Mai Văn Đỉnh (1633 – 1721), sinh ở Tuyên Thành, An Huy, là nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng của Trung Quốc đầu đời Thanh. Ông trường thọ, sống tới năm 88 tuổi. Trong cuộc đời dài lâu ấy, ông đã ra sức nghiên cứu những tri thức toán học, thiên văn học từ phương Tây truyền tới Trung Quốc, đem nó kết hợp với những tri thức truyền thống của Trung Quốc, viết nên 86 bộ sách nổi tiếng về toán học, thiên văn học và lịch pháp. Đó là những cống hiến kiệt xuất trong việc kết nối văn hóa phương Tây với văn hóa Trung Quốc.
Năm 14 tuổi, Mai Văn Đỉnh đã thi đỗ tú tài, ông hiểu biết rất sâu sắc các tri thức thiên văn, được mọi người coi là “thần đồng”. Chú bé có thể đạt được vinh dự ấy ngoài việc có trí thông minh khác thường, còn vì một lý do quan trọng là tinh thần chịu đựng gian khổ để học tập.
Một lần, Mai Văn Đỉnh tìm được một số trang sách cũ trong một cuốn sách toán cổ. Nhiều chữ đã mất nét hoặc mờ không thể đọc được, nhưng ông vui mừng như kiếm được bảo bối. Ông tìm giấy và bút, giở những trang sách đó ra chép lại. Trong khi sao chép, gặp những chữ đã mờ hoặc mất nét, ông đều tìm hỏi những nguời xung quanh để có thể được cách đọc chính xác nhất. Thấy ông thận trọng như thế, có nguời khuyên:
– Vất vả như thế để làm gì, sai một chút cũng có sao đâu!
Nhưng Mai Văn Đỉnh không nghĩ như thế, ông trả lời:
– Sai một hai chữ có thể chẳng ai biết nhưng như thế có còn là nó nữa không? Nếu hôm nay, anh chép sai một hai chữ vẫn cho rằng chẳng hề gì, đưa cho nguời khác đọc, đến mai nguời khác lại chép sai một hai chữ cũng cho rằng sai một chút chẳng hề gì, cuốn sách cứ thế được truyền đi, cuối cùng nội dung cuốn sách có còn là nó nữa hay không?
Mai Văn Đỉnh sống vào thời cuối Minh đầu Thanh, xã hội có những biến động vô cùng to lớn, mãi tới khi 50 tuổi ông mới có cơ hội tới Nam Kinh tham gia những kỳ thi bậc cao. Trước khi vào thi, khi qua một hiệu sách cũ, ông vô tình phát hiện trong đống sách cũ cuốn “Sùng Trinh lịch thư” (1). Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách giới thiệu một cách tỉ mỉ thiên văn lịch pháp phương Tây, ông rất bất ngờ, lập tức mua ngay cuốn sách.
Về tới nhà trọ, ông như bị ma nhập, mải miết đọc quên cả ngày đêm, quên luôn cả việc thi cử. Kết quả, ông bị trượt nhưng vẫn không hối hận gì, tiếp tục nghiên cứu “Sùng Trinh lịch thư”. Ông còn tìm một số tài liệu giới thiệu toán học, thiên văn học phương Tây của nhà truyền giáo nguời Bỉ Nam Hoài Nhân (2). Đọc xong, ông có nhiều nhận thức mới lạ. Nghe nguời ta nói Nam Hoài Nhân đang giảng thiên văn học và toán học cho vua Khang Hy ở Bắc Kinh, ông nghĩ, nếu những cuốn sách này được các giáo sĩ phiên dịch, ta sẽ cùng họ kết giao để học tập toán học và lịch pháp phương Tây.
Khi Mai Văn Đỉnh tới Bắc Kinh để gặp Nam Hoài Nhân, không may Nam Hoài Nhân đã mất. Ông vô cùng thất vọng nhưng đã tìm tới gặp một nguời bạn tốt là Lý Quang Địa. Lý Quang Địa nói:
– Anh gặp các giáo sĩ phương Tây, đây không phải là việc dễ dàng. Nam Hoài Nhân đã mất. Nhưng còn có nhiều nguời khác nữa như Trương Thành, Từ Nhật Thăng, An Đa. Họ đều là những nguời rất tinh thông toán học và thiên văn, địa lý học. Tôi có thể đưa anh tới gặp họ.
– Thế thì hay quá! Tôi đang muốn tới thăm một số nguời trong giới toán học. Chẳng mấy khi gặp dịp tốt thế này!
Mai Văn Đỉnh vui vẻ nói.
Thấy Mai Văn Đỉnh có lòng ham học hỏi, thái độ rất chân thành, Lý Quang Địa nói:
– Anh tới đây đúng lúc quá, bây giờ đang soạn cuốn Minh sử, trong đó có một phần về lịch pháp. Đang lúc chưa tìm được ai biên soạn, liệu anh có thể giúp một tay được không?
Mai Văn Đỉnh đồng ý. Lý Quang Địa liền tiến cử với triều đình đưa ông vào bộ phận làm công việc thẩm định phần lịch pháp. Ông đã làm công việc này với sự cố gắng cao nhất, để thẩm duyệt, hiệu đính, ông thường đọc sách tới đêm khuya. Có mấy lần, Lý Quang Địa đã ngủ, tới nửa đêm thức giấc, thấy trong phòng Mai Văn Đỉnh đèn vẫn sáng. Biết Mai Văn Đỉnh còn thức đọc sách, ông lại vội nhẹ nhàng nằm xuống, không dám làm kinh động. Hôm sau, gặp Mai Văn Đỉnh, Lý Quang Địa tỏ vẻ quan tâm, nói:
– Anh đã ngoài 60 tuổi rồi, sao có thể làm việc quá sức như thế?
– Chính vì đã cao tuổi, tôi mới phải tranh thủ thời gian để học thêm một ít.
Mai Văn Đỉnh cười trả lời, mái tóc và chòm râu bạc phơ.
Sau đó, phần “Lịch pháp” trong bản thảo cuốn Minh sử đã được chính Mai Văn Đỉnh thẩm định. Thời gian ở Bắc Kinh, ông còn kết giao với nhiều học giả và giáo sĩ nước ngoài, học được rất nhiều tri thức mới. Về tới quê hương, ông đem những tri thức toán học, thiên văn học phương Tây giới thiệu bằng ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu cho mọi người. Việc làm này được nhiều học giả các nơi trong nước noi theo.
Lúc đó, Hoàng đế Khang Hy cũng có nghiên cứu toán học và thiên văn. Một lần, nhà vua đi thị sát phương nam, có nguời dâng nhà vua một bộ sách toán học. Xem xong, nhà vua hỏi nguời dâng sách:
– Đây là sách do ai viết?
– Muôn tâu Hoàng thượng, sách do một nguời tên Mai Văn Đỉnh viết.
Vua Khang Hy nói:
– Cuốn sách này viết rất cặn kẽ, bàn luận rất công bằng, ta sẽ đem về để nghiên cứu.
Về sau, nhà vua lại có lần đi về phương nam. Khi trên đường qua Đức Châu ( nay là Đức Châu, Sơn Đông), nghe nói Mai Văn Đỉnh ở đây đã vội cho nguời gọi Mai Văn Đỉnh tới.
Mai Văn Đỉnh tới yết kiến Hoàng thượng. Lúc này ông đã ngoài 70 tuổi, tuy râu tóc đã bạc phơ nhưng tinh thần vẫn sáng suốt. Thấy tuổi ông đã cao, vua Khang Hy nói:
– Chúng ta cùng nhau bàn về học vấn, ngươi không phải thi lễ, cứ ngồi mà nói.
Mai Văn Đỉnh tạ ơn Hoàng đế, rồi ngồi xuống nói chuyện. Hai nguời tranh luận hết chuyện toán học sang chuyện thiên văn rồi tới chuyện lịch pháp. Mai Văn Đỉnh nói với nhà vua:
– Hiện nay nguời ta đang tranh cãi lịch pháp phương Tây và lịch pháp Trung Quốc cái nào tốt hơn, thần nghĩ, cái nào cũng có sở trường, sở đoản. Có nguời chê lịch phương Tây vì họ chỉ hiểu kỹ lịch Trung Quốc chưa hiểu lịch phương Tây. Có nguời chê lịch Trung Quốc cũng không đúng. Thí dụ như chữ số, một thêm một bằng hai, Trung Quốc hay phương Tây đều như thế, không thể một thêm một lại bằng ba được, chỉ có cách viết chữ số khác nhau mà thôi.
Nói xong, Mai Văn Đỉnh lại mang mấy cuốn sách tới, nói:
– Đây là kết quả nghiên cứu trong hơn chục năm của thần về toán học, thiên văn học và lịch pháp Trung Quốc và phương Tây. Kính mong bệ hạ thưởng lãm.
– Tốt lắm. Nhà vua nhận sách, xem qua, không ngớt khen ngợi. Càng trò chuyện, nhà vua càng say sưa, trò chuyện suốt ba ngày ba đêm. Khi Mai Văn Đỉnh cáo từ, vua Khang Hy tỏ vẻ tiếc nuối:
– Nguời có học vấn như ngươi thật quá ít. Đáng tiếc nhà ngươi tuổi đã cao, nếu không, ta nhất định sẽ giữ ngươi ở bên cạnh để sớm tối được thỉnh giáo.
Nói xong, nhà vua lấy bút viết bốn chữ “Thức học tham vi” để khen ngợi học vấn cao thâm của ông.
Về sau, con cháu của Mai Văn Đỉnh đều trở thành những nhà toán học, thiên văn học nổi tiếng. Họ Mai trở thành một gia tộc toán học Trung Quốc trước đây.
Chú thích:
- “Sùng Trinh lịch thư” do từ Quang Khải tổ chức biên soạn dưới triều Minh có hơn 100 quyển, trong đó giới thiệu những tri thức toán học và thiên văn học phương Tây.
- Nam Hoài Nhân (1623 – 1688): giáo sĩ đạo Gia tô. Tới Trung Hoa năm 1659, sau đó giữ chức Khâm thiên giám ở Bắc Kinh. Năm 1674, phụng mệnh chế tạo hỏa pháo.
- Khang Hy (1662 – 1722), tức Thanh Thánh Tổ.
- “Minh sử”: do Trương Đình Ngọc đời Thanh soạn, gồm 332 quyển.