Hạ Kiệt là cháu đời thứ 14 của Hạ Vũ. Tổ tiên từ Hạ Vũ đã tốn bao công sức để giang sơn được ra đời, đến đây, công lao của ông bị mai một theo gió mưa.

Hạ Kiệt là một kẻ hủ bại, hắn tham lam hưởng thụ, cuộc sống xa hoa, không quan tâm đến việc triều chính, không thấu hiểu những nỗi khổ của dân chúng. Hắn chê chỗ ở cung thất sơ sài, hạ lệnh xây dựng tòa Khuynh Cung ở Lạc Dương. Khuynh Cung đất mười dặm, cao mười trượng. Trung tâm của cung thất xây dựng Dao đài bằng ngọc thạch màu trắng. Tòa Khuynh Cung xây cất bảy năm mới xong, sử dụng sức lao động của hàng nghìn vạn nô lệ, tốn phí sức người sức của vô cùng lớn, thật là hại người tốn của, làm thống khổ muôn dân.

Hạ Kiệt thích những kẻ a dua nịnh hót, không nghe được những lời khuyên nhủ. Có một đại thần là Quang Long Phùng, thấy Hạ Kiệt làm những việc xằng bậy thường khuyên can hắn. Hạ Kiệt không những không nghe còn đem giết. Từ đó, các trung thần đều hoảng sợ, không dám đến gần, còn những kẻ xấu thì vây lấy Hạ Kiệt. Chính trị dưới triều Hạ ngày càng mục nát.

Trong khi thế lực của triều Hạ ngày càng sa sút, nước Thương ở hạ du sông Hoàng  Hà mạnh dần lên. Thương vốn là một thuộc quốc của triều Hạ, theo truyền thuyết nói tổ tiên của họ là con của Đế Khốc, tên là Khiết. Khiết đã từng giúp Hạ Vũ trị thủy, lập được công. Hạ Vũ thưởng cho mang họ, phong cho đất Thương, Ở đất phong, Khiết xây dựng một quốc gia nhỏ, gọi là Thương. Trong khi Hạ Kiệt làm những điều xằng bậy là lúc cháu đời thứ 14 của Khiết là Thang nắm chính quyền ở nước Thương. Thương Thang thấy Hạ Kiệt đã chia rẽ, quyết làm theo ý dân, tích lũy lực lượng, chuản bị lật đổ triều Hạ.

Thương Thang là người nhân nghĩa, đây là nguyên nhân quan trọng để ông được lòng người. Truyền thuyết kể, có lần Thương Thang đi chơi ra ngoại thành, thấy một người bẫy chim đang giăng lưới bốn bề. Miệng người bắt chim luôn cầu nguyện: “Từ trên trời vướng vào đây, từ dưới đất bay vào đây, từ bốn phía bay tới, đều mắc vào lưới của ta”. Thương Thang nghe được, nói với người bắt chim: “Ông có thấy là mình quá tàn nhẫn không, bỏ ba mặt lưới đi, chỉ nên để một mặt thôi”. Người bắt chim nói: “Một mặt lưới thì làm sao bắt được chim?”. Thương Thang nói: “Ông giăng một mặt lưới rồi kêu lên: Chim ơi, chim muốn bay về bên trái thì bay về bên trái, muốn ở bên phải thì bay về bên phải, nếu quả là không muốn sống nữa thì hãy bay vào lưới của ta. Thế mới chứng tỏ ông là người lương thiện”.

Lời Thương Thang nói với người bắt chim nhanh chóng được truyền đi khắp nơi, mọi người cùng nói: “Thương Thang thật là người tốt, đối với con vật mà ông ấy cũng nhân từ, chúng ta phải thật tâm ủng hộ ông ấy.

Sau khi  đã làm tốt việc  chuẩn bị. Thương Thang phát biểu tuyên ngôn, phát động cuộc tiến công vào triều Hạ. Trong tuyên ngôn, ông nói: “Mọi người hãy cùng ta đánh bại Hạ Kiệt! Đây đâu phải là ta thích làm loạn, gọi mọi người bỏ việc nhà nông đi đánh nhau. Thực ra là do Hạ Kiệt là kẻ ngu xuẩn, thiên hạ bị hắn giày xéo không thể nói hết, trăm họ đã sớm chỉ vào xương sống lưng của hắn mà nguyền rủa, mong cho hắn chết sớm. Những việc xấu xa hắn làm thật là trời đất không thể dung tha. Nay ta phụng ý của trời cao phải tiêu diệt hắn, các người nên giúp đỡ ta. Nếu các người lập công trong chiến đấu, ta nhất định sẽ trọng thưởng, nếu không cố gắng trong chiến đấu, nhất định sẽ trừng phạt”.

Hạ Kiệt nghe nói Thương Thang đem quân đánh tới, vội vàng hạ lệnh quân đội của ba nước nhỏ là Côn Ngô, Vi và Cố đến bảo vệ triều Hạ. Thương Thang từ sớm dã dự liệu việc này. Đầu tiên, ông cho quân diệt nước Vi và nước Cố, đánh bại nước Côn Ngô, đại quân đánh thẳng tới Minh Điều, một nơi tập trung đông dân quan trọng  của triều Hạ. Hạ Kiệt thân chinh mang quân tới Minh Điều nghênh chiến, nhưng lòng quân rời rã, quân sĩ không nghe theo lệnh chỉ huy của hắn, kẻ tháo chạy, kẻ đầu hàng.

Hạ Kiệt thấy tình thế đã nguy, không dám trở về kinh đô Lạc Dương, mang theo một số tàn binh bại tướng nương nhờ nước Côn Ngô. Thương Thang thừa thắng truy kích, diệt được nước Côn Ngô. Hạ Kiệt mang theo vợ con là Muội Hỷ phá vòng vây lên một chiếc thuyền nhỏ qua sông đến Nam Sào (nay là huyện Sào, tỉnh An Huy). Hai vợ chồng trong thâm cung quen ăn sung mặc sướng, bản thân không biết lao động, cuối cùng cả hai chết đói trong núi ở Nam Sào.

Thương Thang đánh đuổi được Hạ Kiệt, phá hủy thái miếu thờ cúng tổ tiên của triều Hạ, phóng hỏa đốt cháy đồ tế lễ của nhà Hạ,  tiếp tục quét sạch thế lực tàn dư.

Như vậy, triều Hạ kiến lập từ thế kỷ 21 trước CN, qua hơn bốn trăm năm đã tuyên cáo diệt vong. Khoảng đầu thế kỷ 16 trước CN, tức là khoảng 3.700 năm trước, Thương Thang chính thứ kiến lập nhà nước theo chế độ nô lệ thứ hai trong lịch sử Trung Quốc – triều Thương.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here