Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc là một cuộc chiến tranh nông dân  vĩ đại chống phong kiến, chống xâm lược nổ ra vào giữa thế kỷ 19. Sau Chiến tranh Nha phiến, xã hội Trung Quốc mâu thuẫn gay gắt chưa từng có. Phí tổn chiến tranh 70 triệu đồng và khoản tiền bồi thường hơn 20 triệu đồng cho nước ngoài đều đổ lên đầu nông dân và nhân dân lao động.

Sự bóc lột chồng chất của quan lại các cấp cùng  những khoản thu vô hạn của giai cấp địa chủ khiến cho những khoản tiền  mà người nông dân thực tế phải nộp lớn gấp nhiều lần tiền thuế ghi trong sổ sách. Lại còn giá bạc tăng cao, tai hoạ do nước lụt, hạn hán liên miên, phần lớn nhân dân không biết trông cậy vào đâu, lâm vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Vì thế, tinh thần phản kháng của nông dân sôi sục, lan ra cả nước, trong đó tinh thần đấu tranh mãnh liệt nhất là ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hồ Nam. Trong hoàn cảnh ấy, cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc ở Quảng Tây bùng nổ,

 Khởi nghĩa

 Đầu năm 1844, Hồng Tú Toàn cùng với Phùng Vân Sơn đến Quảng Tây truyền bá Bái Thượng đế giáo, chuẩn bị khởi nghĩa chống nhà Thanh.  Mùa thu năm 1850, Hồng Tú Toàn phát lệnh tổng động viên, kêu gọi hội viên hội Bái Thượng đế các nơi đến tập hợp tại “Đoàn doanh” ở thông Kim Điền, Quế Bình. Đến cuối năm, “Đoàn doanh” đã tập hợp được hơn hai vạn  người. Ngày 11 tháng 1 năm 1851, Hồng Tú Toàn chính thức tuyên bố khởi nghĩa, lấy hiệu là Thái Bình Thiên Quốc.

Nhà Thanh điều động quân đội tới đàn áp. Cuối  tháng 9 năm 1851, quân khởi nghĩa  phá được vòng vây đánh chiến Vĩnh An. Sau khi  chiếm được Vĩnh An, tuy lại bị quân Thanh bao vây, nhưng nhân cơ hội quân Thanh ở hai lộ Nam Bắc chưa thể phối hợp tác chiến, quân Thái Bình vẫn có thể ở lại đây đến nửa năm để củng cố về quân sự và chính trị. Tại đây, Hồng Tú Toàn đã phong Dương Tú Thanh là Đông vương, Tiêu Triều Quý là Tây vương, Phùng Vân Sơn là Nam vương, Vi Xương Huy là Bắc vương, Thạch Đạt Khai là Dực vương, xác định kỷ luật, chỉnh đốn đội ngũ, đổi âm lịch thành thiên lịch, bước đầu xây đựng được chính quyền.

Ngày 5 tháng 4 năm 1852, quân Thái Bình từ Vĩnh An phá vây, đánh ra cả châu, định men theo Tương Giang lên  Hồ Nam, sau đó xác định quyết sách chiến lược “lấy Kim Lăng  làm căn cứ”. Toàn quân tiến lên phía bắc, bao vây Trường Sa, chiếm Nhạc Châu; sau khi đánh Vũ Hán, cướp được hơn một vạn chiến thuyền, xây dựng doanh trại thuỷ quân. Ngày 9 tháng 2 năm 1853, quân TháI Bình đã có hơn năm mươi vạn, thuỷ lục quân cùng xuống Giang Đông đánh chiếm Cửu Giang, An Khánh, Vu Hồ, đến ngày 19 tháng 3 đánh xuống Nam Kinh, đóng đô ở đây, đổi tên là Thiên Kinh. Sau đó lại cử hai toán quân chiếm được Trấn Giang, Dương Châu, cùng với Thiên Kinh hình thành thế ỷ giốc.

Trước cách mạng Thái Bình Thiên Quốc, việc địa chủ cường  hào chiếm đoạt ruộng đất vô cùng nghiêm trọng, phần lớn ruộng đất cả nước đều tập trung trong tay một số ít địa chủ, 80% nông dân không có ruộng đất, ở lưu vực Giang Hoài, khu vực Hoa Bắc đã xuất hiện những địa chủ có trăm khoảnh, nghìn khoảnh đất (khoảnh là đơn vị đo diện tích bằng 100 mẫu Trung Quốc – chú thích của người dịch). Phần lớn nông dân trong cảnh kêu đói than rét, vì thế, họ đều có khát vọng được cày cấy trên mảnh đất của mình. Hồng Tú Toàn đã xây đựng trên cõi đời một “Thiên quốc” người với người bình đẳng, thiên hạ một nhà, chung hưởng thái bình. Đến cuối năm 1853,  ban bố “chế độ ruộng đất Thiên triều”. Nội dung chính của “Chế độ ruộng đất Thiên triều”  là tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến. Ruộng đất là  máu thịt của người nông dân, do đó, Hồng Tú Toàn đã tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến, chia đều ruộng đất của thiên hạ cho nông dân trong thiên hạ cày cấy,  thực hiện lý tưởng xã hội “có ruộngcùng cày, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc, có tiền cùng tiêu; không ở đâu không có công bằng, không người nào không được no ấm”. Hoài bão của lý tưởng Thiên Quốc này là văn kiện có tính cương lĩnh khi lập quốc. Trong lịch sử chiến tranh nông dân ở Trung Quốc, vấn đề đầu tiên đưa ra phảI là vấn đề giải phóng ruộng đất. Sự ra đời “chế độ ruộng đất Thiên triều” của Thái Bình Thiên Quốc không những thể hiện cao trào của sự phát triển chiến tranh nông dân trong lịc sử mà còn là một thí nghiệm vĩ đại của giai cấp nông dân cận đại Trung Quốc mò mẫm tìm con đường cứu nước cứu dân.

Sau khi Thái Bình Thiên Quốc định đô ở Thiên Kinh, quân Thanh bám theo, Khâm sai đại thần Hướng Vinh đem hơn vạn người xây dựng “đại doanh Giang Bắc” ở bên ngoài Dương Châu; từ hai phía quân Thanh  phối hợp chờ thời cơ chiếm lại Nam Kinh. Lúc đó, Thái Bình Thiên Quốc đã được coi là có hàng trăm vạn nhưng không chủ động tấn công chỉ lo bảo vệ Thiên Kinh và chủ trương chiến lược Tây chinh và Bắc phạt thượng du. Quân Thái Bình Thiên Quốc phải chia ra giao chiến với quân Thanh trên ba mặt trận nên binh lực bị phân tán.

Ngày 13 tháng 8 năm 1853, Phó thừa tướng Thiên cung Lâm Phụng Tường và Chính Thừa tướng địa quan Lý Khai Phương phụng mệnh đưa hơn hai vạn người từ  Bác Khẩu đi Bắc phạt, đến ngày 29 tháng 10 thì đến Tĩnh Hải, tây nam Thiên Tân thuộc trấn Độc Lưu  thì dừng lại chờ viện binh. Quân Bắc phạt tiến sâu vào Trực Lệ, quân Thanh chấn động, lập tức tập trung lực lượng phá vây, quân Bắc phạt của Thái Bình Thiên Quốc cuối cùng bị tiêu diệt toàn bộ.

Cùng lúc Bắc phạt, ngày 3 tháng 6 năm 1853, Hạ quan phó thừa tướng Lại Hán Anh phụng mệnh mang hơn một nghìn chiến thuyền cùng hai ba vạn quân bộ từ Thiên Kinh ngược sông mà lên, mở đầu cuộc Tây chinh. Ngày 10 tháng 6, quân Tây chinh chiếm được  An Khánh. Dực vương Thạch Đạt Khai đến An Khánh chủ trì việc quân sự Tây chinh. Cuối năm đó, Tăng Quốc Phiên từ Giang Tây mang quân viện trợ Hồ Bắc, Thạch Đạt Khai lại đem quân tiến về phía tây, quân Tương thua ở Thành Ninh, Sùng Dương, lợi dụng sơ hở thẳng tiến về Giang Tây, liên tiếp chiếm được tám phủ hơn bốn mươi huyện, Tăng Quốc Phiên gặp nguy ở Nam Xương, thế của quân Tây chinh lên đến đỉnh cao. Mùa xuân năm 1856, Thạch Đạt Khai phụng mệnh đem quân chủ lực về cứu Thiên Kinh, cuộc Tây chinh dần kết thúc. Ba năm chiến đấu, tuy gặp trắc trở nhưng cuối cùng mục tiêu chiến lược dự định về cơ bản đã được thực hiện.

Từ sau khi Thái Bình Thiên Quốc đưa quân Bắc phạt, Tây chinh, Thiên Kinh nằm trong sự bao vây và uy hiếp của quân Thanh ở Giang Nam và Giang Bắc. Do binh lực bị chia ra làm nhiều hướng, bị hao hụt, quân Thái Bình Thiên Quốc phải bỏ Dương Châu, Vu Hồ, Trấn Giang, tình hình quân sự xung quanh Thiên Kinh ngày càng xấu đi nghiêm trọng. Tháng 4 năm 1856 Yên vương Tần Nhật Cương mang vạn quân đánh phá đại doanh ở Giang Bắc, từ đó thừa thắng chiếm được Dương Châu rồi quay về Nam Độ, sau khi phá được doanh luỹ quân Thanh ở ngoại vi Trấn Giang quay về Thiên Kinh. Thạch Đạt Khai cũng  đưa quân từ Giang Tây trở về. Sau bốn ngày chiến đấu, đại doanh của quân Thanh và toàn tuyến Giang Nam sụp đổ, Hướng Vinh thua trận chạy về Đan Dương, tức giận mà chết. Tình thế Thiên Kinh bị uy hiếp đã được giả quyết.

 Trung suy

       Sau khi quân TháI Bình  phá được đại doanh quân Thanh ở Giang Bắc, Giang Nam, tình hình quân sự ở Thiên Kinh được cả thiện. Nhưng từ ngày 2 tháng 9 năm đó, do nội bộ tập đoàn lãnh đạo mâu thuẫn gay gắt, trong thành Thiên Kinh phát sinh lục đục, Dương Tú Thanh và quan lại dưới quyền bị giết; không lâu sau, Bắc vương Vi Xương Huy, Trần Nhật Cương cũng bị Hồng Tú Toàn xử tử. Tháng 5 năm 1857, Thạch Đạt Khai cũng bị Hồng Tú Toàn nghi kỵ, một vạn quân Thái Bình rút khỏi Thiên Kinh, tuy vẫn tiếp tục chống triều Thanh nhưng chiến lược không còn hoàn toàn giống nhau. Sau khi vượt qua được nhiều khó khăn, tinh thần của quân Thái Bình Thiên Quốc đã bị tổn thương nặng nề, tình hình quân sự lại không ngừng xấu đi. Toàn bộ căn cứ ở Hồ Bắc đã mất, phần lớn vùng đất đã kiểm soát được  ở Giang Tây cũng không còn. Chỉ có chiến trường An Huy do các tướng trẻ Trần Ngọc Thành, Lý Tư Thành anh dũng chiến đấu kiểm soát được  một khu vực rộng lớn. Lúc này, tình hình cách mạng cả nước vẫn đang ở cao trào, việc HồngTú Toàn bắt đầu sử dụng các tướng lĩnh trẻ như Trần Ngọc Thành, Lý Tư Thành làm cho tình hình quân sự dù đã xấu đi nhưng chưa đến mức sụp đổ. Dù sao, xét về toàn bộ cục diện, chiến lược tiến công trước đó đã buộc phải chuyển thành chiến lược phòng ngự.

Đầu năm 1858, quân Thanh lập lại đại  doanh ở Giang Nam, Giang Bắc, Thiên Kinh một lần nữa bị bao vây, hậu quân của chủ tướng Lý Tư Thành xin đem quân cùng tả quân chủ tướng Lý Thế Hiền hẹn cùng nhau giải vây cho Thiên Kinh. Sau khi đến Giang Bắc,  Lý Tú Thành  đã cùng với Tiền quân chủ tướng Trần Ngọc Thành mở cuộc họp ở trấn Tùng Dương, xác định biện pháp tác chiến. Trần Ngọc Thành đầu tiên đánh chiếm Lư Châu, sau đó đem quân tiến về phía nam cùng với Lý Tú Thành hiệp đồng tác chiến, đến tháng 9 quân Thái Bình giành được thắng lợi, hai lần phá được đại doanh Giang Bắc, có lần còn chiếm được Dương Châu.

Đầu năm 1860, quân Thanh ở đại bản doanh Giang Bắc lại đánh Cửu Biệt Châu, cùng bao vây Thiên Kinh. Can vương Hồng Nhân Tiêm cùng Trung vương Lý Tú Thành bàn bạc lấy kế “vây Nguỵ cứu Triệu” giải vây cho Thiên Kinh. Ngày 2 tháng 5, quân Thái Bình bắt đầu tổng công kích, quân Thanh sau sáu ngày thì vỡ trận, Khâm sai đại thần Hoà Xuân Đẳng chạy về Trấn Giang, đại doanh Giang Nam một lần nữa bị phá huỷ. Sau hai lần phá được đại doanh Giang Nam, quân TháI Bình quyết định tiến về phía đông. Ngày 15 tháng 5, Lý Tú Thành mang đại quân từ Thiên Kinh xuất phát, liên tiếp chiếm được Giang Tô Câu Dung, Đan Mạch Dương, Thường Châu, Hoà Xuân Vu  tự sát trong khi tháo chạy. Ngày 2 tháng 6  sau khi chiếm được Tô Châu, quân TháI Bình quyết định tiến quân về Thượng HảI, nhưng quân nội ứng bị quân Thanh phát hiện đánh tan, lại gặp quân xâm lược  Anh, Pháp cản trở nên ý đồ này  không thực hiện được.

Trong lúc quân Thái Bình đánh về Thượng Hải, Tổng đốc Lưỡng Giang của triều Thanh Tăng Quốc Phiên, Tuần vũ Hồ Bắc Hồ Lâm Dực thừa cơ đưa hơn năm vạn quân thuỷ lục, Đạo viên Tăng Quốc Thuyên mang 8.000 quân bộ cùng Đề đốc Dương Nhạc    mang 4.000 quân thuỷ bao vây An Khánh, Phó đô đốc Đa Long A, Tiếp sát sứ Lý Độc Nghi mang hai vạn kỵ binh đóng ở Đồng Thành, phía tây Nam Giáo đảm nhận nhiệm vụ đánh viện binh. Tăng Quốc Phiên, Hồ Lâm Dực chia nhau cùng chỉ huy giữ cửa Trấn Kỳ, Thái Hồ.

Hồng Tú Toàn điều thêm quân trực tiếp tiến công, vây chặt quân địch ở An Khánh, từ thượng tuần tháng 5 đến hạ tuần tháng 8 đã ba lần tổ chức tiến công mạnh mẽ, đánh cho quân Tương thất bại. Ngày 5 tháng 9 năm 1861, An Khánh thất thủ.

 Thất bại

     Sau khi An Khánh thất thủ, Trần Ngọc Thành rút về giữ Lư Châu. Đầu năm 1862, Trần Đắc Tài, Lại Văn Quang được lệnh đưa quân bộ giữ Hà Nam, Thiểm Tây, tiếp tục chiêu binh tăng cường lực lượng. Tháng 5, Đa Long A đưa quân Thanh đến đánh. Trần Ngọc Thành bỏ thành đến Thọ Châu để lập kế bắt đầu sỏ Đoàn luyện Miêu Bái Lâm, giúp cho quân Thanh được rảnh tay,làm tan rã phòng tuyến phía tây của Thái Bình Thiên Quốc.

     Lý Tú Thành đưa quân Thái Bình từ Hồ Bắc quay về Triết Giang, sau khi đánh chiếm Hàng Châu, đầu năm 1862 lại một lần nữa tiến về Thượng Hải. Lúc này, chiến tranh Nha phiến lần thứ hai đã kết thúc, quân xâm lược Anh, Pháp bắt đầu câu kết với chính phủ Thanh để đối phó với quân Thái Bình, quân Thái Bình không những  chưa đánh Thượng Hải mà  ngược lại, ở phòng tuyến  phía đông lại mở ra một chiến trường mới khiến cho Thiên Kinh bị đánh ở cả hai mặt đông, tây. Trước tình hình quân sự tuyến đông, tây ngày càng nguy cấp, Hồng Tú Toàn đang giữ Thiên Kinh vô cùng lúng túng. Tăng Quốc Phiên thừa cơ điều binh khiển tướng, chiêu mộ binh lính tinh nhuệ chuẩn bị tiến công Thiên Kinh. Đầu mùa hạ năm 1862, Tăng Quốc Phiên điều động hơn bảy vạn quân Tương Hoài chia làm nhiều đường, đánh thẳng vào trung tâm Thiên Kinh. Tháng 5, Tăng Quốc Phiên, Bành Ngọc       dẫn hơn hai vạn quân thuỷ lục tiến đến Vũ Hoa đài, uy hiếp Thiên Kinh.

Cùng lúc đó, Tuần phủ Giang Tô Lý Hồng Chương mang quân Hoài đến ủng hộ “quân Thường Thắng”, từ Thượng HảI tiến về phía tây, tháng 12 năm 1863 đánh Tô Châu, Vô Thường, cánh quân đi đầu đánh thẳng vào Thường Châu. Tuần phủ Triết Giang Tả Tông Đường mang quân từ Giang Tay đánh thẳng vào Triết Giang, đến tháng 3 năm 1864 vây hãm Hàng Châu. Tăng Quốc Thuyên mang quân đánh thẳng vào các yếu điểm bên ngoài Thiên Kinh, chuẩn bị cùng bao vây Thiên Kinh. Hồng Tú Toàn quyết định tử thủ Thiên Kinh. Ngày 1 tháng 6, Hồng Tú Toàn tạ thế, ấu chủ Hồng Thiên Quý kế vị, toàn bộ việc quân sự, hành chính do Lý Tú Thành nắm giữ. Buổi trưa ngày 19 tháng 7, cửa Thái Bình ở phía đông thành bị phá sập hơn mười trượng, quân Tương tràn vào trong thành, ở các hướng khác, quân Tương cũng men theo thành mà vào, Thiên Kinh dần bị quân Tương chiếm lĩnh. Mất Thiên Kinh, đó chính là biểu hiện cuộc chiến tranh nông dân Thái Bình Thiên Quốc thất bại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here