Đông Hán từ Hòa Đế trở đi, đều là các Hoàng đế còn nhỏ tuổi lên ngôi, vì thế, triều chính đều rơi vào tay ngoại thích hoặc hoạn quan. Lương Ích chính là một nhân vật hống hách nổi tiếng thời kỳ Đông Hán, ông ta đã tùy ý phế lập Hoàng đế, nắm chính quyền trong thời gian dài.
Em gái của Lương Ích là Hoàng hậu Thuận Đế (1) của Đông Hán, cha là Lương Thương là tướng quân của vương triều Đông Hán. Sau khi Lương Thương chết, Thuận Đế đã phong Lương Ích làm đại tướng quân. Lương Ích từ nhỏ đã phóng đãng, không có phép tắc, sau khi làm đại tướng quân càng thêm nghênh ngang hống hách, chỉ hơi không vừa ý, đã đem người ta đi giết.
Năm Hán An thứ 3 (năm 144), Thuận Đế chết, Lưu Bính mới 2 tuổi nối ngôi em của Lương Ích là Lương Nạp là Hoàng thái hậu vào triều, nhà họ Lương độc chiếm đại quyền triều chính. Hai năm sau, Lưu Bính cũng lại chết Lương Ích liền phò Lưu Toản mới 8 tuổi làm Hoàng đế, tức Hán Chất Đế. Chất Đế tuy còn rất nhỏ, nhưng vô cùng thông minh, vua biết Lương Ích nghênh ngang hống hách, một lần hội triều, trước mặt các đại thần, chỉ vào Lương Ích, nói:
– Đây là tướng quân hống hách.
Lương Ích nghe thấy, trong lòng rất tức giận, nghĩ: “Thằng tiểu tử này thật là lợi hại, sau này lớn lên sao có thể tử tế với ta!”, rồi cho thủ hạ dâng Chất Đế cái bánh có thuốc độc. Sau khi Chất Đế ăn cái bánh, cảm thấy bụng đau không thể chịu nổi, bèn cho người triệu Thái úy Lý Cố. Lý Cố vội chạy đến hỏi có việc gì. Chất Đế cố nén đau, nói: – – Mới ăn xong cái bánh hấp,bây giờ cảm thấy bụng đau, miệng khô, uống một chút nước cũng không được.
Lương Ích đứng bên cạnh, vội ngăn lại:
– Không được uống, uống vào sợ bị nôn.
Lương Ích nói chưa hết câu, Chất Đế đã ngã xuống đất, nấc lên mấy cái rồi chết.
Chất Đế chết rồi, bon Lý Cố nghi Lương Ích ngầm giở trò, nhưng không có cách nào điều tra, đành phải tìm cách cản trở thế lực của Lương Ích tiếp tục bành trướng. Lý Cố liên kết với một số người, cùng nhau dâng thư xin lập Thanh Hà vương Lưu Toán làm vua. Lưu Toán xử sự vì người, vô cùng nghiêm cẩn, không vì tình riêng. Lương Ích sợ sau khi ông ta làm Hoàng đế không có lợi cho mình đã cùng với Hoàng thái hậu bàn bạc lập Lãi Ngô hầu Lưu Chí là người có hôn ước với em gái mình là Lương Nữ Huỳnh làm Hoàng đế. Vì thế, hắn liền triệu tập các đại thần mặt đầy sát khí, nói:
– Lập Lãi Ngô hầu làm vua!
Rất đông các đại thần sợ thế lực của Lương Ích, muốn lấy lòng hắn, đã đồng thanh nói: – Theo sự sắp xếp của đại tướng quân!
Chỉ có Lưu Cố và Đỗ Kiều kiên trì lập Lưu Toán, nhưng chưa kịp nói, đã nghe Lương Ích cao giọng quát:
– Thoái triều.
Lý Cố không chịu đã viết thư khuyên Lương Ích, Lương Ích sớm đã biết Lý Cố không chịu, bây giờ lại thấy ông ta đối mặt với mình, bèn nổi giận, bảo Lương Thái hậu bãi miễn chức vụ của Lý Cố, sau đó lập Lưu Chí làm vua, tức Hán Hoàn Đế. Hán Hoàn Đế thấy Lương Ích có công lập mình, đã ban thưởng cho hắn ta rất lớn, chỉ dưới có một người, trên cả vạn người. Hoàn Đế cho phép Lương Ích lên triều có thể mang kiếm, không phải rảo bước, khi bái kiến Hoàng đế, Tán lễ lang (2) không được hô tên tuổi, đấy là nghi thức chỉ có Tiêu Hà thời Tây Hán được nhận; lại nữa, Lương Ích mỗi lần tham gia triều hội,một mình một bàn, không cùng ngồi với Tam công để tỏ sự tôn quý, mà chỉ 10 ngày mới vào triều một lần. Như vậy, Lương Ích vừa giàu vừa sang, các quan trong kinh thành không có một ai bằng hắn.
Lương Ích dựa vào bổng lộc của triều đình và tiền tài vơ vét được để có cuộc sống xa xỉ, dâm dật. Hắn ra sức xây dựng phủ đệ, nhà khách, phòng ngủ đều đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hạ, nhà nhà nối nhau, lầu lầu cân xứng. Tường cột đều chạm khắc hoa văn, sơn màu vàng, toàn bộ các cửa lớn nhỏ đều vẽ tranh đẹp đẽ, trên tranh vẽ những cảnh thần tiên bay lượn, Đình các ngoằn ngoèo nối tiếp, cầu nhỏ trên dòng nước . Trong phủ đệ chôn đầy những vàng bạc châu báu đồ vật quý lạ, đến hãn huyết mã (2)của Đại Uyển Tây Vực cũng có. Lương Ích lại phỏng theo hướng đông tây xây dựng một vườn rừng cực lớn với cảnh quan núi rừng, trong đó có rừng sâu, khe suối, thú quý, chim lạ. Lương Ích thường cùng với vợ du ngoạn trong rừng. Người đến gặp ông ta không gặp được phải hối lộ người giữ cửa, tiền người giữ cửa nhận không dưới vạn quan. Về sau, Lương Ích lại mở rộng viên lâm quy mô như vườn của Hoàng đế, dọc ngang mấy mươi dặm. Lương Ích còn cho người đến các nơi dán cáo thị, trưng tập thỏ sống, thả vào trong vườn. Người nào dám giết một con thỏ trong viên lâm, sẽ bị xử tử hình. Từng có một thương nhân họ Hồ người Tây Vực, không biết những quy định này, giết nhầm một con thỏ, bị bắt giam vào ngục. Do có người tố cáo mà có đến hơn chục người bị giết.
Lương Ích còn xây dựng một biệt thự khác ở phía tây kinh thành, chứa chấp rất nhiều dân lưu vong, tội phạm để họ làm việc cho mình. Đồng thời, còn đem mấy nghìn người vô tội bắt làm nô tì, gọi là “tự mãi nhân”. Lương Ích quyền lực vô tận, muốn làm gì thì làm, giết hại rất nhiều người, thậm chí đến Hoàng đế cũng không coi ra gì, quan chức phụng mệnh vua nếu không đến nhà hắn tạ ơn chỉ mấy ngày sau sẽ bị mất chức hoặc bị sát hại. Một số đại thần chính trực không nhẫn nhịn nổi, đã dâng thư lên Hoàn Đế, xin trừng phạt Lương Ích. Hoàn Đé cũng cảm thấy Lương Ích quá coi thường mọi người, đã ngầm quyết tâm, chuẩn bị trừ hắn. Năm Diên Hi thứ 9 (năm 158) xuất hiện nhật thực
Thái sử lệnh Trần Thụ cho rằng đây là Trời cảnh cáo vì chính trị hủ bại, bèn nhờ Tiểu hoàng môn Từ Hoàng tấu lên Hoàng đế:
– Trời báo tai họa, trách tội đại tướng quân.
Lương Ích rất mau chóng biết tin này, bèn đến Lạc Dương tìm người có tội, bắt Trần Thụ giam vào ngục, dọa sẽ đánh chết ông. Hoàn Đế nghe nói việc này, không nén được giận, nghĩ: “Lương Ích, ngươi quá ngang ngược, trong mắt ngươi còn có ta là Hoàng đế nữa hay không?”
Hoàng đế mà không có thực quyền, ông ta có thể dựa vào ai đây? Chỉ có thể trông chờ vào hoạn quan bên cạnh mình. Năm 159, Hoàn Đế tìm năm hoạn quan thân tín là Đan Chiêu, Cụ Ái, Đường Hoành, Tả Bá và Từ Hoàng, lại huy đông hơn một nghìn vệ binh trong cung, nhân lúc Lương Ích không đề phòng, bất ngờ bao vây phủ đại tướng quân. Lương Ích hoàn toàn không nghĩ đến việc Hoàn Đế có thể bất ngờ gây biến, nhất thời không biết làm thế nào. Sau một khắc, hắn bình tĩnh lại, biết là tính mệnh không giữ được, bèn cùng vợ con uống thuốc độc tự sát. Sau khi Lương Ích chết, dân chúng đều vui mừng, đánh chiêng gõ trống biểu thị niềm vui.
Chú thích:
(1) Hán Thuận Đế: làm vua từ năm 125 đến năm 144, con của Hán An Đế, được bọn hoạn quan Tôn Trình lập, triều chính trong tay hoạn quan, ngoại thích.
(2) Tán lễ lang: là một loại lang quan, coi việc tế lễ
(3) Hãn huyết mã: tức Thiên mã, một loại ngựa hay sinh ở Đại Uyển, Tây Vực thời Tần Hán. Vì ở cổ đổ mồ hôi như máu nên thành tên. Khoa học hiện đại đã nghiên cứu chứng minh đây là hiện tượng đặc biệt do huyết quản có một loại ký sinh trùng phá hoại