Quan Vũ, tự Vân Trường, đại tướng Thục Hán thời Tam Quốc, võ nghệ siêu phàm, vạn người không địch nổi. Một viên đại tướng như vậy lại thua trận trước một viên tướng chẳng có tên tuổi gì, lại còn bị bắt sống. Kết cục này ngoài ý muốn của mọi người, đợi khi chúng ta hiểu rõ về Lã Mông sẽ rõ.

Lã Mông (178 – 219), tự Tử Minh, người Nhữ Nam Phú Bi (đông nam Phụ Nam, An Huy nay). Thuở nhỏ gia đình rất nghèo, không được hưởng thụ một chút giáo dục nào. Tính tình  cực kỳ ngu dốt, không thích đọc sách, chỉ thích múa thương đấu gậy, tranh hơn thua với mọi người. Về sau, tham gia quân đội, giỏi đánh những trận ác liệt, lập nhiều chiến công. Trong trận Xích Bích, ông là thủ hạ của lão tướng Trình Phổ (1),  xông trước quân lính, đại phá quân Tào. Tướng lính Đông Ngô đều biết có Lã Mông, nhưng ai ai cũng cho ông là thô kệch, rất nhiều người nhìn ông với con mắt coi thường, trong đó có cả Tán quân hiệu úy danh tướng Lỗ Túc.

Sau có một lần, Tôn Quyền đi ngang trại quân của Lã Mông, thuận đường vào thăm, thấy ông như trước không thích đọc sách, liền hết lòng khuyên bảo, nói:

–  Thân làm đại tướng, không đọc sách nhiều thì không làm được, ông thử xem xem, các tướng lĩnh lưu trong sử sách không ai là không biết một bồ chữ. Ông bây giờ đã  già, không còn trẻ nữa, ta sợ ông cứ như thế, sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ về sau!

 Lã Mông nghe những lời chân thành của Tôn Quyền, có lẽ ông cũng ý thức được cái dở của việc không đọc sách, cho nên từ đó gắng sức học tập, không hiểu thì hỏi, dần dần trở thành rất có tri thức.

Lỗ Túc thay Chu Du trấn giữ Lục Khẩu (tây nam Gia Ngư Hồ Bắc nay), trên đường  may mắn đi qua doanh trại của Lã Mông, vốn vẫn cho ông ta là người lỗ mãng không có mưu lược gì, nay gặp mặt chuyện trò, Lỗ Túc phải giật mình, Lã Mông giống như một con người khác, nói cười tự nhiên, chuyện gì cũng lý giải vô cùng cặn lẽ, rõ ràng. Khi lên đường, Lỗ Túc cảm thán nói:

– Ông vỗn chỉ là người biết xung phong hãm trận. Mới chỉ có mấy ngày không gặp, ta không thể nhận ra ông được nữa!

 Từ đó về sau, Lỗ Túc cho rằng , Lã Mông có thể quyết tâm sửa chữa lỗi lầm,  chăm chỉ đọc sách để trở thành một con người khác, có tài của đại tướng, từ đó rất coi trọng ông.

Năm 217, Lỗ Túc chết, Tôn Quyền xem xét tài năng, cho Lã Mông thay chức đó, chỉ huy quân ở Lục Khẩu. Sau khi khảo sát kỹ càng, Lã Mông cho rằng Quan Vũ ở Kinh Châu có dã tâm thôn tính Đông Ngô, nên dâng thư lên Tôn Quyền, nói:

– Bọn Lưu Bị, Quan Vũ đều là những người không có tín nghĩa, chỉ là bọn tiểu nhân tráo trở, khi có cơ hội nhất định sẽ phát binh đánh chúng ta, nếu chúng ta không sớm phòng bị, sẽ trở tay không kịp.

Đúng lúc đó, Quan Vũ đang bao vây quân Tào ở Phàn Thành (Tương Sài, Hồ Bắc nay), giết Bàng Đức, chiêu hàng Vu Cấm. Dọa cho Tào Tháo thậm chí  đã nghĩ đến việc bỏ căn cứ địa Hứa Xương. May mắn là Tư Mã Ý mưu cao kế hiểm, thấy hai bên Tôn Lưu có quỷ kế, khuyên Tào Tháo cho người , mời Tôn Quyền  cùng đánh Quan Vũ, như vậy, Quan Vũ trước sau đều có địch, vòng vây Phàn Thành tự nhiên được phá, Tào Tháo nghe theo ý kiến của ông ta.

Tôn Quyền trong bụng cũng thấy thế lực của Quan Vũ  tạo nên sự uy hiếp với Đông Ngô, bản thân lại không dám đối địch với Quan Vũ, sau khi sứ giả của Tào Tháo đến liền nhận lời, quân hai bên bèn hợp lại. Tôn Quyền lập tức hạ lệnh cho Lã Mông chuẩn bị kế hoạch đánh Kinh Châu.

Lã Mông tuy đã quá rõ dã tâm của Quan Vũ, nhưng còn chưa có cách gì đối phó với ông ta. Hơn nữa, Quan Vũ lại đã sớm đề phòng, tuy mang quân đội chủ lực đến Phàn Thành, nhưng ở Giang Lăng, nơi tiếp giáp giữa Thục và Ngô đều bố trí quân đóng giữ. Quân Ngô có động thái gì, Quan Vũ tất sẽ điều binh ứng cứu, với dũng khí của ông ta, một khi chính diện giao chiến, quân Ngô không thể nào chống đỡ.

Lã Mông suy nghĩ trước sau, cũng chưa có cách gì, Tôn Quyền lại thúc giục, thật là khó xử, ông ta chỉ còn cách cáo bệnh, xin Tôn Quyền quay về nghỉ ngơi. Việc này  một đại tướng khác của nước Ngô là Lục Tốn đã đoán ra. Lục Tốn ngầm kiến nghị với Tôn Quyền:

– Sau khi Tử Minh giả bệnh, chúng ta cần phải tương kế tựu kế, giương cờ giong trống tiễn ông ta về nghỉ hưu. Quan Vũ vốn chủ quan cho rằng, tướng Đông Ngô chỉ có một người là Tử Minh, Tử Minh đã về rồi, ông ta sẽ nhất định mất cảnh giác, dốc toàn lực để đánh Phàn Thành, lúc đó, việc giữ Giang Lăng và Công An sẽ lơ là, chúng ta sẽ bất ngờ đưa Tử Minh tới, lấy Kinh Châu, đánh Quan Vũ không phí một chút sức lực.

 Tôn Quyền đồng ý cho Lã Mông giả bệnh, cử một tướng chưa có tiếng tăm gì là Lục Tốn đi trấn giữ Lục Khẩu. Việc đầu tiên Lục Tốn làm sau khi nhậm chức là cho người đến gặp Quan Vũ, tiến dâng lễ hậu, còn viết cho Quan Vũ một phong thư tình ý rất thắm thiết, trong thư nói mình tài sơ học ít, khó có thể thay Lã Mông, mong hai bên giữ hòa hảo, lấy hai chữ bình an.

Quan Vũ lúc đó đang phấn khởi, không phân biệt được thật giả, xem xong thư cười lớn, trong lòng cho rằng tên tiểu tử Lục Tốn thật là giảo hoạt, sợ ta mang binh đánh hắn. Sau khi đã giương giương tự ý như thế, Quan Vũ quả nhiên như Lục Tốn dự đoán, điều chỉnh việc bố trí quân đội, đem lực lượng vốn để phòng bị Đông Ngô điều đến Phàn Thành.

Đông Ngô lúc này lập tức có phản ứng, Tôn Quyền phong cho Lã Mông làm đại đô đốc (3) lệnh cho ông lập tức trở về tiền tuyến làm nhiệm vụ.

Lã Mông đến Tầm Dương (tây nam Hoàng Mai, Hồ Bắc nay). chọn lấy 3 vạn tinh binh, đem hơn 80 chiến thuyền  giả làm thuyền của thương nhân, đưa phần lớn người ngựa vào khoang thuyền, chỉ còn một số ít làm việc chèo thuyền, tất cả đều mặc áo trắng, giả làm lái buôn. Sau khi đã hoàn tất việc giả thuyền buôn, quân của Lã Mông đã rõ ràng là một đội thuyền buôn, dễ dàng tới nơi bờ bắc do quân Thục đóng giữ. Đây chính là điển “Áo trắng qua sông”.

Quân sĩ phòng thủ của quân Thục cùng với các tướng lĩnh của Quan Vũ đều chủ quan khinh địch, xem đó là thuyền buôn, chỉ có việc hỏi han cũng lười nhác, để cho họ đỗ lại bên bờ sông. Nửa đêm, phục binh quân Ngô  xuất hiện, dễ dàng khống chế trận địa bờ bắc sông, tiến vào thành Giang Lăng. Tướng giữ thành Giang Lăng là Ma Phương vội liên hệ với Quan Vũ, Lã Mông nhằm trúng bệnh cho thuốc, không phí nhiều công sức khuyên  hàng.

Lúc đó, Quan Vũ còn  đang trong  giấc mộng, cùng với Tào Nhân  ở Phàn Thành đọ tài cao thấp. Sau khi biết sự thật, không còn cách nào, hối thì đã muộn. Hai quân Ngụy Ngô cùng đánh tới, Quan Vũ vội chạy về Mạch Thành (Đương Dương Hồ Bắc nay), khi đang tìm đường phá vây thì bị bắt, một danh tướng phút chốc trở thành ba ba trong chum, cá nằm trên thớt.

Lã Mông với kế áo trắng qua sông lấy được Kinh Châu, khiến cho Thục Hán mất đi một căn cứ địa trọng yếu, từ đó bị cầm chân ở Tam Hiệp, làm hỏng kế hoạch của  Gia Cát Lượng vốn định kế hoạch tiến quân từ hai đường Kinh Châu và Hán Trung.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here