Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, có chính quyền Nam Đường, ở đó có bảo vật trời cho, nhân kiệt địa linh, một thời gian dài không bị ảnh hưởng của loạn lạc, cho nên kinh tế phồn vinh, cuộc sống an dật, có lẽ người Trung Nguyên muốn tránh nẹn binh đao đếu tìm đến miền đất sung sướng này.
Lý Dục là ông vua cuối cùng của Nam Đường, sử gọi là Nam Đường Hậu Chủ. Ông là điển hình của người phong lưu tài tử, sách đọc rất nhiều, văn chương thơ phú đều tinh thông cả, lại còn thông hiểu âm luật, có thể nói, ông là một nhà nghệ thuật toàn diện. Có lẽ chính vì chỉ hứng thú cầm kỳ thi họa, nên với những công việc thế sự, ông tỏ ra lười biếng, với những việc quốc gia đại sự càng chẳng hiểu biết gì.
Lý Dục là con thứ 6 của Lý Cảnh. Vốn đã biết ngôi Hoàng đế không tới phần mình, hơn nữa ông cũng chẳng thích thú gì với ngôi vị này. Anh cả của ông là Lý Hoằng Ký, rất có tài năng, văn võ song toàn, được lập làm Hoàng Thái tử, trở thành người kế vị trong tương lai. Nhưng Lý Hoằng Ký vẫn sợ người khác uy hiếp ngôi vua của mình. Bốn người em khác của Lý Hoằng Ký đều chết yểu, Lý Dục thực tế đã trở thành con thứ hai nên Lý Hoằng Ký rất đề phòng Lý Dục. Ông trời thật hay trêu ngươi, không muốn Hoàng đế tương lai được kế vị, năm 19 tuổi, Lý Hoằng Ký bị bệnh chết. Lý Dục tới năm 25 tuổi được kế thừa ngôi vua.
Lúc đó, Triệu Khuông Dận đã kiến lập triều Tống ở phương bắc, cục diện Nam Đường đang hồi nguy cấp. Lý Dục hàng năm vẫn tiến cống cho triều Tống chỉ để cầu an. Cái lo lắng nhất của Lý Dục là làm sao cho an phận, sống qua ngày, không muốn làm vong quốc nô. Chỉ cần như thế nên Lý Dục đổi quốc hiệu là “Giang Nam quốc chủ”, lược bớt nghi thức thiết triều, thay đổi triều phục, anh em con cháu đều chấp nhận như vậy. Tống Thái Tổ gọi nhập triều, Lý Dục trước sau không dám mạo hiểm, sợ có đi mà không có về, cho nên luôn cáo bệnh để chối từ.
Việc này khiến Tống Thái Tổ nổi giận:
– Giang Nam quốc chủ khá lắm! Nhiều lần không đến, rõ ràng là cố ý kháng mệnh bất tuân. Nay ta sẽ đưa quân đánh dẹp cho hắn biết tay.
Tháng 9 năm Khai Bảo thứ 7 (974), Tống Thái Tổ cử đại tướng Tào Bân, Phan Mỹ mang mười vạn đại quân, từ Kinh Châu xuất phát, thủy bộ hai đường, ào ạt tiến về phía Nam Đường.
Quân Tống tới Trì Châu, quan coi giữ Trì Châu thấy quân Tống tới nơi, vội vàng bỏ thành mà chạy. Quân Tống đánh thẳng tới Đồng Lăng mới gặp sự chống cự yếu ớt, nhưng cũng dù sao đó vẫn không phải là đối thủ. Sau một trận chém. giết, quân Nam Đường bỏ chạy không còn một mống. Được đà, quân Tống đánh thẳng tới đô thành Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô).
Kim Lăng nguy cấp chỉ trong ngày đêm, Lý Hậu Chủ không còn cách nào, đành cử Học sĩ Từ Huyễn (2) đến Biện Kinh xin Tống Thái Tổ bãi binh.
Từ Huyễn là một trung thần của Nam Đường, người chính trực, có tài ăn nói. Cử ông ta tới Biện Kinh có lẽ là hy vọng cuối cùng của Lý Hậu Chủ. Từ Huyễn đến Biện Kinh, lập tức tới yết kiến Tống Thái Tổ. Ai ngờ, Tống Thái Tổ đã hỏi phủ đầu:
– Trẫm lệnh cho chủ ngươi vào triều, làm sao dám kháng mệnh
Từ Huyễn đáp:
– Lý Dục đã nhận lệnh bệ hạ, phận làm con hết sức tận tâm, không dám vô lễ, xin bệ hạ xá tội, ra lệnh bãi binh.
Thái Tổ lại hỏi:
– Rõ ràng Trẫm là cha, Trẫm cũng coi hắn như con, cha con một nhà làm sao dám đối địch nam bắc chia rẽ thành hai nhà?
Từ Huyễn không nói lại được câu nào, đành xin Thái Tổ nể tình với thủ hạ, đừng đánh vào Kim Lăng. Thái Tổ nổi giận:
– Chớ có lắm lời! Thiên hạ nhất gia. Chủ của ngươi đã không quy thuận. Đã ngủ trên cái giường nghiêng mà vẫn say giấc.
Từ Huyễn hoảng sợ, vội bái từ Thái Tổ, trở về Kim Lăng.
Năm 976, Tào Bân đưa quân Tống đánh phá Kim lăng, Phó sứ Khu mật viện Trần Kiều, Học sĩ (3) Chung Thiến và nhiều người khác, thấy tình cảnh quốc gia vô vọng, không còn mặt mũi nào nhìn người khác, đều cùng nhau tự sát. Hậu chủ cũng đã nghĩ tới chuyện tự thiêu, nhưng do thiếu dũng khí để chết nên dẫn đầu các quan ra khỏi cung đầu hàng Tào Bân.
Sau khi Nam Đường diệt vong, Lý Dục bị đưa tới Khai Phong, thủ đô của Bắc Tống. Tuy được phong hầu, nhưng chẳng khác gì tù giam lỏng. Hậu Chủ thường nhớ quê thương nước, cảm khái về cái vô thường của kiếp người.
Có một lần, Hậu Chủ nằm mộng, thấy mình vẫn còn là Hoàng đế, vẫn phong lưu thi tửu, trong mộng vẫn thấy hưởng lạc, vui vẻ vô cùng. Đột nhiên tỉnh giấc, tất cả giấc mộng đều trở thành hư không. Lúc ấy, ông ta mới chợt nhớ mình không còn là Hoàng đế nữa, đau khổ vô cùng, bèn viết một danh tác “Lãng đào sa”:
Liêm ngoại vũ sàn sàn,
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.
Tạm dịch:
Rả rích mưa tuôn,
Lòng những bàn hoàn,
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang san,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man.
(Theo Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 1, tr, 343)
Năm 978, Lý Hậu Chủ cùng các hậu phi ở Biện Kinh làm lễ mừng thọ 42 tuổi. Trong buổi tiệc thương cảm cho cảnh ngộ, múa bút làm bài từ “Ngu mỹ nhân” nổi tiếng:
Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
Vãng sự tri đa thiểu!
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung!
Ngọc khám ưng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải.
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Tạm dịch:
Xuân hoa thu nguyệt bao giờ hết?
Việc cũ biết nhiều ít!
Đêm qua lầu nhỏ lại gió đông,
Nước cũ về chẳng được, ánh trăng trong!
Bệ ngọc chừng còn đó,
Hồng nhan buồn đã đổi.
Ai ơi xin hỏi sầu mấy hồi?
Nào khác dòng xuân hướng đông trôi
(Theo Nguyễn Hiến Lê)
Truyền thuyết nói, chính vì bài từ này mà Lý Dục phải chết.
Tổng Thái Tổ lúc đó nghe nói Lý Dục vẫn có lòng thưởng thức ca múa rất tức giận, sau lại nghe nói tới bài “Ngu mỹ nhân”, trong đó có câu “Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung!”
Và:
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
, cười nhạt, nói:
– Lý Dục còn hoài niệm về cố quốc đây!
Rồi vua sai người đem rượu cho Lý Dục để chúc thọ, thực ra, trong rượu có thuốc độc.
Hậu Chủ uống ngự tửu, dĩ nhiên trúng độc, ngũ tạng đau như xé, ông ta đau đớn quằn quại nhiều giờ, cuối cùng chết thảm thương.
Lý Dục trở thành Hoàng đế Nam Đường, trong tay ông, nước mất, ông là Hoàng đế bất đắc dĩ. Nhưng là một văn nhân, ông thật là một nhân vật ưu tú. Những bài từ của ông trong lịch sử văn học Trung Quốc đã thể hiện điều đó. Sinh ra trong một gia đình đế vương, số phận của ông là “hạnh” hay “bất hạnh”?
Chú thích:
- Nam Đường (937 – 975), Lý Cảnh kiếp lập, đô ở Kim Lăng.
- Từ Huyễn (917 – 992), người Quảng Lăng, Ngũ đại (nay là Dương Châu, Giang Tô), cùng với em là Từ Khải, thường được gọi là “Nhị Từ”
- Học sĩ: nguyên nghĩa là học giả, văn nhân, hoặc người có học. Từ sau thời Ngụy Tấn được đặt thành chức quan.