Thời kỳ vương triều Minh đứng trước nguy cơ suy vong, hoạn quan chuyên quyền đạt tới đỉnh cao, xuất hiện một nguời xưng là Cửu thiên cửu bách cửu thập tuế, chỉ kém Hoàng đế có 10 tuổi (vạn tuế), đó là Thái giám Ngụy Trung Hiền chuyên diễn trò hề sùng bái nhà vua.
Ngụy Trung Hiền không “trung” mà cũng chẳng “hiền”. Hắn là nguời Túc Ninh, Hà Gian (nay là Túc Ninh, Hà Bắc), từ nhỏ đã là một kẻ vô lại chuyên thói cờ bạc đĩ điếm. Năm 20 tuổi, vì đánh bạc thiếu nợ, Ngụy Trung Hiền phải trốn chui trốn lủi để tránh đòn thù của chủ nợ, sống cầu bơ cầu bất, cuối cùng không còn kế sinh nhai, phải tự thiến để vào cung, làm một tiểu hoạn quan. Vào những năm Vạn Lịch, Nụy Trung Hiền làm môn đệ cho Thái giám họ Ngụy.
Chu Do Hiệu khi chưa là Hoàng đế là bạn cờ bạc với Ngụy Trung Hiền, hắn đã gửi gắm tương lai cho nhà vua sau này. Thấy nguời vú nuôi của Chu Do Hiệu là Khách thị có thể nhờ vả, hắn đã dùng trăm phương nghìn kế để tỏ ra ân cần, tạo mối quan hệ ngày càng thân thiết. Khách thị khi ở trước mặt Chu Do Hiệu không ngớt nói điều hay cho hắn. Khi Minh Quang Tông mất, Chu Do Hiệu lên ngôi, đã đem Đông xưởng (1), một cơ quan mang tính chất đặc vụ giao cho Ngụy Trung Hiền cai quản. Ngụy Trung Hiền bỗng nhiên một bước nhảy lên làm Thái giám có quyền lớn nhất trong cung, bắt đầu thao túng triều chính, dùng mọi thủ đoạn hại dân hại nước.
Sau khi giành được chức quyền, Ngụy Trung Hiền một mặt ra sức tranh thủ sự quan tâm của tiểu Hoàng đế, bày đủ mọi thú ăn chơi, đưa Hoàng thượng tham gia chọi gà đua chó không thiếu thứ gì, một mặt trong cung chọn những nguời thân tín, hãm hại nguời không ăn cánh. Đầu tiên, hắn sử dụng những kẻ mặt dày mày dạn, một lòng trung thành giao cho những công việc quan trọng trong triều, đưa họ lên những chức vụ cao trong guồng máy, trong đó gian ác nhất là “ngũ hổ” và “ngũ báo”. “Ngũ hổ” do Thôi Trình Tú, một quan văn đứng đầu, “ngũ báo” do Điền Nhĩ Canh, một quan võ đứng đầu. Mười nguời này đều vô sỉ, coi Ngụy Trung Hiền như cha mẹ, ra sức thị uy, hoành hành cả trong lẫn ngoài triều đình. Các đại thần chính trực vô cùng khổ sở vì bọn chúng.
Tả phúc Đô ngự sử Dương Liên nhìn những cảnh ấy vô cùng phẫn nộ, ông đập bàn mà than, dâng sớ đàn hặc Ngụy Trung Hiền hai mươi bốn tội. Tấu sớ vừa tới Tư lễ giám, Ngụy Trung Hiền nghe nói có tấu đàn hặc mình vội tìm hai nguời Thôi Trình Tú và Điền Nhĩ Canh, bảo Thôi Trình Tú đọc cho hắn nghe. Dương Liên đã đưa ra nhiều chứng cứ, kể tội hại dân hại nước, những sự thực bất tuân luật pháp của hắn. Nghe xong, Ngụy Trung Hiền ngồi không yên chỗ, rồi mặt mũi xanh xám như thấy mình đang bị trừng trị, hắn đổ mồ hôi, nguời ướt đẫm.
Nhưng rồi Ngụy Trung Hiền nghiến răng, nói:
– Ta biết trong triều có bọn nguời muốn chống lại ta, không giết bọn này đi thì không thể làm gì nổi.
Nhưng rồi hắn cũng chột dạ lo cho mọi sự chu toàn, bèn tới trước mặt Tiểu Hoàng đế than khóc, Khách thị đứng bên cũng họa theo, các Thái giám khác cũng nói thêm vào, tất cả đều muốn hãm hại Dương Liên. Tiểu Hoàng đế cho rằng chính các đại thần không đúng, bèn hạ Thánh chỉ khiển trách Dương Liên. Việc này khiến cho các đại thần đều phẫn nộ, có tới hơn bảy mươi triều thần dâng tấu thư đàn hặc những hành vi ngang ngược của Ngụy Trung Hiền. Ngụy Trung Hiền tức giận, kết bè kết đảng, không nói gì tới việc triều chính, coi các quan phản đối mình đều là nguời thuộc Đông lâm đảng, rồi dựa vào đó tiến hành thanh lọc. Nhiều quan bị bức hại, tội nhẹ thì mất chức, tội nặng thì mất mạng, sau đó, hắn thay vào đó bằng những nguời thân tín của mình gồm toàn bọn tiểu nhân xu thời giữ những vị trí trọng yếu của triều đình. Ngụy Trung Hiền vẫn không quên mối hận cũ, cho bắt những nguời hắn vốn căm ghét như Dương Liên, Tả Quang Đẩu, Ngụy Đại Trung, v.v… Một thời gian dài, Đề kỵ (3) của Đông Tây Xưởng tung đi khắp nơi, hoành hành toàn quốc khiến nguời nguời gặp nguy. Có một viên quan tên gọi Ngô Hoài Hiền, ở nhà ngẫu nhiên đọc được tấu chương của Dương Liên, nói thành lời, thế là bị giết và tịch thu gia sản.
Ở Tín Dương, Hà Nam, có một nguời khi qua sông, thấy trên thuyền có một nguời Bắc Kinh bèn trò chuyện:
– Ngụy Thái giám ức hiếp triều thần, không biết gần đây thế nào?
Nguời nghe bỗng nhiên nổi giận:
– Ngụy Thượng công là Thánh nhân Trời sinh, sao anh cả gan vu cáo?
Nguời nói phải vội xin xỏ rồi đưa lễ mới không xảy ra sự gì.
Ở Nam Xương, Giang Tây, có một sinh viên vào hiệu sách, lật giở cuốn sách nói về hoạn quan, thốt ra một lời bình phẩm bị nguời ta nghe được đưa tới nha môn trị tội. Mọi người vội khuyên giải, anh sinh viên kia phải tốn khá nhiều tiền bạc mới thoát nạn. Nhiều việc cứ như số mệnh, nhiều nguời có khi chỉ nói ra một câu khiến Ngụy Trung Hiền giận dữ là có thể bị lột da, cắt lưỡi.
Ngụy Trung Hiền dùng thủ đoạn đàn áp bạo ngược để tạo nên sự thống trị độc tài, khiến cho quan dân trong thiên hạ ai cũng căm giận nhưng chẳng dám nói ra. Một thời, nguời xấu tràn lan, kẻ xu nịnh a dua càng ngày càng nhiều, Ngụy Trung Hiền được gọi là Cửu thiên tuế hoặc Cửu thiên cửu bách cửu thập tuế. Minh Hy Tông còn phong cho hắn và đứa em trai, cháu trai của hắn là công tước, hầu tước và bá tước. Khách thị cũng được phong là “Phụng thánh phu nhân”, được gọi là “Lão tổ thái thái thiên tuế”. Khi ra vào cung, kiệu và nghi trượng cùng tùy tùng của bà ta nguời ta nói rằng còn sang trọng hơn cả Hoàng đế.
Ngụy Trung Hiền một tay che cả bầu trời, tạo cơ hội cho một số kẻ đầu cơ. Có một số đông Thái học sinh còn dâng thư ca ngợi Ngụy Trung Hiền là “công đức”, nói hắn đã phù trợ cho Hoàng thượng khiến cho thiên hạ “đại trị”, yêu cầu dựng tượng lập đền thờ cho hắn để dân chúng cả nước quỳ lạy khấn vái, nhưng nhà vua nói đến bản thân mình cũng chưa thể được sự kính trọng như thế. Thiên hạ cứ đua nhau, nguời làm quan thì muốn thăng quan phát tài, bảo nhau xây sinh từ cho Ngụy Trung Hiền, riêng Bắc Kinh cũng đã xây dựng không ít đến mức số lượng không kém văn miếu nơi tế lễ Khổng Tử; Nam Kinh còn xây sinh từ của hắn ngay bên cạnh lăng mộ của Chu Nguyên Chương.
Đang trong lúc được sùng bái, ngưỡng mộ như vậy, trái núi mà Ngụy Trung Hiền dựa vào bỗng đổ sụp, vua Minh Hy Tông mất sau khi lên ngôi được bảy năm, khi mới 23 tuổi. Em của ông là Tín Vương Chu Do Kiểm nối ngôi, đó chính là Sùng Trinh Hoàng đế. Sùng Trinh Hoàng đế đã sớm căm phẫn bè lũ Ngụy Trung Hiền, lên ngôi chưa lâu, ông hạ lệnh bắt Ngụy Trung Hiền và xử tử đồng bọn, đưa hắn ra khỏi kinh. Biết hậu quả không tốt đẹp nên giữa đường, Ngụy Trung Hiền tự sát. Kẻ bất nghĩa cuối cùng cũng phải đền tội.
Chú thích:
- Đông xưởng: cơ quan điều tra và xét hỏi do hoạn quan nắm.
- Tả phú đô ngự sử: Phó trưởng quan Đô sát viện thời Minh Thanh.
- Đề kỵ: Hiệu úy Cẩm y vệ đời Minh.
xong tín vương lại hại dân
ai lên vua cx vậy