Về cuối đời Hoàng đế Gia Tĩnh Minh Thế Tông không còn quan tâm tới việc triều chính, bắt đầu đặt hết lòng tin vào Đạo giáo, điềm nhiên lập đàn trong cung để cầu Tiên. Phàm là những ai hợp với lòng tin của nhà Vua, nguời ấy sẽ được trọng dụng. Đại học sĩ Nghiêm Tung chính nhờ việc thảo những bài văn tế Thần, dần dần chiếm được địa vị Thủ phụ (1) trong nội các.
Nghiêm Tung hoàn toàn chẳng có tài năng gì, hắn chỉ biết a dua nịnh nọt mà được vua Thế Tông chú ý đến. Sau khi được giữ chức Thủ phụ, Nghiêm Tung cùng với con là Nghiêm Thế Phan kết đảng kiếm lợi, vì tiền mà bẻ cong pháp luật khiến chính sự hư hỏng.
Trong những năm ấy, một số triều thần thiếu khí phách đều dựa vào hắn, có đến hơn ba mươi nguời nhận hắn làm cha nuôi. Có thêm nanh vuốt, hắn càng có cơ hội thao túng triều chính. Thời gian Nghiêm Tung nắm quyền, ở phía bắc, bộ tộc Thát Đát mạnh lên, thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, trở thành một thế lực uy hiếp triều Minh. Không những không có sự chuẩn bị, Nghiêm Tung vẫn tham ô quân lương khiến binh sĩ luôn chịu cảnh đói rét. Thủ lĩnh của Thát Đát là Yểm Đáp mấy lần tiến công vào nội địa, quân Minh không có lực lượng chống đỡ. Năm 1550, Yểm Đáp đưa quân tiến công, đánh thẳng đến ngoại ô Bắc Kinh. Minh Thế Tông cử Cừu Loan, đồng đảng của Nghiêm Tung là Đại tướng quân, chỉ huy quân đội bảo vệ kinh thành. Sợ Cừu Loan thua trận, Nghiêm Tung bảo Cừu Loan không cần chống đỡ, cứ án binh bất động. Kết quả, quân Thát Đát tới vùng gần Bắc Kinh tha hồ cướp bóc gia súc, của cải rồi bỏ đi trong khi mười mấy vạn quân ở kinh thành không bắn một mũi tên. Năm sau, Cừu Loan lại câu kết với Yểm Đáp chuẩn bị cùng nhau giảng hòa. Việc này khiến nhiều đại thần vô cùng phẫn nộ, đặc biệt là Binh bộ viên ngoại lang Dương Kế Thịnh. Dương Thế Thịnh nguời Dung Thành, Bảo Định, xuất thân nghèo khổ. Năm ông mới 7 tuổi, mẹ đã mất, nguời mẹ kế lại đối xử không tốt, ông phải đi chăn trâu. Mỗi khi chăn trâu, Dương Kế Thịnh thường qua một trường học, thấy trẻ con trong thôn đọc sách, ông vô cùng ham thích, xin anh cho mình được cùng đi học. Nguời anh nói:
– Em còn nhỏ quá, làm sao học được?
Dương Kế Thịnh trả lời:
– Em có thể chăn trâu, sao lại không thể học?
Nguời cha thấy con có chí, cho hai anh em cùng đến trường ngoài buổi chăn trâu. Quả nhiên, chú bé học rất nhanh. Sau đó, về kinh ứng thí, Dương Kế Thịnh trúng tiến sĩ, vào triều, được không ít các đại thần nể phục. Ông là nguời chính trực, thấy Nghiêm Tung, Cừu Loan có những hành vi bán nước hại dân không thể chịu được. Ông dâng tấu chương lên Minh Thế Tông, phản đối việc giảng hòa, hy vọng triều đình tăng cường sức mạnh quân sự để chống lại Thát Đát. Đọc tấu chương, Minh Thế Tông cũng có suy nghĩ, nhưng vì nghe lời xúi giục của Cừu Loan lại biếm chức của Dương Kế Thịnh, đưa ông về làm Điển sứ (3) ở Địch Đạo (nay là Lâm Thao, Cam Túc).
Đến Địch Đạo, Dương Kế Thịnh cũng không nhụt chí. Thấy rất nhiều trẻ em ở đây không biết chữ, ông chọn lựa hơn trăm thanh thiếu niên, mời thầy về dạy học cho chúng. Học trò nghèo, không có tiền, ông bán ngựa của mình và quần áo tư trang của vợ lấy tiền giúp đỡ. Dân chúng rất yêu quý Dương Kế Thịnh, thường gọi ông là “Dương phụ”. Sau khi Dương Kế Thịnh bị biếm trích, triều Minh cùng Thát Đát giảng hòa, cùng nhau thông thương. Nhưng chẳng bao lâu, Yểm Đáp phá hoại lời hứa, nhiều lần tiến công qua biên giới. Mưu kế bị lộ, Cừu Loan phát bệnh mà chết. Đến khi ấy, Minh Thế Tông mới thấy ý kiến của Dương Kế Thịnh là đúng, đưa ông trở về kinh. Nghiêm Tung cũng muốn lấy lòng Dương Kế Thịnh nhưng hắn biết với hắn ông có mối thù không thể quên. Chỉ trở về sau một tháng, ông lại dâng tấu chương lên Minh Thế Tông đàn hặc Nghiêm Tung, tố cáo 10 tội trạng. Nhưng hắn vẫn lừa dối được Hoàng thượng vì còn có sự giúp đỡ của “Ngũ gian”, đó chính là những kẻ làm gián điệp, làm nanh vuốt, những kẻ thân thích, nô tài, tâm phúc bố trí dày đặc xung quanh Thế Tông. Đạo tấu chương này của ông đã làm hại Nghiêm Tung khiến hắn rất tức giận. Trước mặt Thế Tông, Nghiêm Tung vu cáo Dương Kế Tung. Nhà vua nổi giận, đánh ông hơn một trăm đình trượng, giam vào trong ngục.
Bị đình trượng, toàn thân đau đớn, thịt rơi máu chảy, ngục tốt tỏ lòng thương cảm nhưng Dương Kế Thịnh vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Bè bạn nghe nói ông bị thương nặng thông qua giám ngục đưa mật rắn vào để ông làm thuốc. Ông từ chối, không nhận, nói:
– Tôi cũng có mật, cần gì đến cái này!
Bị giam trong ngục ba năm mà thực ra, ông chẳng có tội trạng gì, nhiều nguời muốn xin Nghiêm Tung tha cho ông. Nghiêm Tung cùng đồng đảng nói với họ:
– Không giết Dương Kế Thịnh, khác nào nuôi hổ để lưu lại hậu họa cho mình!
Rồi hắn bất nhân, xúi giục Thế Tông giết hại ông. Nắm quyền hai mươi mốt năm, Nghiêm Tung đã đưa đồng đảng lên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều, quyền lực ngày càng lớn. Minh Thế Tông cũng dần dần chán ghét hắn. Một lần, Minh Thế Tông mời đạo sĩ vào cung lên đồng (4). Khi làm lễ, Đạo sĩ khuyên Thế Tông trừ bỏ Nghiêm Tung, nhà vua cũng có chút động lòng. Ngự sử Trâu Ứng Long nghe thấy việc này, nhận ra đây là một cơ hội tốt để đả kích Nghiêm Tung nhưng nghĩ tới hậu quả của Dương Kế Thịnh nên còn do dự. Nhưng sau khi suy xét kỹ lưỡng, ông ta đã đàn hặc Nghiêm Thế Phan. Nghiêm Thế Phan dựa vào quyền lực của cha, tác yêu tác quái. Tấu chương đàn hặc Nghiêm Thế Phan của Trâu Ứng Long gửi đi, Minh Thế Tông quả nhiên hạ lệnh khép tội Nghiêm Thế Phan, đưa đi Lôi Châu và hạ lệnh cho Nghiêm Tung về hưu. Nghiêm Thế Phan và đồng đảng của hắn là đồ vong mệnh, chúng không tới Lôi Châu mà lét lút trở về quê nhà, tụ tập những kẻ đại nghịch, còn câu kết với bọn Hán gian Uông Trực và Oải Khấu, chuẩn bị bỏ trốn đi Nhật Bản. Việc này bị Ngự sử Lâm Nhuận phát giác.
Minh Thế Tông u mê nhưng khi đọc tấu chương này cũng nổi giận, lập tức hạ lệnh đưa Nghiêm Thế Phan và đồng đảng của hắn chém đầu thị chúng, cách chức Nghiêm Tung cho làm dân thường. Bọn gian tặc của triều Minh cuối cùng cũng bị trừng trị.
Chú thích:
- Nội các: Năm 1380. Minh Thái Tổ đặt Trung thư tỉnh, bỏ chế độ Thừa tướng. Năm 1382, lập Hoa cái điện, Vũ anh điện, Văn uyên các, Đông các cùng Điện các đại học sĩ làm cố vấn cho Hoàng đế.
- Thát Đát: sau khi triều Nguyên diệt vong, triều Minh gọi các các bộ hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn là Thát Đát. Đầu đời Minh, Thát Đát bị Ngõa Lạt đánh bại, thế yếu. Đến thời kỳ Đạt Diên Hãn phục hưng, thống nhất Đông Mông Cổ. Đến thế kỷ 16, thống nhất Mạc bắc và Mạc nam thành Thanh.
- Điển sử: quan nhỏ ở hyện.
- Phù cơ: Lên đồng, một hoạt động mê tín, nói rằng qua đó có thể nhận được ý Trời.