Mỗi khi nhớ Mẹ, tôi luôn nhớ tới đôi bàn tay Mẹ với những cuộn len, sợi cũ. Những năm giữa thế kỷ trước, đời sống còn khó khăn, chỉ những gia đình khá giả mới có áo đan bằng sợi, nhất là bằng len vào những ngày đông tháng giá.
Áo cũ, mặc nhiều năm không còn được dầy dặn để giữ ấm, rồi áo của đứa lớn mặc đã chật, Mẹ tháo ra quấn thành những cuộn to, cuộn nhỏ như những quả bóng đủ loại, đủ màu để tất cả trong một cái túi vải to, chờ khi có thời gian đan thành những tấm áo mới. Những chiếc áo đan bằng len, sợi cũ tuy không có cái óng ả của sự tinh khôi nhưng cũng có cái đẹp riêng. Nhờ bàn tay khéo léo và con mắt tinh tế, Mẹ phối hợp những màu sắc khác nhau cùng những kiểu dáng hoa văn đa dạng tạo thành những chiếc áo mới vừa ấm áp vừa đẹp đẽ. Nào “đan trơn”, “quả trám”, “quấn thừng”, rồi “hạt lựu”, “dích dắc’, … Có cái một màu duy nhất nhưng phần lớn là hai, ba, thậm chí bốn năm màu, Mẹ vẫn kết hợp theo nhiều cách để có vẻ đẹp hài hòa. Hồi ở Việt Bắc, để tiết kiệm dầu dù chỉ là dầu dọc, dầu trẩu, thường đựng trong cái ống nứa nút lá chuối khô, buổi tối, mẹ âm thầm ngồi đan trong bóng đêm khi các con đã ngủ say. Có lần sáng hôm sau, mẹ phải tháo ra cả một đoạn dài vì đêm trước có chỗ bị “lỗi”. Suốt cho tới năm đã 30 tuổi, tôi toàn mặc những tấm áo len như thế do Mẹ đan. Và tất nhiên, 6 người em tôi, rồi tới các con tôi cũng đã mặc những tấm áo được kết bằng tấm lòng cùng thời gian, công sức của Mẹ. Chỉ bằng một đôi kim đan vót bằng tre, Mẹ đã biến những cuộn len cũ thành bao tấm áo ủ ấm cho các con, cho các cháu. Cứ miệt mài như thế, kiên nhẫn như thế suốt trong những năm kháng chiến gian khổ cho tới khi Mẹ đau yếu.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, cả bảy người con từ lớn tới bé đều có vú nuôi, nhưng Mẹ là con gái lớn nhất, theo lệ thường khi ấy, cũng chỉ được học hết tiểu học rồi phải ở nhà phụ giúp Bà ngoại việc làm ăn buôn bán. Những công việc quen thuộc của người phụ nữ thuộc “công, dung, ngôn, hạnh” Mẹ đều thành thạo để thu vén cho một gia đình đông con có những bữa cơm được cải thiện mỗi khi sum họp, chế biến những đồ ăn thức uống rẻ tiền sẵn có trở thành những món ăn hấp dẫn với nhiều giác quan, ai cũng chỉ có một số phiếu vải ít ỏi nhưng Mẹ vẫn khéo lo cho cả nhà có áo quần, chăn màn tươm tất.
Mỗi lần có dịp qua Phú Thọ, những địa danh Chí Chủ, Vũ Yển, Đào Giã, rồi Thanh Cù, Yên Kỳ, Yên Luật, Ấm Thượng, Đoan Thượng,…trên cột cây số, trên những tấm biển chỉ đường đều nhắc tôi nhớ hình ảnh Mẹ thân hình mảnh mai, vai mang túi “dết” đạp cái xe của cơ quan cho mượn không chắn bùn chắn xích, về thăm bà cháu anh em chúng tôi trong những ngày tản cư.
Sau này tôi mới hiểu, sinh ra lớn lên trong một gia đình truyền thống, Mẹ là người phụ nữ của gia đình với thiên chức làm vợ, làm mẹ, lo cho cái tổ ấm riêng của mình. Trong những ngày vô cùng gian khổ và thiếu thốn, Mẹ đã làm tốt nhất những gì có thể, cùng với Bố, nuôi dạy bảy anh em chúng tôi lớn khôn thành người hữu ích. Việc Mẹ tham gia kháng chiến, rồi vào đảng cũng chỉ là những việc “vạn bất đắc dĩ” do thời thế. Trong hoàn cảnh ấy, khi gặp người lãnh đạo tử tế, Mẹ phát huy được năng lực và phẩm cách của mình trong công việc của một nhân viên kế toán. Đức tính thẳng thắn và liêm khiết khiến Mẹ được nhiều người quý trọng. Còn nhớ bác Thi, người miền Nam tập kết, là Bệnh viên trưởng Bệnh viên Đường sắt bấy giờ (dù chỉ là y sĩ) đã cho Mẹ đi học, giới thiệu Mẹ vào đảng để rồi làm Trưởng phòng Tài vụ. Nhưng đầu những năm sáu mươi, bác Thi trở về Nam (đi B), những người lãnh đạo còn lại dần coi Mẹ là một chướng ngại trên con đường của họ. Trong những ngày sơ tán chống Mỹ, kể cả khi mưa nắng, rét buốt, Mẹ không biết bao nhiêu lần đạp xe vượt hơn 40 km từ Hà Nội lên Hương Canh theo con đường rải đá qua bến phà Chèm gập ghềnh để quyết làm sáng tỏ những khuất tất trong việc xây dựng nhà cửa ở khu sơ tán này. Rồi Mẹ được vận động về hưu sớm. Và Mẹ đã chấp nhận “chuyển công tác” về với công việc Mẹ yêu thích, chăm sóc chồng con, rồi các cháu.
Cuộc sống thiếu thốn kéo dài, lại nhiều lần sinh nở cộng với những bệnh tật không được chữa trị kịp thời do thiếu thuốc men khiến những năm cuối cùng Mẹ sống trong đau yếu và ra đi khi tuổi chưa cao. Cái mùa đông cuối cùng của Mẹ, trời rét như cắt, căn nhà trống hoang trống huếch vì qua hơn bốn mươi năm không được sửa chữa, tôi cũng chỉ có cách ra chợ Trần Quý Cáp mua một cái bếp điện Liên Xô để Mẹ bớt lạnh vào ban đêm.
Chỉ tiếc là sau đó không lâu, đời sống được dần cải thiện. Bây giờ, mỗi khi cả nhà sum họp bên những mâm cỗ với rất nhiều món ăn ngon lành, vẫn không quên được nồi bún bung Mẹ nấu vào ngày chủ nhật cho các con cháu “xì xụp”. Để thêm niềm vui cho cả nhà, suốt tuần Bố Mẹ phải “kiêng” thịt, dành tem phiếu mua xương hay chân giò, rồi chắt chiu từng “bò” gạo đổi bún chỉ mong được thấy các con các cháu quây quần, vui vẻ cười nói.
Mẹ mất đã 25 năm, nhưng mỗi lần nhớ Mẹ, trong tôi vẫn văng vẳng lời khóc đầy xót thương của chú Cận, người em thứ hai của Mẹ khi khâm liệm. Chỉ có mấy tiếng mà sao ám ảnh mãi:
– Chị ơi! Cả đời chị khổ. Em lạy chị.
Ngày 1 tháng Chín (nhuận) Giáp Ngọ
Một người mẹ đáng kính.Hình ảnh bà mẹ đi suốt đời con.Xin được cùng chia sẻ
Bà là phụ nữ VN xưa đẹp hình thức, giỏi việc nhà lại đảm việc nước. Đọc chỗ bác giáo kể về những cuộn len to nhỏ và hình bà chong đèn thức đêm đan áo, với những hình đủ kiểu, em thấy không thể viết hay hơn nữa, rất tuyệt. Bà đọc được từ thế giới bên kia chắc hài lòng lắm vì con trai biết công lao mẹ, nhớ từng chi tiết dù đã qua nửa thế kỷ. Em biết có một bà thế hệ xưa là bà Nguyễn Xiển, thời tản cư cũng ở Phú Thọ. Bà cũng nhiều con và rất giỏi nữ công gia chánh. Không biết có con nào của bà viết về mẹ. Em đã được tham gia lớp học hè do bà mở tại nhà HN khoảng năm 1968 -69. Bà dạy thêu thùa đan móc, mạng bít tất, lên gấu quần áo, làm ren, khâu vắt sợi…rồi làm các loại mứt từ quả mận, quả quất. Phụ nữ ngày xưa đi học được học rất nhiều, kể cả quản lý gia đình, kế toán chi tiêu. Ở Ba Lan khoảng những năm đầu thế kỷ XX cũng có trường tư dạy phụ nữ đầy đủ. Ước gì thời nay VN cũng quan tâm dạy phụ nữ trước khi lấy chồng thì ở ta có nền giáo dục tốt được một phần như xưa.
đọc bài viết của ông cảm động lắm .Thời chúng cháu cũng gần giống thời mẹ ông khó khăn lắm cháu cũng đã tưng nối từng sợi len áo cũ để đan cho vừa cỡ với người thân thiết của cháu và cũng vì ko có tiền mua đồ mới cho con đã đan đc cho con mình cả quần lẫn ào 56 chiếc, lúc đan cháu gửi và đó tất cả mọi tình cảm của mình và luôn nghĩ chiếc áo cháu đan sẽ ấm hơn áo mua.nhưng có lẽ cháu may mắn hơn mẹ ông lúc cháu thoát khỏi cái chết trở về cuộc sống cháu đọc đc những giòng con cháu viết về suy nghĩ của con cháu viết cho cháu .Cháu có thể gửi cho ông bài viết của con cháu ko?cám ơn vì bài viết
Bài viết rất cảm động. Có một điều chú góp thêm : sau khi học hết tiểu học, mẹ còn học tiếp 3 năm nữa tại trường nữ học Felix Faure, nơi được lấy cho Sứ Quán Liên Xô sau năm 1954. Những năm ấy việc làm ăn của bà rất phát đạt, mẹ thôi học, giúp bà đi tìm hiểu thị trường và thu tiền hàng trong nghệ An, Huế, Hội An… Nhiều nghỉ hè cô Đạt và chú được theo mẹ đi nhiều tỉnh miền Trung.
Muốn biết rõ, Giao hỏi thêm cô Đạt.
Chú VH
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, người đã lo lắng cho con từng giây phút trong cuộc đời, dù có hy sinh cả mạng sống.