Gia Cát Lượng (181 – 234) là đại thần triều Thục Hán, ông thông thạo, giải quyết mọi việc chu đáo, là nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc.

Sau thất bại trước Đông Ngô ở Khiêu Đình, không lâu sau, Lưu Bị ốm chết ở thành Bạch Đế. Gia Cát Lượng trở về Thành Đô, giúp Lưu Thiện nối ngôi. Mọi việc lớn nhỏ của triều Hán trước mắt đều do Gia Cát Lượng quyết định. Đang lúc Gia Cát Lượng dốc lòng dốc sức giúp việc triều đình Thục Hán, ở Nam Trung nảy sinh cuộc nổi loạn của các dân tộc thiểu số do Mạnh Hoạch cầm đầu.

Vùng phía nam là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Cuộc nổi dậy của Mạnh Hoạch khiến đời sống của họ không còn an định, họ phải rời bỏ quê hương, ly tán khắp nơi; mặt khác, cuộc nổi loạn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thống trị của triều Hán. Nhưng vừa trải qua thất bại ở Khiêu Đình, Lưu Bị lại vừa mất, lúc đó, Gia Cát Lượng chưa thể dẹp yên được phản loạn. Qua hai năm chuẩn bị, tình hình đất nước đã tương đối ổn định, binh mã, lương thảo đã chuẩn bị đầy đủ, Gia Cát Lượng mới quyết định tiến xuống phía nam.

Năm 225, Gia Cát Lượng chỉ huy ba lộ đại quân tiến về phương nam. Trước khi xuất phát, tướng  Mã Tốc đề nghị:

– Đất phương nam có địa thế hiểm yếu, xa xôi, từ lâu đã không chịu khuất phục triều đình. Hôm nay nếu ta dùng vũ lực đánh bại họ, ngày mai họ sẽ lại nổi dậy. Binh pháp đã dạy: đánh thành là hạ sách, đánh vào lòng người mới là thượng sách. Tôi cho rằng lần này tiến xuống phía nam, không nên lấy việc giết chóc làm mục đích mà phải hướng tới chinh phục lòng người. Thưa Thừa tướng , không biết ngài thấy thế nào?

Gia Cát Lượng rất tán thành, nói:

– Ý rất hay, tôi cũng nghĩ như thế. Mạnh Hoạch là người rất có uy tín với các dân tộc thiểu số ở đó, ta phải biến thù thành bạn, như thế, họ mới thực lòng tin tưởng phục tùng sự cai trị của triều đình Thục Hán.

Gia Cát Lượng cho người tìm hiểu cặn kẽ về Mạnh Hoạch, biết được ông ta tuy dũng cảm, nhưng không hiểu binh pháp. Từ đó, ông đã chuẩn bị một kế hoạch tác chiến rất cặn kẽ.

Một hôm, hai bên đối mặt chuẩn bị giao chiến. Đại tướng  của Thục Hán là Vương Bình đột nhiên xông vào trại quân của Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch lập tức chuẩn bị giao chiến. Trận đánh diễn ra chưa lâu, Vương Bình bỗng quay ngựa bỏ chạy, Mạnh Hoạch quát:

– Hôm nay ta sắp bắt được ngươi, mai sẽ cùng người quyết một trận thắng bại.

Mạnh Hoạch thấy Vương Bình thua trận tháo chạy, trong lòng vui mừng, mang quân đuổi theo. Vương Bình cùng người ngựa chạy vào một con đường trong núi, hai bên đường là núi cao dựng đứng, địa hình vô cùng hiểm trở. Đột nhiên, Vương Bình cùng đám quân sĩ dừng cả lại, Mạnh Hoạch còn chưa hết bất ngờ đã nghe tiếng la hét nổi lên, quân Thục Hán đầy đủ binh khí từ hai bên sườn núi đánh ập xuống, trong thế trận bị mai phục, Mạnh Hoạch quay ngựa bỏ chạy, nhưng bị quân Thục Hán bao vây, bắt trói lại.

Quân sĩ giải Mạnh Hoạch tới, Gia Cát Lượng thoáng nhìn, đã thấy một người thân thể cao lớn, vai rộng nực nở, cánh tay rắng chắc, ánh mắt sắc, quả chẳng khác gì một trang nam tử Hán. Mạnh Hoạch chưa hết hối hận vì bị bắt làm tù binh, biết sẽ chết không còn nghi ngờ gì. Gia Cát Lượng chậm rãi bước tới. Mạnh Hoạch nhắm nghiền đôi mắt, thầm nghĩ chỉ một nhát kiếm là hết đời. Không ngờ thấy sợi thừng trói cánh tay được nới rộng, hóa ra Gia Cát Lượng đích thân cởi trói cho ông ta. Mạnh Hoạch càng vô cùng ngạc nhiên, nghe Gia Cát Lượng nói:

–         Mạnh tướng  quân, ông không bị thương chứ? Mời ông vào trại.

Bước vào trại quân, Mạnh Hoạch nghĩ sẽ được chứng kiến một đội quân tinh nhuệ, nhưng không ngờ, trước mắt ông ta là một đội quân già nua ốm yếu, đao thương đều cùn rỉ, cờ xí rách bươm, cán cờ nhiều cái cũng gãy gục. Trước đây, Mạnh Hoạch có một chút nể phục, nhưng giờ đây, thấy đội quân của Gia Cát Lượng như vậy, không nén nối sự coi thường.

Đang khi ấy, Gia Cát Lượng lên tiếng:

– Ông thấy quân của tôi thế nào?

Mạnh Hoạch cười nhạt, đáp:

– Trước đây, tôi chưa hiểu rõ các ông, cho nên chịu thua trận. Bây giờ, được nhìn thấy quân của các ông, rõ ràng là việc đánh bại quân của các ông chẳng có gì khó khăn.

Gia Cát Lượng quan sát nét mặt của Mạnh Hoạch, mỉm cười:

– Được rồi, Mạnh tướng  quân, tôi sẽ thả cho ông về, ông mau mau chuẩn bị người ngựa, chúng ta sẽ gặp nhau một trận.

Mạnh Hoạch trở về, nhất định thề sẽ báo thù rửa hận. Ông ta tuyển chọn, tập luyện một đội quân tinh nhuệ. Một đêm, Mạnh Hoạch đích thân dẫn quân áp sát trại quân Thục Hán mà vẫn không thấy động tĩnh, ông ta vô cùng mừng rỡ, trong bụng đã thầm nghĩ trận náy ắt toàn thắng. Mạnh Hoạch cho quân xếp đao thương lại, phóng lửa đốt trại. Gió thổi mạnh khiến lửa cháy ngùn ngụt. Nhưng Mạnh Hoạch bỗng phát hiện trại quân trống trơn, chẳng có một tên lính nào. Chưa kịp ra lệnh rút lui, bốn bề quân Thục Hán đã xông tới như trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên. Mạnh Hoạch và quân lính không thể chống đỡ đành chịu bị bắt làm tù binh.

Trời sáng, Mạnh Hoạch bị giải tới trước mặt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nói:

– Lần này, ông lại bị ta bắt sống, trong lòng đã chịu phục chưa?

Đang là tù binh, nhưng Mạnh Hoạch vẫn cứng cỏi đáp:

– Lần này không phải vì các ông mạnh mà vì ta đã mắc mưu. Nếu đem đao thương cùng dàn trận, bị bắt, ta mới thật khâm phục.

Thực ra, lần này Mạnh Hoạch cũng nghĩ chắc sẽ chết. Nghe Mạnh Hoạch nói thế, Gia Cát Lượng cười lớn:

– Được rồi, cởi trói cho ông ta!

Sau đó, Gia Cát Lượng lại cho mang rượu thịt ra khoản đãi Mạnh Hoạch. Tiệc xong, bản thân ông ta cùng tù binh và toàn bộ khí giới đều được thả. Gia Cát Lượng còn cười nói trước khi chia tay:

– Thế nhé! Chúng ta sẽ còn gặp nhau một trận nữa.

Qua hai lần giao chiến đều bị Gia Cát Lượng cho nếm mùi thất bại, Mạnh Hoạch đã không dám chủ quan coi thường. Trở về, Mạnh Hoạch cho gia cố tường thành, đắp thêm ụ đất, lại rút lui về bên kia bờ sông Lô Thủy (nay là hạ du sông Thiên Nha Lung), muốn lấy dòng sông làm thế phòng ngự.

Chuẩn bị đầy đủ, Mạnh Hoạch  dương dương tự đắc, nghĩ có thể kê gối cao mà ngủ. Ông ta nói với những người xung quanh:

– Gia Cát Lượng mang quân từ phía bắc tới đây, thủy thổ không hợp, giờ đây lại tới mùa hạ viêm nhiệt, bệnh tật hoành hành, nhất định sẽ không thể ở đây lâu dài. Chúng ta lại có sông Lô Thủy là hào sâu, thành trì lại chắc chắn, Gia Cát Lượng có cánh cũng không thể bay tới được!

Nhưng Gia Cát Lượng đã sớm nghĩ tới kế đánh tập hậu. Chỉ giữ lại một số ít quân số bên bờ sông, lôi kéo quân Mạnh Hoạch tới sát bờ sông chuẩn bị giao chiến, còn ông cho quân tinh nhuệ bí mật qua sông ở phía thượng du, tạo thành vành đai bao vây quân Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch không có sự chuẩn bị từ phía sau, bỗng nhiên thấy quân Thục Hán ập tới như các thiên binh thiên tướng , chưa kịp chống đỡ, trong quân đã rối loạn, tất cả lại trở thành tù binh.

Lần này, Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu phục, nói:

–         Lần này tôi thất bại là do không đề phòng phía sau, Thừa tướng  cứ thả tôi một lần nữa đi. Tôi nhất định sẽ chiêu tập binh mã, quyết một lần nữa cùng ngài đọ tài cao thấp. Nếu bị bắt một lần nữa, tôi sẽ đầu hàng.

Gia Cát Lượng lại thả Mạnh Hoạch một lần nữa.

Cứ bắt rồi thả, thả rồi lại bắt, tất cả tới lần thứ bảy. Mạnh Hoạch cuối cùng mới tâm phục khẩu phục, vùng đất phía nam mới được ổn định.

Gia Cát Lượng “túc trí đa mưu” bảy lần bắt Mạnh Hoạch phản ánh tầm nhìn sâu sắc của một chính  trị gia. Ông đã lựa chọn được phương pháp đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề các dân tộc thiểu số ở vùng đất phương nam. Từ đó, dân tộc Hán cùng các dân tộc thiểu số chung sống ổn định, quan hệ giữa các dân tộc ngày càng gắn bó, đoàn kết.

 

Chú thích:

  1. Nam Trung: tức vùng đất Vân Nam, cùng hai tỉnh Quý Châu và Tứ Xuyên ngày nay.
  2. Vương Bình: (? – 248) người Ba Tây thời Tam Quốc (đông bắc huyện Cừ, Tứ Xuyên ngày nay), ban đầu theo Tào Tháo, sau hàng Lưu Bị.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here