Một hôm, sau khi tan học, trên đường trở về nhà, chú bé hét lên một tiếng:
– A, a, a, a….
Không ngờ vừa kêu xong, chú liền nghe thấy dường như có ai đáp lại từ vách núi, cũng một tiếng “A, a, a, a, ..…”.
Chú rất ngạc nhiên, hét lên một lần nữa:
– Mi là a ..a..ai?
Cũng lại một âm thanh vọng lại: “Mi là a..a..ai?”.
Câu hỏi chẳng có ai đáp lại. Chú rất tức giận, liền quát lên:
– Mi nhất định là một tên ngốc!
Một câu nói y như thế cũng vang lên. Chú vội tới bên một lùm cây gần đó, xem thử có ai trêu mình. Nhưng chẳng có ai cả.
Về nhà, chú chưa hết bực tức, kể cho mẹ nghe:
– Có một đứa con trai nào đó trong lùm cây, nhại lại con để trêu con.
– Con ạ, mẹ lắc đầu, mỉm cười, nói với chú. Đó là tiếng nói của chính con đấy. Những tiếng con nghe thấy không phải của người khác mà của chính bản thân con.
– Có thật không mẹ? Sao lại có thể như thế được? Chú hỏi lại.
– Chắc con chưa biết tiếng vọng có phải không? Mẹ hỏi.
– Tiếng vọng? Mẹ ơi, con chưa nghe nói bao giờ, nó là cái gì thế? Chú bé lạ lùng hỏi lại mẹ.
– Mẹ sẽ nói để con hiểu. Con có thấy khi con đá bóng, quả bóng đập vào tường rồi bật ngược trở lại không?
– Có ạ, đôi khi con còn bắt được nó.
– Đúng rồi, tiếng vọng về nguyên tắc cũng giống như quả bóng đập ngược lại. Mẹ nói. Nếu ở một nơi trống trải thì không có hiện tượng này. Nhưng nếu con ở gần một vách núi hoặc một công trình xây dựng lớn, khi hét lên một tiếng, con sẽ nghe thấy âm thanh ấy vang lên. Đó chính là tiếng vọng. Con có cảm thấy nó gần giống như quả bóng đập từ tường trở ra không? Tiếng con nghe thấy chính là tiếng của con vọng lại từ vách núi trước mặt. Nó chẳng phải của ai đâu! Con cho rằng tiếng nói đó là của một cậu bé, con chẳng phải là một cậu bé sao.
Nếu con nói bằng một giọng ấm áp, tiếng vọng con nghe được cũng sẽ là giọng ấm áp. Nếu con dùng những lời nói khoan hòa, đẹp đẽ, con cũng sẽ nghe được những âm thanh như thế vọng lại. Kinh Thánh từng dạy: Ôn hòa có thể chế ngự được tức giận. Khi chơi với bè bạn, con không được quên điều ấy.
Trong cuộc sống, nếu ai có nói với con bằng những lời nặng nề, con phải nhớ câu chuyện về tiếng vọng này. Lời của con cần nhẹ nhàng hơn. Lúc đó, người ta sẽ thay đổi giọng nói với con. Khi tan học về nhà, thấy em con đang tức giận nếu con dùng giọng nói ôn tồn để hỏi han, chắc chắn rồi em con sẽ mỉm cười, lời nói sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Con ạ, không phải chỉ ở bên vách núi mà ở bất kỳ đâu, trong gia đình, ở nhà trường hay ngoài xã hội, con đừng bao giờ quên chuyện này.