Vào thời gian ấy, giữa Trung Quốc và Nhật Bản luôn có những vướng mắc, là hai nước “đồng văn đồng chủng”, nhưng bên trong cả hai luôn muốn hại nhau. Quan hệ giữa hai nước như ngọn núi lửa tạm nguôi chỉ chờ dịp là bùng phát.

Lại nói đêm ngày 7 tháng 7 năm 1937, một cuộc điện thoại khẩn cấp đã thức tỉnh Tần Đức Thuần, Thị trưởng thành phố Bắc Bình kiêm Phó quân trưởng quân đoàn 219. Gọi điện là người đứng đầu cơ quan đặc vụ Nhật Bản đóng tại Bắc Bình:

  • Tối nay, lục quân Nhật Bản tổ chức diễn tập ở cầu Lư Câu, do nghe thấy có tiếng súng nổ trong thành nội nên quân diễn tập trở nên hỗn loạn, kết quả một lính mất tích, ngay trong đêm, quân Nhật đã vào thành truy tìm.

Nghe thấy ba tiếng Lư Câu Kiều, Tần Đức Thuần lập tức bừng tỉnh.

Sau sự biến 18 tháng 9, quân Nhật rất thận trọng, sau 6 năm thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu”, phần lớn khu vực Hoa Bắc, Bắc Bình, Thiên Tân cũng đã nằm trong tầm kiểm soát của quân Nhật.

 Khu vực Lư Câu Kiều nằm trên tuyến Bình Hán, phía nam Bắc Bình đã trở thành cửa ngõ duy nhất của Bắc Bình liên hệ với bên ngoài. Căn cứ theo Điều ước Tân Sửu năm 1901, quân Nhật đã chiếm được đầu mối then chốt là

tuyến đường sắt Phong Đài phía nam cầu Lư Câu, ở đó, chúng đã tập trung hơn 8.000 quân, tùy từng lúc, có thể cắt đứt sự liên hệ của Bắc Bình với các nơi. Thị trưởng Bắc Bình đồng thời là người chỉ huy quân đội Tần Đức Thuần đương nhiên không thể yên tâm. Ông không dám đáp ứng yêu cầu của viên tướng Nhật, nhưng tỏ ý sẽ lập tức điều tra và hứa sẽ cùng quân Nhật tìm cách giải quyết vấn đề.

Thực ra, cái gọi là “một lính Nhật mất tích” hoàn toàn chỉ là cái cớ do quân Nhật bịa đặt ra. Cái tên “lính Nhật mất tích” ấy đã trở về doanh trại. Quân Nhật làm to chuyện này chẳng qua để gây sức ép với nội các của họ, mượn cớ để phát động của xâm lược Trung Quốc.

Binh lính Trung Quốc đóng ở cầu Lư Câu là thuộc Quân 29,  Sư 37 (Sư trưởng là Phùng Trị An), Lữ 110. Lữ trưởng Hà Cơ Phong bốn năm trước đã là người anh hùng trong cuộc kháng chiến ở cửa Hỷ Phong, Trường Thành. Sau hơn một năm đóng quân ở đây, thường xuyên đối mặt với quân Nhật, Lữ trưởng Hà đã kiên quyết  đối đầu, không chút nhượng bộ, bị quân Nhật luôn coi là cái gai trong mắt. Cho nên rất hiển nhiên, khi nảy sinh vụ án “lính Nhật mất tích”, ông biết một cuộc chiến quyết liệt sẽ xảy ra.

Tối ngáy 7 tháng 7, quân Nhật yêu cầu vào thành Uyển Bình làm công tác điều tra; khi gặp sự cự tuyệt, súng bắt đầu nổ mở đầu cuộc tiến công vào cầu Lư Câu. Đây chính là sự biến Lư Câu kiều. Nó là lời tuyên cáo chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Nhật của nhân dân Trung Quốc.

4 giờ sáng ngày 8, quân Nhật lợi dụng đêm tối và cây cối rậm rạp từ Phong Đài đánh thẳng vào nơi đóng quân của Trung Quốc, bao vây thành Uyển Bình. Khoảng 5 giờ, sau khi tổ điều tra của hai bên Trung Nhật vào thành chưa lâu, một trận pháo kích inh tai nhức óc phá tan cái yên tĩnh của buổi sớm, quân Nhật đột nhiên nổ súng. Quân Trung Quốc đóng trong thành đã có sự chuẩn bị từ trước, lập tức nổ súng chống lại, mỗi viên đạn như chứa chất lòng căm thù và sự phẫn nộ với quân xâm lược. Đang lúc đó, các  toán quân Nhật khác bí mật tấn công khắp nơi. Quân Nhật chính thức mở cuộc tiến công quy mô vào cây cầu lớn trên tuyến đường sắt gần cầu Lư Câu.

Lư Câu là cây cầu bằng đá đã có lịch sử hơn tám trăm năm, giữ cầu chỉ có một đội quân nhỏ của Trung Quốc. Trước sức tiến công của quân Nhật, toàn bộ các chiến sĩ đều hy sinh. Quân Nhật vừa tiến vào trận địa, quân giữ cầu ở phía tây lập tức chống lại, dần đẩy quân Nhật ra khỏi trận địa. Có một người chiến sĩ trẻ tuổi đã dùng đại đao chém được 13 tên lính Nhật rồi cũng hy sinh anh dũng. Không cam chịu thất bại, quân Nhật một lần nữa tiến công giành lại cầu. Cuộc chiến đấu giành giật cầu Lư Câu xảy ra hết sức quyết liệt.

Quân đội Trung Quốc ngoan cường chống cự nhưng không thể đánh bại ý đồ chiếm cầu của quân Nhật. Cuộc chiến đấu  lúc tạm dừng khi  cấp tập, liên tục tới 8 giờ tối, quân Nhật lúc này cũng đã chiếm được thành Uyển Bình.

Sau khi màn đêm buông xuống, Lữ trưởng 110 tổ chức một đội đại đao, bí mật qua cửa Tây thành Uyển Bình, xông thẳng vào trận địa quân Nhật đang đóng giữ. Các chiến sĩ vừa hô to, lưỡi đao vung lên loang loáng. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 9 giờ sáng, trung đội quân Nhật giữ cầu bị tiêu diệt toàn bộ. Trận địa bảo vệ cầu một lần nữa trở về tay quân đội Trung Quốc.

Nhưng cuộc chiến đấu vẫn quyết liệt, dù có khi gián đoạn, mãi cho đến ngày 10 tháng 7, hai bên Trung Nhật mới thỏa thuận được một Hiệp định đình chiến ở Bắc Bình, tiếng súng, tiếng pháo tới khia ấy mới chấm dứt. Nhưng trong khi quân đội Trung Quốc tôn trọng những gì đã ký kết, quân Nhật lại một lần nữa tiến công cầu Lư Câu. Quân đội Trung Quốc có nhân dân làm hậu thuẫn kiên quyết chiến đấu. Doanh trưởng chỉ huy quân Trung Quốc bị mảnh pháo chém đứt đùi vẫn lớn tiếng kêu gọi quân lính: Thà chết không bỏ cầu Lư Câu!

Các chiến sĩ kháng Nhật với nhiệt tình yêu nước, dùng cả những vũ khí thô sơ đánh lui quân Nhật bất chấp chúng có pháo lớn ra sức hỗ trợ.

Ngày 20 tháng 7, hai bên Trung Nhật lại một lần nữa thương thuyết. Theo thỏa thuận lần này, Sư 37 phải rút khỏi khu vực cầu Lư Câu. Binh sĩ yêu nước vô cùng phẫn nộ, kiên quyết không dời trận địa. 2 giờ chiều, quân Nhật một lần nữa phát động cuộc tiến công đại quy mô. Pháo lớn của quân Nhật lại liên tiếp trút đạn rơi vào cả ruộng vườn của nhân dân xung quanh cầu Lư Câu. Quân giữ cầu liên tục đánh lui bốn đợt xung phong của quân Nhật, diệt hơn hai trăm tên giặc.

Quân Nhật nhất định không chịu thất bại, gây áp lực lên Quốc dân đảng ở Hoa Bắc, buộc quân Trung Quốc phải lui binh. Rạng sáng ngày 21, lính Trung Quốc giữ cầu một lần nữa nhận được nghiêm lệnh “lập tức rút quân”. Những người lính đã đổ máu xương quyết giữ cây cầu phải rơi lệ dời bỏ nó sau 13 ngày gian khổ chiến đấu, giao cây cầu lại cho quân bảo an địa phương.

Chiếm được cầu Lư Câu, cắt được sự liên hệ giữa Bắc Bình và bên ngoài là quân Nhật sẽ chiếm được Thiên Tân, tiến thêm một bước trong việc thôn tính vùng Hoa Bắc. Hạ tuần tháng 7, quân Nhật điều 5 sư đoàn từ trong nước, Triều Tiên và vùng đông bắc Trung Quốc, tới chuẩn bị tiến công Thiên Tân. Ngày 25, quân Nhật bắt đầu tiến công Bình Tân, ngày 26, chiếm được Lang Phường, cắt đứt sự liên hệ giữa hai thành phố này. Quân Nhật gửi tối hậu thư cho Quân đoàn 29, yêu cầu tới chiều ngày 28 phải rút khỏi Bắc Bình.

Sáng sớm ngày 28, quân Nhật phát động cuộc tiến công Bắc Bình, quân Trung Quốc anh dũng chiến đấu, nhưng do vũ khí ít ỏi, cuối cùng, Bắc Bình rơi vào tay giặc. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, quân Trung Quốc cũng  đánh lui nhiều lần tiến công của quân Nhật, thể hiện quyết tâm kháng chiến không chịu đầu hàng của nhân dân Trung Quốc. Để phối hợp cùng bảo vệ Bắc Bình, Tướng  Hà Cơ Phong chỉ huy quân đội giữ cầu Lư Câu chỉ huy binh lính tiến công quân Nhật ở Phong Đài. Họ bí mật áp sát quân Nhật, dùng lợi thế quân đông vây chặt,  cuối cùng chiếm lại được Phong Đài. Nhưng thắng lợi nhỏ không thể cứu vãn được thất bại lớn. Sau khi Bắc Bình thất thủ, việc giữ cầu Lư Câu không còn ý nghĩa. Đêm ngày 30 tháng 7, tất cả quân lính Quân đoàn 29 rút khỏi cầu Lư Câu, toàn bộ khu vực Bình Tân rơi vào tay giặc.

Cuộc chiến đấu ở cầu Lư Câu ngày 7 tháng 7 là cuộc chiến mở đầu cho cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Hoa Bắc nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung trong cuộc kháng chiến chống Nhật. Ngày 8 tháng 7, Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã gửi công điện tới toàn thể nhân dân Trung Quốc vạch rõ âm mưu của Nhật Bản xâm chiếm Bình Tân và vùng Hoa Bắc, chỉ rõ sự nguy cấp của dân tộc Trung Hoa và nhấn mạnh, chỉ có kháng chiến một cách triệt để, Trung Quốc mới có thể thoát khỏi nguy cơ mất nước. Bức điện kêu gọi nhân dân Trung Quốc “vũ trang để bảo vệ Bình Tân, bảo vệ Hoa Bắc”, “không để quân Nhật Bản chiếm một tấc đất của Trung Quốc!”.

Đồng thời, vào lúc đó, ở Lư Sơn đã diễn ra cuộc đối thoại với Tưởng Giới Thạch, người đứng đầu Quốc dân đảng, bác bỏ luận điệu bằng mọi cách bảo vệ hòa bình, thể hiện tinh thần  “vùng miền không chia nam bắc, tuổi tác không phân trẻ già, bất kể là ai, ở nơi đâu cũng phải coi kháng Nhật là trách nhiệm thiêng liêng”, kêu gọi Chính phủ Nam Kinh không nhượng bộ, phải thực hiện kháng chiến. Từ đó, cuộc kháng chiến chống Nhật chính thức bắt đầu.

3 BÌNH LUẬN

  1. là người thích tìm hiểu LSTQ, đọc bào này và các bài khác thầy viết rất hay, thuyết phục. Từ những tư liệu này có thêm nhiều suy nghĩ, đánh giá TQ về Văn hóa, quân sự, chính trị, kinh tế … cảm ơn thầy.

  2. Đã được học từ năm học 1970-1971 về chiến tranh Trung – Nhật. Nay đọc lại và hiểu thêm nữa. Cám ơn Thầy nhiều lắm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here