Cha là người nghiêm khắc và chặt chẽ, rất có kỷ luật. Trong bất cứ việc gì hay ngay cả lúc nghỉ ngơi, ông cũng theo những nguyên tắc nhất định, không bao giờ thay đổi. Nhưng con trai ông lại hiếu động, rất hay gây chuyện.
Con ông suốt ngày không ngơi chân ngơi tay. Nó đụng tới đâu là hỏng, hoặc đổ vỡ. Hai cha con như hai thái cực. Một ngày mà giữa hai cha con xảy ra không biết bao nhiêu lần “chiến tranh”!
Một hôm, con trai tháo tung cái kính vạn hoa bà nội mới mua cho. Nó muốn xem trong đó có cái gì. Cái gì nó cũng thích, cái gì nó cũng tò mò, muốn biết bên trong đó thế nào. Và tất nhiên tất cả đều bị nó làm hỏng. Cha nó không biết bao nhiêu lần đã trách mắng, nhưng căn bệnh này không sao chữa được.
Lại một hôm, nó đem cái đồng hồ tháo tung ra vì chỉ muốn biết vì sao ông nội lại coi đây là là di sản trao lại cho cha? Cha nó quý chiếc đồng hồ này lắm, giữ gìn cẩn thận, coi như vật bất ly thân. Mấy hôm trước, cha nói cái đồng hồ trục trặc, định mang đi sửa. Bây giờ, cái đồng hồ bị tháo tung ra, mỗi thứ một nơi. Cha nó gầm lên như sấm. Nó giật nẩy người, rồi nhận mấy cái tát. Chưa đủ, cha nó còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà vẫn chưa nguôi giận,
Người mẹ đứng gần đó, không cầm lòng được, ngăn cha lại, kêu:
– Anh đừng đánh nó nữa. Đánh thế thì nó chết!
Cha giậm chân:
– Em còn bênh nó à? Em xem nó đem cái đồng hồ biến thành cái gì đây?
– Nó đã làm hỏng cái đồng hồ. Nhưng anh coi cái đồng hồ quan trọng hơn nó sao?
Đứa con vừa khóc, vừa nói:
– Con đâu có làm hỏng cái đồng hồ? Con chỉ muốn xem vì sao nó trục trặc thôi!
Người mẹ nói tiếp:
– Anh chỉ cần bảo con, chữa đồng hồ không cần phải tháo tung ra thế này. Sao anh phải đánh nó. Cứ luôn bị đánh đập như thế, nó mà bị chứng tự kỷ là anh giết nó đấy!
Mẹ nói tiếp:
– Nó chỉ muốn biết cái đồng hồ bị làm sao, đó chính là tính tò mò, đó chính là biểu hiện ham hiểu biết. Nếu là người cha sáng suốt, anh sẽ không đánh nó, mà để cho nó được tự do, còn phải tạo cơ hội cho nó tìm hiểu.
Hôm ấy, đứa con trai khóc rất lâu, nó cứ ngồi mãi trên bậc thềm ngoài sân. Khi đã ngừng khóc, nhìn vẻ mặt nó còn rất buồn bã.
Mẹ đi qua, hỏi:
– Con còn giận cha không?
– Nó nhìn mẹ, vẻ tức giận:
– Không, con không muốn nghĩ đến cha, con hận ông ấy.
– Hôm sau, không thấy nó đâu. Hóa ra nó đi xem một đám xiếc thú. Nó nói ở nhà buồn lắm. Nó thấy ở đoàn xiếc, mọi người rất tự do, vui vẻ. Nó rất thích cuộc sống thoải mái và đầy ắp tiếng cười ở đó.
Mẹ khóc tới gần chết nó mới chịu về.
Người cha đã được một bài học lớn trong việc dạy con.