Công bố những dự định đổi mới việc thi cử trong năm học tới,  Bộ Giáo dục coi những thay đổi đó là khâu đột phá cho những đối mới khác trong tương lai.

Ba phương án thi cũng đã được đưa ra và thời gian qua đã có không ít ý kiến đồng tình hay phản bác. Trước hết, có thể coi đây là một cố gắng đáng trân trọng của những người có trách nhiệm, thể hiện thái độ không thờ ơ với những tồn tại trong thi cử hiện nay, không bàng quan với công luận. Trong rất nhiều cái bề bộn của giáo dục, Bộ đã chọn cái nút thắt đáng quan tâm nhất. Tôi gọi đây là “cái nút thắt”  vì ở ta, thi cử sẽ quyết định việc giảng dạy và học tập, người dạy và người học luôn luôn chú ý tới những động thái trong thi cử để điều chỉnh công việc của mình.

 1.Con người nói chung luôn không thích những sự thay đổi dù nhỏ, cho nên những người làm cách mạng hình như ban đầu bao giờ cũng vấp phải những phản ứng có khi khá quyết liệt. Nếu hoàn toàn công tâm, lại có suy xét kỹ càng, mong những người có trách nhiệm cần quyết đoán đưa những dự định đó vào cuộc sống. Ngồi bàn suông, khó có thể phân định đúng sai. Ở ta, ban đầu, khi các nhà quản lý giao thông có sáng kiến đóng các ngã ba, ngã tư để giảm ùn tắc đã gặp biết bao ý kiến phản đối. Người bảo thế giới chẳng nước nào làm thế, người bảo không có luật nào quy định, …Họ đã phải chùn bước để giao thông trở về với tình trạng cũ. Rồi thực  tế đã cho thấy, giao thông ở Hà Nội đã giảm ùn tắc khá nhiều khi các biện pháp này được thực hiện trở lại. Không ai có thể khẳng định sự thắng lợi chắc chắn của những thay đổi, nhưng không thể vì thế mà cứ đắn đo cân nhắc mãi.Trong quá trình thực hiện, sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Công luận cũng rất cần quan tâm, nhưng cũng không nên quá câu nệ vào công luận, vì trong những ý kiến được tự do phát biểu không ít người chưa có sự am hiểu cần thiết hoặc đưa ra ý kiến dựa trên quyền lợi của cá nhân mình.

 2. Tôi tin sự thay đổi trong thi cử sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cách dạy và cách học. Điều này đã được chứng minh suốt trong nhiều thập kỷ. Trước những năm 70 của thế kỷ 20, thầy và trò ít quan tâm đến cách thức ra đề thi. Ai có việc của người ấy. Thầy và trò chỉ chuyên tâm vào việc dạy và học. Dạy và học cho hết chương trình, nắm cho chắc kiến thức trong sách giáo khoa và luôn tin rằng, khi đã nắm chắc kiến thức, ôn luyện chu đáo thì dù hỏi thi cách nào cũng không thể “trượt”. Từ cuối những năm 70, kinh tế khủng hoảng, giáo dục cũng sa sút, nhưng Bộ Giáo dục vẫn luôn luôn muốn thể hiện “dù trong hoàn cảnh nào thầy và trò cũng vẫn dạy tốt, học tốt” nên không thể chỉ đạo kỳ thi như trước. Sau khi công bố môn thi thường vào cuối tháng 3 hàng năm, Bộ đã phát hành các Hướng dẫn ôn tập bán tới tay từng học sinh. Trong các cuốn sách này, mỗi bài được tóm tắt, thu gọn một số ý cơ bản đến mức tối thiểu. Kèm theo là các đề thi mẫu và đáp án. Có những năm, đề thi môn Văn đã chọn một trong những đề mẫu này nên nó ngày càng có sức hấp dẫn. Những cuốn sách Hướng dẫn này quả là “nhất cử mà lưỡng tiện”. Tiện thứ nhất là học trò nay chẳng cần học gì nhiều, học mang tiếng suốt một năm nhưng rút cuộc chỉ quẩn quanh một ít kiến thức trong sách Hướng dẫn và mấy cái đề thi mẫu; tiện thứ hai là số lượng sách phát hành có thể nói là vô địch vì mọi học sinh đều phải mua. Biết đây là khoản thu không nhỏ để cải thiện đời sống cho các cấp quản lý giáo dục nên các trường bằng mọi cách ép học sinh phải trực tiếp tiêu thụ, không được photo hay mượn nhau sử dụng. Thế là hậu quả khôn lường. Lối học thib theo Hướng dẫn càng nch phổ biến. Thêm vào đó, Bộ lại xuất bản các Hướng dẫn giải đề thi vào đại học các môn, thi đại học chỉ chọn những đề đã có trong Bộ đề thi ấy. Từ đó, càng ngày việc dạy và học trong nhà trường càng đơn giản, vì mục đích chỉ cần đỗ. Muốn đỗ chỉ cần theo sách Hướng dẫn. Rồi đến lúc phong trào “toàn dân đi thi” diễn ra rộng khắp, muốn đỗ nhiều chỉ cần nộp tiền chống trượt thế là chẳng còn mấy ai chú ý tới việc học. Cho nên, Bộ đã tạo nên kiểu dạy và học như hiện nay chính là do cách ra đề thi, Bộ cũng có thể điều chỉnh cách dạy và cách học nếu có sự điều chỉnh khi ra đề.

3. Không am hiểu các môn học khác, tôi xin lấy môn Văn làm thí dụ. Muốn làm được bài Tập làm văn (dù thi tốt nghiệp hay thi đại học đều có bài thi này), học trò bên cạnh những hiểu biết về văn học và các vấn đề của đời sống còn cần những kỹ năng viết một bài nghị luận nói chung, và sự thành thạo những thao tác nghị luận cần thiết nói riêng. Kiến thức văn học hay đời sống đều phải tích lũy dần, các thao tác cơ bản hay kỹ năng làm bài cũng phải được rèn luyện trong không chỉ một vài năm (thường phải qua hai cấp học THCS và PTTH). Kiến thức có thể dồn lại, rồi bằng cách “học ngày học đêm” để bù đắp, nhưng tư duy và kỹ năng thì không thể trong ngày một ngày hai mà thành thạo. Nó đòi hỏi phải thường xuyên và bền bỉ. Từ ngày Bộ cho ra đời sách Hướng dẫn các kiểu, sách tham khảo đủ loại cộng với việc coi thi và chấm thi vô cùng hình thức thì việc học kiến thức và rèn luyện các thao tác cũng như kỹ năng trở nên thừa. Thế là càng ngày lối dạy đọc chép, làm bài theo những bài mẫu có sẵn càng phổ biến ngay từ cấp THCS. Thi nói là chương trình lớp 12 (nghe có vẻ đòi hỏi khá cao), nhưng loanh quanh cũng chỉ Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, … và vài tác phẩm khác mà các bài văn mẫu về chúng khó có thể đếm xuể. Thầy chẳng còn cần cố gắng gì mà học trò vẫn đỗ toàn gần “trăm phần trăm”. Cho nên, khi thấy Bộ tuyên bố đổi mới cách ra đề (thực ra là trở về với những đòi hỏi truyền thống) nhiều thầy cô giáo và học sinh đều tỏ ra lo lắng hoang mang là điều không khó hiểu. Bốn mươi năm nay dạy dỗ,  học hành như thế, các thầy cô hiện nay phần lớn là sản phẩm của cách dạy, cách học ấy, thậm chí, tôi tin không ít thầy cô khó có thể viết được một bài văn cho ra hồn, làm sao không lo ngại? Cho nên, Bộ bằng những cách khác nhau, hãy cho các thầy các cô và học sinh biết cái nếp cũ ấy không thể tồn tại nếu muốn có một nền giáo dục tử tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo mọi người. Mặt khác, cũng đề nghị Bộ có sự thay đổi dần. Năm nay có thể chỉ thực hiện phương án 1, sau vài năm sẽ chuyển sang phương án 2, rồi phương án 3. Thay đổi dần chứ không phải vì ngại sự hoang mang lo lắng, ngại phản ứng mà không dám thay đổi. Cũng có thể  bằng cách nâng số điểm của phần thay đổi này dần nhiều lên qua từng năm.

  4.Nhưng dù thi kiểu gì, ra đề thế nào  cũng không quan trọng bằng việc tổ chức coi và chấm thi. Nếu không có sự thay đổi cơ bản về cách tổ chức, điều hành thì tôi tin rằng, cuối cùng, Bộ sẽ trở lại cái điệp khúc tổng kết “kỳ thi đã đảm bảo an toàn và nghiêm túc, đúng quy chế” như biết bao kỳ thi trước đây. Xin có ba góp ý:

Một là, theo cách đã thực hiện trong các kỳ thi tốt nghiệp trước năm 1975 ở miền Bắc. Mỗi Hội đồng coi thi và chấm thi đều có Chủ tịch và một nửa giám thị, giám khảo là người tỉnh ngoài. Như vậy, người điều hành, có quyền quyết định sẽ không bị chính quyền địa phương chi phối, một phòng thi có một giám thị là giáo viên tỉnh ngoài, một bài thi được chấm bởi hai người cũng có một giám khảo tỉnh ngoài. Như vậy có thể hạn chế được những gian lận do người làm nhiệm vụ thi bị tác động bởi nhiều mối quan hệ phức tạp ở địa phương. Số giám thị, giám khảo của tỉnh ấy còn có thể hoán đổi giáo viên ở các địa phương khác. Như thế, tính khách quan sẽ tương đối được đảm bảo. Thời chiến tranh phá hoại, phương tiện giao thông vô cùng khó khăn, giáo viên của Hà Nội có thể đi làm nhiệm vụ coi, chấm thi ở Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, … sao nay không thể làm được điều này? So với việc di chuyển của mấy trăm nghìn thí sinh, việc đi lại của vài chục nghìn người đi làm nhiệm vụ coi, chấm thi nào có thấm tháp gì?

Hai là, các phòng thi đều gắn các camera theo dõi và những dữ liệu thu được nộp kèm theo với mỗi tập bài thi của phòng thi ấy. Khi cần (có nghi vấn về sự gian lận chẳng hạn), những dữ liệu ấy sẽ được xem xét. Nghe một nhà báo nói, đã có nơi sẵn sàng nhận làm việc này với cam kết sẽ “chịu phạt” 10 tỷ đồng nếu có hành vi gian trá không bị camera ghi nhận. Thanh tra của Bộ Giáo dục không cần tới các Hội đồng thi, các phòng thi để “cưỡi ngựa xem hoa” (vì chưa bao giờ thấy các vị phát hiện ra một vụ tiêu cực nào, mặc dù chi phí đi lại, đón rước rất tốn kém). Các vị chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh xem lại các dữ liệu đã ghi được. Xem được bao nhiêu là tùy ở cái “hảo tâm” của quý vị với tính nghiêm túc của kỳ thi.

Ba là: Tất cả các sai phạm khi được phát hiện đều được xử lý nghiêm minh. Đề thi vốn được coi là bí mật quốc gia, kỳ thi được coi là Kỳ thi quốc gia, nên những sai phạm đều phải được xử lý với tầm cỡ đó. Nếu chỉ có khiển trách, khiển trách nghiêm khắc, cùng lắm là cảnh cáo… thì chẳng bao giờ có được sự nghiêm túc. Trước đây, ít ai dám làm bậy vì thường kỷ luật là đuổi việc bên cạnh danh dự khó gột rửa theo suốt cả đời người. Nay chí ít, theo tôi cũng phải bị xử theo luật hình sự với tội danh “thiếu trách nhiệm gâu hậu quả nghiêm trọng”. Một khi bị xử lý nghiêm, như  mất việc làm hay tù tội chắc chẳng mấy ai dám “liều mạng” vì những quan hệ thân thuộc hay chút ít tiền “chè nước”.

 Việc gì cũng thế, hoạch định ra phương hướng, cách thức là vô cùng cần thiết, nhưng thực thi, vận hành vào cuộc sống mới quyết định sự thành bại. Chủ trương dù hay đến mấy nhưng khi thực hiện lại “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì rồi “mèo lại hoàn mèo”.

 Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta gần 70 năm nay đã có biết bao lần như vậy?

 

5 BÌNH LUẬN

  1. Cháu thấy bây giờ chương trình nặng quá chứ không như thế hệ 7x chúng cháu ngày trước. Cháu đi thi ĐH cũng có đi luyện thi gì đâu. Chị,em cháu chỉ học ôn ở lớp học hè tại nơi bố cháu công tác. Lớp ấy do công đoàn tổ chức cho con em CBCNVC. Thày,cô giáo là giáo viên dạy bổ túc cho công nhân. Thế mà cũng đỗ. Bây giờ,trường chuyên,lớp chọn,học sinh chỉ giỏi một môn,các môn khác lơ mơ,nếu không nói là dốt.

  2. Nhiều người có tài năng và tâm huyết với đất nước như bác, đã góp ý và kiến nghị với nhà nước trong vấn đề giáo dục.Nhưng các quan trên có thèm nghe đâu. Nước mình nó thế bác ạ. Đành phải tự an ủi vậy thôi.

  3. Với trình độ nhận thức và sự hiểu biết của tôi. Tôi rất thích và tâm đắc những bài viết về giáo dục của Ông giáo làng.

  4. Cái gì mới cũng có cái hay , cái dở , chẳng lẽ sợ mà không làm . Bây giờ chuyện học hành và thi cử chỉ là để cho các cháu tôi thôi , nhưng tôi thấy bỏ chấm điểm ở cấp 1 và gộp 2 kỳ thi có nhiều cái hay . Hãy hoan hô anh Luận và các bậc đàn anh cha chú nên chia sẻ và góp ý chân thành . Tôi thấy quí ông bt này

  5. Khi thi Đại Hoc 5hí sinh phải chọ trương hợp với nguyện vọng va
    khả năng,ví du em nào sợ máu ,sơ tiếp xúc vời người bệnh không nên chọn nghảnh Y khoa .Thi tuyển nên lấy tứ điểm cao nhất đến điệm thâp nhất cho đủ sồ đĩnh tuyển (ví dụ lấy 300 thêm 10 % dự khuyết>Nghành Y không được lấy thí sinh có diểm ưu tiên.
    Kinh nghiêm em bênh nhân bị cưa chân do trình độ bác Sĩ kém
    o83 ĐácLak là hậu quả.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here