Ông cụ sống một mình, vì bà cụ đã mất. Trước đây, cụ làm nghề thợ may, cả một đời cần cù, chăm chỉ. Hai cụ có ba người con, nhưng bây giờ, ai lo phận nấy.

Cả đời chẳng dành dụm, tích cóp được gì, nay một cây kim không còn, một cuộn chỉ cũng không có, tuổi càng cao, không biết trông vào đâu để sống. Ba người con cụ đã lớn, đã thành gia thất, nhưng bận kiếm ăn hàng ngày, thỉnh thoảng tới thăm xem cụ sống hay đã chết rồi lại việc ai nấy làm.

Cụ ngày càng già, con cụ ngày càng ít đến. “Chúng không muốn gần mình!”.  Cụ tự nói thế, trong lòng đầy thất vọng và chán nản. “Chúng đều sợ mình trở thành một gánh nặng!” Không còn đường sống, chỉ mong Trời Phật gọi đi nhưng mãi chưa được toại nguyện.

Cụ bỗng nghĩ ra một cách:

Hôm sau, cụ tới nhà một người bạn cũng làm thợ nhưng là thợ mộc, nhờ đóng cho cụ một cái hộp gỗ. Rồi cụ lại tới nhà người làm nghề thợ khóa xin cái khóa cũ. Rồi cụ lại tới nhà một người bạn làm nghề thổi thủy tinh, xin ít mảnh chai lọ vỡ.

Cụ mang tất cả về nhà, cho những mảnh chai lọ vỡ vào hộp, khóa lại, để hộp ở đầu giường. Mấy đứa con về đều nhìn thấy cái hộp.

– Cái hộp này đựng gì thế, bố? Thấy cái hộp chúng  đều hỏi.

– A, có gì đâu! Ông bố đáp, khuôn mặt lộ vẻ bí mật, chỉ lo người khác biết trong hộp có gì. Chỉ có mấy thứ vứt đi ấy mà!

Các con nhấc thử cái hộp, thấy khá nặng. Lắc thử, nghe có tiếng lanh canh.

Chúng thì thầm với nhau:

– Nhất định trong này có vàng, chắc là của cải bố dành dụm suốt cả đời đây!

Rồi chúng bàn nhau, hiểu là chúng đều có phần trong số tài sản này, mai sau, nhất định ông cụ sẽ chia cho chúng. Thế là chúng quyết định từ nay lần lượt hàng ngày về chăm sóc ông cụ. Đầu tiên, đứa con út mời ông ăn cơm, rồi đến con thứ, sau tới con cả. Chúng kiên trì chăm sóc ông và chờ đợi suốt thời gian dài. Được con cái chăm sóc, ông cụ sống những ngày cuối đời không đến nỗi đói khổ.

Cuối cùng, ông cụ ốm rồi chết. Các con lo tang lễ chu đáo. Vì chúng biết cái hộp kia có nhiều tài sản, giờ đã tới lúc chúng được hưởng gia tài người cha dành dụm được.

Việc tang xong, chúng cùng tới nhà bố chờ đợi. Không đủ kiên nhẫn tìm chìa khóa, chúng đập vỡ cái khóa. Nhưng mở ra, chúng thấy trong hộp toàn mảnh chai lọ vỡ.

– Thật là trò đùa. Đứa con lớn nói đầy vẻ tức giận. Với con cái mà nỡ làm chuyện tệ hại này!

– Ông ấy không làm thế thì làm thế nào? Người con thứ hai nói. Chúng ta hãy thành thực với lòng mình, thật ra, chúng ta chỉ vì cái hộp này. Không có nó, bố có chết cũng chẳng ai quan tâm.

– Tôi thấy xấu hổ quá! Người con út vừa khóc vừa nói. Chúng ta đã để bố phải sống đói khổ, vì chúng ta đã hoàn toàn quên ông. Đây chính là lúc bố dạy chúng ta.

Người con lớn vẫn chưa thấy hổ thẹn, dốc ngược cái hộp xuống, kiểm tra một lần nữa. Đúng là chẳng có đồng tiền cắc bạc nào. Trong đống mảnh chai lọ cũ, anh ta thấy có một mảnh giấy ghi dòng chữ: “Phải biết hiếu kính với  cha mẹ!”

2 BÌNH LUẬN

  1. Chào Bác ạ.
    Con người bây giờ thường hay bỏ quên trách nhiệm của mình,nhưng lại nhớ rất tốt về quyền lợi của mình Bác ạ.Bác có biết nguyên nhân tại sao không?.Bác làm ơn chỉ giùm cháu với.
    Cháu xin cảm ơn bác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here