Từ trước những năm 70 của thế kỷ 20, việc học hành và thi cử hàng năm diễn ra một cách bình thường ở tất cả các cấp học. Cả thầy và trò đều quan niệm thi cử là công việc không thể thiếu mỗi khi kết thúc một cấp học, để nguời học trò có thể nhận được tấm bằng tương xứng chứng nhận trình độ của mình để có thể bước tiếp trên đường đời.

Nhận được bằng cấp 2 (tương đương trung học cơ sở bây giờ), anh có thể thi vào một trường trung cấp (phổ biến là sư phạm, y, xây dựng, …). Sau 2 năm học, nguời học đã được nhận bằng trung cấp, một tấm bằng tạm gọi là “danh giá” lúc ấy. Nếu học Sư phạm, anh đã trở thành giáo viên cấp 2 (mà trường cấp 2 không phải xã nào cũng có); nếu học y, anh đã là y sĩ, có quyền khám bệnh, kê đơn thuốc,…(không phải huyện nào cũng có bệnh viện).

    Để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi, dù lớp 7 (cấp 2) hay lớp 10 (cấp 3), thầy và trò cũng chỉ có những cuốn sách giáo khoa (tất nhiên không phải học sinh nào cũng có đủ loại sách cần thiết này). Do thiếu sách giáo khoa, các trường lúc ấy còn tổ chức “tủ sách dùng chung”. Một cuốn sách được sử dụng nhiều năm. Nhà trường cho học sinh mượn, cuối năm trả lại để năm sau cho học sinh mượn tiếp. Tôi nhớ cuốn “Dàn bài Tập làm văn” lớp 10 nhiều năm mới được in lại nên rất hiếm. Hàng năm, mỗi khi ôn thi, thầy thường phải giới thiệu và tóm tắt những đầu bài và dàn bài trong đó để học sinh tham khảo. Điều kiện học tập thiếu thốn nhưng tổ chức thi cử tương đối chặt chẽ, công bằng nên học trò vẫn ra sức mà học, chểnh mảng một chút chắc sẽ “trượt”. Tỷ lệ đỗ cao nhất ở các trường thường không vượt quá 80%, còn các trường mới thành lập, các trường ở “vùng sâu vùng xa” như cách nói hiện nay thì đổ chỉ khoảng 50%. Mà cũng không ai quan tâm đến việc ra đề thi. Thầy và trò đều quan niệm, cứ học hành, ôn tập chu đáo chắc sẽ đỗ.

    Nhưng từ cuối những năm 70, kinh tế khủng hoảng. Không thế thoát khỏi vòng xoáy ấy,  giáo dục tiếp tục xuống dốc nhanh hơn. Suốt cho tới những năm 80, các trường luôn trong tình trạng trò chẳng thiết học, thầy chẳng thiết dạy. Thầy giáo trở thành những nguời biết dạy học và làm rất nhiều nghề khác.

    Đầu những năm 80, vào cuối năm học, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, một số trường Cấp 3 ở Hà Nội lưu hành các tài liệu ôn tập của 4 môn thi. Những nguời đầu tiên tham gia biên soạn (cho môn Văn, không dám nói tới các môn khác) là một vài cán bộ của Bộ Giáo dục phụ trách bộ môn. Những tài liệu hồi ấy còn in rô-nê-ô, một lối in thủ công nay đã được đưa vào bảo tàng. Phần  chủ yếu là tóm tắt một số ý chính về nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm đã dạy trong chương trình. Điều này không có gì mới lạ, một giáo viên dạy lớp cuối cấp dăm năm là có thể làm được không gặp khó khăn. Nguời ta quan tâm và chờ đợi là phần sau của tập Tài liệu. Phần này có mấy cái đề thi làm thí dụ được giới thiệu đúng như bố cục của một đề thi chính thức. Người biên soạn, tổ chức in ấn, phát hành cũng có chút thu nhập cải thiện đời sống. Thầy và trò đều quan tâm vì ai cũng muốn mất ít thời gian nhất nhưng có cơ hội đạt kết quả cao nhất. Thầy đang cần thời gian để làm thêm bù đắp cho những khoản thiếu hụt, còn không thích học hình như vốn là bản tính của học trò nhất là trong những năm “đói kém” này. Giấy không được trắng, bản in lại “lem nhem” nhưng không phải ai cũng mua được. Nhất là từ sau kỳ thi năm 1983 (?), một đề thi chính thức trong kỳ thi Tốt nghiệp “y chang” một đề thi thí dụ ở cuối Tài liệu thì từ đó, nó  trở thành một cuốn sách được săn tìm. “Cầu” thì lớn nhưng “cung” có hạn do điều kiện kỹ thuật khiến số lượng phát hành không nhiều. Nhưng dù sao cũng phải khẳng định, ngoài việc có thể cung cấp một vài cái “tủ”, thầy và trò hy vọng sẽ có những “bí mật” được “bật mí” (biểu hiện rất tiêu cực trong thi cử), những Tài liệu này không bổ sung được bất cứ một chút kiến thức nào cho nguời dạy và nguời học.

    Tới những năm sau, việc in ấn được  cải thiện. Tài liệu không chỉ được in thủ công (rô-nê-ô) mà được in máy (ti-pô), rồi từ khi Nhà xuất bản Giáo dục tham gia vào “cuộc chơi” thì số lượng “cung” dễ dàng đã vượt “cầu”. Để tiêu thụ, nguời ta bèn sử dụng chính sách “hoa hồng”. Từ cấp trên về tới Sở, tôi không được rõ, nhưng các trường mua Tài liệu từ Sở đều được một khoản “hoa hồng” đáng kể. Tiêu thụ càng nhiều, “hoa hồng” càng lớn. Cái “hoa hồng” này, dành cho mấy cô nhân viên văn phòng phải làm việc “kết nối” giữa “đầu ra và “đầu vào”. Tuy có vất vả nhưng thu nhập cũng “hấp dẫn”. Các thầy Hiệu trưởng có tầm nhìn xa hơn, ngoài một phần “hoa hồng”, các thầy muốn “được lòng” Sở, các thầy “đầu tư” cho tương lai (thế nào chẳng có lúc phải nhờ cậy, phải xin châm chước mỗi khi Sở thanh kiểm tra hàng năm, …rồi chỉ tiêu, rồi danh hiệu, và “trăm thứ bà rằn” khác …), cho nên các thầy đều ra lệnh cho học trò ngay trong lễ chào cờ đầu tuần đại ý: Tài liệu rất quan trọng, ai cũng phải mua” (hai anh em hay chị em cùng học một lớp, cùng chuẩn bị đi thi nhiều khi cũng phải “đứa nào mua của đứa ấy”). Và vì mức độ cần thiết của nó nên nhà trường sẽ ứng tiền ra mua trước (sợ chậm thì hết!), học sinh sẽ trả nợ cho trường sau. Mặc dù không ít cuốn tới khi ra hàng “đồng nát” vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ đã được sử dụng.

    Không am hiểu về kinh tế nên tôi  không dám lạm bàn. Nhưng về mặt dạy và học, xin khẳng định, nó chẳng có tác dụng gì.

    Hồi còn đi dạy, mấy anh em ngồi chơi chờ tới giờ lên lớp, nghe cô văn phòng “đòi nợ” một cậu lớp trưởng khoản tiền mua Tài liệu còn thiếu, ai cũng cho rằng “thật lãng phí”. Nhưng có nguời bảo:

– Thì các ông thấy các loại Toàn tập, Tuyển tập nguời ta in để làm gì?

Một anh quê làng Cót thêm:

– Cả làng tôi in tiền âm phủ chỉ để nguời ta đem đốt!

    Cách nay dăm bảy năm, có lẽ vì nhận thấy cái “vô vị” và lãng phí của những cuốn sách này, Bộ Giáo dục đã ra lệnh không phát hành loại Tài liệu này nữa.  Nhưng “thói quen” hình thành đã trên dưới ba chục năm phải bỏ thì thật đáng tiếc!

Vả lại, cái “vô vị” và sự lãng phí thì các “thầy” đâu có phải gánh chịu!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here