TRIỀU TẦN
(221 trước CN – 206 trước CN)
Sự thống trị của triều Tần tuy ngắn ngủi, nhưng đó là triều đại vô cùng quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Các chế độ xã hội phong kiến Trung Quốc ở triều Tần đã sơ bộ hình thành, đó là: Hoàng đế có quyền lực tối cao và không có giới hạn; thực hành thống trị chuyên chế trung ương tập quyền; thiết lập tầng lớp quan liêu phong kiến tam công cửu khanh giúp Hoàng đế cai trị đất nước; thực hành chế độ quận huyện ở địa phương; quan lại đứng đầu quận huyện do Hoàng đế trực tiếp bổ và mãn nhiệm.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, văn tự, tiền tệ, đo lường và xe cộ có quan hệ chặt chẽ với cuộc sống sản xuất của nhân dân cũng đều được quy định thống nhất. Phía bắc xây dựng Vạn lý trường thành để phòng Hung Nô, phía nam đào kênh mở rộng Lĩnh Nam để an định vùng Trung Nguyên đảm bảo đời sống và sản xuất của nhân dân Trung Nguyên. Nhưng ông cũng xây dựng nhiều công trình, nhiều lần huy động lao dịch và binh dịch, trưng thu tô thuế nặng nề, thực hện hình phạt hà khắc, khiến cho phần lớn dân chúng khó bề chịu nổi. Tần Thủy Hoàng chết không lâu đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, triều Tần sụp đổ.
Sau khi triều Tần diệt vong, hai thế lực lớn của cuộc khởi nghĩa là Hạng Võ và Lưu Bang để giành lấy thiên hạ đã tiến hành cuộc chiến tranh Hán – Sở kéo dài 4 năm. Cuối cùng, Lưu Bang đánh bại Hạng Võ, chính thức kiến lập triều Hán.
BẢNG THẾ HỆ CÁC VUA
Chiêu Tương Vương Doanh Tắc 306 trước CN – 251 trước CN.
Hiếu Văn Vương Doanh Trụ 250 trước CN.
Trang Tương Vương Doanh Tử Sở 249 trước CN – 247 trước CN.
Tần Vương Doanh Chính 246 trước CN – 221 trước CN.
Thủy Hoàng Đế Doanh Chính 221 trước CN – 210 trước CN.
Nhị Thế Doanh Hồ Hợi 209 trước CN – 207 trước CN.
Doanh Tử Anh 207 trước CN – 206 trước CN.
NIÊN BIỂU SỰ KIỆN LỚN
221 trước CN Vua Tần đổi tên Thủy Hoàng đế, kiến lập chế độ quận huyện.
220 trước CN Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đắp đường trong cả nước, chỉnh đốn phần lớn các phương tiện giao thông trong nước,
219 trước CN Tần Thủy Hoàng tế Trời Đất ở Thái Sơn.
218 trước CN Trương Lương sai lực sĩ giết Tần Thủy Hoàng.
216 trước CN Lệnh cho dân chúng kê khai ruộng đất.
215 trước CN Tần Thủy Hoàng cử đại tướng Mông Điềm mang 30 vạn quân bắc phạt Hung Nô.
214 trước CN Xây dựng Vạn lý trường thành, tây từ Lâm Đào, đông đến Liêu Đông để phòng Hung Nô xâm phạm.
213 – 212 trước CN Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho.
210 trước CN Tần Thủy Hoàng tuần du, chết ở Sa Khâu. Lý Tư, Triệu Cao thay đổi chiếu thư. Hồ Hợi nối ngôi, sử gọi là “Sa Khâu chi biến”.
209 trước CN Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa. Hạng Lương khởi binh.
208 trước CN Triệu Cao giết Lý Tư. Hạng Vũ cùng Lưu Bang lập cháu của Sở Hoài Văn Vương làm vua.
207 trước CN Cuộc chiến Cự Lộc. Hạng Vũ đại phá quân Tần.
206 trước CN Lưu Bang diệt Tần.
Năm 238 trước CN, Tần vương Doanh Chính tròn 22 tuổi, tự thân chấp chính. Sau đó, ông bắt đầu một kế hoạch lớn lao, tiêu diệt 6 nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề lần lượt bị chinh phục.
Năm 230 trước CN, hình thế thiên hạ đột biến, Tần nội sử (1) Đằng mang quân tiến công kinh đô nước Hàn Tân Trịnh (nay là Tân Trịnh, Hà Nam), bắt sống vua Hàn An, nước Hàn diệt vong, đất Hàn bị đổi thành quận Dĩnh Xuyên. Từ đó về sau, các nước lần lượt trở thành miếng mồi ngon của nước Tần.
Nước Triệu sau trận Trường Bình binh lực giảm mạnh, nhưng danh tướng Lý Mục vẫn còn, nhiều lần đánh bại các cuộc tiến công của nước Tần. Nhưng vua Triệu sai lầm đã trúng gian kế của nước Tần, nghe theo lời gièm pha của Quách Khai gian nịnh, giết Lý Mục để cho nước Tần thanh toán được trở ngại trong việc diệt Triệu. Năm 228 trước CN, tướng Tần là Vương Tiễn đại phá quân Triệu, bắt vua Triệu Thiên làm tù binh. Công tử Giá Triệu bỏ chạy về Đại ( nay là đông bắc huyện Úy, Hà Bắc), tự lập làm đại vương. Năm 222 trước CN, công tử Giá bị tướng Tần Vương Bôn bắt sống, nước Triệu từ đó diệt vong.
Năm 225 trước CN, vua Tần cử đại tướng Vương Bôn đánh nước Ngụy. Quân sau khi vào nước Ngụy như vào chỗ không người, liên tiếp hạ được mười thành, chẳng bao lâu đã đến kinh đô Đại Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam). Vua Ngụy vội cho sứ giả cầu cứu vua Tề. Vua Tề lo cho mình chưa xong, cự tuyệt yêu cầu của vua Ngụy. Vua Ngụy cầu cứu không được, lệnh cho quân sĩ tử thủ ở Đại Lương.
Tường thành Đại Lương cao dày, hào quanh thành lại rộng và sâu, quân Tần muốn đánh thành tất phải vượt qua hào. Vương Bôn ra lệnh bắc cầu. Trên ngọn thành, hàng vạn nỏ của quân Ngụy cùng bắn, quân Tần thương vong nhiều vô kể liền vội rút quân. Vương Bôn ra lệnh cho lính cung nỏ yểm trợ, lính tráng lại tiếp tục bắc cầu. Quân Ngụy nấp sau những tường tháp (tường thành có những chỗ lồi lõm) bắn tên, cầu khó mà bắc được. Vương Bôn lòng như lửa đốt, không ngờ tiến công thành Đại Lương lại khó như vậy. Ông ta tạm thu quân để tìm đối sách.
Thấy hào quanh thành vừa rộng vừa sâu, ông ta bỗng nghĩ: sao không lấy độc trị độc: dùng nước chế nước (dĩ thủy trị thủy). Địa thế Đại Lương thấp, tây bắc có Hoàng Hà, phía tây có Biện Hà, kế đổ nước vào Đại Lương thật vẹn toàn.
Lợi dụng lúc mưa liền mấy ngày, nước Hoàng Hà tràn ngập, nước Biện Hà cũng cuồn cuộn, Vương Bôn hạ lệnh cho một bộ phận binh lính đắp đê ngăn Hoàng Hà và Biện Hà, một bộ phận đào mở kênh dẫn nước vào thành Đại Lương. Tướng sĩ quân Tần nghe nói tiến công chính diện không xong, đổi từ cường công sang thủy công, vô cùng sung sướng.
Vua Ngụy nghe tin quân Tần đắp đê, đào mương, hoang mang lo sợ, không biết làm thế nào. Sau hơn mười ngày, mương nước đào đã tới chân thành Đại Lương, đập ngăn sông cũng đã đắp xong, chỉ cần chờ Vương Bôn hạ lệnh một tiếng, lập tức đập chặn sông hợp long, đào mở đê sông, nước sông sẽ cuồn cuộn đổ vào Đại Lương.
Vương Bôn thấy thời cơ đã đến, hạ lệnh phá đê xả nước. Trong phút chốc, nước sông mênh mông đổ vào Đại Lương. Đại Lương lập tức trở thành biển nước. Vua Ngụy hoảng sợ vội lẩn tránh các tướng trốn chạy trên lầu cao. Nước trong thành chẳng mấy chốc ngập mái nhà, đại bộ phận cư dân bị chết chìm. Ít lâu sau, một đoạn tường thành bị nước phá sập, vua Ngụy biết không giữ được đành phải đầu hàng.
Sau khi diệt Ngụy, Vương Bôn hạ lệnh phá đập ngăn sông, đắp những đoạn đê đã phá vỡ, sức nước giảm dần. Sau ba tháng ngập lụt, nước trong thành Đại Lương mới rút. Thành Đại Lương phồn hoa xưa kia đã trở nên đổ nát.
Ít lâu sau, vua Tần hạ lệnh diệt Sở. Vua Tần hỏi các tướng:
– Diệt Sở cần có bao nhiêu quân?
Lý Tín tuổi trẻ, sức mạnh nói cần 20 vạn. Lão tướng Vương Tiễn cho rằng nếu không có 60 vạn không thể đánh. Vua Tần nghe Vương Tiễn nói nghi ngờ: cha con Vương Tiễn Vương Bôn đang nắm quân, hiện lại cần tới 60 vạn, liệu có ý gì khác?
Vua Tần suy nghĩ hồi lâu, quyết định để cho Lý Tín, Mông Điềm mang 20 vạn quân đánh Sở. Vương Tiễn cảm thấy vua Tần có ý nghi ngờ nên xin cáo lão về quê. Vua Tần đồng ý lời xin của Vương Tiễn.
Quân Tần tiến công nước Sở, ban đầu vô cùng thuận lợi. Vua Sở biết tiền tuyến nguy cấp, vội ra lệnh cho đại tướng Hạng Yên mang 20 vạn quân chống cự. Sức mạnh của hai nước Tần Sở tương đương, nhưng quân Sở thông thạo địa hình, có nhiều thuận lợi, Hạng Yên chia quân làm bảy lộ, trên đường quân Tần đi qua mai phục nhiều tầng, đợi khi quân Tần tiến vào vòng vây đặt sẵn lập tức phát lệnh tiến công mãnh liệt. Quân Tần hành quân nhiều ngày, vô cùng mệt mỏi, gặp tập kích bất ngờ, kháng cự không nổi, đại bại bỏ chạy. Quân Sở khẩn trương truy đuổi suốt ba ngày. Quân tướng Tần vội rút khỏi biên giới.
Vua Tần nghe tin Lý Tín thất bại, mới hiểu cái đúng trong ý kiến của Vương Tiễn. Ông tự thân mời Vương Tiễn về triều, lệnh cho Vương Tiễn mang 60 vạn quân đánh Sở.
Ngày xuất quân, vua Tần thân tiễn Vương Tiễn. Trước khi lên đường, Vương Tiễn xin vua Tần cho ruộng tốt, nhà đẹp. Vua Tần đáp ứng tất cả. Hành quân đến nửa đường, Vương Tiễn án binh bất động, lại nhiều lần xin vua Tần ban thưởng để cho con cháu hưởng. Các tướng không hiểu việc này. Vương Tiễn giải thích cho họ:
– Đại tướng ngoài trận tiền, trong lòng còn lo nghĩ cho con cháu, làm sao có thể tránh khỏi? Ta xin đại vương ân thưởng là để đại vương yên tâm.
Các tướng nghe mởi hiểu dụng ý của ông.
Chiến thuật của Vương Tiễn không giống của Lý Tín. Ông tiến quân chậm rãi, vừa đi vừa nghỉ, đến Trung Sơn thì hạ trại, không tiến nữa. Tướng Sở Hạng Yên được tin, sinh ra nghi ngờ, cho lính khiêu chiến để thăm dò. Vương Tiễn ra lệnh cho lính cố thủ trong doanh trại, không xuất chiến, mặc cho quân Sở chửi bới cũng không thèm chú ý. Hạng Yên cho rằng Vương Tiễn đã già, gan nhỏ, sợ chiến đấu lệnh cho quân Sở về trại nghỉ ngơi
Vương Tiễn hạ lệnh cho một số ít quân giữ trại, phần lớn giả vờ nghỉ ngơi. Quân lính coi như không có việc gì, có thể tắm giặt, có thể tìm thú vui. Ông còn ra lệnh mổ trâu, khao thưởng tướng sĩ, bản thân cũng cùng tướng sĩ ăn uống.
Tướng Sở Hạng Yên mong chóng chiến thắng, lệnh cho tướng sĩ xuất phát, chuẩn bị bất ngờ đột kích vào sau lưng quân Tần. Vương Tiễn nghe tin quân Sở đã dời trại, lập tức lệnh cho quân Tần truy kích. Hạng Yên hoàn toàn không ngờ quân Tần đánh sau lưng, không hề có chút phòng bị, đến khi quân Tần đến nơi mới vội vàng chỉ huy đại quân tìm cách ứng chiến. Quân Tần nuôi sức đã lâu, sức mạnh sung mãn, quân Sở chưa kịp bày được thế trận đã bị quân Tần đánh cho hỗn loạn. Hạng Yên thấy thế bất lợi, vội cho quân tháo chạy. Vương Tiễn chỉ huy đại quân đuổi gấp, đến Kỳ Nam (nay là Túc Châu, An Huy) quân tướng Sở bị bao vây.
Hôm sau, hai bên quyết chiến. Quân Sở lính ít, lại vừa thất bại, địch không nổi với quân Tần được huấn luyện cẩn thận. Quần nhau chưa được một ngày, quân Sở thương vong gần hết. Hạng Yên chỉ muốn cùng tàn binh bại tướng đột vây, bị Vương Tiễn vây hãm không còn chỗ dung thân. Hạng Yên đã bị thương nhiều chỗ, thể lực không còn, không chỗ nương thân, bị Vương Tiễn giết chết.
Năm 227 trước CN, quân Tần đánh Yên, quân Yên đại bại ở phía tây Dị Thủy. Năm sau, quân Tần lại đánh Yên, lập tức tràn đến kinh đô Yên là Kế Thành, giết thái tử Đan. Vua Yên bỏ chạy đến Liêu Đông (nay là Liêu Dương, Liêu Ninh) kéo dài hơi tàn. Năm 222 trước CN, tướng Tần Vương Bôn mang quân đánh Liêu Đông, bắt sống vua Yên. Nước Yên diệt vong.
Năm nước đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại nước Tề. Tầ và Tề lực lượng chênh lệch. Nước Tề nguy ngập chỉ trong sớm tối. Năm 221 trước CN, tướng Tần Vương Bôn từ Nam Yên đánh Tề, tiến thẳng đến kinh đô Tề Lâm Truy. Quân Tề vừa chống cự, vua Tề đã bị bắt, nước Tề đến chỗ diệt vong.
Trong thời gian vua Tần Doanh Chính lên ngôi 10 năm, đã tiêu diệt 6 nước phương đông, kết thúc tình trạng chư hầu cát cứ hỗn chiến thời Xuân Thu Chiến Quốc, kiến lập quốc gia phong kiến trung ương tập quyền lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Sáu nước đã bị diệt, thiên hạ chỉ còn một, xưng hiệu “vương” như chưa thể hiện hết uy quyền tuyệt đối, vua Tần Doanh Chính cho rằng cần phải đổi tên. Thừa tướng Vương Quán, Ngự sử đại phu Phùng Kiếp, Đình úy Lý Tư…tâu:
– Thời cổ có Thiên hoàng, Địa hoàng, Thái hoàng, trong đó Thái hoàng là tôn quý nhất, có thể lấy Thái hoàng xưng hiệu.
Vua Tần Doanh Chính nghe rồi suy nghĩ, nói:
– Bỏ chứ Thái, giữ chứ Hoàng, lại lấy chứ Đế Vương thời thượng cổ, gọi là Hoàng đế.
Từ đó, ông trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, tự xưng Thủy Hoàng đế, quy định đời sau cứ theo số, xưng Nhị thế, Tam thế, cho đến Vạn thế,
Chú thích:
- Nội sử: chức quan hành chính ở kinh đô nước Tần
- Lý Mục: người nước Triệu thời Chiến Quốc, thường trấn giữ biên giới phía bắc nước Triệu, từng đánh bại Hung Nô, phá Đông Hồ, Lâm Hồ. Năm 233 trước CN, đánh bại quân Tần ở Phì (nay ở phái tây Tấn Châu, Hà Bắc) do công lao được phong Vũ An Quân.
- Trung ương tập quyền: là thể chế chính trị quốc gia, thể hiện quan hệ giữa chính phủ trung ương và chính phủ địa phương. Thông qua việc bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức đại phương để khống chế quan lại địa phương chịu trách nhiệm trước chính phủ trung ương, thay mặt trung ương cai trị địa phương.
- Thừa tướng: phụ tá vua chấp chính. Ngự sử đại phu phụ trách giám sát các quan. Đình úy phụ trách tư pháp. Ba nhân vật này là hạt nhân của chức quan trung ương.
Có thể lấy được thiên hạ bằng vũ lực nhưng không thể trị thiên hạ bằng vũ lực được.