Cuốn sách đầu tiên của Tô Hoài tôi được đọc là cuốn Vừ A Dính, hình như do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành ở Việt Bắc. Năm ấy, mới ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, gia đình tôi về ở thị xã Phú Thọ trước khi về Hà Nội.
Phú Thọ, nơi đã cưu mang gia đình tôi trong những ngày đầu kháng chiến, những cái tên Thanh Ba, Chí Chủ, Vũ Yển, Đào Giã, .. . không bao giờ quên trong tôi cho tới tận bây giờ. Cạnh vườn hoa Năm cánh (phía sau là nhà thờ Trù Mật) có một hiệu sách nhân dân. Gọi là “hiệu sách”, nhưng cũng chỉ là một căn nhà lợp lá cọ, vách nứa, các giá, kệ bày sách cũng toàn bằng tre nứa cả. Không có tiền mua sách, nhưng khi nào tới, tôi đều được “chị” bán sách (khi ấy chưa có lối gọi “cô”, “chú” như từ sau này, khi có người miền Nam tập kết) cho đọc. Hơn nửa thế kỷ đã qua, vẫn còn nhớ có 3 cuốn sách cho thiếu nhi, ngoài cuốn của Tô Hoài, còn có Tìm mẹ của Nguyễn Huy Tưởng và một cuốn dịch của Triều Tiên: Phác Kim Tố. Cuốn nào cũng in trên giấy thủ công, màu xam xám và trang giấy không được nhẵn. Cuốn truyện Triều Tiên kể về chị em Phác Kim Tố mồ côi cha mẹ, nhưng vẫn tích cực tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ trong chiến tranh 1950 – 1953. Vừ A Dính kể chuyện một chú bé hình như người H’mông tham gia du kích, bị Pháp bắt. Dù bị tra tấn dã man, nhưng chú bé không khai báo, cuối cùng bị Pháp giết. Khi ấy, mới 10 tuổi, đọc truyện, tôi khâm phục lắm. Sau, từ khi biết truyện Lê Văn Tám, rồi Tô Vĩnh Diện, … đều bịa đặt hoặc “có ít xuýt ra nhiều”, thậm chí đến chuyện cắm cờ trên chiến hạm ở Hắc Hải cũng là tưởng tượng, tôi chẳng còn tin vào những chuyện kiểu “người thật việc thật” nữa. Quả là XHCN (xạo hết chỗ nói).
Năm 1955 về Hà Nội, trở lại biệt thự Song An ở làng Láng đã bị tàn phá từ khi tiêu thổ kháng chiến. Trên Cầu Giấy, chỗ bến tàu điện, có nhà chú Thân thợ may. Chú “hâm mộ” những thanh niên trạc tuổi chú mới từ ngoài vùng tự do về nên hay lui tới gia đình tôi, cùng hai người là cô và chú tôi tham gia những sinh hoạt của thanh niên trong làng như múa hát tập thể, giúp đỡ người nghèo, kẻ khẩu hiệu ở những nơi công cộng, gọi loa phát thanh tin tức hàng ngày… Là thợ may, nhưng chú Thân biết chơi đàn ghi-ta và hay đọc sách. Chú mang cho mượn nhiều sách của nhiều tác giả khác nhau, nhưng không hiểu sao, đến sau này, tôi chỉ còn nhớ những cuốn truyện của Tô Hoài: O chuột, Nhà nghèo, Xóm giếng ngày xưa, …toàn những truyện in ở Hà Nội trước năm 1954 (Mãi mấy năm sau mới được đọc Dế mèn…hình như do nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản khi mới thành lập) nói về cuộc sống của con người ở một làng ngoại ô như làng Láng nhưng làm nghề dệt cửi và làm giấy.
Tới giờ, tôi vẫn nhớ một chuyện (không nhớ ở tác phẩm nào): có hai cô cậu “phải lòng nhau”. Anh con trai làm ruộng, còn cô gái chuyên ở nhà dệt cửi. Cái nhà ngang đặt khung dệt nhà cô gái sát đường ngõ lát gạch, nhưng để kín đáo, tránh bị nhòm ngó, nhà nào cũng làm cửa sổ lấy ánh sáng và thoáng khí trên cao quá đầu người đứng bên ngoài. Để hẹn nhau đi chơi, cả hai phải chờ tới tối muộn (vì cô gái sau khi cơm nước dọn dẹp xong xuôi còn phải dệt cửi). Nhưng khó gặp, làm sao hẹn, làm sao rủ được trong cái thời buổi quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” còn nặng nề? Khi ấy, con gái học chữ còn bị dè bỉu “để viết thư cho giai”, nhìn thấy con trai con gái đi cùng nhau (chỉ đi cùng thôi mà phải cách nhau cả sải tay) là tiếng đồn, lời bàn tán sang cả tới mấy làng bên cạnh. Chắc là “cái khó ló cái khôn”, họ nghĩ ra một cách: khi nào muốn rủ nhau đi chơi, anh con trai hái một bông ngọc lan, ném qua cửa sổ vào cái buồng đặt khung cửi của cô gái rồi cứ ra chỗ hẹn.
Lát sau, cô gái bắt đầu thấy trong cái gian buồng chật hẹp hương ngọc lan thoang thoảng như một nỗi nhớ mơ hồ, rồi hương hoa ngày càng đậm minh chứng cho sự đợi chờ khắc khoải ngoài kia. Cô gái thêm mấy đường dệt cuối cùng, rồi nghỉ. Lúc này các bậc sinh thành chắc cũng đã ngon giấc. Cuộc gặp gỡ thơ mộng từ cách hẹn hò. Câu chuyện này khiến tôi không dám coi thường những người nông dân có vẻ ngoài lam lũ từ thuở ấy.
Sau này, đọc những trang viết của ông, tôi hiểu biết thêm được nhiều điều. Từ những chuyện cơm đầu ghế, lính kèn tập luyện của Hà Nội xưa cũ cho tới cảnh và người ở Sùng Đô, ở Mường Phìn trên Tây Bắc xa xôi; từ những chuyện mấy anh rủ nhau đi làm cách mạng thời tiền khởi nghĩa rét quá phải chui vào trong đống rơm rồi ngủ quên cả nhiệm vụ tới những chuyện gian khổ có khi cười ra nước mắt thời ở chiến khu Việt Bắc trong những ngày kháng chiến; rồi cái uất nghẹn của Nguyên Hồng khi dời Hà Nội về Nhã Nam, cái tâm sự phải giấu kín của Nguyễn Tuân; chuyện ông làm tổ trưởng dân phố và những bí mật trong những món hàng do những chiếc ô tô La-đa, Von-ga sang trọng của cán bộ cao cấp chuyên chở thường ngày; rồi những chuyện của “anh đội” “chị đội”, những cố nông được “bắt rễ xâu chuỗi” thời cải cách ruộng đất đầy hãi hùng.…Những chuyện từ thời tôi chưa sinh ra và biết bao mặt trái của cuộc sống ít được bộc lộ một thời tôi đã được biết qua những trang viết của ông: Cát bụi chân ai, Chiều chiều hay Ba người khác,…
Thỉnh thoảng có người ngỏ lời nhận xét tôi có đôi chút hiểu biết. Có được chăng một phần cũng nhờ những trang viết của con người đã gắn cái hồn của quê hương vào bút danh theo suốt đời mình.
Nhiều người nói Tô Hoài khôn, có người nói ông “láu” (mà hình như ông cũng biết tất cả những điều này). Phải chăng, “gặp thời thế thế thời phải thế”? Biết bao người khác cũng không tránh được cái khôn, cái ranh để tồn tại để có thể giữ cái nghiệp văn chương mà mình đã theo đuổi từ khi còn trẻ trung. Trong những trang viết cuối đời, nhiều người đã ăn năn đã ân hận về những điều không nên làm nếu còn được sống một lần nữa. Những dòng chữ tuy có muộn màng nhưng cũng đủ để người đời cảm thông với họ.
Tôi vẫn luôn kính trọng ông, biết ơn ông về những gì ông đã cho tôi biết được về quá khứ hoặc những điều tôi không có dịp trải qua.
Cầu chúc Cụ không cần “khôn” hay “láu”, được sống thật là mình ở thế giới bên kia.
Cách nhìn và cách hiểu nhà văn Tô Hoài của ông Giao đúng lắm. Sáng nay mình cũng có kế hoach cùng Nguyễn Văn Long đến viếng cụ Tô. Nhưng lúc sắp đi thì mình lên cơn HA, trời lại mưa to quá, nên đành chịu. Tiếc quá, hôm CN trước, VC mình đến viếng cụ, nhưng đến nơi thì lễ viếng cụ bị hoãn. Không biết NVL có đi theo đoàn của khoa Văn ĐHSP được không ? Thôi đành cầu mong cụ ra đi thanh thản như khi cụ còn sống .
Tôi biết ÔngTô Hoài qua “Dế Mèn “và” Chuyện 3 nguời”
Tôi rất thông cảm vớ Ông Tô Hoài “Biét Sợ va Sông Hèn
đê giữ mạng sống để còn viết được “Chuyên 3 người”
Trong nhiều bài viết về nhà văn Tô Hoài, tôi thích bài viết của anh.
Dịp này được đọc lại những nhận định, bình phẩm, phê phán về cuốn Ba người khác. Ít nhiều thấy phẩm chất, cách nhìn, sự thẳng thắn hay khôn khéo trong diễn ý, của vài “cây bút”…Thấy đời cũng vui vui !
Em cũng hay ngâm nga văn của Tô Hoài: “Ai làm chi nổi/ Có dại mới nên khôn/ Khi vui nước nước non non/ Khi buồn năm canh hồn ngơ ngác”.
Em kính trọng ngay cả những khi bác Tô Hoài tự nhận mình hèn, mình nhát. Các nhà văn ngay cả khi có khuyết tật này nọ vẫn đáng kính trọng ở chỗ lao động cật lực, cặm cụi viết ra cả núi giấy nhằm chia sẻ suy tư của mình với bàn dân thiên hạ.
Các nhà thơ cũng tài, nhưng nếu dùng tài của mình để tâng công với chủ, nịnh chủ, để tiến thân… thì em chịu tài mà không chịu đức.
Trong “CHIỀU CHIỀU” Chương 1. Bác Tô Hoài có viết vê ông bố tôi, nhà viết kịch NGUYỄN KHẮC DỰC, chuyện có đúng có sai nhưng tôi vẫn rất cảm ơn ông. Quý ông ở tấm lòng.