Tôi không có điều kiện tiếp cận với các công trình nghiên cứu khoa học giáo dục hiện đại, những phương pháp giáo dục tiên tiến. Đây là một trong những thiệt thòi, bất hạnh nhất của tôi, chỉ vì sắp chết mà vẫn không thành thạo nổi một ngoại ngữ. Thiệt thòi này tôi luôn luôn ghi nhớ, để nếu như quả thật có kiếp sau, việc đầu tiên tôi sẽ làm là phải học cho được một thứ tiếng nước ngoài. Nghĩa là căn nhà của mình có thêm một cửa sổ, qua đó mình có thể phóng tầm mắt ra xa, để mà “trông trời, trông đất, trông mây…”.

Nhưng trong cuộc đời “gõ đầu trẻ” (và kể cả khi còn bị gõ đầu), có được chút ít cái gọi là kinh nghiệm. Kinh nghiệm nhiều khi chỉ có tính chất dân gian. Nhưng trước thực trạng đau lòng hiện nay, nhiều cháu chưa được dạy dỗ cẩn thận, nhiều gia đình có đời sống khá sung túc nhưng con cháu vẫn trong tình cảnh thiếu thốn giáo dục, xin “bạo gan” chia sẻ với những người quan tâm. Cũng chỉ dám coi là để tham khảo.

Không biết từ bao giờ và ai là tác giả của phương châm này. Phải nói đây là phương châm hay, tôi được biết từ khi chưa hành nghề dạy học. Và nó có sức sống đến tận bây giờ.

Nhưng hình như gần đây, phương châm này ngoài việc bị lạm dụng còn  bị hiểu chưa đúng, ít nhất trên hai phương diện:

  1. Vừa học vừa chơi chỉ có thể là phương châm trong dạy học với trẻ ở tuổi mẫu giáo và vài năm đầu cấp tiểu học. Từ cuối cấp tiểu học trở lên, trẻ phải được dạy học tập là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi người học phải tập trung tư tưởng cao độ và có phương pháp đúng. Trước đây, nhiều gia đình yêu cầu con em trước khi ngồi vào bàn học phải rửa mặt, rửa tay, đó chính là một cách để dạy các em có thái độ nghiêm túc trước khi ngồi vào bàn học. Càng lên các lớp trên, càng phải nghiêm túc. Học ra học, sau đó chơi ra chơi. Nếu học sinh không được rèn thái độ nghiêm túc, ngồi vào bàn mà cứ “vừa học vừa chơi” thì học tập chẳng có kết quả gì. Có bà mẹ than: Bảo nó quét cái nhà, rửa cái bát, … nó có làm không, làm có đến nơi đến chốn không, mình biết ngay. Nhưng nó bảo học, thấy ngồi vào bàn hẳn hoi, tay cầm cái bút, trước mắt có sách vở rõ ràng, nhưng nó có học không thì… chịu! Sau càng lớn, thói quen xấu càng khó sửa.  Đó chính là hậu quả của việc lạm dụng “vừa học vừa chơi”.

Đáng tiếc là hiện nay, để “mị” học sinh, nhằm thu hút những học sinh không hề thích học, không ít trường, nhất là các trường dân lập sử dụng phương châm này ngay cả với các lớp ở trung học phổ thông. Thật vô cùng nguy hiểm!

  1. Tôi hiểu “vừa học vừa chơi” có nghĩa qua trò chơi mà dạy cho trẻ học và ngược lại dạy trẻ học thông qua những đồ chơi quen thuộc, chứ không phải hai hoạt động này song hành. Thí dụ: trẻ học đếm thông qua trò chơi “chuyền” hay “ô ăn quan”, đếm những cái xe ô tô khi đi trên đường, đếm những khóm hoa màu sắc khác nhau trong công viên, … Thế là kết hợp học và chơi, từ những đồ chơi ấy, trẻ học đếm. Hoặc trên các khối nhựa, có các chữ cái, trẻ thuộc các chữ cái, sau đó tìm các chữ cái từ những khối nhựa màu khác nhau ghép thành vần… Thế là chơi mà học. Chứ “vừa học vừa chơi”, hay “học mà chơi, chơi mà học” không thể là tay phải cầm bút làm toán, còn tay trái vẫn cầm khẩu súng hay cái ô tô để vừa làm toán vừa chơi mấy cái đồ chơi này.

Cần phải dạy trẻ, đã ngồi vào bàn học là phải hoàn toàn tập trung tư tưởng, không làm bất cứ việc gì khác. Thời gian này, mọi hoạt động của các thành viên trong gia đình đều cần hạn chế tới mức thấp nhất tiếng ồn để khỏi ảnh hưởng tới sự chú ý của trẻ. Trước khi ngồi học, nên cho trẻ giải quyết hết các nhu cầu cần thiết như uống nước, tiểu tiện, …Ban đầu, cha mẹ cần ngồi bên cạnh, theo sát 100% hoạt động của trẻ trong suốt thời gian ngồi ở bàn học. Công việc này thường phải kéo dài trong 2 năm đầu tiểu học. Sau đó, tùy theo mức độ tự giác của trẻ mà cha mẹ có thể giảm dần việc giám sát nhưng không thể bỏ qua việc theo dõi cho tới vài năm đầu của cấp trung học cơ sở. Sau khoảng 30 tới 45 phút, cần cho trẻ nghỉ ngơi rồi sau đó, ngồi vào bàn học tiếp. Càng học lên lớp trên, thời gian ngồi học nghiêm chỉnh càng phải dài hơn. Có như thế từ khoảng những năm cuối cấp trung học cơ sở, học sinh mới có thể quen với việc học tập mà không cần sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ.

Nếu tới những năm này, chưa có hứng thú với việc học tập, chưa có thói quen tự học, vẫn cứ vừa học vừa chơi thì tốt nhất sau khi học xong trung học cơ sở, nên xin cho đi học nghề. Như vậy, học sinh vừa có thời gian làm quen với các kỹ năng nghề nghiệp, vừa tránh được các tật xấu do học hành không đến nơi đến chốn (thường là nói dối và lười biếng) tạo nên.

Mà, thêm được một thói quen tốt nghĩa là đồng thời bớt di được một thói quen xấu.

 

9 BÌNH LUẬN

  1. Dạ Con rất cảm ơn Chú, Con cũng có con đang học tiểu học, Con sẻ làm theo lời Chú dại, Con chúc Chú nhiều sức khoẻ để cho Con nhiều bài học hay

  2. Về vấn đề ngoại ngữ mà thầy nói cũng là nỗi đau của em, muốn đọc nhiều sách nước ngoài về giáo dục, văn học…mà không được. Thiết nghĩ nước người ta có nền giáo dục rất tốt, thành quả nghiêng cứu đã có sẵn ở đó, giờ chỉ cần chọn lọc lại để dùng thôi. còn về cách dạy trẻ “vừa học vừa chơi” lại tương đối khó ở VN, vì muốn làm được tốt thì phải có một bộ sách hướng dẫn phương pháp để cho cha mẹ học hỏi, còn vừa học vừa chơi như cách hiểu của đa số người thì chỉ khiến trẻ mất tập trung. Nhìn thấy cách giáo dục phương tây quả thật rất khâm phục, quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên rất rõ ràng, từ đó trẻ thường rất tự lập. Ý thức của cha mẹ cũng rất cao, nếu cha mẹ làm sai thì họ vẫn phải xin lỗi. Ở VN thói quen đọc sách còn quá ít, nếu cha mẹ thật sự quan tâm phương pháp gd thì cũng không thiếu.

  3. Giáo Sư Bửu Cân “hoc trò đên trương không phải để hoc mà học cho biết cách hoc”(l’enfant va à l’ecole ne pas pour apprendre
    mais apprendre à apprendre}Tôi không nhó có đung nguyên văn không.
    Thời gian học “ngủ sớm ,dậy sớm”(early to bed ,early to raise”
    dễ tiêp thu bài .Mỗi môn hoc không quá 50 phút.
    Cach hoc :Preview(xem trươc),Question(đăt câu hỏi)Reading (đọc lai)Summerize(tom lược) Test(đặ câu hỏi và trả lời
    Xin Ông Giáo chỉnh sưa nếu có thiếu sot.Cám Ơn.

  4. Quá đúng thầy ạ. Là người thầy truyền thụ kiến thức mới nghĩ như thế còn hô hào nhân văn thì… nên bây giờ giáo dục mới ra như vậy… Còn mệt lắm ạ…

  5. Nhà em cũng thế thầy ah. Ngay từ khi vào lớp 1, ngồi vào bàn học mà như đi thi, phải rửa mặt rửa tay đi vệ sinh đàng hoàng. Học xong cất sách vở gọn gàng ah.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here