Bao Chửng là vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong một thời gian dài, dân gian truyền tụng rất nhiều câu chuyện  về ông, rồi còn các thể loại tiểu thuyết,  kịch,…  Bao Chửng đã trở thành một nhân vật huyền thoại. Mọi người đều gọi ông là Bao Công, ít khi gọi tên thật của ông.

Bao Chửng là nguời Hợp Phì, Lư Châu (nay là Hợp Phì, An Huy), sinh năm 999. Năm 28 tuổi, ông dự kỳ thi tiến sĩ, bắt đầu cuộc sống quan trường , từng làm tới chức Khu mật phó sứ ngang với Phó tể tướng..

Ngay từ những năm mới làm quan, Bao Chửng đã nổi tiếng trong việc xử án. Một hôm, có nguời nông dân tới gặp ông, vừa khóc vừa nói:

– Nhà tôi có một con trâu cày, không biết ai đã cắt lưỡi nó, xin ngài xem xét.

Bao Chửng hỏi nguời nông dân một hồi, anh ta đã chỉ kẻ hãm hại mình nhưng không đưa ra được chứng cớ, ông bèn bảo:

– Thôi, anh cứ về đi!

Nguời nông dân nức nở:

– Quan phủ không bắt được kẻ giết trâu của tôi. Nay con trâu máu chảy ròng ròng, không thể ăn được cỏ, nó sẽ chết mất. Làm thế nào bây giờ?

Bao Chửng nói:

– Anh về đem con trâu giết đi mà bán thịt. Nhưng không được để ai biết.

Nguời nông dân không biết làm gì hơn đành bỏ về.

Qua hai ngày, lại có nguời đến tố cáo:

– Có nguời vi phạm lệnh của quan phủ, tự ý giết trâu cày, bán thịt lấy tiền.

Bao Chửng lại hỏi một hồi, hóa ra đây chính là kẻ đã bị nguời nông dân nọ tố cáo giết trâu của mình . Ông hỏi nguời đó:

– Anh có biết tại sao nguời ấy giết trâu không?

Nguời ấy vội vàng nói:

– Nghe nói con trâu của anh ta bị cắt …, cắt mất lưỡi!

Con trâu đã bị bán thịt, sao biết lưỡi nó bị cắt, thật là nghi ngờ.

Bao Chưởng trong lòng đã rõ. Ông lập tức nghiêm sắc mặt, cao giọng hỏi:

– Tại sao ngươi lại ngầm cắt lưỡi trâu của nguời ta, rồi còn đi tố cáo?

Nguời đó vô cùng kinh ngạc, hai chân run rẩy rồi quỳ xuống xin nhận tội. Vụ án lưỡi trâu đã rõ. Từ đó, dân chúng đều biết tới ông và gọi “Bao công”.

Bao Chửng xử án, lập luận đanh thép, thiết diện vô tư. Khi làm quan ở phủ Lư Châu, một nguời thân thích của ông cậy thế làm điều xằng bậy. Hắn ăn hối lộ rồi bẻ cong sự thật, bị nguời ta tố cáo. Bao Chửng cho nguời bắt hắn tới quan phủ tra hỏi, hắn xin Bao Chửng tha thứ, một số nguời thân cũng nói thêm vào. Bao Chửng dứt khoát không nghe, lạnh lùng nói:

– Không phải ta không có tình nghĩa, nhưng ai bảo hắn phạm pháp?

Nói xong, lệnh cho sai dịch mang ra đánh đòn. Những nguời thân thích thấy cảnh ấy đều kinh hồn bạt vía, từ đó về sau, không ai dám phạm pháp nữa.

Sau đó, Bao Chửng đến kinh thành làm quan. Ở kinh đô có rất nhiều hoàng thân quốc thích, quý tộc đại thần. Những nguời này thường vô thiên vô pháp, coi trời bằng vung. Có nguời tên Trương Nhiêu Tú có cháu gái là quý phi. Dựa vào quan hệ đó, hắn làm tới bốn chức quan trọng yếu từ Tam tư sử (1) đến Tiết độ sứ.

Bao Chửng cho rằng, chỉ dựa vào tài năng, Trương Nhiêu Tú không thể cùng một lúc làm nhiều chức quan như thế. Ông làm bản tấu lên Tống Nhân Tông, vạch tội kẻ có nhiều quyền thế và chỗ dựa vững chắc này.

Bản tấu gửi tới nhưng Tống Nhân Tông không ngó đến. Trương Nhiêu Tú vẫn đảm nhận những chức vụ cũ. Bao Chửng chẳng lẽ bỏ cuộc? Ông gửi tiếp bốn bản tấu nữa, tiếp tục vạch tội. Có lần ông đã cùng với nhà vua tranh luận gay gắt ở Kim điện.

Bao Chửng lớn tiếng, nói:

– Trương Nhiêu Tú là nguời như thế nào mà đảm nhận nhiều chức vụ như thế? Bệ hạ không nghe những lời bàn luận trong thiên hạ cho rằng ngài vì sủng ái quý phi mà có tư tâm sao. Việc này chính đã làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và uy tín của bệ hạ. Mong bệ hạ hãy coi thiên hạ làm trọng.

Bao Chửng càng nói, càng kích động, nước bọt văng cả vào mặt nhà vua. Tuy khiển trách Bao Chửng tranh luận “thất lễ”, nhưng Tống Nhân Tông cũng phải bãi hai chức quan của Trương Nhiêu Tú.

Lại có một viên quan vừa có quyền vừa có thế là Vương Quỳ. Khi làm Chuyển vận sứ (2) ở lộ Hồ Nam, hắn rất tàn bạo hung hãn, thả sức bóc lột áp bức nhân dân. Đông đảo dân địa phương cùng nhau tới Sơn Trung, liên kết chống lại. Sau đó, Vương Quỳ lại được điều đến làm Chuyển vận sứ lộ Giang Nam Tây (nay thuộc tỉnh Giang Tây), vẫn tiếp tục bức hại dân chúng. Bao Chửng biết việc này, rất tức giận, lập tức dâng hai bản tấu, vạch tội:

– Vương Quỳ bức hại dân lành, tác hại vô cùng lớn. Triều đình quyết không thể trọng dụng một con người  như thế làm nguy hại tới quốc gia.

Nhưng triều đình vẫn không bãi miễn chức quan của Vương Quỳ, chỉ đưa hắn tới một nơi khác, đi làm Chuyển vận sứ Hoài Nam. Bao Chửng lại một lần nữa dâng sớ vạch tội. Không lâu sau, Bao Chửng đã khép được Vương Quỳ vào trọng tội.

Vốn là, khi làm Chuyển vận sứ ở lộ Gianh Nam Tây, Vương Quỳ nghi quan địa phương Hồng Châu là Hạ Hàm tới kinh thành tố cáo tội trạng của hắn bèn ngầm cho nguời vu cáo Hạ Hàm tạo nên một vụ án oan để trả thù Hạ Hàm và làm liên lụy tới năm sáu trăm nguời khác. Bao Chửng nhận được liên tiếp bốn bản tấu vạch tội Vương Quỳ. Ông trách hỏi triều đình:

– Lẽ nào triều đình nỡ để cho dân chúng ở đó bị Vương Quỳ hãm hại?

Bao Chửng bảy lần dâng sớ vạch tội Vương Quỳ, lập luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng khiến Tống Nhân Tông phải bãi miễn chức quan của hắn.

Do Bao Chửng ‘thiết diện vô tư” bất kể Hoàng thân quốc thích, đại thần quý tộc không thể có cách nào lay chuyển được phẩm chất liêm khiết của ông. Lúc đó, có câu được lưu truyền: “Quan thiết bất lão, hữu diêm la bao lão”.

Bao Chửng suốt đời tôn trọng pháp luật. Ông từng làm quan ở Đoan Châu (nay thuộc Quảng Đông). Ở đó sản xuất loại nghiên đá gọi là Đoan nghiên (3). Trước kia, quan địa phương ở đây thường dùng để tiến cống lên Hoàng đế, làm quà biếu các quý tộc đại thần. Họ sưu tập Đoan nghiên, mỗi nguời có tới mấy mươi cái. Khi Bao Công tới đây rồi dời đi, không có một cái nào. Việc tuy nhỏ, nhưng thể hiện lối sống thanh liêm của ông, một phẩm chất cao quý, trong sáng không vướng bụi.

Cuộc sống của Bao Chửng vô cùng thanh bạch, tuy làm quan lớn, nhưng quần áo, đồ dùng, ăn uống đều chẳng khác gì nguời bình thường. Ông rất căm ghét bọn tham quan ô lại, trong thiên “Gia huấn”, ông viết: Đời sau con cháu làm quan, kẻ nào tham nhũng, không được trở về nhà, chết đi không được chôn cất cùng chỗ với tổ tiên (4).

Ngoài ra, về phương diện chính trị, Bao Chửng cũng đề xuất được nhiều chủ trương tích cực. Ông phản đối triều đình có chính sách cầu hòa với Liêu và Tây Hạ, yêu cầu chỉnh đốn quân đội, tuyển chọn tướng tài, luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thảo, lựa chọn các phương cách phòng thủ. Ông yêu cầu giảm tô thuế, cứu trợ dân gặp hoạn nạn. Những ý kiến này, đều rất phù hợp và tương đối tiến bộ.

 

Chú thích:

  • Tam tư sứ: có từ đầu Bắc Tống, nắm việc xuất nhập tiền thuế.
  • Chuyển vận sứ: Trưởng quan hành chính các lộ, nắm giữ tài sản của mộtLộ, lại kiêm cả công việc của Giám sát quan lại. 
  • Đoan nghiên: làm bằng đá ở Đoan khê, có nhiều màu sắc khác nhau.
  • Nguời xưa rất trọng gia tộc, khi sống phải ở cùng gia tộc, khi chết cũng chôn cất cùng gia tộc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here