Khuất Nguyên xuất thân quý tộc, cùng họ với vua Sở. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tài năng chính trị kiệt xuất. Năm ngoài 20 tuổi đã làm quan Tả đồ của nước Sở (1), được Sở Hoài Vương rất tín nhiệm, thường cùng Sở Hoài Vương ngiên cứu chính sự, chế định pháp lệnh, tiếp đãi sứ thần các nước.
Khuất Nguyên sống ở trung và hậu kỳ thời Chiến Quốc, chiến tranh thôn tính giữa các nước ngày càng quyết liệt. Ông hiểu rằng nước Sở muốn phát triển chỉ có tích cực cải cách chính trị trong nước mới có đường ra. Nhưng chủ trương chính xác của ông gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số quý tộc hủ bại, thủ cựu. Họ căm ghét tài năng của ông, ngày đêm chống đối ông.
Có một lần, Sở Hoài Vương giao cho Khuất Nguyên khởi thảo một pháp lệnh quan trọng. Khuất Nguyên mới viết xong bản thảo, thượng quan đại phu Quách Thượng tới, giành lấy để xem. Khuất Nguyên vội thu bản thảo lại, nghiêm khắc nói:
– Đây là bản thảo còn chưa sửa chữa, không ai được xem.
Cách Thượng không hài lòng, chữa thẹn, bỏ đi. Khi Sở Hoài Vương hỏi đến, ông ta ngầm hại Khuất Nguyên:
– Đại Vương! Ngài bị lừa rồi!
Sở Hoài Vương hỏi:
– Làm sao?
Cách Thượng nói:
– Đại vương giao cho Khuất Nguyên khởi thảo pháp lệnh có phải không? Ông ta khoe khoang là do ông ta làm! Mỗi lần công bố pháp lệnh, ông ta lại nói: “Hừ, ngoài ta ra, còn ai làm được?”
– A, hắn còn nói gì nữa?
Cách Thượng đảo đôi mắt thao láo:
– Ông ta còn nói, đại vương hồ đồ, tàn bạo, tầm nhìn thiển cận, các đại thần đều tham lam tư lợi, ngu xuẩn bất tài, việc lớn của triều đình không có ông ta làm sao hoàn thành được!
Sở Hoài Vương nghe tin là thật, lửa giận cao ba trượng, từ đó xa lánh Khuất Nguyên.
Sau đó, nước Sở liên tục hai lần bị nước Tần đánh bại, chịu sự ức hiếp của nước Tần. Khi Tần Chiêu Tương vương lên ngôi, áp dụng chính sách vừa đánh vừa lôi kéo với nước Sở. Tần Chiêu Tương Vương rất trân trọng viết một bức thư cho Sở Hoài Vương, mời đến Vũ Quan gặp gỡ, tiến hành hòa đàm. Sở Hoài Vương nhận được thư không đi thì sợ mang tội với nước Tần, đi thì sợ gặp nguy hiểm. Ông ta bàn bạc với các đại thần.
Khuất Nguyên nói với Sở Hoài Vương:
– Nước Tần xưa nay giống như hổ sói tàn bạo, chúng ta chịu sự ức hiếp của nước Tần không phải chỉ một lần. Đại vương nghìn vạn lần không nên đi, nếu đi sẽ sa vào cái bẫy của họ.
Nhưng con Sở Hoài Vương là công tử Lan lại khuyên Sở Hoài Vương đi, nói:
– Chúng ta coi nước Tần là kẻ địch, kết quả chết mất nhiều người, lại mất đất. Nay nước Tần muốn hòa hảo cùng chúng ta, làm sao có thể chối từ được?
Sở Hoài Vương nghe, tin lời của công tử Lan, đi đến nước Tần.
Quả nhiên, đúng như dự liệu của Khuất Nguyên, Sở Hoài Vương vừa mới tới Vũ Quan của nước Tần đã bị quân Tần chặn lối về. Sau đó, Sở Hoài Vương bị áp giải về kinh đô Hàm Dương của nước Tần. Vua Tần ép vua Sở cắt đất, vua Sở không chịu. Vua Tần đem vua Sở giam lại. Lúc đó, Sở Hoài Vương mới hối hận không nghe lời khuyên của Khuất Nguyên. Sau hơn một năm sống cuộc đời giam lỏng, Sở Hoài Vương cuối cùng chết ở nước Tần.
Khuất Nguyên nghe tin, đau buồn vô hạn. Ông đau buồn vì Sở Hoài Vương hồ đồ, tàn bạo, bị chết ở trong tù, lại cảm thấy phẫn nộ vì vua Tần gian trá hung ác, bội tín vô nghĩa. Ông mang cảm xúc bộc lộ thành bài thơ “Chiêu hồn”.
Khi Sở Hoài Vương bị cầm tù ở nước Tần, nước Sở lập thái tử Hoành làm vua, đó là Sở Khoảnh Tương Vương. Ông vua này cũng không hơn gì cha, cũng chỉ là giống hồ đồ. Lên ngôi, ông ta cũng suốt ngày ở trong cung ăn chơi hưởng lạc, không màng tới việc lớn của đất nước. Vận mệnh quốc gia bị thao túng bởi lệnh doãn Tử Lan, Cách Thượng, tình hình ngày càng hỗn loạn, lòng Khuất Nguyên như lửa đốt. Ông liền viết mấy bản tấu chương, hy vọng nhà vua sử dụng người hiền tài, thay đổi nội chính, khẩn trương luyện quân để báo thù rửa nhục.
Ai ngờ, những lời khuyến cáo của ông không những chẳng được việc gì, ngược lại còn mang thù hận của bọn lệnh doãn Tử Lan, Cách Thượng. Không lâu sau, Khuất Nguyên bị cách chức, đày đến Trường Giang ở vùng biên giới phía nam của nước Sở.
Ở nơi lưu đày, nhưng Khuất Nguyên vẫn không nguôi nghĩ về vận mệnh của nước Sở, bận tâm vì vua Sở, hy vọng Sở Khoảnh Tương Vương triệu ông về kinh đô để cứu vãn vận mệnh quốc gia. Nhưng năm này năm khác qua đi, không có một chút tin tức về chuyện gọi ông trở lại triều đình. Cái bi phẫn trong lòng Khuất Nguyên khó mà hình dung được.
Một hôm, Khuất Nguyên đang đi dạo bên bờ sông, vừa đi vừa ngâm những bài thơ của mình, có một người đánh cá nhận ra ông, hỏi:
– Ngài có phải là Tam lư đại phu Khuất Nguyên không? Sao ngài lại lạc bước đén nơi hoang vắng này?
Khuất Nguyên nói:
– Thiên hạ đều đục cả, chỉ có ta là trong, mọi người đều say cả, chỉ có ta là tỉnh, cho nên ta bị đày đến đây.
Người đánh cá hỏi:
– Vì sao ông không thuận theo sóng, như thế cũng không đến nỗi như thế này.
Khuất Nguyên thở dài, nói:
– Quần áo trên mình ta sạch, ai dám nhấn xuống bùn? Ta thà nhảy xuống sông, chôn mình trong bụng cá, cũng không chịu cùng bọn gian thần giày xéo lên nước Sở.
Ở nơi lưu đày, Khuất Nguyên càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhân dân lao động. Ông thấy dân chúng đói ăn thiếu mặc, cuộc sống vô cùng thê thảm đều đồng cảm với ông. Ông cùng mọi người chịu gian khổ hoạn nạn, tư tưởng tình cảm của ông có chuyển biến sâu sắc. Ông viết được những áng thi ca tuyệt vời. Những tác phẩm nổi tiếng “Cửu ca”, “Cửu chương” đều ra đời vào thời kỳ này.
Năm 278 trước CN, đại tướng Bạch Khởi của nước Tần đem quân đánh Sở, chiếm được Ảnh Đô của nước Sở. Khuất Nguyên nghe tin này, than khóc thảm thiết. Ông không muốn nhìn thấy nước Sở diệt vong, không muốn thấy cảnh dân chúng nước Sở bị quân Tần giết hại và áp bức, vì thế, ngày 5 tháng 5, ông ôm một tảng đá lớn, nhảy xuống sông Mịch La trẫm mình.
Dân chúng nghe được tin dữ rất đau lòng, tranh nhau tìm vớt thi thể Khuất Nguyên. Không biết bao nhiêu thuyền, cũng không biết mất bao nhiêu thời gian, kết quả vẫn không vớt được. Có người bơi trên sông, đem gạo gói trong lá trúc, ném xuống nước để tế lễ Khuất Nguyên.
Đến ngày 5 tháng 5 năm sau, dân chúng nhớ đến ngày Khuất Nguyên trẫm mình, lại đem gạo gói trong lá trúc ném xuống sông tế lễ ông. Về sau, họ đóng thuyền nhỏ thành thuyền rồng, thay gạo gói trong lá trúc thành bánh chưng. Việc kỷ niệm này được tiếp tục cho đến ngày nay, trở thành ngày Tết truyền thống của Trung Quốc, Tế Đoan ngọ.
Sau khi mất, Khuất Nguyên để lại một số thơ ca đặc sắc, được người đời sau chỉnh lý thành Sở từ. Trong thơ ca của ông, tố cáo lũ tiểu nhân bán nước, biểu đạt tâm trạng lo cho dân cho nước. Ông được tôn vinh là nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Chú thích:
(1) Tả đồ: chức quan trông coi việc xây dựng (?) ở nước Sở thời Chiến Quốc, có thể tham gia vào chính sự.
(2) Lệnh doãn là chức quan ở nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc, là chức quan hành chính cao nhất, giúp vua Sở nắm việc quân chính cả nước, tương đương với tể tướng sau này.
(3) Biên giới phía nam của nước Sở nay tương đương với phái bắc tỉnh Hồ Nam ngày nay, lúc bấy giờ còn rất hoang vu, nơi cư strus của Ma Di.
Đọc những bài ngắn này rất thích, nó tóm gọn…
Giá sử nước mình cũng có người viết thế này…
Cũng đã có nhà văn viết sử thành truyện (Ngô Văn Phú) nhưng nó dài dòng nên tôi không thích lắm.