà kho Tứ Hành phía bắc Thượng Hải, nó thể hiện tập trung nhất tinh thần anh dũng chiến đấu của quân đội và nhân dân Trung Quốc.

Ngày 26 tháng 10, quân Nhật đột phá tấn công phòng tuyến Thượng Hải, ở phía bắc xảy ra một cuộc chiến đấu lớn. Tạ Tấn Nguyên cùng 411 người lính (nhưng khuếch trương là tám trăm người) đã yểm hộ để đại bộ phận lực lượng rút lui. 2 giờ sáng ngày 27, Tạ Tấn Nguyên đưa quân vượt qua hỏa pháo, toàn bộ tập trung tại nhà cao tầng số 7 ở Tô Châu, nhanh chóng chuẩn bị bố phòng, xây đắp công sự để giữ vững trận địa. Trả lời phỏng vấn của ký giả tờ “Tân văn báo”, Tạ Tấn Nguyên nói: “Bảo vệ Tổ quốc là thiên chức của mỗi người lính”. Ông đã viết lên tấm danh thiếp của người phóng viên: “ Còn một viên đạn, một khẩu súng, quyết còn chiến đấu tới cùng!”.

7 giờ sáng, quân Nhật bắn đạn pháo vào nhà kho Tứ Hành bằng hỏa lực áp đảo. Tạ Tấn Nguyên bình tĩnh ứng chiến, vẻ mặt điềm tĩnh. Buổi trưa, quân Nhật mở cuộc tiến công, cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra suốt 3 giờ, quân Nhật ở đây thương vong hơn 60 tên, đành phải  rút lui. Ngày 28, quân Nhật dùng máy bay phối hợp với bộ binh 4 lần tấn công cũng bị đánh lui. Một người lính trẻ, tay cầm quả lựu đạn xông vào giữa đám đông quân địch, tất cả đều tan xác. Trong hai ngày 29 và 30, quân Nhật nhiều lần tiến công bằng máy bay và  xe tăng cũng đều bị Tạ Tấn Nguyên đánh lui.

Qua bốn ngày đêm chiến đấu ác liệt, hơn bốn trăm chiến sĩ dưới sự chỉ huy của Tạ tấn Nguyên được báo chí khi ấy gọi là “Tám trăm tráng sĩ” đánh lui hơn chục lần tiến công của quân Nhật, giết chết hơn hai trăm tên, bản thân chỉ hy sinh có 9 người, bị thương  hơn hai mươi người. 9 giờ tối ngày 30, Tạ Tấn Nguyên đưa các chiến sĩ rút lui khỏi nhà kho Tứ Hành, toàn bộ lui về Tô giới.

Câu chuyện về “tám trăm tráng sĩ nhanh chóng lan truyền khắp trong ngoài nước. Nhân dân cả nước vô cùng phấn chấn, hết lời ca ngợi, dư luận quốc tế cũng hết sức đồng tình, ngợi khen. Một tờ báo của Anh viết: “thanh niên cả thế giới suy tôn “tám trăm tráng sĩ” là anh hùng của mình”.

Ở tiền tuyến, các chiến sĩ quên mình chiến đấu, phát huy tinh thần anh dũng của dân tộc Trung Hoa, nhưng cuối cùng, cũng không thể địch nổi với hỏa lực mạnh mẽ của quân Nhật. Ngày 5 tháng 10, quân Nhật đổ bộ lên vịnh Hàng Châu, hình thành thế bao vây  Thượng Hải, tình thế trở nên cấp bách. Trung tuần tháng 10, dấu hiệu thua trận của quân đội Trung Quốc đã xuất hiện, trung tâm Thượng Hải thất thủ, phòng tuyến từ đó tới ngoại ô mất một mảng lớn. Đầu tháng 11, hoàn cảnh càng nguy cấp, sức chiến đấu địch ta đã có nhiều sự chênh lệch, đường rút lui có thể bị cắt đứt, tinh thần chiến đấu bắt đầu có dấu hiệu sa sút, thế trận cũng có biểu hiện hỗn loạn. Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch ba lần đốc chiến nhưng tình hình cũng không khả quan hơn, đến ngày 9 tháng 11 đành phải ra lệnh rút lui. Các đội quân đã mỏi mệt, lại thêm sự oanh kích của máy bay Nhật càng thêm rối loạn, tổn thất không thể kể hết.

Ngày 11 tháng 11,Thượng Hải rơi vào tay Nhật, cuộc chiến đấu suốt 3 tháng ở Tùng Hộ kết thúc. Tưởng Giới Thạch, người chỉ huy quân sự tối cao của Trung Quốc lúc ấy lựa chọn Tùng Hộ là quyết chiến điểm đã mắc sai lầm. Thượng Hải địa thế bằng phẳng, nhiều sông, gần biển, quân Nhật có hải quân và không quân phát huy được ưu thế lớn nhất. Hải quân và không quân Trung Quốc đều vừa mới thành lập, còn non trẻ. Lục quân của Trung Quốc tuy chiếm ưu thế ban đầu nhưng bị hải quân và không quân Nhật Bản áp đảo đã nhanh chóng thất bại. Qua cuộc kháng  chiến   ở Tùng Hộ, quân đội Trung Quốc đã gặp tổn thất lớn. Sau đó rơi vào thế phòng ngự một cách bị động suốt thời gian dài.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here