Thời Xuân Thu có hai nước nhỏ, một là nước Ngu (nay ở đông bắc huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây), một là nước Quắc (nay ở đông nam huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây). Hai nước này núi sông liền một dải, tổ tiên đều mang họ Cơ, cho nên họ sống với nhau rất hòa thuận. Nước Quắc và nước Tấn là lân bang, nước Tấn là nước lớn, lúc đó Tấn Hiến Công dang tại vị muốn mang quân đánh nước Quắc để thôn tính, nhưng chưa tìm được cơ hội.

Một hôm, Tấn Hiến Công hỏi đại phu Tuân Tức:

–         Bây giờ, ta có thể đánh được nước Quắc không?

Tuân Tức nói:

–         Không được, bây giờ quan hệ giữa hai nước Ngu, Quắc rất tốt, nếu ta đánh nước Quắc, nước Ngu nhất định sẽ giúp đỡ. Chúng ta đánh cả hai nước ấy, thần sợ không thắng được.

Tấn Hiến Công nói:

–         Nước Quắc quấy nhiễu ở biên giới nước ta, liệu chúng ta có thể ngồi nhìn được không?

Tuân Tức nói:

–         Quắc công thích chơi bời, chúng ta mang cho một số gái đẹp, để cho ông ta chỉ lo hưởng lạc, không thiết gì đến chính sự, chúng ta sẽ có thể thừa cơ đem quân đánh.

Tấn Hiến Công thấy kế hay, cử người thực hiện.

Quả nhiên, Quắc công thấy nước Tấn cho gái đẹp, quên hết tất cả, suốt ngày ong bướm, chè rượu, ăn chơi hưởng lạc. Tấn Hiến Công lại hỏi Tuân Tức:

–         Bây giờ có thể  đánh được nước Quắc chưa?

Tuân Tức nói:

–         Được rồi. Chúng ta đi đánh nước Quắc, cần nhất là nước Ngu không giúp họ. Ngài có thể cho Ngu Công một phần lễ hậu, nói ông ta cho mượn đường đi đánh nước Quắc. Như vậy, nước Quắc sẽ nghi ngờ nước Ngu, nước Ngu cũng sẽ không giúp đỡ nước Quắc nữa.

Tấn Hiến Công nói:

–         Hai nước Ngu Quắc ở bên cạnh nhau, họ còn là thân thích nữa, chúng ta đánh nước Quắc, liệu Ngu Công có đồng ý không?

Tuân Tức nói:

–         Ngu Công có lòng tham lớn, tôi sẽ có cách.

Tuân Tức đi gặp Ngu Công, trước hết đem theo một cặp ngọc bích quý và một con thiên lý mã. Ngu Công thấy lễ vật, cười tít mắt. Tay cầm ngọc bích, mắt nhìn ngựa thiên lý, chỉ sợ Tuân Tức về mất. Ông ta hỏi Tuân Tức:

–         Những đồ vật này là quốc bảo của quý quốc, trên đời không có hai, sao lại mang cho tôi? Quý quốc có việc gì muốn tôi giúp chăng?

Tuân Tức nói:

–         Vua của tệ quốc hâm mộ dại danh của ngài, rất muốn cùng ngài kết giao, chút lễ mọn này chỉ là để biể thị lòng thành. Nhân thể có một việc nhỏ này nhờ người giúp đỡ. Người Quắc nhiều lần xâm phạm biên giới nước tôi, chúng tôi muốn đánh để trừng phạt họ, quý quốc có thể cho chúng tôi mượn đường đi qua chăng? Nếu đánh thắng, thu được cái gì, xin để ngài sử dụng.

Ngu Công thấy lợi lớn bèn đồng ý.

Đại phu Cung Chí Kỳ thấy thế, sốt ruột, không ngừng đưa mắt cho Ngu Công, nói:

–         Ngài dù thế nào cũng không được bằng lòng. Hai nước Ngu Quắc như môi với răng, người xưa nói “môi hở răng lạnh”. Nếu không có môi, răng chịu rét. Nước Quắc mà bị diệt, liệu nước Ngu chúng ta có còn không?

Ngu Công nói:

–         Những vật quý giá nhất được coi là bảo bối, vua Tấn đều mang cho ta, chúng ta chỉ cho họ mượn đường mà còn tiếc! Nước Tấn mạnh gấp mười lần nước Quắc, mất nước Quắc nhưng có người bạn là nước Tấn hùng mạnh chẳng phải là hay sao?

Cung Chí Kỳ còn muốn khuyên ông ta mấy câu, phát hiện có người đứng đàng sau chỉ vào ống tay áo của ông ta, quay đầu lại, thấy đại phu Bách Lý Hề, vì thế không nói nữa. Sau khi  bãi triều, Cung Chí Kỳ hỏi Bách Lý Hề:

–         Ngài không nói mấy câu giúp tôi, sao còn chỉ vào ống tay áo của tôi?

Bách Lý Hề nói:

–         Chà! Nói ý rất tốt với người hồ đồ, khác gì đem ngọc quý vứt ra đường. Ngược lại, vua còn không nghe, nếu còn nói nữa có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng!

Cung Chí Kỳ đoán nước Ngu nhất định sẽ mất, đều mang cả nhà từ già đến trẻ bỏ đi.

Năm Chu Huệ Vương thứ 19 (658 trước CN), Tấn Hiến Công cử đại tướng Lý Khắc và Tuân Tức đi đánh nước Quắc. Khi quân nước Tấn đi qua nước Ngu, Ngu Công nói với Tuân Tức:

–         Để báo đáp quý quốc, tôi tình nguyện mang quân đi trợ chiến.

Tuân Tức nói:

–         Ngài mang quân đi trợ chiến khác nào mang Hạ Dương Quan cho chúng tôi?

Ngu Công không hiểu, nói:

–         Hạ Dương quan là đất của nước Quắc, tôi sao có thể mang cho ngài được?

Tuân Tức nói:

–         Tôi nghe nói Quắc Công đang giao chiến với Khuyển Nhung, thắng bại chưa rõ, ngài giả đến trợ chiến, họ nhất định mở cửa cho ngài vào. Trên các xe của ngài đều có quân Tấn, chỉ cần họ mở cửa thành, Hạ Dương quan chẳng phải là của chúng tôi rồi sao?

Ngu Công nghe kế, quả nhiên giúp quân Tấn chiếm được Hạ Dương Quan. Quân Tấn lại thừa thắng tiến công, năm Chu Huệ Vương thứ 22 (655 trước CN) diệt được nước Quắc. Tướng Lý Khắc đem một số con hát là tù binh và một ít của cải cho Ngu Công. Ngu Công rất sung sướng. Lý Khắc đem quân đóng ở ngoài thành nước Ngu, nói nghỉ ngơi mấy ngày rồi sẽ về.

Một hôm, người giữ cổng thành chạy đến báo cáo:

–         Tấn hầu đến, đang ở ngoài thành.

Ngu Công vội chuẩn bị xe ra ngoài thành nghênh tiếp. Tấn hầu mời Ngu Công đến Kỳ Sơn đi săn. Ngu Công để phô trương thanh thế, điều toàn bộ binh mã trong thành cùng mình đi săn. Vào  lúc cuộc săn đang vui, Bách Lý Hề hổn hển chạy tới:

–         Nghe nói trong thành có chuyện, ngài mau trở về đi!

Ngu Công mới về đến ngoài thành, chỉ thấy trên lầu thành, một viên đại tướng, uy phong lẫm liệt hướng về phía Ngu Công, gọi:

–         Chào ngài! Lần trước được ngài cho chúng tôi mượn đường, lần này, chúng tôi lại được ngài cho mượn quốc gia, rất cảm ơn ngài.

Ngu Công nổi giận, muốn đánh vào thành. Không ngờ trên thành tên bắn xuống như mưa. Lại nghe có người kêu:

–         Đại quân của Tấn hầu tới!

Lúc ấy, Ngu Công  mới tỉnh mộng, ân hận rối bời, quay lại, còn thấy Bách Lý Hề đứng bên cạnh, nói:

–         Ngay từ lúc đầu, sao khanh không khuyên ta?

Bách Lý Hề nói:

–         Ngài được Cung Chí Kỳ khuyên mấy lần đều không nghe, sao có thể nghe tôi được?

Đang nói chuyện thì Tấn Hiến Công đến, ông ta cười vui vẻ nói với Ngu Công:

–         Ta đến lần này, chính là để đòi lại ngọc bích và ngựa thiên lý đó!

Ngu Công vì tham một món lợi nhỏ, đã bán đi một người bạn tốt của mình, cuối cùng, rước họa, nước mình mất toi, bản thân cũng trở thành tù binh của nước Tấn. Môi hở răng lạnh, lời khuyên này sâu sắc như vậy. Trong lịch sử, những việc như thế này xảy ra không ít, chủ yếu do con người vì chút lợi nhỏ khiến cho mờ mắt.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here