Công Nghi Tu nổi tiếng thích ăn món cá, đến mức một ngày không có cá dường như không thể chịu nổi, một số bệnh của ông cũng có thể chữa bằng cá. Cá đối với ông thật như một biệt dược, vì thế ngày ngày đều có người mang cá bán cho ông.
Ngày nào cũng ăn cá dĩ nhiên là sẽ không có thú vị gì, cho nên ông không ngừng thay đổi cách chế biến. Cá ông ăn cũng có rất nhiều loại, có cá nước ngọt, cũng có cá biển, rồi cá miền bắc, cá miền nam, … Cá cũng có nhiều loại, cá chép, cá chắm, cá trê, cá quả, cá lăng, cái mè, cá nheo, cá rô, cái trôi, cá giếc, cá hồng, cá thu, cá chim, …thật là vô số các loại cá. Không chỉ có thế, ông còn đặc biệt chú ý đến phương pháp chế biến, nấu, luộc, rán, nướng, xào, om, kho…có người còn không thể nhớ hết các món cá của ông. Ông còn lựa chọn đầu bếp, chủ yếu cần cách chế biến phong phú, bầy biện món ăn đẹp. Ông còn thường tự đến nhà bếp, hướng dẫn đầu bếp chế biến các món ăn lạ. Khi trong lòng vui vẻ, tự tay ông nấu nướng.
Năm đó, khi làm Tể tướng nước Lỗ, có bao nhiêu người muốn làm quen, đua nhau mua cá đến biếu ông, tất cả đều bị Công Nghi Tu từ chối từ ngoài cửa. Học trò của ông rất lạ, hỏi ông:
– Vốn tiên sinh rất thích ăn cá, sao lại không nhận cá của người ta biếu?
Ông nói:
– Chính vì thích ăn cá, ta mới không nhận cá người ta biếu. Giá như ta nhận, rồi sẽ vì tình riêng mà làm bậy, vì tình riêng mà làm bậy, ta sẽ gặp nguy hiểm, bị cách chức Tể tướng. Đến lúc đó, ta có muốn ăn cá, những người này có đem cá cho ta nữa không; ta hết bổng lộc, không thể mua cá mà ăn hàng ngày. Như vậy, ta không nhận cá của người ta, chính là giữ được cái trong sạch của Tể tướng. Tuy không ăn cá của người khác mang biếu, nhưng bổng lộc của ta đảm bảo để ta có cá ăn hàng ngày.