1. Trước 1955, vùng tự do (do ta kiểm soát) ở Việt Bắc có 3 trường cấp 3 (tương đương PTTH này nay) là Hùng Vương (Phú Thọ), Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) và Tân Trào (Tuyên Quang), khu 4 có 2 trường Lam Sơn (Thanh Hóa) và Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An). Gọi là trường nhưng mỗi nơi chắc cũng chỉ khoảng chục lớp. Cả Hà Nội khi ấy là vùng tạm chiếm cũng chỉ có 3 trường: Trưng Vương (dành cho nữ sinh), Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Sau khi tiếp quản Hà Nội, mới có thêm trường Phổ thông cấp 3 dành cho học sinh từ vùng tự do về Hà Nội vì ở hai nơi thực hiện hai hệ thống giáo dục khác nhau. Còn các tỉnh, nhiều nơi chưa có trường cấp 3, ai muốn học, phải về Hà Nội trọ học. Mãi tới đầu những năm 60, mỗi tỉnh mới có 1, 2 trường cấp 3. Các trường được mở ra hầu khắp các huyện từ năm 1965, khi chiến tranh mở rộng ra miền Bắc. Thêm trường trước hết để phân tán, tránh tập trung đông nguời. Có lẽ tổng số trường ở miền Bắc khi ấy chưa bằng số trường của một tỉnh hiện nay.

Vì ít trường, giáo viên và học sinh đều được chọn lọc tương đối kỹ càng nên mọi mặt trong đó có thi cử đều được thực hiện tương đối nghiêm túc. Điều kiện vật chất rất  thiếu thốn nhưng tinh thần, thái độ làm việc vẫn còn ảnh hưởng từ thời “thực dân đế quốc” nên dù chắc chắn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót, thậm chí cả gian lận nhưng tất cả đều chưa trở thành phổ biến. Năm ấy, không hiểu trường tôi được ở đâu cho một cái máy phát điện (khi ấy gọi là cái máy nổ). Thế là tháng chuẩn bị cho kỳ thi, nhà trường đi xin “xăng” ở mấy đơn vị bộ đội dạy lái xe, tổ chức chạy máy nổ để học sinh tới trường ôn tập (mọi năm học sinh cũng tập trung nhưng đều phải dùng đèn dầu). Cái máy chỉ thắp sáng được khoảng chục bóng đèn loại 40W nhưng đã là niềm tự hào của cả thầy lẫn trò. Cái máy nổ khi ấy được coi là “của hiếm”, chỉ có một nguời biết sử dụng, đó là một anh giáo viên dạy Lý. Tới kỳ thi, chắc cũng để “khoe” với giáo viên các trường bạn, nhà trường quyết định không cử anh đi coi thi, giữ ở lại trường, tối đến, chạy máy nổ phục vụ Hội đồng coi thi. Đến buổi thi môn Vật lý, mọi người đều thấy thầy dạy môn ấy suốt buổi ngồi dưới một gốc cây giữa sân trường, chăm chú đọc cuốn sách. Có nguời hỏi, sao không vào nhà ngồi mà đọc. Anh ấy cười, trả lời rằng: ngồi đây để mọi người thấy mình hoàn toàn không có chuyện gì “dính dáng” đến thi cử. Chẳng ai bắt, nhưng lòng tự trọng khiến anh đã có sáng kiến để mọi người “chứng giám” cho sự trong sáng của mình. Những ngày thi cử nhiều khi nóng nực đến kinh nguời. Đã có một số lớp học được lợp ngói, nhưng vì nhà thấp nên vào những ngày nắng nóng, lớp học chẳng khác gì cái lò bánh mì. Học sinh tất nhiên phải chịu cái nóng nung nguời để ngồi làm bài, nhưng giám thị cũng ai ở vị trí đó, rất nghiêm chỉnh, mắt luôn theo dõi học sinh, chỉ có một tay phe phẩy cái quạt nan, một tay cầm khăn lau mồ hôi. Lưng áo ai cũng ướt đẫm nhưng không thấy ai dám bỏ ra ngoài.

Đi coi thi, chấm thi khi ấy được coi là một nhiệm vụ. Hàng tháng hưởng lương, trừ những ngày hè được nghỉ, còn không đi dạy thì đi coi, chấm thi. Không ai nghĩ đến có tiền thù lao. Khoản duy nhất được thêm  là tiền nước uống ở Hội đồng chấm thi. Số tiền ít lắm nên chẳng ai lĩnh. Tới hôm họp tổng kết, Tổ trưởng thường mua bánh rán, mỗi nguời được vài ba cái, coi như liên hoan chia tay.

 2. Trước 1975, trong kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông, Bộ Giáo dục có quy định điều động khoảng 50% giám thị và giám khảo tới tham gia việc coi, chấm thi ở tỉnh ngoài. Như vậy, mỗi phòng thi có hai giám thị của hai trường khác nhau (không được có giáo viên trường sở tại) và mỗi bài thi bao giờ cũng được chấm bởi hai giám khảo của hai tỉnh khác nhau. Cách làm này có rất nhiều điều lợi. Trước hết tính nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm được đề cao. Giáo viên được chọn đi làm nhiệm vụ ở tỉnh ngoài là nguời được tin cậy về nhiều mặt, vì thế họ luôn đúng mực và thực hiện tròn bổn phận, vừa do tự trọng, vừa là để giữ “tiếng” cho tỉnh mình. Chủ tịch Hội đồng chấm thi ở mỗi tỉnh cũng chỉ là một Hiệu trưởng nhưng do Bộ lựa chọn, cử tới nên ông ta không chịu sức ép của chính quyền địa phương. Những nguời giúp việc đều do ông ta đưa tới, vì thế, thái độ làm việc chung thường là “thẳng như nòng súng, rắn như hòn đạn” (nói theo cách của nhà văn Nguyễn  Công Hoan). Còn nhớ năm 1973, với tư cách giáo viên tỉnh ngoài được cử về Hà Nội làm nhiệm vụ: Qua kiểm tra hồ sơ, Hội đồng coi thi phát hiện ở trường V. có 4 học sinh mặc dù học bạ ghi phải ở lại lớp 8 (hoặc lớp 9) nhưng vẫn học lớp 9 rồi lên lớp 10, Hội đồng quyết định xóa tên  khỏi danh sách vì như thế là không đủ điều kiện  dự thi. Hiệu trưởng trường này là vợ một ông Tướng (cực hiếm khi ấy) vốn có “truyền thống” coi Giám đốc Sở chẳng ra gì làm đủ cách để “chữa cháy”. Nhưng Chủ tịch Hội đồng coi thi là một nguời không thuộc quyền quản lý của Hà Nội, nên ông ta cứ đúng theo quy chế mà làm. Cũng có thể sự việc này chỉ có tác dụng nhắc nhở mỗi khi làm chuyện khuất tất cần phải cẩn trọng kẻo “cái sẩy nảy cái ung” nhưng dù sao nó cũng là một biểu hiện của sự nghiêm túc. Một chuyện nữa: khi lên điểm, Chủ tịch Hội đồng chấm (một Hiệu trưởng ở Nghệ An) đã “cảnh giác” chỉ sử dụng các giáo viên tỉnh ngoài, giám khảo của Hà Nội không được “lai vãng”.  Qua ngày đầu kiểm tra, bỗng phát hiện có một bài thi bị điểm “1” mà trong bảng điểm ghi thành “10”, Chủ tịch bèn hạ lệnh, khi lên điểm tất cả các bài thi có điểm  “0” và “1” đều phải báo để ông tới ký, xác nhận sau  khi tận mắt thấy bài thi. Chuyện này không có trong Quy chế, nhưng ý thức trách nhiệm khiến nguời chủ trì công việc có những biện pháp kịp thời để đảm bảo không thể gian lận. Mọi việc xong xuôi, ông Chủ tịch gửi kết quả lên Bộ, không cần quan tâm tỷ lệ đỗ cao hay thấp. Thế là hết trách nhiệm, có thể yên tâm “lên đường về nước”, không chịu bất kỳ sức ép nào. Cho nên, những năm 70 về trước, thi Tốt nghiệp, trường nào đỗ được 80% đã là giỏi lắm.

Ai được cử đi coi, chấm thi ở tỉnh ngoài chứng tỏ được tin cậy. Nhưng nó chỉ có giá trị tinh thần, còn về vật chất thì thật cơ cực. Phương tiện đi lại khó khăn khiến giáo viên khá vất vả. Nhớ năm được cử đi Hà Bắc: đi tàu hỏa từ Hà Nội lên Bắc Giang, cuốc bộ tới Ty Giáo dục ở nơi sơ tán, đến lúc ấy mới biết được phân công về coi thi ở trường Hàn Thuyên (thuộc thị xã Bắc Ninh) và chấm thi luôn ở đấy. Thế là lại lóc cóc ra ga, đợi tàu về Bắc Ninh, rồi bằng xe “căng hải” tới trường Hàn Thuyên cách nhà ga hơn 2 cây số. Ba ngày coi thi ăn ở ngay tại trường. Chỗ ở chỉ là lớp học, ngủ trên hai cái bàn học sinh ghép lại (chăn, chiếu, màn phải mang theo). Các bữa ăn ba hôm coi thi được trường sở tại lo nên còn tươm tất (cũng là do hiếu khách thôi, chưa mang tính chất mua chuộc như bây giờ). Nhưng suốt chục ngày chấm thi thì … đói. Có hôm mấy “giám khảo trường thi” nguời tỉnh ngoài buổi tối phải mượn xe đạp, đèo nhau ra thị xã tìm cái ăn. Quanh quẩn mãi không tìm được gì, cuối cùng đành mua mấy quả dưa bở vào ngồi nhờ quán nước trước cửa Nhà thờ chấm muối. Khổ thật, vất vả thật, nhưng nhiều nguời vẫn thích. Vì đó là những dịp hiếm có để được “biết đó biết đây”. Du lịch khi ấy chưa phổ biến, đi chấm thi trở thành  dịp để mở mang tầm mắt, để thoát khỏi sự quẩn quanh trong một phố huyện nghèo với những ánh đèn dầu le lói.

Hà Nội thì hiếu khách hơn. Giáo viên về coi chấm thi được ăn ở tại Nhà khách của Ủy ban trên phố Lê Thái Tổ (gần báo Hà Nội mới bây giờ). Hôm kết thúc, được Ủy ban chiêu đãi tại khách sạn Phú Gia. Buồn cười, khi mọi người đã đông đủ, thức ăn đã bày cả trên bàn vẫn chưa được đụng đũa, cứ nguời nọ nhìn nguời kia. Hỏi ra mới biết phải  chờ ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Thành phố tới làm chủ tiệc. Nhưng mà Hà Nội không biết có phải còn nghèo quá không mà  chỉ mời giáo viên các tỉnh, còn giáo viên Hà Nội có đi chấm thi nhưng không được mời.

Cũng phải nói thêm, nguời ta làm việc nghiêm túc bên cạnh lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm còn do kỷ luật nghiêm khắc. Năm đi Sơn La, Chủ tịch Hội đồng coi thi là  anh K. Hiệu trưởng trường H. ở Hà Tây. Trường ở Sơn La có 2 lớp 10, 4 phòng thi, việc thi cử cũng nhẹ nhàng. Hôm trước thi xong, sáng hôm sau, Chủ tịch chuẩn bị đem bài thi nộp lên Hội đồng chấm. Mang gói bài thi đã niêm phong cẩn thận (chỉ khoảng bằng hai, ba  “ram” giấy A4) ra xe đạp để ở ngoài hiên, anh phát hiện quên cái dây “chằng”. Vào nhà lấy, tiện mang theo cả tư trang, chắc chỉ trong khoảng vài ba phút, quay ra thì gói bài thi đã không cánh mà bay. Bao nhiêu nguời tìm nháo nhác cả tiếng đồng hồ mới phát hiện “nó” được vứt ở một bụi cây trong rừng. Gói bài thi đã bị xé rách, có những chỗ ướt sương đêm nhưng không đến nỗi phải tổ chức thi lại. Sau công an tìm được thủ phạm là một học sinh có hành động “trả thù” do bị lập biên bản hủy kết quả vì phạm quy chế thi. Không biết học sinh đó bị xử trí thế nào, nhưng ông Hiệu trưởng năm ấy về bị cách chức.

 3.  Chuyện thi cử bắt đầu “nhảm” từ sau 1975, nhất là cuối những năm 70. Kinh tế khủng hoảng, thầy chẳng thiết dạy, trò chẳng thiết học nên kết quả chấm thi rất thấp. Khó khăn về kinh tế khiến chủ trương cử giáo viên đi coi, chấm thi ở tỉnh ngoài bị bãi bỏ. Thế là chỉ còn nội bộ trong tỉnh với nhau, Ủy ban yêu cầu Sở làm sao để không kém năm ngoái, không thua tỉnh bạn, vì hàng năm con số thi đỗ Tốt nghiệp vẫn vang lên đầy tự hào trong các báo cáo của Hội đồng nhân dân. Sở ép Chủ tịch Hội đồng chấm thi, … “Dùi tới đục, đục tới chạm”, giáo viên luôn được kêu gọi phải vận dụng đáp án một cách “uyển chuyển”. Tập bài nào điểm thấp chưa vừa ý thì lãnh đạo đưa xuống cho giám khảo chấm lại. Đang cần thời gian để kiếm gạo nuôi con nên giám khảo chẳng cần bảo chấm lại, họ “phóng tay” trước để nhanh chóng về sớm lo việc nhà. Thấy chuyện chấm thi tùy tiện, làm ăn nghiêm chỉnh chẳng có ý nghĩa gì nên coi thi cũng nặng hình thức, ra vẻ nghiêm nhưng chẳng ai làm thật, vì nghiêm chỉnh thì mệt lắm. Thế là chẳng cần mất thời gian, công sức, tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp ngày càng cao. Mà còn cao hơn nhiều so với trước.

Đời sống khó khăn, muốn giáo viên đi coi, chấm thi nên sinh ra tiền bồi dưỡng. So với nhiều ngành khác, đống tiền bồi dưỡng chẳng bằng “cái mắt muỗi”, nhưng trong cái nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”, so với đồng lương, khoản tiền này không phải là nhỏ. Nhưng đó là với những nguời không có khả năng luyện thi. Đây là “thời vụ” chuẩn bị thi vào lớp 10 nên những giáo viên tham gia  luyện thi (thường là những giáo viên có năng lực) rất đắt khách, chẳng mấy ai “mặn mà” với những khoản tiền ấy. Họ tìm nhiều cách để “trốn”. Những ai không “trốn” được thì tìm mọi cách chấm cho nhanh xong mức “khoán” để về “đi cày”. Từ đó sinh ra các “vua lia”. Đây không phải nói tới một vở kịch, một nhân vật trong kịch của W. Sêc-xpia (William Shakespeare), nhà viết kịch nguời Anh thế kỷ 16. Nó là cái tên thông dụng đặt cho nhiều  giám khảo trong các kỳ chấm thi hàng năm vào dịp hè. Mỗi  buổi sáng, chiều, các “vua” chỉ mất khoảng tiếng đồng hồ là hoàn thành số bài phải chấm. Mỗi ngày, dù hai ba ca luyện thi, học sinh vẫn không cần nghỉ. Vì “dễ nguời dễ ta” nên tất cả những bài được lãnh đạo yêu cầu nâng điểm, các “vua” đều “chuẩn tấu” dễ dàng. Tôi đã thấy có bài đang 4 điểm, được yêu cầu nâng lên thành 8 điểm, “vua” vẫn sẵn sàng “ô-kê”, ký ngay tại chỗ mà không cần hỏi lại. (Phải điểm 8 để đạt tiêu chuẩn đỗ loại giỏi, đủ điểm vào thẳng đại học). Vài ba giáo viên “ngang bướng” không chấp nhận theo yêu cầu thì năm sau sẽ được “ngồi chơi xơi nước”, thế là sinh ra chuyện phải lựa chọn khảng khái trung thực hay mất khoản tiền cỡ nửa tháng lương. Còn lãnh đạo Hội đồng thi nghe có vẻ “oai” lắm nhưng cũng còn dưới quyền Giám đốc Sở, với Ủy ban lại càng xa vời trong khi con đường tiến thân với biết bao quanh co khúc khuỷu luôn trước mặt. Thế là, dù kết quả thi rất đáng ngờ nhưng không ai thấy thế là bất thường. Nó là hết sức tất yếu  nếu ai muốn tồn tại, không bị hất văng ra khỏi guồng máy.

Coi thi cũng dễ dãi. Hiệu trưởng trường nào khi làm Chủ tịch Hội đồng coi thi cũng nhận từ Hiệu trưởng trường sở tại một tờ “sớ” ghi họ tên, số phòng thi cùng số báo danh những học sinh cần quan tâm và tất cả đều ngầm hiểu những sự thuận lợi về ăn ở, vui chơi trong mấy ngày làm nhiệm vụ phải xa gia đình được đổi bằng những quan tâm này. Chủ tịch bèn giao nhiệm vụ cho những nguời tâm phúc đi coi thi cùng, phân công họ vào các phòng thi cần thiết. Tất nhiên các giám thị này đều ra sức hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà cấp trên giao cho. Chưa kể, mỗi giám thị cũng mang theo những “lá sớ” riêng, không có khó khăn nào có thể cản được bước họ. Thế là sợ bị phản ứng, giám thị không thể giữ nghiêm với các thí sinh khác, thí sinh trong phòng thi vô tình trở thành “nguời được hưởng lợi” tha hồ xem, chép bài của những nguời làm được. Chỉ thí sinh nào thuộc diện đặc biệt mới có nguời đưa bài giải tới tận tay, những bảo vệ, nguời phục vụ của Hội đồng thi chính là các “giao liên” vô cùng “linh hoạt”. Với cái phù hiệu đeo trên ngực, họ có thể tới nhiều nơi trong trường thi mà không sợ ai ngăn cản.
Từ khoảng giữa những năm 90, “quy trình” thi được hoàn chỉnh bởi có thêm sự chuẩn bị trước kỳ thi của các Hiệu trưởng, họ có những cuộc “vận động hành lang” để Hiệu trưởng là  nguời “cánh hẩu” về làm nhiệm vụ coi thi ở trường mình. Với mọi trường, tỷ lệ đỗ cao đã quan trọng, với các trường dân lập, tỷ lệ đỗ cao còn là sự sống còn, thấy kỳ thi vừa diễn ra đỗ tỷ lệ cao, mùa tuyển sinh ngay sau đó sẽ rất thuận lợi. Vì thế, các Hiệu trưởng dân lập thường đi tiên phong trong các cuộc vận động này.

Hồi nhỏ, tôi thấy nguời bán hạt sen khô (chưa bóc vỏ) có một cái bảng gỗ trên đó khoét đủ 100 cái lỗ. Khi bán, nguời ta không cần đếm, cứ bốc hạt sen cho lên cái mặt gỗ ấy rồi lắc lắc mấy cái, hạt nào sẽ vào lỗ ấy. Nguời bán không cần đếm, nguời mua cũng chỉ nhìn thoáng là thấy rõ 10 x 10. Rất nhanh chóng và chính xác. Cái “quy trình” thi cử giờ  cũng như thế, chẳng có ai quy định, càng chẳng có “giấy trắng mực đen”, nhưng cuộc sống tự vận hành rồi đi tới hoàn chỉnh và luôn luôn được bổ  sung để không bao giờ trở thành lạc hậu.

Ngày mới áp dụng thi trắc nghiệm, ai cũng nghĩ điểm thi sẽ rất thấp (vì khó gian dối). Nhưng nguời ta đã có cách đối phó rất hữu hiệu. Tôi chắc sau ngần ấy năm, Bộ Giáo dục chẳng lạ gì những mẹo vặt ấy. Nhưng không hiểu sao, Bộ không hề có phản ứng gì, cứ mặc cho mọi sự diễn ra. Thế là cách thi trắc nghiệm mà nhiều nguời tưởng là tiến bộ, khó gian lận  dễ dàng bị vô hiệu hóa.

Từ coi thi đến chấm thi đều dễ dãi, kết quả luôn tiệm cận 100% nên đã không ít nguời đòi nên hủy cái cuộc thi toàn giả dối này. Những đòi hỏi ấy không hoàn toàn vô lý.

 4. Quy chế thi trên giấy trắng mực đen thì nghiêm lắm, con kiến cũng không thể chui lọt. Mỗi lời nói khi điều hành thi cử cũng vào loại “có gang có thép” cả, không thể ai lơ mơ. Nhưng tất cả đều “nói vậy mà không phải vậy”, nguời ta đều ngầm hiểu với nhau những luật riêng trong cuộc chơi.

Thi cử thời nào chắc cũng không hoàn toàn tránh khỏi sự gian dối, ai đọc “Lều chõng” của Ngô Tất Tố thì biết. Nguời Pháp từ xưa, trong coi chấm thi đã đưa ra những quy định để bất cứ trường hợp nào, có thể truy cứu đến trách nhiệm của từng nguời. Hai bài trong phòng thi có những biểu hiện sai giống nhau, nghi vấn có quay cóp, nguời ta có thể biết môn thi ấy, hai thí sinh ấy ngồi ở vị trí nào, và những ai là giám thị trong phòng? Khi phúc khảo gặp trường hợp điểm số sai bất thường, cũng có thể dễ dàng biết những ai là nguời đã chấm bài thi ấy để xem xét trách nhiệm. Nhưng tất cả những quy định của Quy chế thi hiện nay đều mang tính chất đối ngoại, để cho những nguời “ngoài cuộc” hiểu rằng việc coi, chấm thi rất nghiêm túc, không thể có những kẽ hở. Còn những nguời trong cuộc đều tặc lưỡi bỏ qua. Không phải bài thi nào phúc khảo có kết quả điểm cao hơn cũng do giám khảo chấm sai, vậy thì hỏi tới giám khảo làm gì cho lộ chuyện? Có những bài thi dùng mực khác màu, viết kiểu chữ in hoa cả dòng đầu tiên để đánh dấu bài, thí sinh ấy lẽ ra phải bị cảnh cáo nhưng không ai muốn “bới bèo ra bọ” vì “dễ nguời dễ ta”, vì “dứt dây động rừng”, … và rất nhiều cái “vì” khác. Phần lớn mọi gian lận đều thực hiện ở khâu coi thi vì tới khâu chấm thi khá khó khăn. Nhưng đúng là “cái gì không thể mua bằng tiền nguời ta có thể mua bằng nhiều tiền hơn”, ngay khi bài thi đã chấm xong, điểm đã lên bảng,  nguời ta vẫn có thể sửa chữa từ “trượt” thành “đỗ”.  Cho nên không phải ngẫu nhiên, kỳ thi vừa qua, Bộ Giáo dục đòi quản chặt kết quả thi. Thế là những công việc của Hội đồng thi (coi và chấm) đều như những cái hộp đen chỉ có nguời trong cuộc tỏ tường.

Trước tình trạng ấy, không ít nguời bất bình, nhưng phần lớn đều mang tâm trạng “cả gan cầm đuốc đốt trời” nên đành im lặng. Có những nguời muốn đưa những ẩn khuất ra ánh sáng, trừng trị những kẻ làm bậy nhưng phần lớn đều thất bại. Sự kiện “nguời đương thời” Đỗ Việt Khoa là một điển hình. Còn nhiều chuyện xin kể vào dịp khác.

 

Coi thi, chấm thi thiếu nghiêm túc có nhiều cái hại, nhưng cái hại lớn nhất là gián tiếp thừa nhận sự gian dối, để cho một bộ phận không nhỏ học sinh lười biếng trong  học tập, hàng ngày chỉ gian lận để lên lớp, đến khi thi cử thì gian lận để trúng tuyển. Mọi học sinh đều biết nên ngay từ trên ghế nhà trường, gian dối đã là “bài học chính khóa” hàng ngày, trở thành kỹ năng với họ, thành tấm gương trước mắt họ, làm sao khi bước vào đời, họ có thể trở thành những nguời trung thực?

Giá như đừng vội cải cách với đổi mới, Bộ Giáo dục hãy chấn chỉnh sao cho có kỳ thi nghiêm túc thật sự. Việc làm này tất nhiên không phải dễ dàng nhưng không phải không thể làm được, nó có tác dụng hơn rất nhiều so với những đổi mới, cải cách, vừa nâng cao chất lượng, vừa chấn chỉnh tình trạng vô cùng lộn xộn, gian dối trong giáo dục hiện nay. Còn nếu cứ cải cách, đổi mới nhưng thi cử gian dối như vậy, phỏng cải cách, đổi mới có ích gì không, và liệu có thực hiện nổi không?

1 BÌNH LUẬN

  1. Việc học ở Miền Nam trước năm 75 chịu ảnh hưởng của người Phap nên trình độ học sinh các tỉnh nhỏ không cách biệt với các trường
    ở Saigon.Khi chấm thi các thày ở Saigon di các tinh nhỏ và ngược lai.
    Xêp thứ hang :THỨ tứ 10-12/20 Passable
    BÌNH THỨ từ 12-14 điêm/20 (ASSEZ BIEN)
    BINH từ 14-16 điểm/29 ( BIEN)
    ƯU tư 16-18 HONORABLE.>18 TÔi ƯU

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here