Trong lúc quân Thanh thẳng tiến tới Trung nguyên, Sa hoàng nước Nga (1) thường cho quân xâm phạm vùng Hắc Long Giang (sông Amur) của Trung Quốc. Quân phỉ thường vượt sang biên giới cướp bóc lương thực và của cải, giết nguời đốt nhà, cưỡng hiếp phụ nữ, cùng nhiều việc  độc ác khác. Chúng đã lần lượt kiến lập hai cứ điểm là Nhã Khắc Tát (Albazin, nay nằm trong đất Nga trên bờ Hắc Long Giang, đối diện với Mạc Hà của Trung Quốc) và Ni Bố Sở (Nerchinsk).

Đông bắc chính là nơi phát nguồn của triều Thanh, được chính phủ triều Thanh rất coi trọng. Sa hoàng nước Nga đã rất trắng trợn thôn tính vùng lãnh thổ thuộc lưu vực Hắc Long Giang, chính phủ triều Thanh tất nhiên không thể chấp nhận. Quân đội Trung Quốc đã nhiều lần đánh đuổi quân xâm lược. Nhưng mỗi lần quân Trung Quốc lui về sau khi giành thắng lợi, quân Nga lại nhanh chóng quay lại chiếm đóng.

Sau khi hoàn thành việc bình định “Tam phiên chi loạn”, vua Khang Hy quyết định giải quyết ngay vấn đề biên giới đông bắc. Để hiểu rõ địch tình, ông đích thân tới Thịnh Kinh (2), lại cử tướng quân Bành Xuân, Lang Đàm mượn cớ đi săn để trinh sát vùng biên giới; mặt khác, ông lệnh cho quan quân ở địa phương tu sửa thành trì, sửa sang chiến thuyền, chuẩn bị trừng phạt quân địch.

Sau khi tiến hành công việc chuẩn bị chu đáo, vua Khang Hy cho nguời gửi tới nguời đứng đầu quân Nga ở Nhã Khắc Tát (Yaksa), yêu cầu họ nhanh chóng rút khỏi mảnh đất này. Quân Nga không những không rút lui, còn tăng viện cho Nhã Khắc Tát, chuẩn bị chống lại quân Thanh. Trước mắt, giải quyết vấn đề bằng hòa bình đã không thể thực hiện, nhà vua ban bố mệnh lệnh tiến công.

Năm 1685, Vua Khang Hy cử Bành Xuân làm Đô thống (3), chỉ huy một vạn năm nghìn quân thủy và quân bộ, tiến đến bao vây thành Nhã Khắc Tát.

Quân Nga sau mấy năm chuẩn bị, thành trì đã được củng cố vững chắc. Sau khi nắm chắc địa hình, Bàn Xuân cho đắp ở phía nam thành một quả núi đất, để quân lính từ trên núi bắn tên vào trong thành. Thấy bị quân Thanh tiến công từ hướng nam, quân Nga dồn binh lực về phía này.

Nào ngờ, phía bắc, quân Thanh đã bố trí hỏa pháo, thừa lúc quân Nga sơ hở liền bất ngờ tiến công. Pháo từ bên ngoài bắn vào trong thành, lầu thành bị pháo bắn trúng, cháy rừng rực.

Quân Thanh lại đã chuẩn bị sẵn củi khô, chuẩn bị sắp phóng hỏa đốt thành. Đầu mục quân Nga hoang mang, cho giương cờ trắng đầu hàng.

Sau đó, để tỏ lượng khoan hồng, vua Khang Hy tha cho toàn bộ quân Nga rồi buộc phải về nước. Đầu mục quân Nga Thác Nhĩ Bố Tân khóc sướt mướt đưa tàn binh bại tướng trở về.

Sau khi quân Nga rút lui, Bành Xuân lệnh cho binh sĩ phá hủy toàn bộ thành Nhã Khắc Tát, san bằng để nhân dân lấy đất canh tác.

Nhưng dù đã thất bại, đầu mục quân Nga chưa từ bỏ dã tâm, vừa nghe tin quân Thanh rút về, không lâu sau, chúng  lại đưa quân trở lại Nhã Khắc Tát, xây dắp lại thành lũy còn kiên cố hơn trước.

Tin lập tức được truyền tới Bắc Kinh, vua Khang Hy quyết định phải tiêu diệt triệt để quân xâm lược. Mùa hạ năm sau, Tướng quân Hắc Long Giang Tát Bố Tố một lần nữa tiến công Nhã Khắc Tát. Tướng sĩ quân Thanh không muốn để kẻ địch chạy thoát, lập tức tiêu diệt toàn bộ. Lần này, pháo bắn mãnh liệt hơn, quân Nga mấy lần ra khỏi thành chống lại bị quân Thanh tiến đánh phải quay về. Đầu mục quân giữ thành Thác Nhĩ Bố Tân trúng pháo chết, quân xâm lược tránh đạn pháo bằng cách chui xuống hầm ngầm, nhưng chưa được mấy ngày, kẻ bị bệnh, kẻ chết, cuối cùng chỉ sống sót có hơn một trăm năm mươi tên.

Chính phủ Nga lo sợ vội cử sứ giả tới Bắc Kinh, yêu cầu đàm phán. Tới lúc ấy, vua Khang Hy mới ra lệnh tạm dừng tiến công thành.

Năm 1689, chính phủ Trung Quốc cử đại biểu là Sách Ngạch Đồ (4), chính phủ Nga cũng cử đại biểu là Qua Lạc Văn (Fedor Golovin) cùng tới Ni Bố Sở đàm phàn về vấn đề biên giới.

Buổi sáng ngày 22 tháng 8, Khâm sai đại thần Trung Quốc Sách Ngạch Đồ mặc lễ phục, cưỡi tuấn mã, dưới lọng che đi cùng 40 tùy viên và 250 vệ binh tới địa điểm đàm phán. Đại biểu nước Nga Qua Lạc Văn có đội quân nhạc dẫn đường cùng các tùy viên và vệ binh cũng tới địa điểm hẹn trước.

Nơi đàm phán cách địa điểm trú quân của hai bên năm dặm. Ở đây, hai bên đã dựng hai nhà bạt liền nhau. Từ xa, mỗi  bên còn bố trí năm trăm binh lính có vũ trang làm việc cảnh giới. Sau khi cùng bước vào nhà bạt, hai bên cùng ngồi xuống.

Đại biểu Trung Quốc ngồi bên một cái bàn thông thường, một cái ghế băng, trên mặt ghế có một tấm đệm, tất cả rất đơn giản. Phía Nga trên nền có trải một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ rất sang trọng, mặt bàn trải một tấm thảm Ba Tư, trên đó có một bình mực bằng vàng, rõ ràng vẻ sang trọng trong bài trí là để phô trương thanh thế. Sau một hồi hàn huyên, hai bên bắt đầu bàn tới chuyện phân chia biên giới.

Qua Lạc Văn đưa ra yêu cầu về đất đai, nói:

– Bản quốc kiến nghị lấy sông Hắc Long Giang làm ranh giới, bờ bắc sông thuộc đế quốc Nga La Tư, bờ nam sông thuộc đế quốc Đại Thanh.

Sách Ngạch Đồ thẳng thắn phản bác:

– Ni Bố Sở là đất cũ của bộ lạc Mậu Minh An, Nhã Khắc Tát là nơi ở cũ của Tổng quản Bồi Lặc Nhĩ. Hai bên bờ Hắc Long Giang đều là nơi cư trú của các bộ lạc Ơ Luân Xuân, Hắc Triết, Phí Nhã Khách, từ bao năm nay họ đã cống nạp cho triều Thanh, là cư dân của Đại Thanh chúng tôi. Quý quốc chỉ mới tới đất này có bốn mươi năm, do cưỡng chiếm đất đai của nước tôi mà có.

Sách Ngạch Đồ dừng nói, đưa mắt nhìn hai bên, sau đó cao giọng tiếp tục nói:

– Quý quốc cần phải trả Ni Bố Sở, Nhã Khắc Tát về cho nước tôi, lui về phía tây sông Sắc Lăng Các  (sông này phát nguồn từ Mông Cổ ngày nay, đổ vào hồ Bối Gia Nhĩ của Nga).

Qua Lạc Văn đuối lý, lúng túng, nói:

– Tôi chưa có thời gian bàn tới chuyện lịch sử.

Sau đó, ông ta nói vòng vo, kiên trì yêu cầu lấy Hắc Long Giang làm biên giới. Hai bên phải tạm dừng, không thể tiếp tục vì trời đã tối.

Hôm sau, việc tranh cãi lại xảy ra. Sách Ngạch Đồ căn cứ vào ý đồ của Hoàng đế Khang Hy, thể hiện thái độ có thể nhượng bộ, đề xuất lấy Ni Bố Sở làm biên giới. Qua Lạc Văn không những tán thành mà còn cười lớn, bất chấp mọi lý lẽ:

– Tệ quốc xin cảm tạ sứ thần của quý quốc đã đem trả cho nước Nga mảnh đất vốn là của tệ quốc. Tôi xin cảm tạ ngài và hẹn sẽ gặp ngài tối nay tại Ni Bố Sở.

Cách nói ồn ào của Qua Lạc Văn khiến các quan viên Trung Quốc vô cùng căm ghét.

Sách Ngạch Đồ nghiêm sắc mặt, nói:

– Ngoài Ni Bố Sở ra, tệ quốc quyết không chấp nhận một đường biên giới nào khác.

Đến đây, cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Cuối cùng, sau nhiều lần thương lượng, hai bên đều thấy một đường biên giới có thể chấp nhận: lấy sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp (sông Argun) và sông Cách Nhĩ Tất Tề (sông Gorbitza) làm ranh giới, từ núi Ngoại Hưng An Lĩnh (núi Stanovoi) ra tới biển. phía đông của sông và bắc của núi thuộc Trung Quốc, phía tây của sông và bắc của núi thuộc Nga. Phía Nga còn đảm bảo sẽ tiêu hủy thành Nhã Khắc Tát, đưa quân rút khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Như vậy, Nhã Khắc Tát được trở về với đất mẹ.

Đêm ngày 7 tháng 9, hai bên long trọng cử hành lễ ký kết. Sách Ngạch Đồ và Qua Lạc Văn đều mặc lễ phục, cùng tới hội trường. Trước hết, họ cùng ký vào Điều ước, kiểm tra, sau đó tuyên đọc từng điều rồi giao Điều ước đã ký cho đối phương.

Đây chính là “Điều ước nghị giới Ni Bố Sở” nổi tiếng. Sau khi ký kết, họ cùng ôm hôn nhau thể hiện tình hữu nghị. Đến lúc này, âm nhạc nổi lên. Trong trướng một không khí vô cùng vui vẻ. Cả hai bên đều không còn thái độ đối địch, chuyện trò thân thiết, cùng nhau trao đổi lễ phẩm, sau đó còn cử hành yến tiệc thịnh soạn.

Chính phủ triều Thanh sau thời gian suy tính, trong Điều ước này đã có những nhượng bộ với nước Nga, nhưng trong hoàn cảnh lúc ấy, đó là một Điều ước bình đẳng giữa hai bên.

 

Chú thích:

  • Sa Hoàng Nga quốc: vốn là một quốc gia châu Âu, tới thời cận đại mới hướng sang châu Á, dần xâm nhập vùng Trung Á, Tây Bá Lợi Á, từ đó phát sinh những tranh chấp cùng Trung Quốc.
  • Thịnh Kinh: Năm Thiên Minh thứ 10 Hậu Kim (1625) kinh đô từ Liêu Dương dời về Thẩm Dương (nay thuộc Liêu Ninh). Năm Thiên Thông thứ 8 (1634), tôn làm Thịnh Kinh. Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), sau khi nhập quan, định đô ở phủ Thuận Thiên (nay là Bắc Kinh).
  • Đô thống: Trưởng quan tối cao của tổ chức Bát kỳ.
  • Sách Ngạch Đồ ( ? – 1703), nguời tộc Chính Hoàng, Mãn Châu, nguời đã giúp Khang Hy trừ Ngao bái. Sau làm Bảo hòa điện đại học sĩ, Lãnh thị vệ nội đại thần. Sau do phạm tội “Nghị luận quốc sự, kết đảng vong hành” mà chết.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here