Lâu nay, bàn về giáo dục có những ý kiến phê phán việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, coi đó là một việc làm sai lầm; có người cho rằng nhờ có internet, ngày nay “học sinh không phải ghi nhớ mọi thứ”, thậm chí, có người còn cho rằng chất lượng giáo dục của ta xuống cấp như bây giờ có một nguyên nhân là do bắt học sinh phải học thuộc lòng.

Là người đã từng đi học, cũng là người làm nghề dạy học gần 40 năm, tôi thấy quan niệm này có vẻ như không ổn.

Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1988, giải thích THUỘC  là “ghi nhớ trong trí óc đến mức có thể nhắc lại hoặc nhận ra dễ dàng và đầy đủ”; và THUỘC LÒNG  nghĩa là “Thuộc đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể nhắc lại hoặc nhận ra ngay rất dễ dàng và đầy đủ” (tr.997). Như vậy, yêu cầu học sinh học “thuộc” hay học “thuộc lòng” những kiến thức đã được học trên lớp đâu có thể là một cái lỗi của người thầy giáo. Ngược lại, “học thuộc” hay “học thuộc lòng” theo tôi là một việc không thể thiếu trong quá trình tiếp thu và vận dụng tri thức mới để từ đó thêm hành trang vào đời, đặng sáng tạo thêm khi có điều kiện.

Từ lớp mẫu giáo, trẻ em đã được học nhiều bài hát, tôi nhớ có bài lời như sau: “Một với một là hai, hai thêm hai là bốn, bốn với một là năm, năm với năm là mười…” đó phải chăng là cách để học sinh khi chưa bước chân vào tiểu học đã  thuộc phép cộng các chữ số đầu tiên. Lớn lên, nếu không  thuộc “bảng cửu chương” học sinh sao có thể làm các phép tính nhân, chia… Những khái niệm, định nghĩa, định lý, định luật, công thức, …ở mỗi môn học chính là những tiền đề không thể thiếu khi muốn tìm hiểu ngày càng sâu hơn những tri thức của môn học ấy.

Muốn học ngoại ngữ, trước hết cũng phải ghi nhớ những từ mới, những câu mẫu hay quy tắc ngữ pháp….

Riêng môn Văn, chính cái sự không thuộc của học sinh đã tạo nên một thảm họa cho việc giảng dạy và học tập bộ môn này. Học thuộc các bài,  đoạn thơ, văn hay là công việc bắt buộc với học sinh khi học Văn. Ngoài việc cảm nhận nội dung phong phú và sâu sắc trong đó, người đọc còn bổ sung vào vốn tri thức của mình những từ ngữ mới, cách diễn đạt tinh tế, tiết tấu và nhịp điệu biến ảo nhằm góp phần diễn đạt những nội dung đó. Học sinh ở lứa tuổi niên thiếu chắc chưa thể hiểu và cảm nhận đầy đủ những vần thơ, những câu văn  như:

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín lần gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

hay

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san…

hay

Đánh một trận sạch không kình ngạc

Đánh hai trận tan tác chim muông

Cơn gió to trút sạch lá khô

Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.

Nhưng nếu không thuộc ngay từ khi còn cắp sách tới trường sẽ chẳng bao giờ có dịp được thuộc nữa và thế là  vĩnh viễn không bao giờ có thể nhận ra vẻ đẹp của những câu thơ, câu văn vào loại hay nhất trong thơ văn cổ điển Việt Nam, không bao giờ có thể được tiếp thu để vận dụng cách hành văn có nhịp điệu bổng trầm, tiết tấu đa dạng  góp phần thể hiện nội dung muốn diễn tả. Ban đầu chưa hiểu, nhưng cùng với sự lớn lên của tầm vóc, những trải nghiệm trong cuộc đời sẽ dần cho ta hiểu được, cảm được những vần thơ, áng văn hàm súc ấy.

Không nhớ, không thuộc, sao có thể thấy được sự khác nhau trong những bức tranh phong cảnh của Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm, sự đa dạng trong  nụ cười trào lộng của các nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương để làm giàu có thêm thế giới tâm hồn?

Thực ra, lối “học thuộc lòng” bị mang tiếng xấu ban đầu là do ngộ nhận. Sau cách mạng tháng Tám, cùng với chế độ thực dân phong kiến, nền giáo dục dưới thời Pháp thuộc cũng bị phê phán nghiêm khắc. Những tri thức được giảng dạy trong nhà trường khi đó bị coi là “tầm chương trích cú”, là “nhồi sọ”. Những người thiếu hiểu biết và cơ hội chủ nghĩa, để tỏ rõ thái độ triệt để cách mạng về tư tưởng đã coi việc học sinh phải thuộc những điều đã được học là lối nhồi nhét phản khoa học. Cùng với những khó khăn trong đời sống kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ), việc học thuộc được giảm nhẹ.

“Quay cóp” là một thói tật xấu xa với những người cắp sách tới trường. Thói xấu này là hiếm thấy trước đây do ý thức tự trọng trong mỗi người học sinh, đồng thời do hàng năm, nhà trường đã có sự sàng lọc, cho ở lại lớp những học sinh yếu kém. Nhưng từ khi chủ trương “trong số lượng đã có chất lượng”, nhà trường ngày càng coi nhẹ sự sàng lọc này. Những học sinh yếu kém vẫn được cho lên lớp không đủ khả năng và tri thức cũ để tiếp thu tri thức mới ở lớp trên chỉ còn cách gian lận khi làm bài kiểm tra hay thi cử. Bước vào những năm 80 của thế kỷ trước, giáo dục xuống cấp trầm trọng, thầy không thiết dạy, trò chẳng thiết học. Mỗi bài kiểm tra, điểm dưới trung bình có khi tới 70 – 80%. Để đối phó với tình trạng này, các cấp quản lý giáo dục (không rõ Bộ hay Sở) ban “lệnh”: nếu bài kiểm tra nào điểm dưới trung bình trên 50%, giáo viên phải cho học sinh làm bài kiểm tra lại. Có thể thấy mục đích đúng đắn của chủ trương này, nhằm yêu cầu giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, nếu học sinh chưa hiểu bài (chưa làm được bài kiểm tra) thì phải tổ chức giảng lại rồi làm bài kiểm tra lại. Nhưng mục đích này hoàn toàn xa thực tế. Đời sống khó khăn, chẳng ai hơi đâu  bỏ thời gian và công sức để chấm lại bài một lần nữa (chứ chưa nói tới dạy lại). Thế là mỗi khi ra bài kiểm tra, sau khi đọc đầu bài, giáo viên cố tình “lờ đi” để học sinh tự do mở sách vở, trao đổi với nhau nhằm đạt mục đích điểm số trên trung bình của cả lớp không dưới 50%. Với cái đà ấy, tỷ lệ học sinh đạt yêu cầu, đủ điều kiện lên lớp luôn tiệm cận với 100% đã sản sinh ra nhiều học sinh được mang danh “ngồi nhầm lớp” (bằng chứng là luôn có những học sinh học tới lớp 5, thậm chí lớp 7 mà chưa biết đọc, học lớp 9 đạt danh hiệu học sinh tiên tiến mà không thuộc “hằng đẳng thức đáng nhớ”, học sinh lớp 12 sau khi học tới 7 năm chỉ biết “vẽ” tiếng Anh. Trên trang giấy làm bài kiểm tra hay thi cử, họ tỏ ra có “thuộc” nhưng đầu óc họ thì rỗng tuếch. Chất lượng giáo dục sút kém là do bệnh gian dối ngày càng tràn lan chứ đâu phải do bắt học sinh “học thuộc”. Đừng vì cái “thuộc” giả  này mà để cho khái niệm “thuộc” hay “thuộc lòng” mang tiếng oan.

Chỉ lấy việc học ngoại ngữ làm thí dụ. Vì sao trước đây, với những điều kiện học tập tối thiểu, chỉ sau ít năm tiểu học, học sinh khi bước vào trung học đã có thể nghe giảng, làm bài và thi cử bằng tiếng Pháp, người chưa cần có bằng Tú tài đã có thể thông thạo không chỉ một ngoại ngữ? Trong khi học sinh ngày nay, với nhiều trang thiết bị và phương pháp hiện đại, học ngoại ngữ tới trên mười năm (từ phổ thông đến đại học) vẫn còn trong tình trạng “vừa câm vừa điếc”? Có lẽ nguyên nhân đầu tiên, học sinh trước đây chịu “nhớ”, chịu “thuộc” hơn học sinh bây giờ. (Vì đơn giản, nếu không “nhớ”, không “thuộc” sẽ không thể được lên lớp). Còn học sinh ngày nay lên lớp không phải bằng việc “nhớ”, “thuộc” kiến thức mà bằng “phong bì phong bao” dưới nhiều hình thức. Và đó chính là nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp một cách thảm hại.

Phương pháp, phương tiện hiện đại có thể làm giảm gánh nặng phải ghi nhớ  nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn việc ghi nhớ (thời tôi đi học, để giải phương trình bậc 2 được nhanh chóng, thầy dạy Toán bắt bọn tôi phải thuộc lòng bình phương dãy số từ 11 đến 49, sau gần 60 năm, vẫn còn nhớ “bập bõm” vì nếu không nhớ, chỉ có cách  đặt bút làm phép nhân, hay làm phép khai căn trên giấy, mà như thế quá mất thời gian). Ngay cả việc muốn có sự hỗ trợ của “in-tơ-nét” hay “Gu-gồ” chẳng lẽ người tra cứu có thể bắt đầu từ con số “không”? Vấn đề là ở chỗ “nhớ” hay “thuộc” chỉ có giá trị khi những điều ấy được hiểu một cách đầy đủ và cặn kẽ. “Nhớ”, “thuộc” một cách máy móc chỉ là những con vẹt. Không phải ngẫu nhiên ngay từ xưa đã có từ “học vẹt” để chỉ loại học sinh này.

Không có điều kiện để tiếp cận với những lý thuyết giáo dục hiện đại, xin chia sẻ vài suy nghĩ cá nhân, mong được đón nhận ý kiến của những người am hiểu.

 

16 BÌNH LUẬN

  1. Chào Thầy,
    Bản thân từ học thuộc lòng không xấu, không sai tí nào cả, chỉ có người dạy học làm cho nó sai đến mức mà vào lúc này mọi người Việt phải kinh hãi khiếp sợ thôi!
    Các phân tích của Thầy rất hay về sự cần thiết của học thuộc lòng, nhưng chưa nói ra cái tồi tệ mà các giáo viên và hệ thống giáo dục đã lạm dụng học thuộc lòng đến mức tàn ác.
    Tại sao họ lạm dụng?
    Đối với giáo viên:
    – Họ không đủ sức đánh giá các ý tưởng “lạ” của chính học trò. Học sinh nói khác chưa chắc là sai! Hay có thể là họ bị bắt buộc phải loại trừ mọi cái “lạ”. Vậy để chắc ăn, ai viết giống, nói giống sách là an toàn cho giáo viên.
    – Họ không đủ thời gian để chấm bài có ý tưởng “lạ”. Vì chấm bài lạ sẽ mất nhiều thời gian hơn và phải suy nghĩ nhiều hơn.
    – Họ đã tạo ra các học sinh rất lười suy nghĩ. Do đó, có khuyến khích học sinh nói khác sách thì học sinh cũng ngại lắm.
    -…

    Đối với hệ thống giáo dục:
    – Học sinh phải nói lại cái cần nói là cái gốc rễ của sự lầm lạc và đẩy học sinh vào con đường học tập nguy hiểm, lệ thuộc và ích kỷ đến tận cùng.
    – Nếu học sinh phải nói lại những điều đúng và tốt lành thì còn được, đằng này, họ phải nói lại cái họ cho là trò cười, dối trá là lạc hậu … . Nhưng đó là cuộc sống thực của học sinh, sinh viên: chấp nhận … rồi quen.

    Xin chia sẻ thêm về trí nhớ.
    Theo ý kiến cá nhân tôi, trí khôn con người có khả năng nhớ, suy luận và tưởng tượng. Suy luận và tưởng tượng rất cần chất liệu là các khái niệm và kinh nghiệm. Các khái niệm và kinh nghiệm được lưu ở phần trí nhớ.
    Vậy khả năng nhớ là một yếu tố để nói lên mức độ thông minh của một con người. Có người nhớ rất nhanh, có người nhớ chậm, có người nhớ nhiều có người nhớ ít…
    Trong trí nhớ có thể chia ra làm hai phần: trí nhớ tạm thời và trí nhớ lâu dài. Ví dụ, để giải toán ta dùng trí nhớ tạm thời để lưu các điều kiện của đề bài, và trí nhớ lâu dài để lấy được các định lý, lý thuyết. Cả hai dạng trí nhớ này cung cấp đủ dữ liệu để ta giải được bài toán. Sau khi có đáp số, thì trí nhớ tạm thời sẽ xóa đi các thông tin không cần thiết, nhưng các định lý, lý thuyết thì vẫn được lưu giữ để dùng cho nhiều lần sau.
    Qua ví dụ trên, tôi xếp các kiến thức ở trí nhớ lâu dài vào loại thuộc lòng.
    Vậy những gì cần nhớ lâu dài thì người học tự nhận ra hoặc được thầy giáo chỉ ra để nhớ. Nó có gì là xấu đâu! Ngược lại, ai biết tích lũy cho mình một vốn kiến thức đầy đủ, hữu ích trong trí nhớ lâu dài thì việc học tập, công việc và cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và thú vị biết bao.
    Vài dòng trao đổi, chúc Thầy khỏe.

  2. Trộm nghĩ: Bác có lí khi cho rằng có những kiến thức bắt buộc phải thuộc lòng. Nhưng vấn đề là ai xác định được đó là những kiến thức nào?
    Hiện nay người ta bắt học sinh phải thuộc mỗi trận đánh quân ta diệt bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu vũ khí v.v…
    Nên chăng cần nghiên cứu việc giảng dạy trong nhà trường với việc sử dụng sự hỗ trợ của kho kiến thức trên internet? (Tất nhiên xin các cụ đừng bắt trẻ mẫu giáo phải mua máy tính bảng!)

    • Vâng .Em đồng ý với bác rằng;Cần phải có phần học thuộc lòng để nhớ lâu.Nhưng quan trọng là học cái gì?Những cai cần học thì không cho học,những cái không cần học thì bắt học thì đúng là đại hoạ cho học sinh.

  3. Thưa thầy em cũng rất thích bài này của thầy và ý kiến bình luận đặc biệt của Lê Hồng. Xin có bổ sung thêm: Em có con trai học âm nhạc từ 6 tuổi quan sát được, trong khi tập thuộc lòng bản nhạc các trẻ em chơi đàn – đặc biệt piano luyện trí nhớ. Thế cho nên ngoài khả năng tư duy tốt, trẻ em học đàn có thêm ưu điểm về bộ nhớ rất thuận lợi cho học ngoại ngữ va học toán. Về điều này đã có những công trình nghiên cứu. Như vậy nói rằng trẻ em đi học bây giờ thuộc vet nhiều quá, ý đó không hẳn đúng ở chữ đầu là “thuộc lòng” như thầy phân tích.

  4. “Nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng, kiến thức của nhân loại tăng lên gấp 2 lần sau 9 tháng -1năm, 5 năm học trong trường ĐH quá ngắn để nắm hết kiến thức của một ngành và những điều đã được viết trong giáo trình, được học trong trường đã bị lạc hậu sau khi người sinh viên ra trường. Vì vậy để có kiến thức phù hợp với yêu cầu của thời đại, mọi người cần phải học tập suốt đời (tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, vai trò của người thầy là rất quan trọng, việc tự học không thể tốt và hiệu quả bằng khi có thầy, một vài lời gợi mở của thầy giỏi giúp chúng ta rút ngắn một quãng đường dài để tìm tòi). Đểgiúp học sinh nâng cao năng lực học tập và tự học tập, trong trường phổ thông, các Thầy Cô phải quan tâm trang bị cho học sinh kỹ năng học tập và phương pháp tư duy (nếu nói đầy đủ thì phải bao gồm: xây dựng niềm tin, kỹ năng học tập, phương pháp tư duy, kết quả rèn luyện thể chất và kỹ năng sống trong một môi trường vui vẻ), trong trường ĐH cần rèn luyện cho sinh viên phương pháp tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học để mọi người có thể tiếp tục học tập và tự học tập suốt đời. Trong nhà trường các Thầy Cô dạy kiến thức, thông qua kiến thức để rèn luyện kỹ năng, có kỹ năng để tiếp thu kiến thức, có kiến thức thì mới rèn luyện được phương pháp tư duy và mới phát triển được tư duy. Đối với học sinh, sinh viên, cần phải tập trung cải thiện, rèn luyện các kỹ năng học tập nhằm giảm thời gian học tập mà vẫn đạt kết quả cao (có kiến thức) và giúp bản thân mình có phương pháp, kỹ năng tự học tập suốt đời. Để có kiến thức phải có hai điều kiện là phải nhớ và phải hiểu. Nếu không nhớ vấn đề thì làm sao hiểu nổi, nếu nhớ kiểu học thuộc lòng mà không hiểu thì cũng không thể là người có kiến thức. Điều này cha ông ta đều đã quan tâm dạy dỗ, nhiều chuyện đã cười khi học trò học thuộc mà không hiểu như câu chuyện : “Rắn là một loài bò, sát không chân”. Để đào tạo những conngười sáng tạo,ì chúng ta phải thay đổi cách dạy, cách kiểm tra, nhưng không có nghĩa là bỏ đi tất cả những gì chúng ta đã làm từ trước tới nay, nhưng phải tập trung cho học sinh hiểu bản chất vấn đề mình học, chứ không máy móc rập khuôn, đồng thời cần tăng cường hành nhiều hơn.

  5. Là giáo viên em rất đồng ý với quan điểm của thầy. Là giáo viên toán nên cũng không dám lấn sân sang môn khác nhưng em nhận thấy: Khi ra đề thi, kiểm tra môn văn các đề thi thường không ra phân thức khổ thơ thứ mấy mà thường trích dẫn vì nếu không trích dẫn học sinh có thuộc đâu mà phân tích, bình luận.

  6. Hình như câu này của Khổng Tử: “Học là để biết, rồi từ cái biết ấy phát ra việc làm”. Học xong cái gì đó mà chẳng áp dụng vào cuộc sống thì học cũng như không, có lẽ đến 50 % học sinh sinh viên VN đang trong tình trạng này. Thật đáng buồn.

  7. Giờ nhiều người nói có ông google nên không cần thuộc nữa, không biết khi không có điện hoặc ko có ông đó bên cạnh họ làm thế nào?

    • Đó là quan niệm của người phần lan và kết quả là họ sở hữu một nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhiệm vụ của giáo dục không phải là cứ bắt học sinh phải học những cái mà họ cho là cần mà phải truyền được lửa học tập cho học sinh tự tìm tòi những thứ mà bản thân cần.

  8. Đây chính là tài của giáo viên, cần hướng dẫn cho học sinh, nhất là các hs thcs để các em có thể biết điều nào cần học thuộc lòng, điều nào chỉ cần nắm được ý để áp dụng

  9. Môn học nào cũng có những phần phải thuộc lòng, phần phải nhớ. Chỉ đne khi tự học (sau những chương trình ngồi trên ghế nhà trường, từ phổ thông trở lên) mới chỉ cần nhớ ý (sau khi hiểu). Học mà không nhớ thì lấy gì để mà “dụng”.
    Những người chê học thuộc chắc là kẻ đã từng học mà không thể nào thuộc cho nên mới thù ghét việc học thuộc đến thế. Nhưng những người này nhờ kỹ thuật “chuyển chỗ” mà làm quản lý được, nên học mới phản đối học thuộc như vậy.
    Học mà không thuộc, không nhớ thì lấy gì để nói là “biết”!

  10. Kiến Thức thì mêng mông ,không ai có thể nhó hết biết hết các sư kiên ,cac hiên tương.Diều QUAN TRỌNG là phải NHƠ những gì liên quan đến quá trình HỌC TÂP và DỜI SÔNGvà phải biết SUY LUẬN ,PHÁN ĐOÁN.
    Trong chương Trình trên TV “Ai Là Triêu Phú'”Đấu trường 100”
    có những câu hỏi chẳng giúp mở mang sư hiểu biết,ví dụ ‘Ai dươc5 Giải thửơng Grammy năm 2014 vv
    Có nhưng câu hói thiết thưc như thành phần của SĂT,THÉP,GANG
    tính chât và công dụng vv

  11. Mình tán thành cần phải học thuộc lòng, nhất là ở tiểu học. Cố nhiên chúng ta ko chủ trương đây là hướng chủ đạo, tác giả bài viết cũng ko nghĩ thế.Càng học lên, các cháu cần HIỂU nhiều hơn là THUỘC.

  12. Dạ, bây giờ ng ta thêm nghĩa cho “học thuộc lòng” ạ, cô đọc chép bài văn mẫu, trò học thuộc, thế là theo barem cô chấm, điểm cao, hay chưa thưa thày? chứ e nghĩ sự cảm nhận tác phẩm của học sinh mà cho tới 9, 10 điểm thì e chịu, chắc đây toàn thánh sử dụng ngôn ngữ. Chứ e cũng hiểu việc học thuộc trích đoạn văn thơ là đúng và đương nhiên phải thuộc ạ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here