Thời Chu, người bình dân ở kinh đô gộ là “quốc nhân”, ở nông thôn, làm ruộng gọi là “dã nhân”. Quốc dân phần lớn làm nghề thủ công và buôn bán, cũng chịu sự bóc lột và ức hiếp của các chủ nô lệ.
Đời vua thứ 10 của triều Chu là Lệ Vương Cơ Hồ. Lệ Vương không chỉ tham lam mà còn vô cùng hung bạo, dân chúng chịu sự tàn bạo của hắn, ngấm ngầm có nhiều lời oán hận, những quan lại hiền minh cũng cảm thấy việc làm của Lệ Vương quá bạo ngược. Triệu Công, một đại thần của Lệ Vương thấy dân chúng oán giận, can ngăn Lệ Vương:
– Gánh nặng của dân chúng quá lớn, không thể làm theo lệnh của đại vương được!
Nghe Triệu Công nói, Lệ Vương nổi giận. Hắn cử một vu sư của nước Vệ theo dõi trên đường phố, nghe thấy ai nguyền rủa Lệ Vương, lập tức vào cung báo cáo. Lệ Vương nghe được bèn bắt người nguyền rủa đem giết.
Lệ Vương sao có thể biết được những việc này? Người trong nước không thể không nghi ngờ. Không lâu sau, mọi người đều rõ mọi việc đều Lệ Vương đã cử người theo dõi. Từ đó, ai ai đều trong nước câm như hến, cũng không dám tụ tập để nguyền rủa nhà vua nữa. Mọi người thấy nhau cũng không dám nói gì, chỉ dám đưa mắt cho nhau. Từ ánh mắt oán giận của mọi người có thể thấy họ căm giận mà không dám nói.
Qua nhiều ngày, không còn thấy vu sư nước Vệ báo cáo về những lời nguyền rủa, nhà vua rất vui vẻ, hắn vời Triệu Công vào cung, đắc ý nói:
– Ta đã có cách ngăn cấm lời phỉ báng của dân chúng, bây giờ không còn ai dám nói những lời xằng bậy nữa!
Triệu Công nghe rồi, nói:
– Đại Vương, người dùng cách bịt miệng dân chúng như bịt dòng nước chảy. Bịt miệng dân chúng sẽ thành mối nguy, giống như dòng nước bị chặn lại sẽ trở nên nguy hiểm. Dòng nước không thoát sẽ dẫn đến tràn, người chịu tai họa sẽ rất nhiều; áp chế dân chúng không để cho họ nói, sẽ tạo thành cái giống như dòng nước tràn vậy. Trị dòng nước bằng cách tạo lối thoát, cai trị dân chúng thì phải để họ nói ra những vướng mắc. Từ những ý kiến của dân chúng nói ra, có thể thấy cái tốt cái xấu của chính sách, không để cho dân chúng nói, tiềm ẩn những nguy hại rất lớn.
Lệ Vương không nghe những lời của Triệu Công, Triệu Công đành phải xa ông ta. Sau đó, Lệ Vương không những không biết hạn chế mà ngược lại, còn đàn áp dân chúng mạnh hơn nữa, tình hình trong nước ngày càng cấp bách, một trận cuồng phong chỉ chờ dịp là bùng phát.
Dân chúng không thể nhẫn nhục trước sự thống trị tàn bạo của Lệ Vương, ngấm ngầm liên kết với nhau. Mọi người thi nhau bàn luận, cuộc sống như đang nước sôi lửa bỏng, như cá phải phá lưới mà tìm đường sống.
Năm 841 trước CN, cuối cùng cuộc bạo động đã nổ ra, dân chúng với vũ khí thô sơ trong tay, thẳng tiến vào cung vua, quân thị vệ chống lại được một trận, rồi không thể ngăn được sức tiến công của dân chúng như vũ bão. Khắp nơi như nước triều dâng, truy tìm Lệ Vương khắp hoàng cung. Lệ Vương thấy thị vệ không chống nổi dân chúng, vội vàng trốn ra cửa sau, hắn hoảng hốt như con chó nhà có tang, chạy đến Trệ (nay là huyện Hoắc, Sơn Tây) tránh nạn. May là chạy nhanh nên còn giữ được tính mạng, nhưng kinh thành đã trở nên hỗn loạn. Thái tử Cơ Tĩnh chưa chạy thoát, vẫn còn ở trong cung.
Diệt cỏ phải diệt tận gốc, dân chúng tìm khắp nơi tăm tích của thái tử Cơ Tĩnh, cuối cùng cũng tìm ra, thái tử trốn trong nhà của Triệu Công. Dân chúng nổi dậy lập tức bao vây nhà Triệu Công. Triệu Công vốn được dân tin cậy, nếu ông đem giao thái tử là xong việc. Triệu Công tuy rất căm giận sự tàn bạo Lệ Vương, nhưng với triều Chu ông còn hết lòng trung, thái tử Cơ Tĩnh lại còn là một đứa trẻ, chưa hiểu việc gì. Triệu Công quyết định giữ lại giọt máu của nhà Chu, ông đau xót đem con trai mình giả làm thái tử nộp cho dân chúng bạo động.
Dân chúng hả giận, bạo động dần lắng xuống. Lệ Vương trốn ở đất Trệ không dám trở về kinh đô, tính mệnh của Cơ Tĩnh dã được đổi bằng con trai Triệu Công, trước mắt đây là bí mật không được ai tiết lộ. Không thể để tình trạng rắn không đầu, Triệu Công và một đại thần bàn bạc quyết định hai người cùng chấp chính, thay vua Chu giải quyết những công việc của triều đình.
Triệu Công và Chu Công cẩn thận mọi việc, làm theo ý mình, không dám xúc phạm đến lợi ích của dân chúng. Tình hình mọi mặt yên dần.
Đây là lần đầu tiên, người bình dân, nô lệ khởi nghĩa được ghi chép bằng văn tự. Lần khởi nghĩa này tuy chưa lật đổ được ách thống trị của vương triều Chu nhưng đã đánh đuổi được Lệ Vương, buộc kẻ thống trị phải giảm bớt sự bóc lột tàn bạo. Với ý nghĩa này, cuộc bạo động đã giành được những thắng lợi nhất định.
Từ sự kiện bạo động lay trời chuyển đất của dân chúng đương thời, lịch sử Trung Quốc đã được ghi chép bằng năm tháng rõ ràng, chính xác. Sử sách ghi Triệu Công và Chu Công cùng chấp chính năm 841 trước CN, gọi là Cộng hòa nguyên niên. Do có “Cộng hòa chấp chính”, vương triều Chu mới được coi là kéo dài hơi thở tàn, tiếp tục duy trì một thời gian nữa. “Cộng hòa chấp chính: kéo dài 14 năm, đất nước trở lại thái bình. Sau 14 năm, đột nhiên có tin từ Trệ, Lệ Vương lưu vong đã chết trong đau khổ phiền muộn. Triệu Công và Chu Công sau một hồi bàn bạc, cho rằng việc thực hiện nền hành chính Cộng hòa không thể tiếp tục. Nó không hợp lễ pháp, đây chính là cơ hội để trả thực quyền về cho vua Chu, Oan có đầu, trái có chủ, Lệ Vương đã chết, dân chúng cũng không thể làm gì để truy đuổi, thái tử Cơ Tĩnh đã trưởng thành, có thể độc lập giải quyết công việc của triều đình nên có thể lập làm vua Chu, tiếp tục ngôi vua chính thống của triều Chu.
Trong hội nghị quý tộc, hai người đã nói rõ ý kiến của mình. Các quý tộc đều thể hiện sự nhất trí. Năm 827 trước CN, thái tử Cơ Tĩnh kế vị, đó chính là Chu Tuyên Vương. Triều Chu đến Tuyên Vương, quyền lực của nhà vua đã suy yếu, không ít chư hầu không còn chịu sự chi phối của nhà vua. Vương triều Chu đã ở thế “trứng để đầu gậy”.
Chu Tuyên Vương đề cao uy tín của vương triều Chu, phát động những cuộc chiến tranh với các dân tộc thiểu số ở biên giới, ban đầu liên tiếp giành thắng lợi, địa vị của vương triều Chu tạm thời được củng cố. Năm 789 trước CN, Chu Tuyên Vương đích thân mang quân chinh phạt Khương Nhung, kết quả gần như toàn quân bị tiêu diệt, Chu Tuyên Vương may mắn trở về.
Năm 781 trước CN, Chu Tuyên Vương mất, ngôi vua do con của ông là Cơ Cung Niết kế thừa, đó là Chu U vương, đời vua cuối cùng của Tây Chu.