Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bùng nổ, sự tồn tại của triều Thanh đứng trước nguy cơ nghiêm trọng. Triều đình nhà Thanh vốn đã cực kỳ hủ bại, không thể là đối thủ của Thái Bình Thiên Quốc. Thấy tình hình như vậy, không thể yên lòng, Tăng Quốc Phiên trở về Hồ Nam, nơi có nguời em làm chỗ dựa, tổ chức một đội Tương quân (1). Qua nhiều trận ác chiến lớn nhỏ, cuối cùng, ông cũng tới được Thiên Kinh, tiêu diệt Thái Bình Thiên Quốc. Tăng Quốc Phiên vì thế cũng được coi là lập chiến công hiển hách, trở thành nguời cứu nguy cho vương triều Thanh, được suy tôn là “Trung hưng trọng thần”.
Tăng Quốc Phiên vốn tên là Thành, tự Bá Hàm, sau đổi thành Quốc Phiên, hiệu Điều Sinh. Ông sinh năm 1811 trong một gia đình địa chủ ở Dương Bình, Nam Bạch, huyện Tương Hương tỉnh Hồ Nam. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu đi học ở trường tư thục do cha mở, năm 1833, sau khi dự kỳ thi Tú tài, ông tới theo học trường học cao nhất ở Hồ Nam là thư viện Khâu Lộc (2), Trường Sa.. Năm 1838, ông tới Bắc Kinh lần thứ hai dự thi và đỗ Tiến sĩ. Khi làm quan, ông được đại thần Mục Chương A (3) khen ngợi nên luôn luôn được tiến cử vào những chức vụ cao, chỉ trong có 5 năm, ông từ một quan nhỏ thất phẩm trở thành quan nhị phẩm.
Sau khi tiêu diệt được Thái Bình Thiên Quốc, Tăng Quốc Phiên nhận thấy vẫn có thể chấn hưng vương triều Thanh, coi làm đất nước trở thành giàu mạnh là việc cấp bách. Ông cho rằng muốn như vậy phải nhanh chóng đi theo con đường học tập các nước phương Tây tiên tiến.
Đầu tháng 3 năm 1867 với tư cách quan đầu tỉnh của ba tỉnh Giang Tô, Giang Tây, An Huy, ông trở về tới Nam Kinh, từ đó, dốc toàn lực vào việc học tập các nước phương Tây. Nguời đương thời gọi việc học tập các nước phương Tây về kỹ thuật là Dương vụ, Tăng Quốc phiên trở thành nguời đi tiên phong trong cuộc vận động Dương vụ.
Trong quá trình học tập kỹ thuật của các nước phương Tây, Tăng Quốc Phiên chú trọng nhất tới việc học cách chế tạo tàu chiến và tăng cường hải quân cho triều Thanh. Đã sớm giao chiến với quân Thái Bình từ năm 1861, sau khi chiếm được An Khánh, ông cho xây dựng ở đây Sở quân giới An Khánh, thí nghiệm chế tạo máy hơi nước Từ Thọ, …; đến năm 1862 đã nắm được nguyên lý làm việc của nó. Đầu năm 1864, Thái Quốc Tường đã chế tạo thành công một con tàu nhỏ, chạy trên sông An Khánh, Tăng Quốc Phiên đích thân đi thử, sau khi chạy được tám chín dặm, ông rất vui mừng, nói:
– Con tàu này chạy nhanh mà an toàn, chúng ta phải làm tàu lớn hơn, trên tàu có thể chở được binh lính và vũ khí, nâng cao khả năng chiến đấu.
Sau khi Tương quân chiếm được Nam Kinh, Tăng Quốc Phiên dời Sở quân giới An Khánh về đây. Ở Từ Thọ, sau những nỗ lực của cha con Từ Kiến Dần, năm sau, Trung Quốc đã chế tạo được chiếc tàu thủy đầu tiên, Tăng Quốc Phiên đã đặt cho nó tên “Hoàng Hộc”.
Nhưng con tàu này chỉ là kết quả của thí nghiệm, khi đưa vào sử dụng, đặc biệt khi tác chiến còn rất nhiều khiếm khuyết. Tới năm 1867, Tăng Quốc Phiên lại trở về Nam Kinh, tiếp tục quan tâm đến việc chế tạo tàu thủy, xin một phần thuế hải quan của đất nước mỗi năm khoảng hơn 20 vạn lượng để dùng vào việc này.
Tháng 5 năm 1868 Tăng Quốc Phiên đi Thượng Hải xem xét công việc ở nơi đóng tàu do Lý Hồng Chương (4) phụ trách. Khi tới Cục chế tạo Giang Nam Tăng Quốc Phiên đi cùng lưu học sinh đầu tiên của Trung Quốc là Dung Hoằng (5) khi anh ta vừa học cơ khí ở Mỹ trở về. Sau đó, cả hai còn tham quan chiếc tàu thủy vừa chế tạo.
Cục chế tạo Giang Nam mới xây dựng cùng chiếc tàu đầu tiên vừa hoàn thành ở Thượng Hải đã để lại cho Tăng Quốc Phiên ấn tượng về sự mới lạ và nhanh chóng. Tăng Quốc Phiên quyết định phải chú ý hơn đến Cục chế tạo Giang Nam để nó có thể phát triển nhanh hơn.
Cuối tháng 8 năm 1868, Cục chế tạo Giang Nam hoàn thành chiếc tàu thủy đầu tiên, Tăng Quốc Phiên đặt cho nó tên “Điềm Cát” với ý nghĩa, dù vượt qua muôn trùng sóng biển vẫn bình an. Chiếc tàu này có vỏ gỗ, dài 185 m, rộng 27 m tải trọng 600 tấn, mỗi giờ có thể vượt qua 37 dặm. Đây là chiếc tàu thủy đầu tiên có thể sử dụng do Trung Quốc chế tạo, nhưng máy của nó vẫn phải nhập từ nước ngoài. Sau khi đóng thử, tàu chạy từ sông Hoàng Phố ra biển nhưng tới Đan Sơn Triết Giang phải quay về vì gặp chướng ngại, nhưng sự kiện này cũng gây chấn động Thượng Hải. Sau đó, ông còn lên tàu theo hành trình của nó một lần nữa.
Sau khi con tàu hoàn thành, Tăng Quốc Phiên đã báo cáo với triều đình, ngoài việc giới thiệu con tàu, nói về Cục chế tạo Giang Nam, ông còn đề xuất vấn đề tổ chức phiên dịch. Ông nói:
– Việc có nguời phiên dịch là cái gốc để có thể chế tạo, nếu không thông hiểu ngôn ngữ sẽ không thể hiểu được cái kỳ diệu của cơ khí nước ngoài. Vì thế, cần phải có nguời phiên dịch có tài.
Lúc đó, Cục chế tạo Giang Nam đã mời một nguời Anh và hai nguời Mỹ làm chuyên gia, họ đã dịch một số sách. Tăng Quốc Phiên cũng biết khi ấy, ở Thượng Hải, sách nước ngoài không khó tìm, nhưng việc phiên dịch thì không dễ, nguời phiên dịch không chỉ cần am hiểu ngôn ngữ mà còn cần hiểu biết về cơ khí về kỹ thuật mới có thể hoàn thành tốt công việc. Vì thế, ông quyết định tìm những thiếu niên thông minh cho học tập tiếng nước ngoài để sau này có thể không cần tới các chuyên gia ngoại quốc cũng có thể độc lập làm việc.
Do sự tán thành và giúp đỡ của Tăng Quốc Phiên, ở Cục chế tạo Giang Nam đã thành lập bộ phận phiên dịch, từ đó, khoa học và kỹ thuật phương Tây được giới thiệu một cách có hệ thống với nguời Trung Quốc. Theo thống kê, từ năm 1868 đến năm 1880, cơ quan này đã phiên dịch tới 163 cuốn sách, trong đó bao gồm nhiều ngành: toán học, hóa học, thiên văn học, khoáng vật học, địa chất học, y học, quân sự, nó đã trở thành nguồn thông tin vô cùng quý giá cho rất nhiều trí thức tiếp thu trí thức khoa học kỹ thuật phương Tây.
Đến năm 1871, Tăng Quốc Phiên còn cùng với Lý Hồng Chương và một số nguời khác yêu cầu triều đình cử học sinh đi học ở nước ngoài. Ông cho rằng chỉ có những tài năng chân chính được tiếp thu khoa học kỹ thuật nước ngoài mới có thể tạo nên sự phát triển công nghiệp quốc phòng ở Trung Quốc. Sau một năm, triều đình đã chấp nhận kiến nghị của ông, chính thức cử 30 thiếu niên được lựa chọn cẩn thận du học ở Mỹ, từ đó mở đầu việc lưu học sinh Trung Quốc du học trong lịch sử cận đại.
Đáng tiếc là Tăng Quốc Phiên không được chứng kiến sự việc này, vì trước đó 5 tháng ông đã qua đời. Nhưng ông là nguời có cống hiến xuât sắc trong phong trào vận động Dương Vụ, ông đúng là nguời đi tiên phong trong phong trào này.
Chú thích:
- Tương quân: năm 1853, Tăng Quốc Phiên lấy Tương hương luyện dũng làm cơ sở mở rộng biên chế thành Tương quân. Năm sau đã có 23 doanh. Các doanh không phụ thuộc nhau, toàn quân chỉ phục tùng sự chỉ huy của một nguời là Tăng Quốc Phiên. Về sau hình thành thế lực Tương hệ, trở thành tập đoàn chính trị vũ trang vào cuối triều Thanh.
- Khâu Lộc thư viện: ở động Bao Hoàng, núi Tây Khâu Lộc Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Thành lập năm 976, Chu Hy từng giảng dạy ở đó. Đến đời Minh, Thanh trở thành trường học có quy mô lớn nhất.
- Mục Chương A (1782 – 1856), nguời tộc Tương Lam, Mãn Thanh, đỗ Tiến sĩ đời Gia Khánh, từng làm Lễ bộ Thị lang, Nội vụ phủ đại thần, Vũ Anh điện đại học sĩ, nhiều lần chủ trì và tham gia khảo thí.
- Lý Hồng Chương (1823 – 1901), nguời Hợp Phì, An Huy, đỗ Tiến sĩ đời Đạo Quang. Năm 1861, phụng mệnh gây dựng Hoài quân, sau làm Tuẫn phủ Giang Tô, Tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc dương đại thần, tham gia nhiều sự kiện lớn trong lịch sử cận đại Trung Quốc.
- Dung Hoằng (1828 – 1912), nguời trấn Nam Bính, Hương Sơn, Quảng Đông (nay là Chu Hải). Năm 1854, tốt nghiệp Đại học Gia Lỗ, nhập quốc tịch Mỹ. Năm sau về nước. Năm 1872, đưa lưu học sinh đi Mỹ, làm Giám đốc, sau tham gia biến pháp Duy Tân, từng thể hiện sự ủng hộ cách mạng của Tôn Trung Sơn.