Sau khi Hán Quang Vũ Đế chết, con là Lưu Trang nối ngôi là Hán Minh Đế. Hán Minh Đế không phải là người tin theo Nho gia mà tin theo Phật giáo(1), dùng ý nghĩa của Phật giáo để bảo vệ cho sự thống trị của mình. Năm Vĩnh Bình thứ 8 (năm 65), Minh Đế Lưu Trang còn cho người đến Ấn Độ  tìm kinh cầu Phật.

Phạt giáo truyền  vào Trung Quốc khoảng trước sau công nguyên, một số vương công quý tộc đầu tiên đã tin theo Phật giáo. Họ ăn chạy niệm Phật, hy vọng sau này có thể đến chốn Tây phương cực lạc làm thần tiên. Con trai Hán Vũ Đế Lưu Tú là Lưu Trang được phong làm Sở vương chính là một tín đồ của Phật giáo. Mẹ  Lưu Anh là Hứa mỹ nhân không được Quang Vũ Đế yêu quý, nên địa vị của Lưu Anh tương đối thấp, tuy  được phong làm Sở vương, nhưng đất phong vừa ít, vừa cằn cỗi. Lưu Anh hy vọng tương lai của mình có thể tốt hơn nên đã tin theo Phật giáo, hơn nữa, còn thường đem những chuyện về Phật giáo mà mình biết giảng giải, còn giảng cả cho người anh em khác mẹ là Minh Đế Lưu Trang nghe, khuyên Minh Đế tin theo Phật giáo.

Một buổi tối năm Vĩnh Bình thứ 8, Minh Đế Lưu Trang thấy mộng, trong mộng gặp một người vàng vừa to vừa cao, xung quanh cổ và đầu của người vàng, có một vòng sáng lấp lánh, trông rất oai vệ cao quý. Minh Đế tỉnh dậy, không hiểu người vàng gặp trong mộng  là có ý chỉ điều gì, những điều thấy trong mộng của mình là lành hay dữ? Ngày hôm sau thượng triều, Minh Đế đem những điều thấy trong mộng nói cho văn võ đại thần nghe, nhờ họ giúp đoán mộng(2) Sau khi Minh Đế kể hết giấc mộng, văn võ đại thần nghe rồi, ông nhìn tôi, tôi ngó ông, trầm tư đến nửa ngày, không ai nói được cuối cùng đó là việc gì, cuối cùng chỉ có Sở vương Lưu Anh phân tích. Lưu Anh nói với minh Đế:

–  Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ đã mộng thấy Phật. Thần có nghe các đại sư Phật giáo ở nước Thiên Trúc Tây Vực nói, Phật cao một trượng sáu thước, cả người đều mang màu vàng, trên cổ có vòng sáng của nhật nguyệt. Đây chẳng phải là hoàn toàn như bệ hạ đã thấy trong mộng sao? Phật cho bệ hạ thấy mộng, đây là dự báo điềm lành, mong bệ hạ mau trai giới mộc dục, rồi cho người đến nước Thiên Trúc tìm kinh cầu Phật.

 Hán Minh Đế nghe nói điều mình mộng thấy là Phật, mộng thấy Phật lại là điềm lành, vô cùng vui vẻ, vội trai giới mộc dục, trịnh trọng cử Lang trung Thái Âm và bác sĩ đệ tử Tần Cảnh, mang theo tơ lụa màu trắng và màu vàng loại tốt nhất, đến nước Thiên Trúc tìm kinh cầu Phật.

Nước Thiên Trúc chính là nước Thân Độc Trương Khiên đã nói tới, cũng chính là Ấn Độ ngày nay. Theo truyền thuyết, thương nhân Ấn Độ đã sớm tới đầu Tây Hán chính là nói quan hệ  với thương nhân Ba Thục của Trung Quốc, khi Trương Khiên tới Tây Vực đã từng thấy vải và gậy trúc ở đất Thục, đó là do người Tây Vực vận chuyển tới từ nước Thân Độc. Trương Khiên lúc đó đã muốn tới nước Thân Độc, nhưng chưa có điều kiện thực hiện.

 Thời Đông Hán, do phát triển sản xuất, giao thông giữa các nơi với Tây Vực đã thuận lợi hơn nhiều. Thái Âm, Tần Cảnh và tùy tùng của họ, qua con đường dài gian khổ, cuối cùng cũng đã tới được nước Thiên Trúc, đến nơi có các đại sư Phật giáo, giới thiệu với họ hoàn cảnh của triều Hán, truyền đạt nguyện vọng chân thành của Hán Minh Đế muốn tìm kinh cầu Phật. Các đại sư Phật giáo cho rằng Hán Minh Đế không quản đường xa vạn dặm cử người đến tìm kinh cầu Phật, rõ là tình cảm chân thành, đã quyết định cử hai vị đại sư Trúc Pháp Lan và Ca Diệp Ma Đằng  cùng rất nhiều kinh Phật viết trên lá bối đa la tùng (3) đi cùng Thái Âm, Tần Cảnh trở về Trung Quốc.

Trúc Pháp Lan và Ca Diệp Ma Đằng đến Trung Quốc, gặp Hán Minh Đế, giảng giải ý nghĩa Phật giáo cho Hán Minh Đế. Hán Minh Đế cho rằng ý nghĩa Phật giáo rất phù hợp với nhu cầu tăng cường chuyên chế thống trị phong kiến đã mời hai vị và một số tín đồ Phật giáo, dịch kinh bối diệp họ mang tới ra tiếng Hán. Trúc Pháp Lan và Ca Diệp Ma Đằng ban đầu ở tại chùa Hồng Lư là nơi tiếp khách của chính phủ Hán triều. Họ mong chính phủ Hán triều xây dựng một chùa Phật dựa vào  các tự viện của Phật giáo Ấn Độ, ở đó, họ đã vẽ thiết kế chùa Phật giao cho Hán Minh Đế. Hán Minh Đế cho lấy một số tiền lớn từ quốc khố, cùng với việc điều tới những thợ thủ công có tiếng, xây dựng ngôi chùa Phật đầu tiên của Trung Quốc ở Lạc Dương. Vì Trúc Pháp Lan và  Ca Diệp Ma Đằng dùng ngựa trắng mang kinh Bối diệp đến Trung Quốc, nên ngôi chùa này được mang tên Bạch Mã tự (4). Sau khi Hán Minh Đế cho người đi Tây Trúc tìm kinh cầu Phật, Phật giáo bắt đầu được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc. Vì Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, có một số điều không phù hợp với tư tưởng truyền thống và phong tục tập quán của Trung Quốc, các cao tăng Trung Quốc đã sửa đổi một số phần của Phật giáo, cho thích hợp với  tư tưởng của Nho gia, Đạo gia, trở thành Phật giáo Trung Quốc.

Phật giáo truyền đến Lục triều, đạt đến cực thịnh, sau khi Bắc Ngụy dời đô đến Lạc Dương, các vương công đại thần dùng mồ hôi nước mắt bóc lột của nhân dân, chỉ trong khoảng mười năm, biến Lạc Dương thành nơi có đến  hơn một nghìn chùa Phật.

 

Chú thích:

(1) Phật giáo: Tương truyền ra đời vào khoảng thế kỷ 6 – thế kỷ 5 trước Công nguyên, do Thíc Ca Mâu Ni con của Tịnh Phạn Vương nước  Gia Tỳ La Vệ bắc nước Thiên Trúc (Nê pan nay) sáng lập, ý nghĩa cơ bản có “tứ giới”, “thập nhị nhân duyên”, …

 (2)Người xưa có nhiều tín ngưỡng, khi gặp mộng sẽ nhờ người  phân tích giấc mộng của mình, xem nó muốn nói gì.

(3) Bối da la tùng là một loại cây sinh trưởng ở Thiên Trúc, lá có bản rộng, tín đồ Phật giáo dùng nó để chép kinh Phật.

(4)Bạch Mã tự:  ở nơi cách thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam nay 10 km, cách kinh thành Lạc Dương thời Hán Ngụy 3 dặm, sau nhiều lần trùng tu, chùa nay ở chỗ cũ  

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here