Trước những năm 80 của thế kỷ trước, trong nhà trường, chưa thấy hiện tượng “ngồi nhầm lớp” hay nếu có cũng rất cá biệt, vì năm nào cũng có những học sinh kém, không theo kịp trình độ chung phải ở lại lớp (ở lại lớp thẳng hoặc được thi lại nhưng không đủ điểm trung bình).
Trong dịp nghỉ hè, những học sinh yếu môn nào đều phải cố gắng ôn tập, bù đắp lại những kiến thức thiếu hụt để có thể được lên lớp sau khi thi lại. Những “lỗ hổng” kiến thức của một vài môn trong năm học sẽ được bù đắp không mấy khó khăn sau ba tháng hè, cho nên, vào năm học mới, nhìn chung, học sinh được lên lớp trên đều có đủ trình độ để tiếp thu những kiến thức mới. Những học sinh tư cách đạo đức “có vấn đề” cũng lập tức bị loại. Có thể họ xin thôi học vì thấy lạc lõng, cũng có thể nhà trường đuổi học vì vi phạm tới những chuẩn mực đạo đức thông thường. Sự sàng lọc thường xuyên qua từng năm khiến hầu hết học sinh đều có đủ những phẩm chất cần thiết về trí tuệ và tư cách để tiếp tục theo học các lớp trên. Nhưng hãy coi chừng, nếu chủ quan, chỉ cần lơ là, chểnh mảng sẽ có thể bị loại vào năm học tới. Vì thế, cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, học sinh luôn luôn phải nỗ lực, phải không ngừng phấn đấu và ngày khai giảng được diễn ra trong không khí hồ hởi với biết bao dự định tốt đẹp của mỗi học sinh. Cho nên vào những năm ấy, học sinh tới cấp PTTH đã rất trưởng thành, họ sẵn sàng bước vào đời với nhiều hoài bão, ước mơ.
Từ khoảng những năm 80, kinh tế khó khăn, thầy và trò đều không đủ điều kiện để làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm của nguời thầy suy giảm, sự cố gắng của học sinh cũng hạn chế nên số học sinh phải ở lại lớp hàng năm lẽ ra nhiều hơn mức bình thường. Chết nỗi, các nhà quản lý giáo dục luôn luôn muốn chứng tỏ mình là nguời nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của lãnh tụ “dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm thi đua dạy tốt học tốt” cho nên giáo viên mọi lớp đều được giao chỉ tiêu thi đua hạn chế thấp nhất số học sinh phải ở lại lớp. Học sinh phải ở lại lớp thì nhiều nhưng cho ở lại lớp thì phải hạn chế, biết cho ai ở lại và ai được lên lớp? Thế là “tặc lưỡi” cho qua, không còn học sinh bị ở lại, chỉ “dọa” bắt thi lại. Nhưng tới khi thi lại thì cũng chỉ “diễn”, bằng đủ mọi cách để học sinh đều được lên lớp. Đối tượng phải thi lại dần cũng nhận ra điều ấy nên họ cũng rong chơi suốt dịp hè. Cả năm đã không học rồi, hè tới, nóng nực như thế sao học được? Rồi lại thêm chỉ tiêu giữ vững sĩ số, không để học sinh bỏ học khiến những học sinh học kém, chán học cũng vẫn phải đến trường vì các thầy cô giáo được phân công tới vận động mặc dù họ hoàn toàn không có hứng thú. Thế là họ tới trường chỉ vì bị ép buộc, không tìm thấy niềm vui trong sự tìm tòi, hiểu biết, họ tất phải nghịch ngợm, tìm đủ mọi trò để mua vui cho thời gian từng tiết học, từng buổi học mau trôi qua. Ngồi trong lớp chẳng cần nghe giảng, về nhà không cần học, làm bài, thế mà cuối năm vẫn được lên lớp vì thầy cô không thể cho ở lại lớp. Việc cho học sinh lên lớp hoàn toàn không có sự sàng lọc ấy để nhà trường hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi đua do cấp trên giao, sự nghiệp giáo dục được tiếng không ngừng phát triển mặc dù hoàn cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn, …Duy có cái hại cho rất nhiều nguời thì không mấy ai quan tâm vì những nguời có trách nhiệm luôn được đảm bảo rằng “nó trừ mình ra”.
Ban đầu, nhiều giáo viên còn thấy băn khoăn, áy náy nhưng sau thì quen dần. Ý thức trách nhiệm, tâm huyết, … cũng trở thành một thứ hàng xa xỉ trong phẩm chất của những nguời đứng trên bục giảng. Đặc biệt từ giữa những năm 90, khi các loại danh hiệu thi đua, số học sinh được xếp loại học lực khá, giỏi lạm phát thì hầu như không còn học sinh phải ở lại lớp. 100% học sinh được lên lớp là điều không thể có trên khắp hoàn cầu nhưng rất bình thường ở mọi trường, mọi lớp trên đất nước Việt Nam ta.
Vì không được sàng lọc nên càng ngày những học sinh ấy kiến thức càng thêm thiếu hụt, dẫn tới tình trạng học sinh đã tốt nghiệp tiểu học nhưng vẫn chưa biết đọc và chỉ viết được mỗi cái tên của mình; học sinh lớp 9 chưa thuộc các hằng đẳng thức đáng nhớ và gần đây nhất, trong kỳ thi vừa qua, hầu hết học sinh chỉ đạt từ điểm 2 đến điểm 3,5 ở môn Tiếng Anh, còn các môn khác, rất nhiều học sinh chỉ được “0” điểm. Đó chính là những học sinh đã không biết “ngồi nhầm lớp” từ bao giờ. Nếu kỷ luật phòng thi được thực hiện nghiêm túc hơn, chắc chắn số học sinh này không chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn ấy.
“Ngồi nhầm lớp” trước hết có tác hại đối với bản thân học sinh đó, hàng năm, họ vẫn được lên lớp chỉ nhờ chép bài của bạn khi làm bài kiểm tra còn đầu óc thì rỗng tuếch. Và đó cũng chính là nguyên nhân để rất nhiều học sinh hiện nay “có lớn mà không có khôn” theo cách nói xưa hay “lớn tuổi nhưng chưa trưởng thành” như cách nói ngày nay. Do chỉ tới lớp ngồi cho có mặt nên đây chính là những đối tượng thường gây rối trong lớp học. Họ quấy phá, trêu chọc bạn bè, thậm chí “gây sự” cả với các thầy cô giáo. Thế là, trong một tiết học, thầy cô giáo phải để không ít thời gian làm nhiệm vụ của “cảnh sát” để duy trì kỷ luật, trật tự, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập của cả lớp. Vừa qua, dư luận có lên tiếng phê phán một số giáo viên đã có những thái độ thiếu chuẩn mực với học sinh khi giảng dạy. Tôi không phủ nhận hiện nay, có những giáo viên yếu về đạo đức tư cách, kém về nghiệp vụ sư phạm, … nhưng công bằng mà nói, không ít giáo viên đã mất kiểm soát hành vi hay lời nói chính do chịu sức ép của số học sinh “ngồi nhầm lớp”. Ai đã từng đi dạy, đã phải đối mặt với những học sinh loại này mới có thể thông cảm với giáo viên. Chính những đối tượng ấy đã khiến nhiều thầy cô phải “phát điên”.
Trong thi cử, chính những học sinh “ngồi nhầm lớp” này là những nguời luôn luôn vi phạm các quy chế. Vì sao trước đây, thái độ sai trong khi làm bài kiểm tra hay thi cử là chuyện hiếm có thì giờ đây đó lại là hiện tượng phổ biến, gian lận trong thi cử nay đã trở thành “công nghệ”, đã thành “quy trình”. Nguyên nhân rất quan trọng là học sinh ngày trước đều có học lực trung bình trở lên, và với sức học ấy, họ có thể làm được bài thi mà không cần bất cứ sự gian lận nào. Giờ đây, số học sinh “ngồi nhầm lớp” khá đông, không gian lận, sao làm được bài? Và họ vừa là những kẻ “đầu têu” cho gian lận, vừa là nguời làm gương để một số học sinh lười biếng không chăm chỉ học tập, chỉ trông chờ vào gian lận mỗi khi thi cử.
Cho nên, nếu thanh toán được tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” tôi tin chắc các nhà trường sẽ có được một bầu không khí mới, một môi trường trong lành rất cần thiết cho việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Việc thanh toán tình trạng “ngồi nhầm lớp” sẽ mang lại những lợi ích thiết thực sau đây:
- Tiết kiệm được không ít tiền của để nuôi dạy số học sinh không nhỏ này trong nhiều năm mà không mong đợi kết quả gì tốt đẹp. Quan trọng hơn, có thể sử dụng những năm tháng tuổi trẻ của họ vào những công việc hữu ích tùy vào khả năng của từng nguời, tránh lãng phí cái tuổi thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.
- Chấm dứt tình trạng “ngồi nhầm lớp” mới có thể tiến hành phân luồng triệt để sau khi học sinh hoàn thành chương trình THCS. Nếu còn để cho học sinh “ngồi nhầm lớp”, tâm lý cho con học lên PTTH vì coi đó “oai” hơn học nghề đang còn rất phổ biến trong nhiều cha mẹ học sinh. Chẳng phải cải cách giáo dục năm 1981 đã có chủ trương phân luồng nhưng rồi thất bại vì chấp nhận học sinh “ngồi nhầm lớp” đó sao?
- Hàng năm, sự sàng lọc chính là những lời nhắc nhở hữu hiệu nhất khiến mọi học sinh đều phải chăm chỉ học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Cha mẹ ở nhà hay thầy cô ở trường cũng không cần mất quá nhiều thời gian cho công việc này mà hiệu quả chắc sẽ rất cao.
- Học sinh trong lớp có trình độ trung bình trở lên sẽ tạo nên một không khí học tập hăng say, vừa phát huy được tính tích cực của học sinh, vừa tạo điều kiện để nguời thầy nâng cao tinh thần trách nhiệm và nâng cao lòng yêu nghề. Nó khiến cả thầy và trò đều được làm việc trong một môi trường lành mạnh rất cần thiết cho việc giảng dạy và học tập, những hoạt động thiên về trí tuệ.
- Trong các cuộc thi cử hiện nay, phong trào “toàn dân đi thi” đã khiến gian lận trở thành phổ biến. Nó phổ biến tới mức chắc không có cách gì có thể ngăn chặn. Nhưng một khi không còn học sinh “ngồi nhầm lớp”, chuyện gian lận trong thi cử sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất. Gian lận không thể bị “tận diệt” nhưng nó sẽ chỉ còn là những hiện tượng cá biệt như vốn có trong lịch sử thi cử ở mọi lúc, mọi nơi.
Mang tính hiệu quả rất cao, sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động của nhà trường nhưng chi phí cho chuyện chấm dứt tình trạng “ngồi nhầm lớp” không nhiều. Tôi tin rằng, nếu có quyết tâm mọi việc sẽ có thể hoàn thành trong thời gian 3 đến 4 năm, và tất nhiên sau đó, chỉ còn là công việc đảm bảo để chủ trương được duy trì lâu dài như nó đã vốn có. Cũng chẳng cần có kế hoạch, phương hướng gì nhiều, chỉ cần Bộ đưa ra chủ trương không cho những học sinh yếu kém được lên lớp và tổ chức thanh, kiểm tra cẩn thận, xử lý nghiêm những trường hợp để “lọt lưới”, tôi tin việc này sẽ được tiến hành trong sự đồng thuận của hầu hết giáo viên, nhất là những nguời có tâm huyết.
Ngay trong năm học này, nếu Bộ Giáo dục muốn làm, vẫn còn kịp.
Năm 1953 từ quê Ý Yên ra Nam Định ,xin thày Đồng Sơn Nguyễn văn Luân (trường nguyễn bá Hoc)cho vào lớp 5.Được 1 tuần thày bào cầm vở theo thày sang lớp 4 vì thày thấy tôi đọc ,viết thông thao,biết làm phép toán cộng trừ,Cũng ngồi nhầm lơp nhưng thay xet học lưc từng học trò để xếp lên lớp cao hơn.
tôi vẫn nhớ thày Luận ở phố Hàng Đồng NamĐịnh
Các em đó lên lớp “đúng quy trình”.
Chỗ nào cũng ngồi nhầm,đâu chỉ học trò
Thầy ơi, ở một trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mà mỗi lớp hệ THCS cũng có từ một đến vài h.s ngồi nhầm lớp, thậm chí h.s lớp 9 còn không làm được toán lớp 3. Hiện tượng này không phải là hiếm ở GD Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung thầy ạ.