TÂY TẤN

(265 – 316)

 

Năm 265,  Tư Mã Viêm ban đầu thao túng triều Ngụy, sau bắt Hoàng đế Tào Hoán giao quyền cho mình. Ông làm lễ tế Trời, nhận “thiền nhượng”, kiến lập triều Tấn, định đô ở Lạc Dương, sử gọi là Tây Tấn. Hơn mười năm sau, Tấn bình Ngô thành công, cục diện chia rẽ cuối đời Hán gần một thế kỷ kết thúc.

Để thống nhất đất nước, Tây Tấn xác lập toàn bộ chế độ quan liêu, thiết lập Thượng thư tỉnh, Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh trở thành cơ cấu quyền lực cao nhất dưới Hoàng đế trung ương, chế độ tam tỉnh đã có những ảnh hưởng lớn đối với đời sau. Để tránh việc xảy ra những bi kịch trong đời sống của Hoàng thất, Tây Tấn bắt đầu thực hành chế độ phân phong. Con, em nhà vua được phong Vương, thực hành chế độ đô đốc để tăng cường sự khống chế của họ Tư Mã với các địa phương. Nhưng những vương quốc lớn nhỏ này đã làm suy yếu chính quyền trung ương.

Chính quyền Tây Tấn ngay từ ban đầu đã có sự chia rẽ, trong sự ổn định đã bao hàm những nhân tố bất ổn định. Các dòng họ lớn sử dụng quyền triều chính, bài xích dòng họ nhỏ, uy hiếp nhà vua, làm ảnh hưởng tới nền móng của chế độ. Từ thời Tam Quốc đã bắt đầu những cuộc di cư của các dân tộc thiểu số như Hung Nô, Tiên Ty, Khương, …, đến lúc này, nó trở thành một trào lưu làm ảnh hưởng đến chính quyền Tây Tấn. Sự bóc lột phong kiến gia tăng, các vương công quý tộc tha hồ bóc lột, cướp đoạt, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc kết hợp lại, thủ lĩnh các dân tộc cũng đứng dậy chống nhà Tấn. Từ đó, chính quyền nhà Tấn gặp những xung đột dân tộc hiếm có.

Với những ảnh hưởng đó, triều Tân Tấn gặp phải những nguy cơ chưa từng có từ khi ra đời. Trước những nguy cơ đó, giai cấp thống trị đã có thái độ hoàn toàn tiêu cực. Họ chỉ chăm lo làm giàu, hoang dâm vô độ, tôn sùng nói suông, chạy theo hư ảo, khiến cho chính quyền mau tới chỗ diệt vong.

Từ năm 291 đến năm 306, nội bộ họ Tư Mã liên tiếp diễn ra cảnh cốt nhục tương tàn, những bi kịch do tranh chấp quyền bính liên tiếp xảy ra, sử đã gọi là “Bát vương chi loạn”. Kết quả dẫn tới là các cuộc khởi nghĩa nông dân và những cuộc nổi dậy chống Tấn của các dân tộc thiểu số liên tiếp xảy ra.. Chính quyền Tây Tấn không vượt qua nổi những cơn giông bão vào đời Vĩnh Gia. Năm 316, Tấn Mẫn Đế đầu hàng tướng Hung Nô Lưu Diệu. Nhà Tấn diệt vong.

 

BẢNG THẾ HỆ CÁC ĐẾ VƯƠNG

 

Vũ Đế Tư Mã Viêm   (265 – 290)

Huệ Đế Tư Mã Trung  (290 – 306)

Hoài Đế Tư Mã Xí      (307 – 313)

Mẫn Đế Tư Mã Nghiệp (313 – 316)

 

 

NIÊN BIỂU SỰ KIỆN LỚN

 

265: Tư Mã Viêm buộc Ngụy đế Tào Hoán nhường ngôi, phế Tào Hoán thành Trần Lưu Vương, đổi Ngụy thành Tấn, kiến đô ở Lạc Dương.

271: Tôn Hạo nhà Ngô đem quân đánh Tấn, Tấn cử tướng Đồn Thọ Xuân mang quân chống cự, quân Ngô phải rút lui.

275: Tấn Vũ Đế ra lệnh dùng nô tỳ thay cho lính đồn diền.

280: Tây Tấn diệt Ngô, thống nhất cả nước.

285: Trần Thọ soạn Tam quốc chí.       

290: Tấn Vũ Đế mất, Thái tử Tư Mã Trung nối ngôi – Tấn Huệ Đế.

291 – 306: Loạn bát vương

301: Lưu Đặc tập hợp dân lưu tán khởi nghĩa.

304: Con Lý Đặc là Lý Hùng xưng Thành Đô vương.

308: Lưu Uyên, người Hung Nô xưng đế.

310: Lưu Uyên chết, Tử Hòa nối ngôi, Lưu Thông giết anh là Hòa, lên ngôi.

311: Hán đánh vào Lạc Dương, bắt Tấn Hoài Đế

313: Lưu Thông giết Tấn Hoài Đế

316: Lưu Diệu tiến công Trường An. Nhà Tấn diệt vong.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here