Tuy trong xã hội phong kiến Trung Quốc nguời ta thường coi trọng nguyên tắc: “Tướng quân bắt đầu từ anh lính, Tể tướng bắt đầu từ thư lại” nhưng nguời xuất thân quý tộc so với những nguời bình dân thường có nhiều cơ hội trên con đường làm quan nhờ dựa vào mối quan hệ hay dòng dõi gia đình. Nguời xuất than tầng lớp dưới được thăng quan tới ngôi vị cao thật quả hiếm hoi. Địch Thanh, Đại tướng quân đời Tống chính là một trong số ít những trường hợp hiếm có ấy.
Địch Thanh là nguời Phần Châu, Sơn Tây, từ nhỏ đã thích học võ, luyện tập cưỡi ngựa bắn tên. Lớn lên, ông sống lưu lạc, cuối cùng tới Khai Phong, đầu quân làm lính, trở thành quan lại vệ binh của vương triều Tống. Thời Tống, phàm là nguời bình dân đầu quân làm lính, đều phải thích chữ lên mặt, chẳng khác gì những tù phạm bị lưu đày, để đề phòng đào ngũ bỏ trốn. Trên mặt Địch Thanh tất nhiên cũng có những ký hiệu tủi nhục ấy.
Nguời khác nghĩ thế nào, Địch Thanh không cần biết, nhưng ông có cách nghĩ riêng. Ngày Địch Thanh bị thích chữ lên mặt cũng chính là ngày phủ Khai Phong yết bảng trúng tuyển kỳ thi. Các tiến sĩ tân khoa nét mặt rạng rỡ đi qua trước mặt những nguời lính mới. Mọi người đều nghĩ: cùng là nguời mới cả, các quan tân khoa sao khác những tân binh đến thế, ông Trời thật bất công! Nhưng Địch Thanh lại nghĩ: “Sau này thế nào thật khó nói, để rồi xem tài năng các nguời ra sao.” Vì câu nói này, Địch Thanh đã từng bị nguời ta cười giễu, nhưng đó lại chính là động lực thúc đẩy ông ra sức phấn đấu trong suốt cuộc đời để ông từ một nguời lính trở thành Khu mật sứ.
Cơ hội để thể hiện tài năng cuối cùng cũng đến. Tây Hạ kiến quốc, mang quân quấy nhiễu biên giới Bắc Tống, triều đình phải đưa quân tăng viện cho các châu quận ở biên giới Thiểm Tây. Địch Thanh cùng với nhiều binh sĩ ở triều đình được đưa tới Diên Châu. Được thăng là nguời chỉ huy, trong tay ông có khoảng 500 nguời lính.
Từ Khai Phong tới Diên Châu, mọi người đều chẳng ai cho rằng được thăng quan, ngược lại còn coi như tù bị đưa đi đày tới cuộc chiến tranh ở biên giới, nhất là khi quân Tống thất bại đã nhiều, phần lớn tướng sĩ đều mang tâm lý chán nản tiêu cực. Nhưng Địch Thanh lại có tâm trạng hoàn toàn khác, ông cho rằng đây chính là mình đã tìm được cơ hội để bộc lộ tài năng.
Mỗi khi xung trận, Địch Thanh tóc dựng đứng, sau chiếc mặt nạ đồng chỉ thấy đôi mắt rực sáng. Ông múa khiên quất ngựa, xông lên trước binh lính, đánh thẳng vào quân Tây Hạ khiến chúng tan tác, không kẻ nào dám chống lại. Trong bốn năm ở Diên Châu, qua 25 trận chiến đấu, khi đánh thẳng vào trại quân địch, lúc giáp trận ngoài chiến trường, Địch Thanh bị thương 8 lần nhưng vẫn ngoan cường không lùi bước. Có lần đại chiến ở An Viễn, Địch Thanh bị trọng thương, quân Tây Hạ ồ ạt phản công, ông lập tức nhảy lên lưng ngựa, đánh đuổi quân địch. Tinh thần dũng cảm của ông khiến quân lính Tây Hạ gọi ông là “Thiên sứ”. Mỗi khi thấy Địch Thanh xuất trận, quân Tây Hạ phách lạc hồn bay, hoảng sợ không thể tả xiết.
Bản thân xuất thân từ một nguời lính, cho nên với binh lính, ông cư xử thân thiết, đồng cam cộng khổ, cùng ăn đói mặc rét, được binh lính kính yêu. Nhưng đồng thời, ông trị quân nghiêm khắc, thưởng phạt công minh, cách dùng binh sáng suốt, tướng lĩnh các cấp ở vùng biên giới đều coi quân do ông chỉ huy là quân chủ lực trong việc chống lại quân Tây Hạ mỗi khi chúng xâm phạm tới lãnh thổ của Bắc Tống.
Hàn Kỳ và Phạm Trọng Yêm một lần tới kiểm tra việc quân chính ở Diên Châu. Phán quan kinh lược ở đây giới thiệu Địch Thanh với Phạm Trọng Yêm. Mới gặp nhau lần đầu mà hai nguời như đã biết nhau từ lâu, chuyện trò tâm đầu ý hợp không dứt. Phạm Trọng Yêm đã tặng Địch Thanh bộ sách “Tả thị Xuân Thu” (1) và khuyên ông:
– Tướng lĩnh giờ đây không thể chỉ dũng cảm thiện chiến mà còn phải thông hiểu cổ kim.
Và nhắc ông phải năng đọc sách, tiếp thu những kinh nghiệm và bài học của lịch sử.
Địch Thanh vô cùng cảm động, từ đó tranh thủ thời gian giữa hai trận đánh đọc các sử sách thời trước, qua các trận đánh từ đời Tần, Hán, binh pháp của các vị danh tướng ông đều nghiên cứu kỹ càng. Những thành bại được mất của họ, Địch Thanh đều tiếp thụ trở thành những bài học sâu sắc mỗi khi xung phong hãm trận. Ông trở thành vị tướng vừa dũng cảm quyết đoán vừa tinh thông binh pháp. Ông như một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời ở vùng biên giới tây bắc.
Khi Địch Thanh được thăng chức Kinh lược chiêu thảo phó sứ Tần Châu, tên tuổi của ông đến tai Tống Nhân Tông. Nhà vua thấy rất lạ lùng, triệu Địch Thanh vào kinh, hỏi ông về phương lược phòng thủ biên giới. Địch Thanh tới Khai Phong đúng lúc quân Tây Hạ tiến công Vị Châu, Cam Túc. Phụng mệnh Hoàng đế, ông đã vẽ bản đồ Vị Châu trình bày biện pháp đánh lui quân Tây Hạ. Địch Thanh thuộc lòng địa hình, hiểu kẻ địch như nắm trong long bàn tay, lại thông hiểu binh pháp, những phân tích của ông được nhà vua tán thưởng. Từ đó về sau, ông thường được triều đình điều tới những nơi có chiến sự gay gắt, từ Thiểm Tây tới Cam Túc, từ Hà Bắc tới Tứ Xuyên. Địch Thanh xuất hiện ở đâu, ở đó đều có thắng lợi rực rỡ.
Vị đại tướng xuất thân từ nguời lính này cuối cùng được phong làm Khu mật phó sứ của triều đình, trở thành phó thống soái của quân đội cả nước. Khi mới nhậm chức vụ này từ Linh Nam có tin khẩn cấp Nùng (Nông) Trí Cao tiến công Lưỡng Quảng. Địch Thanh dời bỏ cuộc sống đầy đủ ở kinh đô, đưa quân tiến về phía nam dẹp loạn mang lại cuộc sống ổn định cho dân chúng.
Trước khi xuất quân, vua Tống Nhân Tông phá lệ thường, không cử văn quan kiềm chế võ tướng, để cho Địch Thanh toàn quyền chỉ huy quân Tống ở Linh Nam. Ông đã lựa chọn các tướng sĩ thiện chiến ở tây bắc, từ chối những con cháu nhà quyền quý, không để cho họ có cơ hội tìm kiếm danh vọng; lại chủ trương để quân Tống hoàn toàn làm chủ, phủ nhận đề nghị phối hợp cùng với quân Giao Chỉ (2) đối phó với Nùng Trí Cao, ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra sau này. Những quyết định này của ông về sau được chứng minh là vô cùng sáng suốt.
Năm 1053, Địch Thanh đưa quân tới Tân Châu Quảng Tây, lập tức hạ lệnh quân ở Linh Nam không được tự ý hành động, tất cả chỉ được ra trận sau khi đã tiến hành chỉnh đốn bởi những thất bại mà nhiều lần quân Tống phải gánh chịu. Nhưng tướng Tống ở Quảng Tây là Trần Thự vội lập công tự ý xuất quân ở Côn Lôn quan, chịu thất bại phải lui về. Địch Thanh thực hiện quân kỷ nghiêm ngặt, không chút nể nang, xử lý Trần Thự cùng hơn 30 tướng có trách nhiệm trong thất bại này. Việc này làm chấn động quân Tống ở Linh Nam vốn đang lộn xộn khiến tình hình quân sự ở đây có nhiều thay đổi.
Sau đó, Địch Thanh không vội vàng xuất quân, ông hạ lệnh cho toàn quân chỉnh đốn trong 10 ngày, còn tung tin nói quân Tống chưa đủ lương thảo, 10 ngày nữa cũng chưa đủ lương ăn. Tin này truyền tới tai Nùng Trí Cao khiến hắn mất cảnh giác.
Trước đêm Rằm tháng Giêng, Nùng Trí Cao nghĩ Địch Thanh không đề phòng nên dự định sẽ bất ngờ tấn công, trong khi ở Ung Châu, cờ hoa rực rỡ chuẩn bị đón tết Nguyên tiêu. Nhưng sáng sớm ngày 15, Địch Thanh bất ngờ hạ lệnh tiến công Côn Lôn quan. Trong khi trời tối, Địch Thanh mặc như các binh sĩ, đội mưa gội gió tới cửa Côn Luân. Ngày hôm sau, quân Tống đã hạ được Côn Lôn quan, đánh vào U Châu, sào huyệt của Nùng Trí Cao.
Ngày 17 tháng Giêng, ở bên ngoài thành U Châu xảy ra một trận chiến ác liệt giữa quân đội hai bên. Quân Tống từ hai hướng tả hữu tràn tới bao vây quân của Nùng Trí Cao. Thấy đại thế đã mất, Nùng Trí Cao phải bỏ thành mà chạy hướng về Đại Lý quốc (3), cuối cùng bị vua Đại Lý quốc giết chết, thủ cấp được đưa về phủ Khai Phong.
Địch Thanh thắng lợi trở về, được thăng Khu mật sứ, trở thành vị Tướng duy nhất xuất thân từ nguời lính giữ chức vụ tối cao chỉ huy quân đội cả nước.
Cho đến lúc này, trên khuôn mặt của Địch Thanh vẫn còn giữ lại dấu vết của việc thích chữ khi ông làm lính. Có nguời khuyên ông tìm cách xóa dấu vết đó, ông trả lời:
– Giữ lại nó cũng tốt. Nó có thể cho các binh sĩ hiểu rằng dù là nguời lính thấp kém cũng có thể kiến công lập nghiệp, được thăng tới Chấp chính đại thần.
Nhưng sự thăng tiến của Địch Thanh như một sự khiêu khích với quan niệm chỉ trọng dòng dõi của chế độ phong kiến, nhiều lời gièm pha, đàn hặc được lưu truyền làm Địch Thanh bị thương tổn. Thậm chí có nguời còn nhắc nhở Tống Nhân Tông phải cảnh giác, có nguời còn nhắc tới chuyện Triệu Khuông Dận với Chu Thế Tông trước đây không xa. Tống Nhân Tông vì lợi ích của bản thân mình, bãi chức Khu mật sứ, đưa ông về làm quan địa phương ở Trần Châu, Hà Nam.
Địch Thanh lặng lẽ về Trần Châu, chưa được nửa năm thì sinh bệnh rồi mất khi chưa tới 50 tuổi.
Chú thích:
- “Tả thị Xuân Thu”: tức “Xuân Thu tả thị truyện” tương truyền là tác phẩm của Tả Khâu Minh Thái sử nước Lỗ đầu đời Xuân Thu, bộ sử biên niên đầu tiên hoàn chỉnh của Trung Quốc.
- Giao Chỉ: vùng Bắc bộ Việt Nam ngày nay.
- Đại Lý quốc: (937 – 1254) Chính quyền của quý tộc nguời Bạch ở khu vực Vân Nam, Quý Châu thới Ngũ đại Thập quốc tới Bắc Tống.
Rất cảm phục Ông Giáo Làng,ông đã tỏ ra thông kim bác cổ, đệ rất khâm phục !