Phùng Mộng Long (1574 – 1646) là nhà văn thông tục nổi tiếng nhất Trung Quốc thời cổ, suốt đời ông dốc hết sức mình để chỉnh lý, biên tập văn học thông tục.
Cuối đời Minh, Phùng Mộng Long sinh ra trong một gia đình thư hương ở huyện Trường Châu, phủ Tô Châu (nay là huyện Ngô, Giang Tô). Từ nhỏ, cũng giống như nhiều nguời đương thời, ông đọc sách, thành thục tứ thư ngũ kinh, chuẩn bị tham gia những kỳ thi. Nhưng ông đi thi mấy lần đều không đỗ. Sau đó, Phùng Mộng Long không còn hứng thú với việc làm quan, chỉ ham thích những sinh hoạt văn nghệ dân gian. Cuối đời Minh, kinh tế thương nghiệp phát đạt, trong dân gian rất thịnh hành việc diễn xướng các ca khúc đương thời. Không phân nam bắc, chẳng chia nam phụ lão ấu, ai ai cũng thích nghe, thích hát. Đặc biệt là trong các thanh lâu (kỹ viện) nghiệp đàn ca càng phát đạt.
Phùng Mộng Long thích những loại âm nhạc được lưu hành này, thường tới đó nghe diễn xướng. Những ca khúc được hát nơi đây phần lớn đều nói tới tình yêu trai gái, nghe các kỹ nữ hát những bài ca ấy, ông cảm thấy thân thiết, đẹp đẽ, nhiều khi rơi nước mắt.
Một thời gian dài, Phùng Mộng Long kết giao với nhiều ca kỹ, với họ, ông đều tôn trọng, không dám xem thường. Có một cô tên gọi Phùng Hỷ, trông rất xinh đẹp, hát cũng rất hay thường được ông quan tâm.
Về sau, Phùng Hỷ tìm được một nguời đàn ông như ý, muốn lấy làm chồng. Trước khi cưới, cô tìm đến Phùng Mộng Long chia tay. Hai nguời rót rượu, vừa uống vừa chuyện trò. Phùng Mộng Long hỏi Phùng Hỷ:
– Trong những bài hát cô thuộc, còn có bài nào tôi chưa được nghe không?
Phùng Hỷ suy nghĩ hồi lâu, trả lời:
- Có những bài anh chưa nghe qua, đó là hai bài “Đả táo can” và “Ngô ca”.
- Cô có thể hát cho tôi nghe, được không?
Phùng Hỷ gật đầu, cất giọng hát, nghe giọng hát nhẹ nhàng, tinh tế, Phùng Mộng Long sẵn giấy bút, liền ghi lại những lời ca ấy.
Ngày tháng qua đi, Phùng Mộng Long đã ghi chép được rất nhiều ca khúc đang lưu hành. Có khi, ông vừa ghi vừa hát, bận đến mấy cũng không nghỉ. Bè bạn thấy thế đều rất lấy làm lạ, hỏi ông làm để làm gì?
– Tôi muốn sưu tầm tất cả những bài hát đang lưu hành này lại, chỉnh lý thành sách để mọi người đều có thể hát, cũng muốn đời sau của chúng ta biết được cuộc sống và tình yêu của chúng ta thời nay như thế nào. Phùng Mộng Long trả lời.
Tin ấy truyền đi, nguời hát rong trên đường phố và những ca kỹ ở các tửu lầu đều đua nhau tìm đến ông, hát những bài hát mình thuộc cho ông nghe để ông ghi chép lại.
Được sự giúp đỡ của mọi người, Phùng Mộng Long đã ghi chép được tất cả 415 bài hát đang lưu hành, biên tập thành một cuốn sách, đặt tên là “Quải kỹ nhi” (còn có tên “Quảng quải kỹ”). Cuốn sách ghi lại những bài hát phổ biến lập tức gây tiếng vang toàn quốc. Chỉ cần có cuốn sách trên tay, bất kỳ ai, bài hát nào cũng có thể hát được, làm sao không gây sự chú ý?
Nhìn các thị dân đua nhau truyền miệng các ca khúc phổ biến do ông sưu tầm, một số văn nhân chính thống không vừa lòng, liên tục chỉ trích ông, họ nói với cha và anh em của ông rằng việc làm của ông là “bại hoại nhân tâm”. Họ nói: “Những bài hát này đều là những thứ thấp kém hèn hạ. Đã không thể làm những thi từ văn chương công phu, cao quý, sao lại làm những thứ mê hoặc con người như vậy, vừa có hại cho bản thân mình, vừa có hại cho mọi người.”
Trước những lời trách cứ của cha anh, Phùng Mộng Long vẫn bình tĩnh, đáp:
– Những ca khúc thông tục đều được dân chúng thích nghe, thích hát, nó phản ánh được chân thành tình cảm của con người, hoàn toàn không phải giả dối. Đây mới là thi ca chân chính.
Do vậy, Phùng Mộng Long không nản chí vẫn tiếp tục kiên trì truyền bá, những ca khúc thông tục này được phát triển rất mạnh vào cuối đời Minh.
Ở thành Tô Châu, thường các thị dân hoan nghênh việc diễn xướng các ca khúc và hí khúc. Hý khúc cũng là hình thức nghệ thuật được Phùng Mộng Long cũng vô cùng thích thú, ông đã chú ý sưu tập được rất nhiều câu chuyện và kịch bản.
Một lần, Phùng Mộng Long gặp một nguời thợ mộc đi trên đường phố, trong lúc làm việc, do không cẩn thận, anh ta bị thương ở ngón tay, máu chảy rất nhiều. Nhưng anh ta rất bình tĩnh, không một tiếng kêu la. Mọi người xung quanh thấy rất lạ, hỏi anh:
– Máu chảy như thế mà sao cứ như không vậy?
Nguời ấy trả lời:
– Tôi vừa mới đi nghe nguời ta kể chuyện “Tam quốc” về. Khi Quan Vân Trường bị nạo xương trị bệnh mà vẫn có thể trò chuyện như thường cơ mà! Tôi chỉ bị sơ sơ thế này, có gì mà đau đớn?
Nghe câu nói ấy, Phùng Mộng Long bỗng nhận ra một điều: một bộ tiểu thuyết hay có thể khiến con người bình thường trở nên dũng cảm, nguời dâm loạn trở nên thanh cao, nguời khinh bạc trở nên trung hậu, nguời ngốc nghếch trở nên thông minh. Nguời thợ mộc ấy, chẳng qua là một nguời dân bình thường, một chữ cũng có thể không biết, nhưng nghe chuyện “Tam quốc” đã có thể làm theo. Quả là tác dụng của tiểu thuyết thông tục không phải là nhỏ.
Vì thế, Phùng Mộng Long hạ quyết tâm phải ra sức đề cao văn học thông tục để cho phần lớn những nguời không biết chữ, trình độ văn hóa thấp đều có thể hiểu và yêu thích. Ông bắt đầu chọn lựa những tác phẩm ưu tú trong rất nhiều các sách vở lưu giữ trong gia đình mình, sửa chữa, viết lại, biên tập thành ba bộ tiểu thuyết bạch thoại (2) được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dân chúng.
Ba bộ tiểu thuyết của Phùng Mộng Long gồm “Dụ thế minh ngôn”, “Cảnh thế thông ngôn” và “Tỉnh thế hằng ngôn”. Ý của ba bộ sách này là qua đó khuyên nhủ, nhắc nhở và thức tỉnh mọi người về những điều cần chú ý khi sống trên đời.
Ba bộ tiểu thuyết này được gọi là “Tam ngôn” bao gồm 120 đoản thiên tiểu thuyết bạch thoại. Qua cuốn sách, mọi người có thể hiểu biết, bàn luận, yêu thích với biết bao câu chuyện mà ông đã miêu tả, phản ánh cuộc sống các tầng lớp khác nhau trong xã hội đời Minh. “Tam ngôn” được lưu hành, các nhà buôn bấy giờ lập tức đem khắc in và trở thành cuốn sách được lưu truyền.
Giờ đây nhìn lại, có thể thấy bộ “Tam ngôn” do Phùng Mộng Long biên tập cùng với hai bộ tiểu thuyết “Nhị phách” của Lăng Mông Sơ là kho tàng phong phú của đoản thiên tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc. Các tác giả của nó cũng là những nhà văn thông tục mà chúng ta đều khâm phục.
Chú thích:
- “Tam Quốc”: tức “Tam quốc diễn nghĩa”, do La Quán Trung viết vào cuối Nguyên đầu Minh.
- Bạch thoại: gần với khẩu ngữ của mọi người so với văn ngôn. Dùng bạch thoại viết tiểu thuyết dễ hiểu, dễ viết, được tầng lớp thị dân đương thời hoan nghênh.
- Nhị phách: tức “Sơ khắc phách án kinh kỳ”, “Nhị khắc phách án kinh kỳ”, hai bộ sách của Lăng Mông Sơ biên soạn đời Minh.