Năm 580, Tuyên Đế Bắc Chu bị bệnh chết, Vũ Văn Xiển được nối ngôi, đó là Chu Tĩnh Đế. Tĩnh Đế khi đó mới 8 tuổi, nên cha của Hoàng hậu Dương thị là Dương Kiên trở thành ngoại thích vào Hoàng cung phụ chính, nhân cơ hội đó giành lấy đại quyền quốc gia.
Dương Kiên gia thế lẫy lừng, cha là Dương Trung, một trong những khai quốc công thần của Bắc Chu, được phong Tùy quốc công, một trong tám trụ cột (1) của nhà Tùy. Dương Kiên cùng Chu Minh Đế là anh em đồng hao, em gái của Dương Kiên là Hoàng hậu, lại thêm ông là người rất có tài năng, nhiều lần giữ những chức vụ quan trọng, danh tiếng vang khắp. Mưu mô của Dương Kiên đã có từ lâu, nay lại có quan hệ mật thiết với việc triều chính, rất chú ý thăm dò chiều hướng phát triển của mọi việc. Tuyên Đế của Bắc Chu khả năng hạn chế, việc triều đình đã đổ nát, Dương Kiên nhân cơ hội đó củng cố thế lực của bản thân, trong triều đình càng thêm nhiều vây cánh. Hai đại thần thân tín của Tuyên Đế là Trịnh Trạch và Lưu Nhật Phương thấy đại cục của Bắc Chu đã mất cũng đều dựa vào Dương Kiên. Lúc Chu Tuyên Đế bệnh nặng nguy cấp, hai người bèn lấy cớ thăm hỏi đưa Dương Kiên vào cung, làm giả Thánh chỉ để Dương Kiên làm Thừa tướng , nắm mọi quyền binh mã trong ngoài. Như vậy từ nay, mọi quyền hành rơi vào tay Dương Kiên.
Dương Kiên từ lâu đã nghĩ tới thay thế Bắc Chu, nhưng vì con em họ Vũ Văn còn đông, trong đó, Dương Kiên e ngại nhất là năm người Triệu vương Vũ Văn Chiêu, Trần vương Vũ Văn Thuần, Việt vương Vũ Văn Thịnh, Đại vương Vũ Văn Đạt. Ngoài ra, còn em của Chu Tuyên Đế là Vũ Văn Tán còn ở trong cung. Dương Kiên trước hết nhờ Lưu Nhật Phương bày một trò lừa dối Vũ Văn Tán còn ít tuổi để cho anh ta ra khỏi cung, sau đó lợi dụng những người nói trên đã được phong quốc ở bên ngoài nơi xa xôi không rõ những biến cố trong hoàng cung, lấy cớ gả con gái của Triệu vương làm dâu Đột Quyết (2), giả truyền Thánh chỉ gọi năm vương về triều. Khi họ trở về kinh thành, bị Dương Kiên giữ ngay tại chỗ.
Đồng thời, Dương Kiên cử Đại tướng Vĩ Hiếu Khoan hỏa tốc tới Tương Châu (nay là An Dương, Hà Nam), triệu tập Tổng quản (3) Úy Trì Quýnh về kinh. Úy Trì Quýnh là quốc cữu của Bắc Chu, trọng thần của tiên triều, nắm được binh quyền, trấn giữ vùng yếu địa là kẻ đe dọa nhất với Dương Kiên. Úy Trì Quýnh từ sớm biết dã tâm của Dương Kiên đã có chuẩn bị binh mã. Khi nghe tin được triệu hồi về kinh bèn chính thức nổi dậy tạo phản. Không lâu sau, nhiều Tổng quản các nơi cũng hưởng ứng. Dương Kiên đã có chuẩn bị từ trước, ngay lập tức lệnh cho ba viên Đại tướng là Vĩ Hiếu Khoan cùng Vương Nghi, Lương Nhuệ chia làm ba đường dẹp loạn.
Triệu vương Vũ Văn Chiêu về tới kinh thành, lập tức hiểu ra mọi việc nhưng hối không kịp. Thấy Úy Trì Quýnh nổi dậy, cho rằng thời cơ đã tới, Triệu vương mời Dương Kiên tới nhà muốn nhân cơ hội giết đi. Dương Kiên tuy cũng đã biết dã tâm của ông ta, nhưng không e ngại, cứ tới dự tiệc. Triệu Vương lệnh cho hai con là Vũ Văn Viên và Vũ Văn Quán mang đao đứng hai bên cửa, bắt quân hầu của Dương Kiên đứng ở bên ngoài, chỉ cho hai người là Dương Hồng và Nguyên Trụ vào cùng. Trong bữa tiệc, Triệu vương nhiều lần dâng rượu mời Dương Kiên, cử chỉ rất ân cần, giữa buổi tiệc, Triệu vương sai con mang dao bổ quả dưa cho Dương Kiên ăn, muốn nhân cơ hội này ra tay. Bọn Nguyên Trụ thấy bất lợi, đi ra phía trước, lớn tiếng:
– Trong phủ có việc bất thường, không thể ở lâu!
Lúc này Triệu vương mới phát hiện có tráng sĩ hộ vệ bên cạnh là Dương Trụ rất nổi tiếng, không dám làm gì đành để cơ hội trôi qua.
Triệu vương giả không uống được rượu, trở về phía sau, Nguyên Trụ giữ ông ta lại. Triệu vương thấy không thể đạt được mục đích, bèn nhờ Nguyên Trụ đi lấy nước. Nguyên Trụ đứng tại chỗ theo dõi.
Sau đó, Nguyên Trụ nói với Dương Kiên:
– Hoàn cảnh rất nguy cấp, mau về thôi!
Dương Kiên không vội vã, nói:
– Họ không có lính, có gì mà phải sợ?
Nguyên Trụ đã nghe thấy tiếng binh khí từ bên trong, vội đưa Dương Kiên ra cửa. Triệu vương dứng dậy vội giữ lại, nhưng không phải là đối thủ của Nguyên Trụ. Sau khi bọn Dương Kiên đi khỏi, Triệu vương vô cùng hối hận không ra tay sớm, giận dữ, đập vỡ cả mặt bàn.
Âm mưu giết Dương Kiên của các vương không đạt được, ngược lại, bị Dương Kiêm khép vào tội mưu phản (4). Lần lượt giết tất cả.
Không lâu sau, Úy Trì Quýnh nổi loạn bị trấn áp, thời cơ lên ngôi của Dương Kiên đã chin muồi. Tháng 2 năm Đại Định nguyên niên (581), Dương Kiên lật đổ Bắc Chu Tĩnh Đế, tự lập làm vua, đổi quốc hiệu thành Tùy, đổi niên hiệu thành Khai Hoàng. Sau khi xưng đế, Dương Kiên củng cố chính quyền, không quản mệt nhọc. Ông ta khoan hòa hình phạt, giảm nhẹ tô dịch, khuyến khích sản xuất, chỉnh đốn việc triều chính, thực hành tiết kiệm. Đất nước nhanh chóng được khôi phục và phát triển. Sau đó, ông đưa quân lên phía bắc đánh Đột Quyết, xuống phía nam đánh nước Trần, kết thúc cục diện chia rẽ suốt bốn thế kỷ, thống nhất Trung Quốc. Trong hơn hai mươi năm Tùy Văn Đế cai trị, triều Tùy chính trị ổn định, kinh tế phồn vinh, văn hóa phát đạt, trở thành một vương triều hùng mạnh trong lịch sử Trung Quốc.
Chú thích:
(1) Trụ quốc: Tức Trụ quốc đại tướng quân, đặt từ Hậu Yên thời Thập lục quốc, gọi tắt là Trụ quốc, chức quan quận sự cao nhất.
(2) Đột Quyết: người ở phía nam núi Kim (núi A Nhĩ Thái ngày nay) hồi thế kỷ 6, tục gọi là Đột Quyết.
(3) Tổng quản: đặt từ Đông Ngụy, Bắc Chu chính thức đổi thành Đô đốc chư châu quân sự, coi việc quân và dân chính.
(4) Tội mưu phản: tên tội hình, một trong thập ác.