Tào Tháo diệt Viên Thiệu, phá Kinh Châu, mang 80 vạn quân theo Trường Giang tiến về phía đông. Đại quân dừng lại ở Hán Giang, có ý đồ muốn thống nhất thiên hạ. Tào Tháo lúc đó ở Giang Thượng như nâng chén sắp cạn, hoàn toàn vừa ý, không muốn nhìn thấy Lưu Bị và Tôn Quyền.
Tướng sĩ quân Tào đều là người phương bắc, không quen thủy thổ. Khi tập luyện trên sông, quân sĩ bị sóng gió tròng trành làm cho tha hồ nôn mửa. Bàng Thống là mưu sĩ Giang Đông đến gặp Tào Tháo, hiến kế:
– Nếu dùng dây thép buộc chặt thuyền lớn thuyền nhỏ vào với nhau, cứ 30 hoặc 50 thuyền làm một, ở trên, trải ván gỗ, thứ nhất tướng sĩ có thể đi trên thuyền như trên đất bằng, chiến mã cũng có thể đi lại, thứ hai là liên hoàn lại, thể tích của chiến thuyền rất lớn, có thể giảm được cái khổ vì tròng trành, sóng gió trên sông không còn đáng sợ nữa.
Tào Tháo tiếp thu ý kiến của Bàng Thống, Bàng Thống nói phải về Giang Đông khuyên Chu Du của Đông Ngô đầu hàng, liền trở về Giang Đông ngay.
Một ngày của năm 208, trời cao lồng lộng, không một gợn gió, Tào Tháo đi ven sông thị sát các trại trên bờ, sau đó, ngồi trên thuyền lớn, trên thuyền trung ương treo một lá cờ có chữ “soái”, đi điểm duyệt thủy quân. Hai bên, các chiến thuyền liên hoàn khí thế bừng bừng, tinh kỳ phấp phới, đao thương rợp đất, trên thuyền còn chuẩn bị sẵn hàng nghìn cung tên. Tào Tháo nghênh ngang vừa ý, vui lộ ra mặt, dặn dò chuẩn bị tiệc rượu trên soái thuyền để tối đến mời các tướng lĩnh toàn quân.
Trăng sáng treo trên bầu trời, ánh trăng rơi trên mặt sông, Trường Giang trông như một dải lụa bạch. Trên thuyền lớn, hàng trăm tướng lĩnh ngồi theo thứ bậc. Tào Tháo nhìn kiêu hãnh, nói với các tướng lĩnh:
– Ta năm nay 54 tuổi. Từ khi khởi binh đến nay, vì nước diệt hung trừ bạo, chí để ở cả bốn biển, bình định thiên hạ. Nêu nay cả vạn quân tiến vào Giang Đông, có sự nỗ lực của các ông, sao có thể không thành công? Một khi đã thu phục được Giang Đông, thiên hạ thái bình, ta sẽ cùng với mọi người hưởng phú quý.
Nói xong, rót rượu cạn chén.
Ngày hôm sau, Tào Tháo hạ lệnh toàn quân thủy lục thẳng tiến về Giang Đông. Ngày hôm đó, gió tây bắc thổi mạnh, chiến thuyền liên hoàn chỉ cần căng buồm, đè sóng lướt gió, như đi trên đất bằng. Quân Tào múa thương khua đao, tinh thần phấn chấn, thẳng tới Đông Ngô. Đại quân dừng ở Xích Bích, chuẩn bị quyết cùng với Đông Ngô tử chiến.
Đại đô đốc Chu Du của Đông Ngô sớm đã có một kế hoạch tỉ mỉ. Đó là nhờ Bàng Thống bầy kế liên hoàn, khiến cho các chiến thuyền của Tào Tháo khóa chặt vào với nhau, để tiến hành hỏa công. Chu Du còn sử dụng khổ nhục kế, đánh cho lão tướng Hoàng Cái người chủ trương hàng Tào đến toạc da rách thịt, bảo Hoàng Cái viết cho Tào Tháo một bức mật thư, nói chuẩn bị trong ngoài ứng hợp, đầu hàng Tào Tháo. Mọi việc chuẩn bị đã chín muồi, đợi ở Xích Bích cùng Tào Tháo một phen thắng bại.
Hai bên sắp giao chiến, Chu Du đang trên núi quan sát mọi động tĩnh của quân Tào. Bỗng nhiên, gió tây bắc thổi mạnh, sóng trào lên bờ, một lá quân kỳ quệt vào mặt Chu Du, Chu Du xúc động trong lòng, bỗng kêu to một tiếng, rồi ngã xuống đất.
Chủ soái trước khi lâm trận bị bệnh ngã, tướng sĩ Đông Ngô lo lắng, quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng đang ở trong trại bày mưu kế giúp Đông Ngô, mỉm cười, nói:
– Bệnh của đô đốc tôi có thể trị được.
Ông đến bên giường bệnh của Chu Du, thăm hỏi:
– Mấy ngày không gặp, không biết quý thể của đô đốc bất an.
Chu Du nói:
– Họa phúc của người chỉ trong sớm tối, ai có thể lường trước được?
Gia Cát Lượng nói:
– Tôi xem chừng nguyên nhân là mây gió của trời đấy!
Câu nói trúng tâm bệnh của Chu Du, Chu Du hỏi:
– Có cách gì hay không?
Gia Cát Lượng nói:
– Bệnh phiền muộn của đô đốc, trước hết là do khí.
Nói xong, lấy giấy bút, đuổi mọi người ra ngoài, viết 16 chữ: “Dục phá Tào công, Thực dụng hỏa công, Vạn sự cụ bị, Chỉ khiếm đông phong.”
Chu Du thấy Gia Cát Lượng nhìn thấu được tâm sự của mình, kêu lên một tiếng, vội thỉnh giáo kế hay. Gia Cát Lượng thông hiểu thiên văn, hiểu biết thiên tượng, đã tính toán đến ngày gió chuyển hướng. Ông cố làm ra vẻ huyền bí:
– Tôi có thể hô phong hoán vũ, có thể mượn gió đông nam của lão trời ba ngày ba đêm, giúp Đông Ngô dùng binh.
Chu Du cả mừng:
– Cần gì đến ba ngày ba đêm, chỉ cần có gió lớn một đêm, việc lớn của tôi sẽ thành.
Bệnh lập tức khỏi, đứng dậy khỏi giường, truyền lệnh xây dựng đàn tế thất tinh ở phía nam Tịnh Sơn, cho quân sĩ tốt nhất, giúp Gia Cát Lượng trên đàn mượn gió. Gia Cát Lượng hàng ngày lên đàn cầu khấn, chỉ là để chờ ngày gió đông nam thổi.
Trong trại, Chu Du sắp xếp cho Hoàng Cái chuẩn bị 20 chiếc hỏa thuyền, chất đầy lau sậy, củi khô, phủ lên trên những chất dẫn lửa như lưu hoàng, hỏa tiêu, lại cho ngụy trang bên ngoài hỏa thuyền. Sau đó, chuẩn bị các cánh quân chuẩn bị tác chiến. Tướng sĩ Đông Ngô phấn chấn, chuẩn bị chém giết. Màn đêm dần buống xuống, bầu trời trong sáng, không một gợn gió. Chủ soái Chu Du đứng ngồi không yên, nghi ngờ hay là Gia Cát Lượng lừa mình.
Đến gần canh ba, bỗng nghe tiếng gió thổi, cờ phướn ngoài trại hướng tây bắc bay nhẹ. Một lát sau, gió đông nam thổi mạnh. Chu Du sung sướng nhìn ra ngoài, vừa bố trí chiến đấu, vừa ngẫm nghĩ: Gia Cát Lượng tính việc như thần, chỉ sớm tối sẽ là cái họa cho Đông Ngô, nếu không sớm trừ hắn đi sẽ có ngày phải lo về hắn. Vì thế, cử tướng sĩ đến Thất tinh đàn giết Gia Cát Lượng. Ai ngờ Thất tinh đàn không một bóng người, Gia Cát Lượng sớm biết Chu Du có thể hại mình, đã sắp xếp để Triệu Vân đến đón, nay đã ở trên thuyền trở về đại doanh của Lưu Bị ở Hạ Khẩu.
Gió chuyển hướng, có mưu sĩ nói Tào Tháo phải đề phòng, nhưng Tào Tháo mặc kệ. Đúng lúc đó, lão tướng Hoàng Cái của Đông Ngô cho người đưa mật thư tới, nói canh hai đêm ấy sẽ giết đại tướng Đông Ngô, mang theo thuyền lương đến đầu hàng. Tào Tháo cả mừng, đích thân đến thủy trại, chuẩn bị đón tiếp. Lúc đó, gió đông nam ngày càng mạnh, sóng gió hung dữ. Trăng sáng chiếu trên nước sông như hàng vạn con rắn bạc trườn trên sóng. Nhìn xa xa, , một chiếc thuyền buồm chạy nhanh tới, theo mật thư thì đó chính là Thanh long nha kỳ. Trên thuyền thứ ba có một lá cờ lớn, viết bốn chữ “Tiên phong Hoàng Cái” . Tào Tháo đắc ý cười lớn:
– Hoàng Cái đến hàng, trời giúp ta rồi!
Chiến thuyền của Đông Ngô còn cách căn cứ thủy quân của Tào Tháo khoảng 2, 3 dặm. Hoàng Cái khoát tay, các thuyền nhất tề đốt lửa. Lửa gặp gió mạnh, gió thổi, lửa cháy, thuyền như tên bắn, trong khoảnh khắc, lửa cháy ngút trời. 20 chiến thuyền xông vào thủy trại, các chiến thuyền liên hoàn gặp nạn, đua nhau bốc lửa, không cách nào thoát ra. Ngay lập tức, trên sông một trận pháo nổ, hỏa thuyền của quân Đông Ngô từ bốn phía xông tới, trên cửa Tam Giang của Xích Bích, lửa cháy ngùn ngụt, đỏ rực bầu trời, đại quân Đông Ngô hô hét vang trời, tên bắn như mưa.
Tào Tháo quay đầu nhìn doanh trại trên bờ, đã mấy nơi bốc cháy, rõ ràng là bị tập kích. Tháo luống cuống chân tay, vội nhảy lên một chiếc thuyền nhỏ, có đại tướng Trương Liêu hộ vệ, chạy thẳng vào bờ. Không phải dễ mà lên được bờ, các cánh quân của Chu Du từ đã từ ba phía xông tới. Lương thảo trên bờ cũng bị cháy, tất cả như một biển lửa. Tào Tháo vội thu góp được hơn một nghìn người ngựa, tả xung hữu đột, tìm cách thoát khỏi vòng vây.
Tào Tháo mang theo tàn quân bỏ chạy về hướng Di Lăng. Khi bình minh đến, gió đông thổi nhẹ, mây đen rợp đất. Bỗng có một trận mưa lớn đổ xuống, quân Tào bị ướt hết cả áo giáp, như đàn gà bị nhúng nước. Trên đường, không ngờ lại gặp quân tập kích của Triệu Vân, Trương Phi, thương vong đến quá nửa. Không làm gì được, Tào Tháo đành đi theo đường núi, hy vọng không bị quân truy kích của Lưu Bị. Ai ngờ Gia Cát Lượng đã sớm bố trí để Quan Vũ đến cửa Hoa Dung đón sẵn. Cái chết ở phía trước, Tào Tháo rơi nước mắt, hy vọng Quan Vũ nhớ tới tình nghĩa trước đây, tha cho đi. Quan Vũ trọng nghĩa như núi, để cho Tào Tháo đi qua Hoa Dung. Khi đó, bên cạnh Tào Tháo chỉ còn 27 tên lính.
Trận Xích Bích, dường như toàn bộ quân của Tào Tháo không còn, tinh thần sa sút, sau đó chỉ có thể chuyển hướng về phía bắc. Đông Ngô củng cố được Giang Đông, Lưu Bị của Thục Hán cũng có đất để phát triển, Trận Xích Bích cuối cùng xác định cục diện Tam Quốc.
Chú thích:
(1) Bàng Thống: tự Sĩ Nguyên, người Tương Dương cuối Đông Hán (Tương Phàn, Hồ Bắc nay), nhà mưu lược nổi tiếng, đại người ta gọi là Phượng Sồ, danh tiếng ngang với Gia Cát Lượng, sau về với Lưu Bị. Năm 214, chết trận trong vòng vây ở huyện Lạc, Ích Châu (bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên nay).
(2) Xích Bích: trước đến nay không thống nhất, một thuyết nói ở tây núi Xích Cơ, khu Giang Hạ, thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc nay; một thuyết nói ở núi Xích Bích tây bắc thành phố Xích Bích, Hồ Bắc nay.
(3) Tam Quốc đỉnh lập: Sau khi Đông Hán kết thúc, lịch sử Trung Quốc xuất hiện cục diện cát cứ của ba nước Ngụy (220 – 265), Thục (221 – 263), Ngô (221 – 280). Thời Tam Quốc, chiến tranh tạm hòa hoãn, đều chú trọng phát triển kinh tế. Sau đó, Thục bị Ngụy diệt, Ngụy bị Tây Tấn lật đổ, sau khi Tây Tấn diệt nước Ngô một lần nữa thống nhất Trung Quốc trong thời gian ngắn.