Thời Tống Lý Tông, Tống Độ Tông, Giả Tự Đạo là bọn nguời tham sống sợ chết, nhưng cũng có những chí sĩ yêu nước ra sức chèo chống cho vương triều sắp đổ sụp. Nguời nổi tiếng nhất trong số đó là Văn Thiên Tường.
Văn Thiên Tường tự là Tống Thụy, còn có tên là Lý Thiện. Ông sinh năm thứ 3 Tống Lý Tông Thụy Bình (1236) ở huyện Lô Lăng, Cát An, Giang Tây. Cha ông là Văn Nghị, nguời có học vấn, được nguời đời gọi là “Cách Trai tiên sinh”. Được sự dạy dỗ chỉ bảo của cha, ông có vốn tri thức văn hóa phong phú và vững chắc, lại cũng hiểu rõ được hoàn cảnh của đất nước. Năm Tống Lý Tông Bảo Hữu thứ 4 (1256), Văn Thiên Tường đến kinh thành dự thi tiến sĩ, có tên trên bảng vàng. Tháng 5 năm ấy, ông lại tham gia kỳ Điện thí (1). Ông đàng hoàng chậm rãi, giọng văn trôi chảy viết một áng văn chương trình bày ý kiến của mình với đại sự quốc gia, đề xuất chủ trương cải cách chế độ chính trị.
Quan chủ khảo năm ấy là học giả nổi tiếng Vương Ứng Lân (2). Ông đọc bài của Văn Thiên Tường, ra sức khen ngợi, nói bài văn sâu sắc, hợp đạo lý, nghị luận trác tuyệt. Ông còn khen Văn Thiên Tường là nguời có lòng trung quân ái quốc, một nhân tài hiếm có nên cho Văn Thiên Tường đỗ Trạng nguyên. Biết mình được đỗ Trạng nguyên, Văn Thiên Tường càng cảm thấy trách nhiệm trên vai mình thêm nặng. Ông ngầm hứa với bản thân: “Ta nhất định phải phò trợ Hoàng đế cai trị quốc gia, khiến Nam Tống trở nên quốc phú dân cường, một khi quốc gia lâm nguy, ta sẽ quyết không vì tính mạng của bản thân, thề chết cho sự tồn vong của đất nước.” Văn Thiên Tường đã để cả nửa cuộc đời mình thể hiện lời thề ấy.
Năm Tống Lý Tông Bảo Hữu thứ 6 (1258), quân Mông Cổ chia làm ba đường tiến công Nam Tống. Tống Lý Tông nghe lời khuyên của bọn gian thần xiểm nịnh nghĩ tới chuyện bỏ chạy ra phía biển. Trong giờ khắc nghiêm trọng ấy, Văn Thiên Tường vì sự an nguy của quốc gia, sự hưng vong của dân tộc, can đảm đứng ra ngăn cản Hoàng đế. Ông nói:
– Bệ hạ là cha mẹ của dân chúng, cần phải bảo vệ con dân của mình. Chỉ cần kiên quyết chống lại kẻ địch, chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Có nguời khuyên ông:
– Trung ngôn nghịch nhĩ, để bảo toàn tính mệnh của mình, ông nên nói ít đi những lời như thế.
Văn Thiên Tường vẫn vì đại nghĩa, điềm nhiên trả lời:
– Ta yêu tính mệnh của bản thân mình, nhưng thứ còn yêu hơn là tiền đồ của đất nước. Giờ đây đang là thời khắc còn mất của quốc gia, ta sao chỉ nghĩ tới bản thân mình được?
Năm Tống Độ Tông Hàm Đình thứ 9 (1272), quân Mông Cổ tiến đánh Tương Dương, Phàn Thành. Tháng 9 năm sau, Hốt Tất Liệt đưa 20 vạn đại quân chia làm hai đường, tấn công Nam Tống. Thế giặc như chẻ tre, tới đâu thắng đó, không sức nào chặn được. Trước sức mạnh như vũ bão của quân Mông Cổ, vua Tống Độ Tông cam chịu buông xuôi, cho con là Triệu Hiển mới 4 tuổi nối ngôi, đó chính là Tống Cung Tông. Hoàng đế còn quá nhỏ nên Thái hoàng Thái hậu nhiếp chính. Tháng 12, triều đình gửi chiếu thư cho toàn thể dân chúng, yêu cầu các nơi nổi dậy cần vương (3). Trong hoàn cảnh vô cùng nguy cấp ấy, nguời đầu tiên hưởng ứng cần vương bảo vệ đất nước là Văn Thiên Tường. Nhận được chiếu thư, ông lập tức chiêu binh mãi mã. Dân chúng khắp nơi mang mối thù khắc cốt ghi xương với quân Nguyên, lại thêm Văn Thiên Tường với dân chúng rất có uy tín nên trong vòng chưa đầy nửa tháng đã có tới 3 vạn nguời gia nhập nghĩa quân. Văn Thiên Tường đem bán toàn bộ gia sản của mình lấy tiền chi phí cho việc quân. Trong khi Lâm An nguy cấp, ông tổ chức 3 vạn nghĩa quân thành đội ngũ, hành quân suốt ngày đêm không quản mưa gió tới hỗ trợ cho Lâm An.
Không lâu sau, quân Nguyên đánh vào Thường Châu và Bình Giang (nay là Tô Châu, Giang Tô). Văn Thiên Tường lại lập tức đưa quân tới hỗ trợ cho Thường Châu. Do quân địch quá đông, lại bị phe đầu hàng phá hoại, cuộc chiến đấu thất bại, Thường Châu và Bình Giang bị quân Nguyên chiếm đóng. Nhưng nghĩa quân vẫn dũng cảm chiến đấu thà chết không chịu khuất phục. Tinh thần ấy được triều đình ghi công và lưu truyền mãi trong lòng dân chúng. Uy tín của Văn Thiên Tường và những nguời lãnh đạo nghĩa quân càng lên cao.
Sau khi Thường Châu thất thủ, phe đầu hàng bán nước hèn nhát cho rằng quân Nguyên đã áp sát kinh thành, định dâng thành đầu hàng tìm đường sống. Biết được điều ấy, Văn Thiên Tường phẫn nộ, chất vấn chúng:
– Trong lúc nguy cấp, mà sao quên cả quốc gia, dân tộc, đánh mất cái khí tiết cao thượng của kẻ đại trượng phu.
Ông nói với Hoàng đế và Thái hoàng Thái hậu:
– Chỉ cần chúng ta đồng lòng, nhất định sẽ đánh lui quân địch, bảo vệ được Lâm An.
Khi Thống soái của quân Nguyên là Bột Nhan cử sứ thần tới, yêu cầu Thừa tướng triều Tống nội trong hai ngày phải tới bản doanh của chúng để đàm phán, nếu không chúng sẽ đánh Lâm An. Thừa tướng Trần Nghi nghe tin sợ mất vía, bỏ trốn ngay trong đêm.
Trần Nghi bỏ chạy, không có nguời làm chủ việc triều chính, hoàn cảnh vô cùng nguy cấp. Với lòng yêu nước, Văn Thiên Tường lại đứng ra gánh vác, tỏ ý sẵn sàng tới doanh trại quân Nguyên. Triều đình bèn cử ông làm Hữu Thừa tướng, đi đàm phán với Bột Nhan. Văn Thiên Tường hiểu sâu sắc việc ra đi lần này có quan hệ lớn tới sự an nguy của quốc gia. Ông quyết tâm không vì lợi ích cá nhân, không khuất phục, không chịu bị kẻ thù làm nhục.
Trước khi lên đường, Văn Thiên Tường dặn dò các thủ hạ phải làm tốt việc chuẩn bị chiến đấu, một khi kẻ địch xâm phạm kinh thành, phải kiên quyết cố thủ. Khi ông sắp ra đi, bỗng nghe ngựa hí lên một tiếng dài. Một tráng sĩ nhảy xuống ngựa, bước nhanh tới trước mặt Văn Thiên Tường. Chàng trai vừa vái lạy, vừa nói với Văn Thiên Tường:
– Đại nhân, ngài không thể tới trại của quân Nguyên được. Bột Nhan là kẻ ác độc, ngài đi lần này thật lành ít dữ nhiều.
Văn Thiên Tường vội đỡ chàng trai dậy, giọng trầm hẳn xuống, nói:
– Đất nước tới lúc này cần ta phải đi. Ta sao có thể chỉ nghĩ tới sự an nguy của bản thân mình. Nếu quân Nguyên đánh phá Lâm An, không chỉ vương triều Nam Tống của chúng ta bị diệt vong, nhân dân chúng ta cũng sẽ bị thảm sát tàn bạo. Ta đi lần này, có thể chưa chắc đã thuyết phục được kẻ thù. Đàm phán có thể không thành công nhưng ta cũng có thể có cơ hội tới trại giặc để hiểu thực hư của chúng.
Nói xong, ông từ biệt mọi người, lên ngựa đi về hướng bắc.
Tới doanh trại của Bột Nhan, Văn Thiên Tường chỉ thấy lính vệ binh đứng đầy phía trước, trong tay sẵn sàng thương đao, sát khí đằng đằng. Ông không run sợ, thản nhiên bước vào doanh trại gặp Bột Nhan. Bột Nhan vốn tin rằng sứ giả của triều Tống sẽ phải cầu xin hắn, không ngờ Văn Thiên Tường lại có thái độ điềm nhiên nói năng mạch lạc, cùng với hắn bàn việc.
Với vẻ kiêu ngạo, Bột Nhan lên giọng uy hiếp Văn Thiên Tường:
– Hôm nay, nếu ông không chịu đầu hàng triều Nguyên, ta lập tức sẽ giết ông ngay tại đây.
Nói xong, hắn rút thanh đao cầm sẵn trên tay. Văn Thiên Tường mặt không biến sắc, khảng khái ngẩng cao đầu trả lời:
– Dù đao ở trước mặt, dầu cháy sau lưng, ta cũng không sợ. Ta đường đường là Thừa tướng của Đại Tống, quyết không chịu đầu hàng các ông.
Bột Nhan không ngờ Văn Thiên Tường tỏ rõ khí phách của một hảo hán như vậy. Hắn nghĩ: nếu để Văn Thiên Tường ra về, nhất định sẽ làm mất thể diện của quân Nguyên, bèn ra lệnh giữ Văn Thiên Tường lại, áp giải ông về Đại Đô (4), giao cho Hốt Tất Liệt xử trí.
Trên đường bị giải đi, Văn Thiên Tường đã tìm được cơ hội trốn thoát. Con đường trở về vô cùng gian khổ, phải vượt qua sự truy đuổi của quân Nguyên, cuối cùng ông cũng về tới phía nam. Trên con thuyền về nam, đối diện với sóng nước trùng trùng, Văn Thiên Tường ngâm lên những câu thơ bất hủ:
“Thần tâm nhất phiến từ châm thạch,
Bất chỉ nam phương bất khẳng hưu.”
(Vũ Minh Tâm dịch: Lòng tôi như đá nam châm,
Xoay đâu rồi cũng phương nam hướng về.)
Trở về phương nam, Văn Thiên Tường lại tiếp tục giương cao ngọn cờ chống quân Nguyên, ông đưa nghĩa quân đi khắp nơi để đảm bảo sự an nguy cho tiểu triều đình của Nam Tống, dù giành được một số thắng lợi, nhưng do địch mạnh ta yếu nên cuối cùng cũng đành chịu thất bại. Trong một trận giao tranh, không may Văn Thiên Tường bị bắt. Quân Nguyên áp giải ông tới trước mặt chủ soái Trương Hoằng Phạm, chúng bắt ông quỳ. Văn Thiên Tường hiên ngang, đáp:
– Ta thà chết không thể quỳ trước mặt nguời Nguyên.
Trương Hoằng Phạm giam ông, nhiều lần cho nguời khuyên ông đầu hàng, Văn Thiên Tường nhất định không chấp nhận.
Năm Thất Nguyên thứ 16 (1279), trên đường qua sông ở Chu Giang Khẩu, ông chỉ nghĩ tới việc vì sự nghiệp chống quân Nguyên mà chẳng hề nghĩ tới thân phận tù ngục. Nhìn cảnh non sông đất nước như bị tàn phá, ông viết bài “Quá Linh Đinh Dương” được lưu truyền thiên cổ, thể hiện lòng yêu nước cao cả của mình:
“Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.”
(Đông A dịch: Người đời tự cổ ai không chết
Lưu giữ lòng son sáng sử xanh.)
Trương Hoằng Phạm đọc được, cũng vô cùng cảm phục, cất lời khen:
– Nguời giỏi! Thơ hay!
Khi được đưa về tới Đại Đô, Hốt Tất Liệt cho rất nhiều nguời tới khuyên ông đầu hàng, trong đó có Hoàng đế Triệu Hắc và Tiền Thừa tướng Lưu Mộng Viêm, lại có cả A Hợp Mã là một trong những kẻ có quyền lực cao nhất của triều Nguyên. Văn Thiên Tường vẫn không lay chuyển. Hốt Tất Liệt thấy không thuyết phục được ông bèn ra lệnh đóng gông và giam ông vào ngục tối, bằng mọi cách hành hạ ông. Văn Thiên Tường vẫn không chịu khuất phục. Cuối cùng, Hốt Tất Liệt đích thân tới khuyên ông đầu hàng, hắn nói với Văn Thiên Tường:
– Chỉ cần ông quy thuận triều Nguyên, ta sẽ phong ông làm Tể tướng.
Văn Thiên Tường thà chết không chịu nên Hốt Tất Liệt ra lệnh giết ông.
Ngày 19 tháng 12 năm Thất Nguyên thứ 19 (1283), nguời anh hùng bất khuất Văn Thiên Tường bị sát hại ở Sài Thị Khẩu (nay là Thái Thị Khẩu, Bắc Kinh). Trước khi bị hành hình, ông nét mặt không đổi hướng về phía nam bái lạy. Năm ấy, ông 47 tuổi.
Từ cuộc đời anh dũng chiến đấu của mình Văn Thiên Tường đã viết nên “Chính khí ca”. Ông tuy hy sinh, nhưng tinh thần yêu nước dào dạt và khí tiết cao thượng của ông còn mãi với non sông, tiếp tục khích lệ nguời đời sau hết lòng vì chính nghĩa và chiến đấu vì chân lý.
Chú thichs:
- Điện thí: Bậc cao nhất trong kỳ thi, do Hoàng đế đích thân chủ trì ở nội cung.
- Vương Ứng Lân (1223 – 1296), nguời Khánh Nguyên, Nam Tống (nay là Ninh Ba, Triết Giang).
- Cần vương: ý nói cứu giúp cho Hoàng đế.
- Đại Đô: nay là Bắc Kinh. Năm 1267, Hốt Tất Liệt xây dựng một thành ở đông bắc đô thành của Kim. Năm 1283 xây dựng hoàn tất.
nếu ai cũng hùng tâm tráng khí được như Văn thiên Trường cả thì chẳng mấy chốc mà VN cường thịnh.
Quê tôi có một đền thờ anh hùng đi theo Nguyễn Huệ đánh quân nhà Thanh. trước cổng vào có câu đối 焄熇洋在上.
正氣賦流形. Không biết người xưa có ví Anh hùng này như Văn Thiên Tường. Cũng vì không biết nghĩa của câu đó ra sao nữa,Xin thầy chỉ giáo ngọn ngành,Xin cảm ơn trước.