Triều Hán thực hành chế độ quận huyện, nhưng đồng thời lại có 22 nước chư hầu. Những chư hầu này đều là con cháu của Hán Cao Tổ, cũng chính là các “đồng tính vương”.

Đến thời Hán Cảnh Đế, thế lực của chư hầu rất lớn, đất đai mênh mông, như nước Tề có 70 toà thành, nước Sở có hơn 40 tòa thành (1). Có một số chư hầu không chấp hành các quy định của triều đình, đặc biệt là Ngô vương Lưu Tỵ, càng ngang ngược. Đất phong của ông ta sát biển, lại có mỏ đồng, bản thân nấu muối, khai thác đồng, giàu có chẳng kém gì Hoàng đế Hán. Nhưng bản thân ông ta không đến Trường An triều kiến. Hoàng đế, nước Ngô dường như trở thành một vương quốc độc lập.

Nghị sử đại phu Triều Thố thấy thế lực của các nước chư hầu rất lớn, không có lợi cho việc củng cố trung ương tập quyền, nói với Hán Cảnh Đế:

– Ngô vương chưa bao giờ tới triều kiến, cần phải sớm luận tội ông ta. Tiên Đế (chỉ Văn Đế) khi còn sống, với ông ta rất rộng lượng, nhưng ngược lại, ông ta ngày càng ngông cuồng. Ông ta còn tự khai mỏ đồng, đúc tiền, đun nước biển làm muối, chiêu binh mãi mã, chuẩn bị phản loạn. Cần phải cắt bớt đất phong của ông ta.

Hán Cảnh Đế còn do dự, nói:

– Được thôi, chỉ sợ cắt đất sẽ khiến hắn tạo phản.

Triều Thố nói:

– Chư hầu có ý tạo phản, cắt đất cũng phản, không cắt đất rồi tương lai cũng phản. Bây giờ tạo phản, tai họa còn nhỏ, sau này thế lực ông ta hùng hậu, lại tạo phản thì tai họa càng lớn.

Hán Cảnh Đế thấy lời của Triều Thố rất có lý, quyết tâm cắt giảm đất phong của chư hầu. Chư hầu lớn không chỉ hoang dâm vô độ, còn ngang ngược coi thường luật pháp, phải hạn chế tội ác của họ là lý do để cắt giảm đất phong. Không lâu sau, có một quận bị cắt, có mấy huyện bị cắt. Cha của Triều Thố nghe tin này từ quê hương Dĩnh Xuyên (huyện Vũ, Hà Nam ngày nay) tới, nói với Triều Thố:

– Con đang là Ngự sử đại phu, địa vị đã đủ cao rồi, sao không an phận giữ mình, giữ lấy việc nhàn? Con nghĩ xem, chư hầu vương đều là cốt nhục chí thân của Hoàng thất, con làm sao quản nổi? Con đem tước đoạt đất phong của họ, họ làm sao không oán hận con, con làm như thế mục đích để làm gì?

Triều Thố nói:

– Không làm như vậy, Hoàng thượng không thể thực thi quyền lực, quốc gia nhất định sẽ loạn.

Cha ông thở dài, nói:

– Con làm như thế, thiên hạ của họ Lưu yên ổn, họ Triều chúng ta lại càng nguy hiểm. Ta già rồi, không muốn thấy đại họa giáng xuống.

Triều Thố lại khuyên cha một hồi. Nhưng người già không nghe theo ý của Triều Thố, trở về Dĩnh Xuyên, uống thuốc độc tự sát.

Triều Thố bàn việc với Hán Cảnh Đế cắt đất phong của Ngô vương Tỵ, Ngô vương Tỵ chống lại. Ông ta giương khẩu hiệu đòi: “Trảm Triều Thố, thanh quân trắc” (giết Triều Thố, làm sạch thế lực bên cạnh vua), kích động các chư hầu khác cùng dấy binh, phản loạn.

Năm 154 trước CN, Ngô, Sở, Triệu, Giao Tây, Giáo Đông, Tứ Xuyên, Tế Nam, 7 chư hầu vương phát động phản loạn. Lịch sử gọi là “Thất quốc chi loạn”. Quân nổi dậy thanh thế rất lớn, Hán Cảnh Đế có vẻ sợ hãi. Nhà vua nhớ lời dặn của Hán Văn Đế lúc lâm chung, cử Chu Á Phù (2) làm Thái úy, mang 36 danh tướng đi dẹp quân phản loạn. Những người ghen ghét Triều Thố trong triều nói, việc 7 nước dấy binh hoàn toàn do Triều Thố gây nên. Họ khuyên Hán Cảnh Đế:

– Chỉ cần đáp ứng yêu cầu của 7 nước, giết Triều Thố, miễn tội khởi binh của các chư hầu, khôi phục đất phong cho họ như trước, họ sẽ thu quân.

Hán Cảnh Đế nghe xong, nói:

– Nếu họ thật rút quân, ta hà tất việc bỏ một người là Triều Thố.

Tiếp đó lại có một đại thần dâng tấu chương đàn hặc Triều Thố, nói ông “đại nghịc bất đạo, phải chém.(3)”. Hán Cảnh Đế vì để bảo vệ ngôi vua của mình, quên cả lương tâm, phê chuẩn tấu chương này.

Một hôm. Trung uý (4) đến nhà Triều Thố, truyền đạt lệnh của Hoàng  đế triệu ông về triều nghị sự. Triều Thố hoàn toàn chưa hiểu việc gì, lập tức mặc triều phục, cùng Trung úy lên xe đi. Xe ngựa qua phía đông Trường An, Trung úy bỗng cầm chiếu thư, bắt Triều Thố xuống xe nghe chiếu. Trung úy tuyên bố mệnh lệnh của Hán Cảnh Đế, đàng sau, một toán võ sĩ đã ập tới, trói Triều Thố lại. Triều Thố, người có ý muốn ủng hộ nhà Hán, không hiểu sao bị chém ngang lưng như thế. Hán Cảnh Đế giết Triều Thố, rồi cho người hạ chiếu thư cho 7 nước lui quân. Lúc này, Ngô vương Tỵ đã đánh thắng được mấy trận, chiếm được không ít đất. Nghe nói phải vái nhận chiếu  thư của Hán Cảnh Đế, ông ta cười nhạt, nói:

– Bây giờ ta cũng là Hoàng đế, tại sao phải vái?

Trong trại quân Hán có một viên quan là Đặng Công, về Trường An báo cáo tình hình quân sự với Hán Cảnh Đế. Hán Cảnh Đế hỏi ông ta:

– Nhà ngươi từ quân doanh về, đã biết Triều Thố chết chưa? Ngô, Sở có ý muốn rút quân không?

Đặng Công nói:

– Ngô vương để tạo phản đã chuẩn bị mấy mươi năm. Đây là mượn việc cắt đất mà phát binh, đâu có phải vì Triều Thố. Bệ hạ giết Triều Thố, sợ sau này không ai dám có ý kiến với triều đình nữa.

Hán Cảnh Đế giờ mới biết việc làm sai của mình, nhưng hối hận không kịp nữa. May mà Chu Á Phi rất có khả năng dụng binh. Trước hết, ông không tác chiến  chính diện với hai đạo quân của Ngô, Sở mà cho một tốp khinh kỵ binh đánh vào phía sau của chúng, cắt đường tiếp lương của loạn quân. Quân hai nước không có lương thực, tự loạn trước. Lúc đó, Chu Á Phù mới phát động tinh binh xuất kích, đánh bại binh mã của hai nước này. Hai nước cầm đầu phản loạn đã thua, năm nước kia cũng nhanh chóng tan vỡ. Chỉ trong thời gian không đầy ba tháng, quân Hán đã dẹp yên cuộc phản loạn của 7 nước.

Hán Cảnh Đế dẹp loạn xong, tuy đời sau của 7 nước được tiếp tục ngôi vương như cũ, nhưng sau lần này, các chư hầu vương chỉ có thể trưng thu tô thuế trong phần đất của mình, không dám can dự đến hành chính của địa phương, quyền lực bị suy yếu nhiều, chính quyền trung ương của triều Hán được củng cố.

 

Chú thích:

 

  1. Nước Tề là một vùng của Sơn Đông ngày nay, nước Ngô là một vùng của Chiết Giang ngày nay, nước Sở là một vùng của Hà Nam, Hồ Bắc ngày nay. 3 nước này đất đai trù phú, nước Ngô và Sở sau trở thành chủ lực trong “thất quốc chi loạn”.
  2. Chu Á Phù: người Tây Hán Bái (thuộc Giang Tô ngày nay), con thứ của Chu Bột. Năm 158 trước CN, giữ chức tướng quân quân Tế Liễu (tây nam Thành Dương, Thiểm Tây ngày nay), trị quân nghiêm cẩn, thăng Trung úy. Thời Cảng Đế làm quân kỵ Tướng quân, Thái úy, mất năm 143 trước CN.
  3. Yêu trảm: cũng gọi yếu trảm, (chém. ngang lưng) một loại tử hình. Người chết bị giết bất ngờ, rất tàn khốc.
  4. Trung úy: chức quan võ đàu Tây Hán, chủ yếu phụ trách việc trị an ở Kinh sư. Là một trong cửu khanh, hưởng hai nghìn thạch, sau đổi thành Chấp kim ngô.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here