Thời Tây Tấn, có nhà sử học tên gọi Can Bảo, theo lệnh của Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ đã viết “Tấn ký” (1). Đồng thời, ông còn dựa theo những tài liệu nghe được, đọc được viết một cuốn tiểu thuyết thần kỳ là “Sưu thần ký”. “Tấn ký” là cuốn sách lịch sử tới giờ đã thất truyền, còn bộ “Sưu thần ký” vẫn được lưu truyền tới ngày nay.
“Sưu thần ký” là cuốn tiếu thuyết lâu đời nhất, nó có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Những câu chuyện trong bộ tiếu thuyết này đã được truyền bá sâu rộng, đã trở thành kịch bản cho ca kịch hoặc những câu chuyện truyền kỳ.
Có một chuyện là “Can Tương Mạc Tà” viết về một cặp vợ chống thợ rèn người nước Sở. Họ đúc kiếm cho vua Sở, ba năm mới đúc được một cặp, một gọi là Hùng kiếm, một gọi là Thư kiếm. Hai vợ chống Can Tương biết thời gian đúc kiếm quá lâu, nhất định vua Sở nổi giận, sẽ giết mình. Họ đem thanh Hùng kiếm giấu đi, chỉ đem thanh Thư kiếm dâng nhà vua. Trước khi đi, người chồng dặn dò vợ đang mang thai:
– Chúng ta đúc kiếm cho vua Sở, ba năm mới xong. Vua Sở nhất định nổi giận, tôi sẽ chết. Sau này, nếu nàng sinh con trai, đợi khi nó lớn, nói với nó rằng: ra cửa nhìn về dãy núi phía nam, có một cây tùng mọc bên tảng đá, kiếm chôn ở sau lưng tảng đá đó.
Nói xong, người chồng ra đi. Đến cung đình, Can Tương dâng kiếm cho vua Sở. Vua Sở gọi người tới xem. Người ấy nói kiếm này có hai thanh, một Thư, một Hùng, giờ chỉ dâng có Thư kiếm, không dâng Hùng kiếm, thế là có ý lừa đại vương. Vua Sở nghe thế, đem Can Tương giết đi.
Mạc Tà sinh con trai, đặt tên là Xích Bỉ. Khi lớn lên, đứa con hỏi mẹ:
– Cha con đi đâu?
Người mẹ nói với con:
– Cha con đúc kiếm cho vua Sở, ba năm mới đúc xong, vua Sở giận dữ, giết cha. Trước khi chết, cha con có dặn, đợi khi con lớn lên, nói với con: Ra cửa nhìn về dãy núi phía nam, có một cây tùng mọc bên tảng đá, thanh kiếm chôn ở sau tảng đá đó..
Xích Bỉ nghe mẹ nói, ra cửa nhìn về phía nam, không thấy có núi, chỉ thấy phía trước nhà có cây cột bằng thân cây tùng bên tảng đá. Chàng trai dùng rìu đập vỡ tảng đá, sau đó quả nhiên tìm thấy thanh kiếm. Chàng ngày đêm nguyện thay cha báo thù.
Một hôm, vua Sở nằm mơ, trong mơ gặp một chàng trai, luôn miệng nói sẽ thay cha báo thù. Tỉnh dậy, vua lập tức ra lệnh thưởng nghìn vàng cho ai lấy được đầu chàng trai ấy. Xích Bỉ nghe được chuyện này, vội lánh vào trong rừng sâu, đứng khóc ròng bên một cây tùng. Có một người nhìn thấy, hỏi:
– Làm sao lại khóc?
Chàng trai trả lời:
– Tôi là con của Can Tương và Mạc Tà, vua Sở đã giết cha tôi, tôi muốn báo thù cho cha.
Người qua đường nói:
– Tôi nghe nói vua Sở thưởng nghìn vàng cho ai lấy được đầu của anh. Anh hãy giao đầu của anh và thanh kiếm cho tôi, tôi sẽ thay anh báo thù.
Xích Bỉ nói:
– Thế thì hay quá!
Chàng lập tức dùng kiếm cắt đầu của mình rồi giao cho người qua đường, nhưng thi thể của chàng vẫn đưng nguyên, không chịu đổ xuống.
Người qua đường phải nói với thi thể:
– Tôi quyết không phụ lòng tin của anh, nhất định sẽ thay anh trả mối thù cha.
Lúc đó, thi thể mới ngã vật xuống.
Người qua đường mang thanh kiếm và đầu của Xích Bỉ tới gặp vua Sở, nhà vua vui mừng khôn xiết.
Người qua đường nói:
– Đây chính là đầu của dũng sĩ, phải cho vào nồi luộc cho chín đi.
Vua Sở ra lệnh lấy nồi, luộc cái đầu, nhưng luộc ba ngày ba đêm mà cái đầu vẫn chưa chin, lại còn cứ nổi mãi trên mặt nước, đôi mắt vẫn căm giận nhìn vua Sở. Người qua đường nói:
– Cái đầu của chàng trai này không chín được, xin đại vương tới gần đây nhìn, có lẽ sẽ chín chăng.
Vua Sở tới gần cái nồi lớn nhìn đầu. Người qua đường đã chuẩn bị thanh kiếm từ trước, đầu của vua Sở cũng rơi vào trong đó, rồi người qua đường cũng dùng kiếm chặt đầu mình. Ba cái đầu cùng bị luộc trong nồi, một lát thì chin cả, không hiểu tại sao. Không ai có thể phân biệt được đầu của từng người, khi chôn cất phải đặt chung một mộ, gọi đó là mộ Tam vương.
Một truyện khác có tên “Lý Ký”, nói thời cổ, ở quận Mân Trung nước Đông Việt có một dãy núi, có mấy mươi ngọn. Phía tây bắc dãy núi có một con rắn lớn, dài tới bảy tám trượng, vô cùng hung dữ. Quan Đô úy của quận Đông Trị và nhiều quan chức ở đó đều bị rắn cắn chết. Dân chúng ở đó vô cùng sợ hãi. Rắn báo mộng, nói với thầy cúng, nó muốn ăn con gái khoảng 12, 13 tuổi. Nghe nói, Đô úy và Huyện quan đều rất sợ hãi phải lấy con gái các nô tì hoặc con gái những kẻ phạm tội hiến cho rắn. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng bảy tháng tám đều phải mang những cô gái này tới trước cửa hang làm lễ tế rắn. Năm nào cũng như vậy, đã có tới chin cô gái phải chết thảm như thế.
Năm ấy, Huyện quan còn đang tìm người nhưng mãi vẫn không có được người thích hợp. Huyện Tương Lạc có một người tên gọi Lý Đản, nhà có sáu cô con gái, không có con trai. Cô gái nhỏ nhất tên gọi Lý Ký tự nguyện hiến thân cho rắn. Cha mẹ không bằng lòng, cô nói:
– Cha mẹ không phải lo lắng, nhà mình có sáu con gái, không có con trai. Con không có cơ hội cứu cha như nàng Đề Oanh thời Tây Hán, lại không có khả năng kiếm tiền nuôi dưỡng cha mẹ. Nhà mình cần rất nhiều tiền, nếu con hiến thân cho rắn, có thể kiếm được một số tiền để phụng dưỡng cha mẹ.
Cha mẹ không biết làm thế nào để khuyên giải, Lý Ký vẫn khăng khăng giữ ý định. Nàng chuẩn bị trước một thanh kiếm sắc, lại tìm thêm một con chó có thể đối phó với rắn.
Ngày 1 tháng 8 năm ấy, Lý Ký mang theo thanh kiếm, dắt theo con chó, nàng còn mang theo cơm có trộn với mật ong, tới trước ngôi miếu trên núi, đợi rắn tới.
Lý Ký mang gói cơm trộn mật ong vừa thơm vừa ngọt đặt trước cửa hang rắn. Con rắn thấy mùi thơm, từ trong hang, ló đầu ra. Đầu rắn to như một cái sọt đựng gạo, hai con mắt sáng như gương. Vừa ló đầu ra, rắn đã ăn sạch gói cơm. Lý Kỳ vội xua chó vào đánh nhau với rắn, bản thân cô dùng kiếm chém liên tiếp vào đầu rắn mấy nhát. Bị mấy nhát chém, rắn bị thương nặng, lui vào trong hang rồi chết. Lý Ký vào hang, cô nhìn thấy chín bộ xương của chín cô gái xấu số những năm trước. Cô thì thầm:
– Các cô thật yếu đuối, cho nên mới thiệt mạng, thật đáng thương!
Rồi cô vui mừng trở về.
Một truyện nữa là “Vợ chồng Hàn Bằng”:
Truyện kể rằng, thời Chiến Quốc, Hàn Bằng là môn khách của Tống Khang Vương (2), vợ là Hà thị rất xinh đẹp. Tống Khang Vương có dã tâm muốn chiếm đoạt vợ của Hàn Bằng, bắt Hàn Bằng làm khổ sai xây thành. Nghe nói chồng bị bắt đi làm lao dịch, Hà thị viết một bức thư nói nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi gửi cho chồng, trong thư cũng biểu hiện ý chí thà chết không chịu khuất phục. Không ngờ, bức thư rơi vào tay Tống Khang Vương. Hàn Bằng được tin quá hoảng sợ bèn tự sát.
Bị bắt, Tống Khang Vương ép nàng thành thân, nàng nhất quyết cự tuyệt, chờ lúc việc canh giữ sơ hở, nàng xé quần áo kết thành dây treo cổ tự vẫn. Có người tới cứu, nàng nhảy từ trên lầu cao xuống rồi chết. Người ta còn thấy chúc thư nàng để lại, xin Tống Khang Vương chôn chung hai vợ chống một mộ.
Tống Khang Vương rất tức giận, không thực hiện, còn cố tình để hai nấm mộ xa nhau, mộ ở bên đông, mộ ở phía tây. Nhà vua còn căm tức nói:
– Các ngươi muốn chết còn gần nhau, ta sẽ cho các người chết phải xa cách.
Nhưng thật kỳ lạ, chẳng bao lâu sau, trên hai nấm mộ mọc hai cây tùng lớn. Càng lớn lên, hai cây đều ngả về phía cây kia cho tới khi chúng giao nhau. Hai cây còn là nơi các cặp chim uyên ương dừng lại, hót lên những tiếng bi thương. Những người gần đó rất thương cảm mối tình Hàn Bằng và Hàn thị, họ cảm thấy hình ảnh hai cây giao nhau như ca ngợi mối tình chồng vợ chung thủy nên đặt tên cho chúng là cây tương tư.
Những truyện được viết trong “Sưu thần ký” vô cùng sinh động, đọc rất hứng thú. Trong truyện, người đọc còn thấy thái độ của tác giả yêu ghét rõ ràng, ông có sự đồng tình sâu sắc với người lao động và thái độ phê phán quyết liệt với tầng lớp thống trị bạo tàn. Tinh thần ấy rất đáng kính trọng.
Chú thích:
(1) Tấn ký: 20 quyển, ghi lại chuyện từ Tư Mã Ý thời Tào Ngụy đến Tấn Mẫ Đế, suốt lịch sử 53 năm.
(2) Tống Khang Vương: tức Tống Vương Yển, Quốc quận của nước Tống thời Chiến Quốc, ở ngôi từ 328 đến 286 Trước CN,, từng đánh thắng Tề, Sở, Ngụy. Đến năm 286 bị nước Tề diệt.
(3) Chim uyên ương: một loại chim, con trống và con mái thường đi đôi. Người Trung Quốc quan niệm chim uyên ương tượng trưng cho tình yêu.