Đã lâu mới có dịp tới đây vào buổi sáng đúng lúc mùa thu về. Trong óc tôi vang lên ca khúc “Chiều Hồ Gươm” của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Thụ:

Hồ Gươm hôm nay chiều về thu

Làn nước xanh xanh lặng lờ trôi soi bóng Tháp Rùa

Như đắm chìm trong nắng vàng nghiêng nghiêng hàng dương liễu,

Đây là một trong những bài hát đầu tiên về Hà Nội, về Hồ Gươm ra đời từ năm 1956, trong những ngày hòa bình khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc. Sau những ngày Toàn quốc kháng chiến “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời…”, khác hẳn với nhiều bài hát về Hà Nội sau 1965 đầy tiếng bom tiếng súng, “ta đánh giặc trên mâm pháo” của “một thời đạn bom”, Chiều Hồ Gươm vang lên với những hình ảnh của cuộc sống dù chưa thật no đủ nhưng yên ả, thanh bình và hạnh phúc:

Trăng vàng mùa thu từ từ lên, ngời chiếu sáng

Những khuôn mặt

Những đôi lứa bên nhau nụ cười thắm

Xung quanh hồ đường phố vui đón ánh trăng ngà,

Hồ Gươm thân yêu của thủ đô

Hồ Gươm bông hoa của thành phố

Tỏa hương ngát lành

Trong mỗi nguời, như nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm xưa…

 

Ngày ấy, hơn nửa thế kỷ trước, tôi học những năm đầu cấp 2 (THCS) ở trường Việt Đức (47 Lý Thường Kiệt) bây giờ. Hàng ngày, đi học, tôi đi tàu điện từ Cầu Giấy ra An-pô (tên cái nhà nằm ở góc giữa hai phố Nguyễn  Thái Học và Điện Biên) rồi buổi trưa lại đi bộ ra An-pô đợi tàu về Cầu Giấy. Riêng trưa thứ 7 tôi phải  ra Bờ Hồ mua “các” tàu điện (vé đi tàu hàng tuần, rẻ hơn mua vé ngày dành cho học trò và viên chức đi thường xuyên). Cái nền nhà “Hàm cá mập” xưa là nơi làm việc của Sở xe điện, vé bán ở tầng 1 trong ngôi nhà 2 tầng. Đường đi có xa hơn nhưng mỗi tuần, tôi vẫn chờ đợi ngày cuối tuần. Mỗi tháng 4 lần tôi tới đây trong suốt hai năm học, chưa kể những lần khác nhưng không hiểu vì sao, tôi nhớ nhất cảnh sắc Hồ Gươm vào mùa thu.

So với ngày nay, Hồ Gươm khi ấy ít cây xanh và cũng vắng vẻ hơn. Xung quanh hồ chỉ lối đi nhỏ có gạch lát, phần lớn vẫn là nền đất với đám cỏ dại. Bờ hồ cũng chưa được kè đá, trên mặt hồ vẫn có những đám bèo “tây”, nhiều loại rong rêu giống như những ao hồ khác ở khắp nơi. Dưới bầu trời thu, trong cái nắng hanh hao, ngay vào buổi trưa, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, không phải tránh cái nắng gay gắt như những ngày hè. Xung quanh hồ, nhất là phía đường Lê Thái Tổ thường xuyên có đám trẻ từ ngoài bãi Phúc Tân, Phúc Xá vào, lội nước tới bụng chân đứng câu cá, câu tôm. Có đứa còn “cao hứng” trèo lên những thân cây ngả là là mặt nước rồi bất chợt nhảy xuống ngụp lặn dưới làn nước xanh lục mà nhiều nguời khi ấy đã phỏng đoán bên dưới có mỏ đồng. Phía đường Đinh Tiên Hoàng, ngoài quầy bán hoa ở góc trông sang nhà Gô-đa (nay là Tràng Tiền Pla-za), gần tháp Hòa Phong cách quãng  lại có một ông già Hoa kiều ngồi “thu lu” trên chiếc ghế thấp, đầu đội mũ cói rộng vành, lặng lẽ với cái hòm nhỏ bằng gỗ bán lạc rang, phía ngoài hòm có đề hai chữ Trung Quốc “hoa sinh” (lạc) bằng sơn đỏ. Bao lâu rồi, tôi vẫn cảm phục cái tài của các ông, dù trời lạnh đến mấy, có hôm rét cắt da, nhưng những hạt lạc trong hòm mỗi khi được đong ra bằng cái chén gỗ đổ vào túi giấy hình phễu vẫn nóng hổi và sực nức mùi húng lìu vô cùng hấp dẫn. Hôm nào có tiền, mua một gói nhỏ rồi vừa đi vừa nhấm nháp từng hạt lạc bùi bùi trong cái mưa lạnh rét buốt thật thú vị. Trong những ngày ấy, mỗi khi tới Bờ Hồ, tôi hình như chưa bao giờ thấy họ vắng mặt. Trước trụ sở Ủy ban hiện nay có vài “ki-ốt” bán sách và mấy thứ phục vụ đám học sinh. Tôi còn nhớ họ bày bán những cuốn sách luyện thi các môn do tư nhân biên soạn và xuất bản, in trên loại giấy không được trắng. Phía gần đền Ngọc Sơn, Tháp Bút  có bãi đất trống. Đó là nơi hoạt động có lẽ sôi nổi nhất, tập trung đông nguời nhất. Một hòm chiếu bóng lưu động đặt trên bốn bánh xe, cùng với tiếng máy quay tay chạy “xè xè” là tiếng thuyết minh chủ yếu miêu tả tiếng bom nổ, tiếng súng bắn khi liên thanh khi điểm phát một, tiếng hô “xung phong”, …. Khách xem quen thuộc là đám trẻ bán báo, bán kem và ít nguời từ xa về. Họ ghé mắt nhìn vào cái màn ảnh độ bằng cuốn vở mở rộng phía cuối hòm rất chăm chú. Đề tài chủ yếu là những cuộc chiến đấu của Hồng quân với phát xít Đức (phim Liên Xô) hay Nhật (phim Trung Quốc) lọc từ những cuốn phim nhựa các rạp thải ra do đứt nối quá nhiều lần. Gần đó là một đám xiếc khỉ, tiết mục chủ yếu thường chỉ là nhào lộn và vài trò ảo thuật. Gọi là “xiếc khỉ” nhưng vài  con khỉ chỉ có tiết mục đi xe đạp, còn cái việc chính hấp dẫn mà đám trẻ con rất thích thú là khi chúng cầm cái mũ lật ngửa đi quanh vòng nguời xin tiền thưởng mỗi khi một tiết mục kết thúc. Không thể không nói tới một “họa sĩ” nghiệp dư ngồi vẽ tranh phong cảnh và viết “thư pháp” chữ Việt bằng một loại bút đặc biệt, bút có thể cùng một lúc, vạch trên giấy năm nét vẽ (giống bút kẻ “khuông nhạc” nhưng to hơn) khiến những chữ viết câu khẩu hiệu trên tấm giấy lớn có một hình hài khá đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều nguời. “Tác phẩm” thường chỉ thấy những bức tranh quen thuộc, khi là một nếp nhà giản dị nép bên một gốc cổ thụ, phía trên là bầu trời có những cánh chim; khi là dòng sông, bên kia là mấy cây dừa và hình nguời phụ nữ với chiếc khăn “rằn”; rồi tranh ngũ quả, tranh cuốn thư, … Đó chính là những món quà lưu niệm cho khách phương xa tới thăm Thủ đô. Chính những bức tranh này là nguồn cội của “trường phái” tranh Bờ Hồ khá phổ biến một thời.

Bến đỗ xe ở gần đài phun nước xưa là bến tàu điện khá tấp nập. Đây là bến đỗ của bốn tuyến đường tàu điện: Cầu Giấy, Hà Đông, Bưởi và Bạch Mai. Liên tiếp có những chuyến tàu đi, đến với tiếng chuông “leng keng” và tiếng rao hàng đủ loại của cả trẻ con và nguời lớn.

Nhà Thủy tạ vẫn có hình dáng không thay đổi nhưng khi ấy còn là phòng đọc sách của Thư viện Hà Nội. Sách còn ít (vì khi ấy ta cũng chưa xuất bản được nhiều sách), tên sách chỉ niêm yết trên những tờ giấy khổ lớn dán trên khung gỗ. Mặc dù thế, đây cũng là một địa điểm hấp dẫn với đám học trò thời ấy. Phía hiệu kem Hồng Vân và Long Vân, món quà sang trọng với đám học sinh  còn lại tới nay là mấy hàng bán bánh tôm, thịt bò khô, quà bình dân dành cho đám học trò con trai mà giờ đã không còn dấu vết.

Phía sau tòa báo Nhân dân tới ngã ba Hàng Trống, Lê Thái Tổ là mấy “ki-ốt” gỗ dành bán các món ăn miền Nam. Vốn từ khi có bà con miền Nam tập kết ra Bắc, ở 16 Lê Thái Tổ hình thành Câu lạc bộ Thống nhất, nơi những nguời miền Nam tới đây sinh hoạt và tìm bạn đồng hương. (từ “đồng hương” cũng thịnh hành từ thời kỳ này). Mấy “ki-ốt” này thường bán những món ăn miền Nam khi ấy còn xa lạ với nguời Hà Nội: trứng vịt lộn, bún bò Nam bộ, …Khu vực này đặc biệt đông vào tối thứ 7 và ngày chủ nhật, người miền Nam ở nhiều tỉnh cũng về đây tụ hội nhân chủ nhật hay ngày lễ, Tết.

Qua hơn nửa thế kỷ, vẻ đẹp thuần khiết, dung dị, gần gũi xưa hầu như giờ đã vắng bóng thay vào đó là những chăm chút, xén tỉa khá công phu. Hồ Gươm đã có biết bao đổi khác. Những hàng cây rợp bóng; những luống hoa rực rỡ sắc màu, những con đường lát gạch, đá phẳng phiu và sạch sẽ, …khiến nơi đây chẳng khi nào vắng nguời. Hình như cái duy nhất còn lại mang hình bóng cũ là những con rùa. Xưa, vào dịp mùa thu, trong những ngày nắng hanh, mỗi khi qua đây, tôi thường thấy đám trẻ con í ới gọi nhau, chỉ trỏ xem con rùa bơi “lóp ngóp” trên mặt hồ hay nằm phơi nắng dưới chân Tháp Rùa. Nhưng ngay con rùa (không biết có phải từ thuở ấy) cũng đã không còn là chính nó. Con rùa chỉ hấp dẫn được mấy đứa trẻ con và ít nguời hiếu kỳ xưa kia nay đã được “phong Thánh”, trở thành “cụ Rùa” với biết bao nhảm nhí hoang đường nhưng đã mang lại không ít bổng lộc “tiền tươi thóc thật”  cho các tác giả của nó, những kẻ có đầu óc “siêu nhân”.

Nhớ biết bao những hình ảnh của một thời thanh bình và giản dị, chất phác và thiện lương:

Hồ Gươm hôm nay chiều về thu

Làn nước xanh xanh lặng lờ trôi soi bóng Tháp Rùa

…..

Hồ Gươm thân yêu của thủ đô

Hồ Gươm bông hoa của thành phố

Tỏa hương ngát lành

Trong mỗi nguời, như nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm xưa…

 Mùa thu 2015

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here