Giờ nghỉ giữa hai hiệp trận đấu vòng cuối cùng giải bóng đá Ngoại hạng Anh, chuyển kênh sang VTV1. Giờ này ngày chủ nhật, VTV1 thường có chương trình phim hay. Đang chiếu “Cây bạch đàn vô danh”. Xem khoảng 10 phút đã thấy bao nhiêu là “sạn”.

     Ông bố thấy con dù được các thầy khen học giỏi, không muốn đi học tiếp viện lý do ngại đường xa, thực ra có lẽ do muốn bỏ học, đi bộ đội (mỗi ngày cuốc bộ đi về hơn chục cây số, chuyện này khi đó cũng không phải chuyện lạ) bèn đập con lợn đất lấy tiền tích cóp mua xe đạp cho con. Nguyên một sự việc  nhỏ này (chắc trên phim chỉ diễn ra trong một phút) đã lộ mấy cái không thật:

Một cái xe lúc ấy giá cung cấp (bán cho cán bộ, tất nhiên phải trải qua bình xét ghê gớm,  khi ấy trong các cơ quan vẫn được gọi là “chiến tranh”: “chiến tranh tăng lương”, “chiến tranh xe đạp” đồng hành với cuộc chiến tranh chống Mỹ,  cũng có giá 260 đ – 270 đ (tùy xe Thống Nhất do Việt Nam sản xuất hay xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu do Trung Quốc sản xuất). Nếu bán cho nông dân, những người đã vượt nghĩa vụ bán lợn, bán gà cho thương nghiệp nhà nước một cách xuất sắc, có giá 360 đ. Tiền khi ấy, tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất là 10 đ (tờ giấy bạc có màu đỏ, in hình cụ Hồ nên vẫn được dân gian gọi một cách “ngưỡng mộ” là “cụ mượt”. Sau lần vải pô-pơ-lin trắng, thấy thấp thoáng ở cái túi ngực áo sơ mi có màu hồng hồng của tờ “cụ mượt” là đáng tự hào lắm! Thế mà đập lợn ra thấy chưa được chục tờ, (chưa kể tiền để dành thường có mệnh giá thấp), sao mua nổi xe? Lại nữa, tiền cho vào lợn đất, vào ống tre để dành thường phải gấp lại mấy lần cho nhỏ như quân bài tam cúc mới cho vào được qua cái khe, cái đồng tiền được “xử lý” như trong phim theo kiểu “vo viên” sao cho được vào lợn đất?

     Vào cửa hàng bách hóa phố huyện, thấy xếp đến hơn chục cái xe đạp. Quả là suốt thời chống Mỹ, cũng ra vào những nơi như thế này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh ấy. Đơn giản vì, xe đạp là tài sản quý hiếm, cần bảo vệ cẩn mật trong kho. Những thứ hàng quý hiếm khi ấy chẳng bao giờ được bày công khai, có thế mới dễ “giấm giúi”!

 Cửa hàng kiên cố nhất khi đó cũng chỉ lợp ngói. Đêm hôm, trộm nó giỡ ngói chui xuống thì xe đạp có mà “bốc hơi” hết!  Thứ nữa là cần gì phải bày! Khi nào có xe “về”, phòng thương nghiệp thông báo phân phối cho cơ quan nào thì nơi đó phân phối nội bộ rồi ai được mua thì tới, đưa cái giấy phân phối và tiền. Nhân vật trong phim tới mua xe mà tự do nghiêng ngó, rồi nói mua, rồi trả tiền,  thế là dắt xe về. Thật đúng là chuyện chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà làm phim! Người nông dân khi ấy, dù đã bán lợn bán gà vượt mức quy định còn phải bình xét chán chê ở đội sản xuất, rồi lại tới lượt Ban quản trị hợp tác xã họp bàn nát nước mới được nhận cái phiếu (vì người vượt nghĩa vụ thì nhiều lắm, nhưng xe đạp thì cực hiếm, nó chỉ có thể là cái “mồi nhử” thôi. Để kích thích thi đua tăng gia sản xuất! Có cái phiếu rồi cũng đi lại năm bảy lần mới mua được xe, đâu phải chuyện đùa!

     Lại nói tới chuyện anh con trai đi bộ đội. Phim kể, người bố nghe nói con đang khám nghĩa vụ trên huyện, vội lên xem sự thể ra sao, đến nơi, đã thấy ô tô chở thanh niên mới nhập ngũ lên đường. Thế là cha con không gặp được nhau. Chuyện diễn ra chỉ chưa đầy một phút, nhưng cũng liên tiếp bao nhiêu là sự phi lý:

   Khám tuyển quân thường diễn ra ở xã (vì có nhiều xã cách huyện tới hàng chục cây số, không phải nhà nào cũng có xe đạp). Khám tuyển xong, phải mất mấy ngày bàn bạc trong đảng ủy, trong ủy ban mới có giấy gọi (vì để cho công bằng, vì còn vận dụng chính sách, vì để tránh những gia đình có thể vừa nhận giấy báo tử của người con đi trước vừa hy sinh, ….). Rồi có giấy gọi là lúc các đoàn thể nào là chi bộ, hội mẹ chiến sĩ, rồi thanh niên, phụ nữ, lại còn thôn, xóm, bè bạn  … tới gia đình làm “công tác tư tưởng”, động viên. Và một  việc không thể thiếu là trước ngày lên đường, xã mổ lợn, bán cho mỗi gia đình có người nhập ngũ vài ba cân thịt để liên hoan chia tay. Tới nhà nào cũng toàn thấy những niềm vui nghẹn ngào. Ngày lên đường tới, tất cả tập trung tại xã, cũng trống giong cờ mở cuốc bộ lên huyện. Ở đây, các đơn vị về nhận quân rồi đưa tân binh về đơn vị (thường là hành quân bộ, chẳng mấy khi có xe ô tô đón).

     Phim này là phim nhựa, chắc tiền bạc đầu tư không ít, những người làm phim chắc cũng đều được lựa chọn kỹ càng,  thế mà mới thoáng xem đã thấy biết bao những sự vô lý. Trách gì phim truyền hình, loại “mì ăn liền”!  Người từng trải qua thì thấy nó cứ “giả giả thế nào ấy”, lớp trẻ thì hiểu sai về quá khứ trong khi tiêu chuẩn đầu tiên của nghệ thuật là phải chân thật. Chẳng cần biết ý tưởng gì sâu sắc, thủ pháp gì cao siêu, nhưng cứ mãi thế này trách sao người Việt vẫn cứ quay lưng lại với phim Việt.

      May mà hiệp 2 đã bắt đầu!

 

 

10 BÌNH LUẬN

  1. Bác Duong Dinh Giao nói rất đúng.
    Có lẽ người viết kịch bản, đạo diễn…đều còn trẻ, không được sống trong những năm tháng chiến tranh khó khăn, không có trải nghiệm nên mới có những thước phim hời hợt, xa thực tế, nếu chỉ làm theo chỉ tiêu , đề tài được giao thì đó là sự lãng phí.
    Chẳng nhẽ phim ảnh bây giờ không cần khán giả?.

  2. Thế nên khán giả mới quay lưng lại với phim nhà! Phim tân, phim cổ nào cũng đầy những sự vô lý đến ngớ ngẩn, ngờ nghệch!

  3. Sạn có vẻ nhiều bác nhỉ!!!Chúng cháu ko đc trải nghiệm qua thời kì đó nên thấy bình thường ạh.

  4. Trước giờ em toàn xem phim nước ngoài chứ không xem phim VN. Vi xem phim VN càng lâu càng ức chế. Trong phim cái cũng thấy giả và gượng ép, kể cả nụ cười cũng giả, tình tiết thì thì phi lý diễn biến tâm lý không phù hợp, nội dung thì non nớt sáo rỗng nhưng hay nói chữ. Mang những phim hay kịch bây giờ so với vở kịch kinh điển như Lá Sầu Riêng của Kim Cương thì thấy một trời một vực.

  5. Sự dễ dãi của nghệ thuật Việt Nam có từ lâu rồi! Trước đây người ta vin vào hoàn cảnh khó khăn,vả chăng nghệ thuạt phuc vụ chính trị cần gì kỹ càng ! Mình còn nhơs một vi hơn tuổi từng co lần được xem tuồng tích Tàu nói nhân vật mặt mốc râu dài mặc võ phục nhưng chân đi dép cao su Bình Tri Thiên ! Vẫn vỗ ngực xưng danh : ” như ta đây chính lầ Tào Tháo ” . Vậy đấy, xem thường người thưởng thức ,tuỳ tiện và làm dối dá không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong nhiều lãnh vực khác nên đến giờ của giả mới tràn lan khắp mọi nơi !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here