Sau khi triều Đường trấn áp cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, cả nước vô cùng hỗn loạn. Ở khắp nơi, quân phiệt xưng bá một phương, không coi triều đình ra gì, còn trong triều, mọi quyền hành đều trong tay hoạn quan, họ tha hồ tự tung tự tác, thường bác bỏ những ý kiến từ Nam tư nhai môn (1) của Tể tướng , Hoàng thượng chỉ đành bất lực trước những sự tùy tiện bát nháo của họ.
Năm 889, Đường Hỷ Tông chết, theo như lệ cũ, các hoạn quan đưa em của Hỷ Tông là Lý Diệp lên ngôi, đó là Chiêu Tông. Về mặt ăn chơi hưởng lạc, Chiêu Tông chẳng kém gì Hỷ Tông, nhưng ông ta không cam chịu làm bù nhìn cho hoạn quan, đã bàn bạc với các đại thần muốn thoát khỏi sự khống chế của họ.
Nói thế, nhưng làm được không phải việc dễ. Từ đời Huyền Tông, hoạn quan đã nhiều tới con số nghìn, sau khi Cao Lực Sĩ tham chính, thế lực của hoạn quan ngày càng mạnh; thời Đường Văn Tông, phát sinh “Cam Lộ chi biến”, hoạn qua càng khống chế được đại quyền của triều đình. Cho tới năm 900, Đường Chiêu Tông mới thông qua Tể tướng Lưu Dận, liên lạc và dựa vào sự ủng hộ của Tiết độ sứ Tuyên Vũ Chu Toàn Trung (2) loại bỏ hai hoạn quan đứng đầu Tống (có sách viết Chu) Đạo Bật và Cảnh Vụ Tu, từ đó, thế lực của hoạn quan mới dần được hạn chế.
Đánh rắn động cỏ, hai hoạn quan Lưu Quý Thuật và Vương Trọng Tiên lập tức ngầm liên hệ với Vương Ngạn Phạm, Tiết Tề Ác mưu lật đổ Đường Chiêu Tông, lập vua khác.
Mùa đông năm đó, Đường Chiêu Tông trong một lúc rượu say, trở về cung, nửa say nửa tỉnh giết mấy thái giám và cung nữ. Lý Quý Thuật nhân chuyện ấy, hôm sau cho lính bao vây Hoàng cung, mời Tể tướng Lý Dận tới, hỏi:
– Hoàng đế như thế này liệu có thể cai trị được thiên hạ không? Phải lật đi thay vua mới.
Lý Dận không dám nói gì do bị các vệ sĩ uy hiếp. Lý Quý Thuật lập tức dùng danh nghĩa Lý Dận, dâng thư yêu cầu Thái tử ra tay “Giám quốc”. Ông ta mang nghìn binh sĩ xông vào trong cung, thấy người là giết, tới thẳng nơi ở của Chiêu Tông. Chiêu Tông từ trên giường lăn xuống đất, xin Lưu Quý Thuật tha thứ. Lưu Quý Thuật hủy bỏ thư của các đại thần, trách mắng Chiêu Tông:
– Hết lần này tới lần khác, ta nói ông không chịu nghe, cứ phạm tội, rồi lại phạm tội.
Sau đó, ông ta đi đi lại lại, cuối cùng tức giận bỏ ra khỏi cung, cho binh lính khóa cửa lớn, giam cầm Chiêu Tông.
Ra khỏi cung, Lưu Quý Thuật giả chỉ dụ của Hoàng đế để Thái tử giám quốc rồi giết em của Chiêu Tông là Lý Ỷ, các cung nhân hầu hạ Chiêu Tông đêm đến bị giết dần, ban ngày dùng xe chở thi thể ra khỏi cung. Thuật muốn dùng thủ đoạn này để uy hiếp mọi người. Vì sợ Chu Toàn Trung báo thù, ông ta chưa dám ra tay với Lý Dận, chỉ tước hết mọi chức vụ khiến Lý Dận chỉ còn mang danh Tể tướng .
Lý Dận sao dám chống lại? Ông ta chỉ vừa tìm cách báo tin cho Lưu Toàn Trung, vừa chờ cơ hội để diệt những tên thái giam đầu sỏ. Thấy tướng cấm quân Tôn Đức Chiêu vô cùng bất mãn trước hành vi của Lưu Quý Thuật, Lý Dận cho người liên lạc muốn Chiêu tìm cách giết Lưu Quý Thuật và Vương Trọng Tiên nhằm cứu Chiêu Tông ra khỏi cung.
Tôn Đức Chiêu cùng bàn bạc với hai vị tướng cấm quân, lợi dụng đêm tối, cho quân vào mai phục trong cung. Hôm ấy, lợi dụng Vương Trọng Tiên trên đường vào cung không đề phòng bị quân mai phục của Tôn Đức Chiêu giết chết. Sau đó, Chiêu tới nhà ngục, mở cửa giải thoát vua, Chiêu Tông còn chưa dám tin là thật, phải đợi khi nhìn thấy đầu của Vương Trọng Tiên mới dám ra khỏi cung đi tới cung Trường Lạc. Lúc ấy, Lý Dận đã cùng với bá quan chờ đợi sẵn sàng triều bái, ba Thái giám đầu sỏ khác cũng bị bắt rồi bị quân sĩ đánh cho đến chết. Sau hơn một tháng bị giam cầm, Chiêu Tông cuối cùng trở lại ngôi vua, đổi niên hiệu thành Thiên Phục nguyên niên, làm lễ ăn mừng.
Trở lại ngôi vua, Đường Chiêu Tông làm việc luận công ban thưởng. Thôi Dận được thăng Tư đồ, nắm việc triều chính, Tôn Đức Chiêu cùng ba người khác được thăng Tể tướng , lại được phong Tiết độ sứ. Chu Toàn Trung từ xa ủng hộ cũng được phong Đông Bình vương. Nhưng họ còn không muốn giao cấm quân cho người ngoài, muốn chọn hai Thái giám Hàn Toàn Hối, Trương Ngạn Hoằng thay thế Lưu Quý Thuật, Vương Trọng Tiên. Đây chính là cái gốc của họa trong tương lai.
Hàn Toàn Hối thấy Lý Dận nhờ dựa vào thế lực của Chu Toàn Trung mới vững vàng, cũng muốn tìm thế lực phiên trấn vững mạnh làm chỗ dựa, bèn tìm đến Tiết độ sứ Phượng Tường Lý Mậu Trinh (4). Lý Mậu Trinh cũng muốn có thể khống chế được Hoàng đế theo cách “hiệp Thiên tử dĩ lệnh chư hầu” bèn liên kết với Hàn Toàn Hối.
Thôi Dận biết việc này, lại biết Trường An cách Phượng Tường không xa, nếu Lý Mậu Trinh ra tay, Chu Toàn Trung cách xa nghìn dặm mình sẽ gặp nguy khốn nên viết thư cho Chu Toàn Trung bảo ông ta đem quân về Trường An đưa Hoàng đế tới Lạc Dương. Tháng 10 năm ấy, Chu Toàn Trung đưa bảy vạn quân tiến về Trường An.
Hàn Toàn Hối nghe tin này, biết đại thế đã mất, bèn ra tay hành động trước muốn đưa Đường Chiêu Tông tới Phượng Tường. Ban đầu Đường Chiêu Tông không chịu đi, Hàn Toàn Hối cho người đốt Hoàng cung. Thấy Hoàng cung lửa cháy ngút trời, Đường Chiêu Tông mới đem theo Hoàng hậu, các phi tần, vương tử hoàng tôn hơn trăm người theo Vương Toàn Hối về Phượng Tường.
Chu Toàn Trung đưa quân về Trường An, qua thời gian nửa năm đánh vào các quận huyện gần Phượng Tường, tiễu trừ thế lực của Lý Mậu Trinh. Đến tháng 9 năm sau, Trung mới cho quân bao vây, Phượng Tường trở thành tòa thành đơn độc bị vây hãm.
Lý Mậu Trinh không dễ giữ thành trong hai tháng, quân đội của ông ta nhiều lần bị Chu Toàn Trung lung lạc, không dám ra khỏi thành nghênh chiến, chịu đói khổ giữ Phượng Tường. Lúc này, mùa đông đã tới, tuyết lớn bao phủ. Phượng Tường vốn là vùng đất giàu có nhưng lương thực ngày càng cạn. Ban đầu, Chiêu Tông ở đây còn có thể cho bán bớt quần áo của vương phi, vương tử ăn qua ngày, nhưng rồi sau đó, chỉ có cháo cầm hơi. Ăn uống như thế mà cũng khó có cách để duy trì lâu dài. Bản thân Lý Mậu Trinh cũng không có kế gì giúp được kiến nghị giết Hàn Toàn Hối giảng hòa với Chu Toàn Trung. Thấy mục đích đã đạt được, Chu Toàn Trung lập tức đồng ý. Trung nói:
– Ta đến Phượng Tường là để nghênh đón Hoàng thượng hồi giá về cung, chứ không phải có ý muốn đổ máu.
Nghe vậy, Chiêu Tông bèn lệnh cho quân lính giết Hàn Toàn Hối và hơn hai mươi hoạn quan, đem thủ cấp của họ nộp cho Chu Toàn Trung. Chu Toàn Trung tiến vào Phượng Tường, đem toàn bộ hoạn quan ở Phượng Tường giết hết, hơn chin chục hoạn qua đã về hưu cũng đem giết cả. Sau đó, Chu Toàn Trung đưa vua Chiêu Tông trở về Trường An, lại đem quân giết hết số hoạn quan còn ở đây. Ngay cả những hoạn quan cho rằng mình không liên quan tới Hàn Toàn Hối cũng bị giết sạch. Chu Toàn Trung còn ép vua Chiêu Tông ra lệnh phàm là những người có liên quan đến hoạn quan cũng không tha. Trong cung có hơn ba chục tiểu hoạn quan cũng bị giết.
Hoạn quan trong đời Đường thao túng suốt hơn trăm năm nay bị Chu Toàn Trung thanh toán tới gốc rễ. Nhưng cửa trước giết sói, hổ vào cửa sau, Chu Toàn Trung đã uy hiếp ngôi vua, sớm lộ mưu đồ cướp ngôi. Không lâu sau, Chu Toàn Trung hành động , kết thúc lịch sử 289 năm của triều Đường.
Chú thích:
(1) Nam tư: trung thư đời Đường. Môn hạ: Thượng thư ba tỉnh.
(2) Chu Toàn Trung (852 – 912), cũng gọi Chu Hoảng, Chu Ôn, người Tống Châu (nay thuộc An Huy, vốn là đại tướng trong quân khởi nghĩa Hoàng Sào, sau hàng Đường, làm Tuyên Vũ Tiết độ sứ.
(3) Thái tử giám quốc khi Hoàng đế không thể nắm quyền.
(4) Lý Mậu Trinh (896 – 924), người Bác Dã châu Đường Thâm (nay thuộc Hà Bắc), từng tham gia đàn áp quân Hoàng Sào, Tiết độ sứ Phượng Tường.