Càn Long (1711 – 1799) là Hoàng đế thứ 4 kể từ khi triều Thanh nhập quan, cai trị Trung nguyên, là nguời đã thừa kế, đặt nền móng và ổn định cơ nghiệp mà nguời đặt nền móng từ Tổ phụ Thuận Trị tới phụ thân Ung Chính. Trong hơn 60 năm trị vì, ông đã dựng xây một đất nước giàu mạnh, bốn biển thanh bình, kinh tế phồn vinh, văn hóa phát triển. Ông đã dùng sức mạnh quân sự bình định vùng tây bắc, bảo vệ Tây Tạng, tăng cường sự thống nhất đất nước, vẽ nên bản đồ Trung Hoa có hình dáng như ngày nay. Vào cuối đời Càn Long, các mâu thuẫn xã hội đã bắt đầu gay gắt, nhưng triều đình nhà Thanh vẫn khống chế được tình hình, duy trì được sức mạnh với bên ngoài, sừng sững ở phía đông châu Á.
Nhưng phía sau sự thịnh trị ấy cũng tiềm ẩn nguy cơ suy vong với triều Thanh, đặc biệt là sự uy hiếp từ phương Tây ngày càng nghiêm trọng. Nhưng vua Càn Long không thể tìm được những đối sách hữu hiệu với họ, những chính sách chiến lược trong quan hệ lúc này sẽ quyết định vận mệnh của Trung Quốc tương lai. Vào những năm cuối đời, vua Càn Long ngày càng xơ cứng và bảo thủ, điều này đặc biệt thể hiện trong việc xử lý chuyện sứ thần nước Anh Mã Ca Nhĩ Ni (1) tới thăm Trung Quốc.
Một ngày mùa hạ năm 1792 (Càn Long năm thứ 57), từ bên kia Trái đất, một đoàn sứ thần nước Anh gồm các nhà chính trị, quân sự, cùng một số thầy thuốc, kỹ sư, và nghệ thuật gia, … đi trên hai chiếc thuyền vượt biển tới Trung Quốc. Năm ấy, vua Càn Long đã 83 tuổi. Sứ đoàn mang theo hơn 600 hòm lễ vật được lựa chọn chu đáo để dâng lên nhà vua nhân lễ chúc thọ bát tuần. Thực chất chuyến viếng thăm này là nước Anh muốn mở rộng quan hệ buôn bán với Trung Quốc.
Sau khi sứ đoàn của Mã Ca Nhĩ Ni khởi hành được hai tháng, khi đang ở Quảng Đông, vua Càn Long biết được tin này. Nhà vua rất vui mừng, lập tức hạ lệnh phải tiếp đãi sứ đoàn trọng thị để tỏ rõ vị thế của một nước lớn. Để tỏ thịnh tình với Mã Ca Nhĩ Ni cùng sứ đoàn Anh quốc, vua Càn Long quyết định mời họ tham dự lễ chúc thọ của nhà vua tổ chức ở Tỵ thử sơn trang (2) Thừa Đức.
Sau khi lên bờ ở cửa Đại Cô, Mã Ca Nhĩ Ni đã nhận được sự đón tiếp long trọng của Khâm sai đại thần Chinh Thụy. Nhưng sứ thần nước Anh chưa thể tới Bắc Kinh vì chuyện nghi lễ yết kiến nhà vua xảy ra tranh chấp.
Vốn là, khi yết kiến Hoàng đế Trung Hoa, các sứ thần của phiên thuộc phải tuân theo quy tắc thực hiện đại lễ “tam quy cửu khấu” (3). Năm 1753 (Càn Long thứ 18) sứ thần Bồ Đào Nha khi tới Trung Hoa triều kiến đã phải chấp hành quy tắc này.
Vua Càn Long bí mật phát mật chỉ cho Chinh Thụy, yêu cầu ông ta dạy cho mã Ca Nhĩ Ni biết thế nào là “tam quy cửu khấu đại lễ”. Sợ Mã Ca Nhĩ Ni không thực hiện nghi lễ này thành thục khi tiếp kiến, nhà vua căn dặn phải bắt ông ta tập luyện nhiều lần.
Khi Chinh Thụy đưa những yêu cầu này của nhà vua, Mã Ca Nhĩ Ni chưa hề có sự chuẩn bị tư tưởng, bị bất ngờ, dở khóc dở cười, nói:
– Chinh đại nhân, tôi đang đi sứ, không thể hành động như một cá nhân, tôi là đại biểu cho đế quốc Anh của chúng tôi. Thần dân của một nước với vị Hoàng đế của mình cần những lễ tiết khi tiếp kiến, nhưng không thể yêu cầu một sứ thần ngoại quốc làm như vậy. Thần dân biểu thị sư khuất phục và tuân theo, còn sứ thần biểu thị sự tôn kính và hữu hảo. Hai loại nguời này hoàn toàn khác nhau.
Mã Ca Nhĩ Ni cũng không muốn vì chuyện nghi lễ mà quá cứng rắn vì nếu chưa gặp được Hoàng đế Càn Long, sứ mệnh ngoại giao sẽ thất bại. Ông ta đề xuất một biện pháp dung hòa: nếu phía Trung Quốc nhất thiết muốn ông ta quỳ lạy Hoàng đế thì ông ta chấp nhận sẽ quỳ để tỏ lòng tôn kính với nhà vua, nhưng muốn thế, phải có một quan Trung Quốc ngang cấp với ông ta mặc lễ phục chính thức của triều đình thực hiện nghi lễ đó trước mặt vua nước Anh.
Yêu cầu của Mã Ca Nhĩ Ni đưa ra chẳng khác nào Trung Quốc coi nước Anh như một quốc gia bình đẳng. Với Chinh Thụy, đó là một yêu cầu quá cứng rắn, quá ngông cuồng. Sợ nhà vua tức giận, Chinh Thụy không dám tấu về triều đình mà bác bỏ yêu cầu này của Mã Ca Nhĩ Ni.
Sứ đoàn Anh tới Thừa Đức, cho tới khi gặp Đại học sĩ Hòa Thân, phía Trung Quốc mới phát hiện sứ thần Anh chưa chấp nhận nghi lễ “tam quy cửu khấu”. Càn Long rất nhanh chóng biết việc này, nhà vua ra lệnh cho Chinh Thụy phải ép buộc sứ thần Anh bằng được.
Một lần nữa, Chinh Thụy lại gặp sứ thần Anh. Mã Ca Nhĩ Ni có nhượng bộ, đưa ra ý kiến, khi triều kiến Hoàng đế Trung Hoa, ông ta có thể theo lễ tiết khi chầu kiến vua Anh một chân quỳ dưới đất, một tay nhẹ nhàng nâng rồi hôn tay của nhà vua. Chinh Thụy nghe xong, rất vừa ý ra về.
Không lâu sau, Chinh Thụy theo sứ mệnh do Hoàng đế giao, lại đến gặp Mã Ca Nhĩ Ni, nói:
– Hoàng đế có quyết định cuối cùng, khi triều kiến, sứ thần có thể theo nghi lễ triều kiến vua Anh. Nói xong, Chinh đại nhân dừng lại, mỉm cười rồi nói tiếp: nhưng theo phong tục Trung Quốc, hôn tay của nhà vua không phải thói quen. Cần bỏ đi nghi lễ này, thay bằng việc quỳ cả hai chân là được.
Mã Ca Nhĩ Ni tỏ ra không chấp nhận.
Chinh Thụy tỏ vẻ không hài lòng:
– Hai chân hay một chân cũng chẳng là quỳ sao, chỉ là thay cho việc hôn tay thôi mà!
Mã Ca Nhĩ Ni vẫn từ chối.
Mã Ca Nhĩ Ni đã yết kiến Càn Long theo nghi lễ yết kiến vua Anh. Nhưng nhà vua Trung Quốc muốn mượn cơ hội rất hiếm hoi sứ thần nước Anh tiếp kiến để tỏ sự uy nghiêm của Thượng quốc với các phiên thuộc, giờ ước muốn ấy không thực hiện được vô cùng thất vọng.
Những hoạt động của lễ vạn thọ khánh chúc vừa kết thúc, sứ đoàn nước Anh đã được đưa về Bắc Kinh. Vua Càn Long cho rằng, họ tới chúc thọ, việc tiến cống đã hoàn thành, nhưng thực ra, sứ mệnh của Mã Ca Nhĩ Ni chưa bắt đầu.
Mã Ca Nhĩ Ni tới Bắc Kinh căn cứ vào huấn lệnh của chính phủ nước Anh, nói với đại thần đứng đầu lúc ấy là Hòa Thân:
– Từ trước tới nay, quốc vương nước tôi đã rất mong muốn thiết lập sứ quán ở quý quốc, muốn quý quốc tăng cường giao thương, xin các ngài cho chúng tôi mở ngân hàng ở Bắc Kinh, ..
– Còn muốn gì nữa?
– Xin các ngài cho chúng tôi một số đất ở Quảng Châu để các nhà buôn chúng tôi cư trú. Với việc nguời của chúng tôi đi về, với việc tô thuế, cũng xin các ngài chiếu cố.
– Các ông chẳng phải tới chúc thọ cho Hoàng đế chúng tôi sao? Sao còn nói lắm việc thế?
Hòa Thân rất không vui nói.
Hòa Thân đem việc này tấu với Hoàng đế Càn Long. Càn Long coi tất cả những yêu cầu này đều là xâm phạm tới chủ quyền của Trung Quốc nên kiên quyết từ chối.
Từ lúc ấy, Mã Ca Nhĩ Ni đi tới đâu cũng bị theo dõi, cả sứ đoàn đành lên một chiến thuyền nhổ neo dời Hoàng Phố Quảng Châu về nước trong lòng vô cùng thất vọng.
48 năm sau khi Hoàng đế Đạo Quang là cháu của Càn Long tại vị, thuyền chiến của nước Anh lại tới Quảng Châu, nhưng lần này, họ tới Trung Quốc không phải với tư cách là sứ giả hòa bình, để bái kiến đế quốc Trung Hoa mà dùng đại pháo oanh kích vào cánh cửa đóng chặt của Trung Quốc.
Nếu nước Anh tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Trung Quốc giàu mạnh và độc lập, hy vọng thông qua con đường ngoại giao hòa bình mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc, Hoàng đế Càn Long đã có thể ghi một điểm sáng trong thời gian tại vị; Nếu Hoàng đế Càn Long không vì những nghi lễ máy móc khi triều kiến mà có thái độ bình đẳng trong cư xử với sứ thần nước Anh…có thể lịch sử Trung Quốc về sau sẽ được viết có chút khác biệt với ngày nay?
Chú thích:
- Mã Ca Nhĩ Ni (1737 – 1806): George Macartney, nhà ngoại giao Anh, từng đảm nhận chức vụ Công sứ Nga, Ấn Độ.
- Tỵ thử sơn trang: còn gọi là Hành cung Nhiệt Hà, Thừa Đức ly cung. Nay ở phía bắc thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc. Được xây dựng từ năm 1703 – 1790, diện tích 560 vạn mét vuông.
- Tam quy, cửu khấu đại lễ: nghi lễ khi tiếp kiến Hoàng đế để biểu thị thái độ tôn kính vô hạn.