Năm 1147, Thái Bảo Hoàn Nhan Lương nước Kim phát động chính biến cung đình, giết Kim Hy Tông, tự lập Hoàng đế, lịch sử gọi là Hải Lăng vương.

Truyền thuyết nói một lần, Hải Lăng vương nghe nguời điền từ Liễu Vĩnh  diễn xướng, trong bài từ miêu tả cảnh Giang Nam phồn hoa, tươi đẹp “Tam thu quế tử, Thập lý hà hoa” vô cùng thèm muốn. Ông ta lặng lẽ cử nguời tới Lâm An, vẽ những cảnh đô hội ấy mang về làm bình phong ngày ngày thưởng lãm.

Năm 1161, Hải Lăng vương điều bốn mươi vạn binh mã, chia làm 4 đường, tiến xuống phía nam ý đồ tiêu diệt Nam Tống. Hải Lăng vương ngông cuồng tuyên bố: “Ta xuất chinh lần này, nhiều là trăm ngày, ít là một tháng, nhất định sẽ bình định được Giang Nam!”

Quân Kim thế như chẻ tre, rất nhanh chóng vượt Hoài Hà. Thống sư lúc đó là Vương Quyền đang ở Lư Châu (nay là Hợp Phì, An Huy) là một kẻ tham sống sợ chết, nghe nói quân Kim đã qua Hoài Hà, bỏ chạy quên cả đêm tối về Trường Giang, đến ghềnh Thái Thạch (nay là núi Mã Yên, An Huy) mới dám dừng lại.

Lâm An nguy cấp, Tống Cao Tông hai chân run lẩy bẩy lại muốn ra biển để trốn tránh quân Kim. Được sự cổ vũ của phái kháng chiến, vua mới cử Tri khu mật viện sự Diệp Nghĩa Vấn đến Giang Triết xem xét tình hình, đốc quân chiến đấu, lại cử Trung sả nhân Ngu Doãn Văn làm Tham mưu quân sự. Còn nhà vua ngầm cho nguời chế ngự thuyền, chuẩn bị bỏ chạy ra biển.

Tháng 10, Hải Lăng vương đã thống lĩnh đại quân tới Hòa Châu (nay là huyện Hòa, An Huy) ở bờ bắc sông Trường Giang, lấy vật liệu từ việc phá nhà cửa của dân chúng  sửa sang chiến thuyền, chuẩn bị vượt sông. Lúc ấy, Tướng Tống Vương Quyền đã bị bãi chức, tướng mới chưa tới nhiệm sở, Diệp Nghĩa Vấn cũng đã tới Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô). Quân sĩ không có nguời chỉ huy ngồi vất vưởng bên đường, tinh thần vô cùng sa sút.

Trung thư sả nhân Ngu Doãn Văn vừa tới Thái Thạch, thấy tinh thần quân sĩ bạc nhược, yên ngựa, giáp trụ mỗi thứ một nơi, vội hỏi:

– Giờ đây kẻ địch đã ở trước mặt, các ngươi sao còn ngồi đây làm gì?

Tướng sĩ ngẩng đầu nhìn, thấy ông dáng thư sinh, lại là quan văn, chẳng giấu giếm gì, nói:

– Quan tướng đều chỉ mong hai chữ “đại cát”, không biết chạy đâu, chúng tôi còn biết làm gì nữa?

Ngu Doãn Văn tuy là quan văn, nhưng cốt cách cương nghị, nguời thuộc phái kiên định kháng chiến. Ông nói với mọi người:

– Ta phụng mệnh triều đình đến đây thăm hỏi mọi người. Các người chỉ cần vì nước giết địch, ta nhất định sẽ báo công với triều đình, luận công ban thưởng. Ta tuy là một gã thư sinh nhưng cũng có thể lên yên ngựa đứng đàng sau các người, cùng các nguời giết giặc lập công.!

Tướng sĩ thấy thái độ ông hiên ngang khảng khái, phấn chấn trở lại, họ đua nhau biểu thị thái độ:

– Chúng tôi cũng khổ sở vì quân Kim lắm, nào có ai muốn làm kẻ mất nước? Giờ đây có ngài làm chủ soái, chúng tôi nhất định sẽ liều mình giết địch, vì nước lập công!

Lúc ấy, một kẻ thủ hạ của Ngu Doãn Văn đứng bên cạnh, nói nhỏ với ông:

– Nguời ta thấy tình thế rối ren thì bỏ chạy, sao ông lại chuốc khổ vào thân, lại còn lao vào chỉ huy trận chiến này nữa?

Ngu Doãn Văn nghe xong, tức giận, nói:

– Im miệng! Quốc gia đã nguy cấp tới mức này, ta sao có thể ngồi nhìn không hành động!

Ngu Doãn Văn Lập tức thị sát tình hình bên bờ sông, bố trí đầy đủ các công trình phòng thủ. Ông hạ lệnh cho bộ binh, kỵ binh chỉnh đốn đội ngũ, sắp đặt thế trận, lại đem binh thuyền chia làm năm đội, hai đội đỗ ở hai bờ đông tây, hai đội khác chuẩn bị hỗ trợ phía sau, còn đội tinh nhuệ nhất ra giữa dòng Trường Giang, chuẩn bị tiến công thuyền địch. Sau khi  trận địa đã bố trí hoàn tất, quân Kim đã nổi trống trận, vang động cả dòng sông. Trong chớp mắt, hơn 70 thuyền chiến của quân Kim đã tiến sang bờ phía nam. Hải Lăng vương khí thế ngất trời đứng trên chiến thuyền chạm trổ rồng phượng rất đẹp đẽ, tay cầm lá cờ đỏ, đích thân đốc chiến. Nhìn quân Kim tinh thần hăng hái, quân Tống có phần nao núng. Thấy tình hình như vậy, Ngu Doãn Văn tới sau lưng tướng Thời Tuấn, ân cần nói với ông ta:

– Từ lâu đã nghe nói Tướng quân dũng cảm hơn nguời, gần xa đều biết. Hôm nay sao chẳng khác gì nhi nữ, đứng phía sau thuyền như thế, chỉ sợ uy danh  của Tướng quân bị ảnh hưởng.

Thời Tuấn nhận được sự khích lệ của chủ tướng , lấy lại tinh thần, lập tức xông lên mũi thuyền, tay cầm song đao, quên mình xung sát cùng kẻ địch. Quân sĩ thấy chủ tướng và tướng lĩnh đều dũng cảm vô song, cũng quên mình liều chết xông vào quân Kim.

Hai bên giao tranh bất phân thắng bại suốt hồi lâu, Ngu Doãn Văn hạ lệnh cho các chiến thuyền đã được chuẩn bị  từ trước tiến công mãnh liệt vào chiến thuyền của kẻ địch. Chiến thuyền của quân Kim nhiều nhưng do sử dụng những vật liệu cũ để chế tạo, đáy thuyền lại phẳng quá, không đủ chắc chắn, bị vỡ, nước tràn vào thuyền, cuối cùng thì chìm. Quân Kim chết vô số. Nhưng Hải Lăng vương vẫn lợi dụng số đông, kiên trì cầm cự tới khi mặt trời ngả về tây vẫn chưa chịu rút lui.

Vừa hay lúc đó, một đội quân Tống từ Quang Châu (nay là Hoàng Xuyên, Hà Nam) lui về qua Thái Thạch. Ngu Doãn Văn kịp thời lệnh cho họ giương cao cờ lớn, hô vang khẩu hiệu  từ phía sau xông tới khiến kẻ địch hoảng sợ. Hải Lăng vương quả nhiên trúng kế, trong lòng hồ nghi: “Chủ tướng quân Tống thật lắm mưu nhiều kế, không biết quân trợ chiến này điều từ đâu đến? Nếu không kịp thời rút lui, thương vong của quân ta nhất định sẽ càng trầm trọng.”

Vì thế, Hải Lăng vương vội ra lệnh hạ cờ đỏ, giương cờ vàng chỉ huy quân Kim rút lui. Ngu Doãn Văn chớp lấy thời cơ, lệnh cho cung  tên bắn dồn dập, giết được rất nhiều kẻ địch. Đến lúc này, quân Kim bị tổn thất nghiêm trọng. Hải Lăng vương nổi giận, quay lại giết liền mấy viên đại tướng trợ thủ.

Chính vào lúc Hải Lăng vương đang gặp chuyện bất lợi, nội bộ nước Kim phát sinh chính biến, quý tộc Hàn Nhan Ung ở hậu phương xưng đế. Tin tức truyền tới, Hải Lăng vương càng thêm rối ren, suy đi tính lại, chỉ còn một cách diệt cho được triều Tống mới có thể giữ được ngôi vua. Vì thế, sang ngày hôm sau, hắn chuẩn bị tiến công Thái Thạch. Nhưng  Ngu Doãn Văn tính việc như thần, đã sớm có sự chuẩn bị. Ông sắp xếp lại phần lớn các thuyền chiến, còn bố trí đội quân tinh nhuệ ở cửa Dương Lâm, một nơi có hình thế hiểm yếu. Hải Lăng vương vừa tới cửa Dương Lâm, quân Tống đã bắn tên như mưa, tên kèm theo lưu hoàng, đem theo lửa đốt thuyền địch. Trời xanh cũng trợ uy, bỗng nổi cơn gió lớn. Hơn ba trăm chiến thuyền của quân Kim bị thiêu hủy, quân sĩ khóc lóc kêu than, đua nhau nhảy xuống nước để thóat thân, lại bị quân Tống giết chết rất nhiều. Cuộc đại chiến trên ghềnh Thái Thạch kết thúc với thắng lợi toàn diện thuộc về quân Tống.

Hải Lăng vương  vẫn không cam chịu thất bại mang quân tiến công Kinh Khẩu. Nhưng ở đây, Ngu Doãn Văn cũng đã có sự phòng bị chu đáo từ trước. Hải Lăng vương giận quá mất khôn, lệnh cho các tướng sĩ nội trong ba ngày phải vượt qua sông Trường Giang bằng mọi giá. Phía trước là trở ngại không thể vượt qua, phía sau là “quân lệnh như sơn” của chủ tướng, tướng sĩ quân Kim không còn con đường nào khác, bèn bí mật bàn mưu giết Hải Lăng vương, cùng quân Tống nghị hòa, đầu hàng Tân Hoàng đế. Sáng sớm hôm sau, dưới sự chỉ huy của Da Luật Nguyên Nghi, quân Kim bao vây nơi ở của Hải Lăng vương. Còn chưa biết chuyện gì xảy ra, Hải Lăng vương đã trúng loạn tên mà chết.

Trận Thái Thạch, quân Tống đại thắng dù cũng có tới ba phần may mắn, đã lấy lại một chút sức lực cho chính quyền Nam Tống đang suy nhược.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here