Cuối đời Tây Hán, trị vì đều là các Hoàng đế còn nhỏ tuổi, chính quyền quốc gia đều trong tay ngoại thích (1) khống chế.

Sau khi  Hán Ai Đế mất, Vương Mãng dựa vào người cô của mình là Thái Hoàng hậu Vương Chính Quân được thăng Đại Tư mã (2). Lên chức, việc đầu tiên Vương Mãng làm là lập Hán Bình Đế mới 9 tuổi làm Hoàng đế, giúp ông ta nắm đại quyền quốc gia. Thấy thiên hạ của triều Hán không ổn định, Vương Mãng quyết tâm kiến lập chính quyền mới, tự mình làm vua để  danh chính ngôn thuận thực hiện những cải cách hòng chặn đứng những nguy cơ đang ngày càng nghiêm trọng.

Việc đầu tiên Vương Mãng làm là đề cao địa vị, tiếng tăm của mình để thu hút sự chú ý của thiên hạ. Ông ta cho người tâm phúc, “mua” một người ngoại di, giả làm sứ giả của một tiểu quốc ở phương xa tới triều cống. Người ta đua nhau ca ngợi công lao của Vương Mãng trong chuyện này, nói rằng vì sự an định của triều Hán, Vương Mãng đã lập công lớn, phải được phong làm”An Hán công”. Để tỏ ra khiêm nhường, Vương Mãng sau ba lần từ chối mới nhận tước hiệu, nhưng nhất định không nhận đất phong. Qua việc này, Vương Mãng được tiếng tốt, rất nhiều người đã dâng thư xưng tụng.

Khi Bình Đế 12 tuổi, có người kiến nghị Hoàng đế nên lập Hoàng hậu. Vương Mãng khéo sắp xếp cùng các đại thần đưa con gái gả cho Bình Đế.

Hoàng đế kết hôn là một sự kiện lớn, triều đình có số lượng sính lễ rất lớn cho Vương Mãng, ông ta khôn khéo trả lại phần lớn, chỉ nhận có một phần năm số sính lễ đó, rồi đem số đã nhận chia cho người nghèo. Mọi người, ai cũng thấy Vương Mãng có nhân cách cao thượng.

Dần đã trưởng thành, Bình Đế rất không hài lòng với thái độ của Vương Mãng, đồng thời cũng tỏ ra không muốn làm bù nhìn. Vương Mãng cũng đã nhận thấy điều đó và rắp tâm phế ông vua khó bảo này.

Trong một lần hội yến, Vương Mãng nhân lúc dâng rượu đã bỏ thuốc độc vào rượu rồi dâng lên Bình Đế. Uống rượu đó vào, bụng Bình Đế lập tức đau như có lửa đốt. Vua lớn tiếng kêu:

– Vương Mãng muốn giết ta!

Vương Mãng lập tức kêu lớn, cố ý đánh lạc hướng cố để cho người khác không nghe được tiếng kêu của vua. Không lâu sau, ông vua đáng thương đã trút hơi thở cuối cùng.

Tuy Bình Đế đã chết nhưng Vương Mãng thấy thời cơ lên làm vua chưa chin muồi. Ông ta suy trước tính sau, chọn Lưu Anh mới 2 tuổi lên làm Hoàng đế.

Đứa trẻ 2 tuổi tất nhiên không thể nắm việc triều chính. Vì thế, văn võ đại thần và dân chúng lại đua nhau xin Vương Mãng thay Hoàng đế. Lúc đó, ở huyện Võ Công, Thiểm Tây phát hiện một phù thụy (3), một tảng đá trắng vớt từ dưới giếng, trên đó có mấy chữ màu đỏ: “Cáo an Hán công Mãng vi Hoàng đế” (Báo Hán công Mãng làm vua). Tất nhiên, hòn đá trắng này rất nhanh chóng được đưa về Trường An.

Vương Thái hoàng hậu không tin hòn đá này là phù thụy, bà biết và tin rằng đã có người khắc những dòng chữ ấy. Nhưng lúc bấy giờ, ý nguyện của dân chúng rất mạnh.

Thái bảo Vương Thuấn khuyên Vương Thái hoàng hậu:

– Việc đã như thế này, không muốn cũng không được. May mà dã tâm của Vương Mãng cũng chưa quá lớn. Hắn mới chỉ muốn làm Đại lý Hoàng đế để tăng thêm quyền thế của mình.

Vương Thái hoàng hậu không biết làm thế nào, đành phải hạ chiếu cho Vương Mãng làm Đại lý Hoàng đế. Trong buổi lễ tế Trời Đất, tông miếu, Vương Mãng tự xưng “Giả Hoàng đế”. “Giả” là ý chỉ đại lý. Thần dân gọi ông ta là “Nhiếp Hoàng đế”. “Nhiếp” là cũng ý chỉ “Đại lý”.

Không lâu sau, điều kiện đã chin muồi, Vương Mãng lợi dụng quyền lực chính trị và ý dân, cưỡng bức vua nhường ngôi cho mình. Nhưng bên ngoài, ông ta lại tỏ ra khiêm nhường. Vua nhỏ mấy lần ca tụng công đức của ông, muốn nhường ngôi, nhưng ông ta vẫn từ chối. Cuối cùng, không thể từ chối mãi, Vương Mãnh đành chấp nhận “thiền nhượng” của vua nhỏ, lên ngôi làm Hoàng đế thực, đổi tên nước là Tân.

Vương Mãng tiếp nhận ngôi của Hoàng đế về hình thức giống như thiền nhượng của Nghiêu Thuấn, nhưng sự thực Hoàng đế chỉ là một đứa trẻ 4, 5 tuổi, làm sao hiểu được “nhượng hiền”. Đây rõ là Vương Mãng đã cướp ngôi. Nhưng không chịu mang tiếng là “cướp ngôi” ông ta phải tự diễn vở kịch “thiền nhượng”.

Năm 8 sau Công nguyên, Vương Mãng chính thức lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là “Tân”, dời kinh đô đến Trường An. Vương triều Tây Hán bắt đầu từ Hán Cao Tổ xưng đế, thống trị hơn hai trăm năm, tới đây là kết thúc.

Làm Hoàng đế, Vương Mãng đưa ra chiêu bài cải chế phục cổ, hạ lệnh biến pháp. Thứ nhất, đem đất đai toàn quốc đổi thành “Vương điền” (4), không được mua bán; thứ hai, nô tì gọi là “Tư thuộc”, cũng không được mua bán; thứ ba bình định vật giá, cải cách tiền tệ.

Những cải cách của Vương Mãng chỉ là trên chữ nghĩa, do không hiểu đúng cái cũ, lại giáo điều, cuối cùng tất cả đều không phù hợp, người ta không những không tán thưởng mà ông còn tự chuốc lấy sự thù hận.

Thí dụ: Vương Mãng quy định toàn bộ đất đai là của nhà nước, không được tự ý mua bán, dụng ý là muốn ngăn ngừa người có tiền bao chiếm ruộng đất. Nhưng rất nhiều người có ruộng đất, có việc cần tiền gấp muốn bán một số ruộng đất để chi tiêu không biết làm thế nào. Lại có người có tiền, muốn mua đất đai làm gia sản, lại không mua được, tất nhiên cũng sẽ oán hận.

Vương Mãng quy định không được mua bán nô tì. Đây là biểu hiện tôn trọng quyền làm người, nhưng ông ta chưa thiết lập cơ cấu cứu tế hữu hiệu, cũng chưa huấn luyện nghề nghiệp cho nhân dân, kết quả là người nghèo, không có con đường nào lựa chọn. Con đường duy nhất trước đây là bán mình làm nô tỳ nay đã bị ngăn cấm. Người nông dân giờ đây chỉ còn biết nguyền rủa Vương Mãng đã làm họ hết đường sống.

Đến cải cách tiền tệ của Vương Mãng cũng là một thất bại lớn. Rõ ràng, tiền tệ càng đơn giản càng tốt. Nhưng tiền tệ mới của Vương Mãng có 5 loại, mỗi loại còn có mấy loại nhỏ hơn. Khi đổi các loại tiền, người ta phải có bảng đối chiếu để tránh nhầm lẫn. Loại tiền này hoàn toàn không dễ sử dụng, làm sao mọi người không oán thán.

Những cải cách không hợp thời này nhanh chóng bị các cuộc khởi nghĩa nông dân đưa đến thất bại. Vương triều mới của Vương Mãng cũng sụp đổ, bản thân Vương Mãng rơi vào kết cục chết không toàn thây.

 

Chú thích:

  1. Ngoại thích: tức họ ngoại, chỉ gia tộc Hoàng thái hậu hoặc Hoàng hậu. Do được gần gũi Hoàng đế, lại ở địa vị cao, dễ lộng quyền. Đời Hán, ngoại thích thường là phụ nữ, nắm triều chính.
  2. Đại tư mã: Năm thứ 4 đời Hán Vũ Đế (119 trước CN) lập chức quan này, ban đầu giống như quan có nhiều công lao, về sau thường dành cho ngoại thích hiển quý rồi trở thành quan lãnh việc nước trong triều.
  3. Phù thụy: chỉ vật có đặc trưng khác thường. Người xưa thường mê tín, cho rằng nó báo trước những thay đổi trong cuộc sống.
  4. Vương điền: là mượn chế độ Tỉnh điền. Thời cổ thực hành chế độ đất đai của nhà nước. Theo Mạnh Tử đã xuất hiện tiêu chuẩn giao cho một vợ một chồng  nhận trăm mẫu để đè phòng chiếm nhiều ruộng đất.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here