Năm 1840, bọn thực dân Anh được sự ủng hộ của các nước tư bản Tây phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đầu tiên với triều đình nhà Thanh đã già cỗi. Do cuộc chiến tranh này  bắt nguồn từ việc chính phủ Anh cưỡng bức mang nha phiến vào Trung Quốc, nên lịch sử gọi đó là  Chiến tranh Nha phiến. Sau Chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc từ một quốc gia phong kiến độc lập dần trở thành  một nước nửa thực dân  nửa phong kiến, dân tộc Trung Hoa bước vào lịch sử hơn một trăm năm chịu thân phận nô lệ với biết bao tủi nhục và gian khổ đấu tranh.

 Thu nhập của nha phiến  và việc Lâm Tắc Từ cấm nha phiến

      Từ thế kỷ thứ 8, nha phiến   đã được  người Arap đưa vào Trung Quốc, được dùng như một thứ thuốc. Khoảng thế kỷ 16, người ta phát hiện nha phiến có thể đem đến  khoái lạc cho đầu óc con người. Lúc ấy, Bồ Đào Nha là nước buôn bán nha phiến lớn nhất. Cuối thế kỷ 17, sau khi chinh phục được Ấn Độ, nước Anh đem nha phiến đến bán trong các vùng do Công ty Đông Ấn Độ quản lý, rồi dần dần một phần lớn được đưa đến Trung Quốc, sau đó lại  đổi lấy trà, tơ lụa từ Trung Quốc mang về nước Anh, người Anh đã thu được rất nhiều lợi nhuận trong việc mua bán tay ba này. Ngoài một số lượng lớn nha phiến được đưa vào Trung Quốc từ Anh, nước Mỹ cũng mang nha phiến vào Trung Quốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, nước Nga cũng không chịu thua kém, từ Trung Á cũng mang nha phiến vào bán ở Trung Quốc.

    Giá cả của nha phiến lúc ấy, mỗi cân trị giá 5 lạng bạc. Trước Chiến tranh Nha phiến, trong vòng 40 năm, nước Anh tổng cộng đã đưa vào Trung Quốc  hơn 40 vạn hòm nha phiến, rồi từ Trung Quốc mang về nước Anh  ba bốn mươi ức bạc, tạo  nên sự cạn kiệt bạc trắng ở Trung Quốc, giá bạc không ngừng tăng cao, công thương nghiệp đình trệ, dân chúng Trung Quốc lâm vào cảnh khốn cùng. Lúc ấy, người hút nha phiến càng ngày càng nhiều, không chỉ các bậc quý tộc quan lại, thân hào địa chủ, thương nhân học sĩ  mà sau đến cả tầng lớp dưới như công, nông, binh, thương cũng đều hút nha phiến. Đến năm 1838, số người dùng nha phiến trong cả nước đã đến hơn hai triệu. Một số những người yêu nước  đã kiên quyết đề xuất lệnh cấm nha phiến vì  “để Trung Quốc khỏi lâm vào cảnh mất tiền của, dân Trung Quốc không bị đẩy xuống vực sâu, nước Trung Quốc không phải chứa những vật độc hại, nỗi lo tật bệnh không ám ảnh”.  Trước tình hình này, chính phủ Thanh không thể không lo lắng biện pháp đối phó.

    Ngày 2 tháng 6 năm 1838, Hồng lư tự khanh Hoàng Tước      dâng sớ lên Hoàng đế Đạo Quang đề nghị phương án  nghiêm cấm “sử dụng  nha phiến”, chủ trương người hút nha phiến trong vòng một năm phải ngừng sử dụng, qua một năm mà không bỏ được, là dân chúng sẽ bị tử hình, là quan lại ngoài việc bị tử hình, con cháu sẽ không được đi thi. Tổng đốc Hồ Quảng Lâm Tắc Từ, Tổng đốc Lưỡng Giang Đào Thụ ủng hộ chủ trương của Hoàng Tước    . Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1838, Lâm Tắc Từ đã ba lần dâng thư lên Hoàng đế Đạo Quang, tán thành chủ trương của Hoàng Tước     Ông quyết liệt đề nghị, nếu không cấm nha phiến, để tình trạng này kéo dài chỉ chục năm nữa, quân đội sẽ suy nhược, quốc khố sẽ cạn kiệt, Trung Nguyên sẽ không còn một người lính, đất nước không còn một lạng bạc. Trong hoàn cảnh ấy, Hoàng đế Đạo Quang  bị Lâm Tắc Từ thôi thúc, quyết định cấm nha phiến.

    Năm 1838, Hoàng đế Đạo Quang phong Lâm Tắc Từ làm Khâm sai đại thần, tăng thêm hàm Thượng thư, Tiết chế Quảng Đông thuỷ sư, trước hết tới Quảng Đông cấm nha phiến. Ngày 8 tháng 1 năm 1839, Lâm Tắc Từ phụng mệnh rời Bắc Kinh, trước hết đến Quảng Châu. Ngày 10 tháng 3, vừa đến Quảng Châu, Lâm Tắc Từ lập tức triển khai cuộc vận động cấm nha phiến. Với việc cấm nha phiến, Tổng đốc Lưỡng Quảng Đặng Diên Trinh vốn cũng không tích cực lắm, trong tình hình này cũng phải chuyển biến, trở thành một nhân vật tích cực. Ông ta thể hiện quyết tâm với Lâm Tắc Từ nhất định “hợp lực đồng tâm trừ cái gốc đại hoạ cho Trung Quốc”. Ngày 18 tháng 3, sau khi đã tìm hiểu kỹ càng, Lâm Tắc Từ ra lệnh cho các thương nhân nước ngoài trong vòng ba ngày phải đem nộp toàn bộ số nha phiến còn lưu giữ, lệnh còn lưu ý: “Từ nay về sau vĩnh viễn không được tàng trữ, nếu vi phạm nha phiến lập tức bị tịch thu, nhân viên sẽ bị xử lý”. Ngày hôm sau, các thương quán của thương nhân nước ngoài bị bao vây, những người giúp việc Trung Quốc và dân cư ở gần đó cũng bị cách ly. Các nước khác cũng tỏ ý ủng hộ. Thương vụ nước Anh cũng cam kết bảo đảm sau này  thuyền buôn nước Anh sẽ không mang nha phiến, nhưng nếu lỡ ra có thuyền nào vi phạm, họ yêu cầu hai điểm: một là số nha phiến bị  tịch thu  sẽ được đền  bù; hai là, với những nhân viên vi phạm, không bị lập tức  xử lý, phải thông qua thẩm xét công khai mới được định tội.

     Ngày 22 tháng 3, ba ngày trong kỳ hạn đã hết, số nha phiến buôn bán được giao nộp chỉ là một  con số lẻ (1037 hòm). Thấy thế, Lâm Tắc Từ lập tức hạ lệnh cử lính phong toả các thương quán, đình chỉ việc buôn bán Trung – Anh, cấm hoàn toàn việc quan hệ giữa các thương nhân và tàu thuyền chở nha phiến, rút hết những người Trung Quốc đang làm thuê trong các thương quán. Luật lệnh đã định không còn cách nào khác, chỉ còn phải lo giao nộp nha phiến. Lâm Tắc từ cùng với Đặng Diên Trinh trực tiếp thu nhận. Từ ngày 12 tháng 4 đến ngày 21 tháng 5, việc kiểm tra và thu nhận hoàn thành, cộng tất cả thu được đến 20.000 hòm ước khoảng 2.300.000 cân, trị giá khoảng 800 vạn lạng bạc trắng.

    Để làm bài học cho mọi người, Lâm Tắc Từ quyết định đem toàn bộ số nha phiến ra tiêu huỷ. 2 giờ chiều ngày 3 tháng 6 năm 1839, Lâm Tắc từ tuyên bố bắt đầu tiêu huỷ. Binh lính mở những hòm đem  nha phiến đưa xuống một ao chứa đầy nước biển, sau đó ném vôi vào. Chẳng bao lâu,  nha phiến trở thành đồ bỏ đi. Sau khi tất cả số nha phiến này đã hư hỏng, Lâm Tắc Từ hạ lệnh mở cửa cống, toàn bộ nha phiến  chứa trong ao đã bị tiêu huỷ chảy ra biển cả. Từ ngày 3 tháng 6 năm 1839, trong vòng 23 ngày, 20.000 hòm nha phiến đã bị tiêu huỷ.

 Sự bùng nổ chiến tranh và thất bại của triều Thanh

     Trước việc chính phủ Thanh ra lệnh cấm nha phiến,  giai cấp tư sản nước Anh đặc biệt là tập đoàn buôn bán nha phhiến lập tức phản ứng kêu gào mở cuộc chiến tranh chiếm Trung Hoa. Chính phủ Anh rất nhanh chóng quyết định đưa quân đến Trung Quốc. Tháng 6 năm 1840, Tổng tư lệnh quân Anh Ý Luật chỉ huy hơn 40 chiến thuyền cùng hơn 4.000 quân  đến vùng biển Trung Quốc. Ngày 28 tháng 6, chiến thuyền của quân Anh phong toả cửa biển Chu Giang, chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất chính thức bùng nổ, cuộc chiến tranh xâm lược  Trung Quốc của nước Anh chính thức bắt đầu. Đầu tháng 7 quân Anh xâm chiếm Triết Giang, Định Hải, đầu tháng 8 chiếm được vùng ngoại vi  cửa Đại Cô, Thiên Tân, trực tiếp uy hiếp khu vực kinh đô. Đến lúc này, Hoàng đế Đạo Quang mới thấy hoảng sợ, lệnh cho Tổng đốc Trực Lệ (tỉnh Hà Bắc) Kỳ Thiện đến Thiên Tân đàm phán. Nước Anh trong thế đang hung hăng, lại  có hoả lực mạnh, nhưng quân Anh đang có nhiều binh lính bị bệnh, đã có nhiều người tử vong nên Ý Luật muốn nhanh chóng kết thúc việc ở lại phía bắc chấp nhận đàm phán với những điều kiện:  một là, chính phủ Thanh phải có hình phạt với Lâm tắc Từ vì đã “làm việc không công bằng”; hai là chính phủ Thanh cử nhân viên cao cấp đến Quảng Châu nghe thương nhân Anh kể nỗi oan. Đao Quang cho rằng Kỳ Thiện  chỉ với ba tấc lưỡi mà đã buộc quân Anh phải rút lui cho là “thiên hạ kỳ tài”, vì thế, cách chức Lâm Tắ từ, đưa đến  miền Y Lê xa xôi chỉ huy quân đội, giao cho Kỳ Thiện làm Khâm sai đại thần kiêm Tổng đốc Lưỡng Quảng, phụ trách việc đàm phán cùng quân Anh. Đến cuối năm, ở Quảng Châu, Kỳ Thiện cùng đàm phán với quân xâm lược Anh. Ngày 7 tháng 1 năm 1841, quân Anh đột nhiên phát động cuộc tấn công Xuyên Tỵ, vây hãm pháo đài  Sa Giác, Đại Giác. Trung tuần tháng 1, Kỳ Thiện buộc phải chấp nhận những điều kiện với   Toàn quyền nước Anh:  cắt nhượng Hương Cảng, bồi thường số nha phiến trị giá 600 vạn đồng, mở cửa Quảng Châu. Những thoả thuận này không hoàn toàn phù hợp với  chỉ thị của triều Thanh nên sau đó, Kỳ Thiện  bị nghiêm trị. Nhưng đến ngày 26, quân Anh không đợi chính phủ Trung Quốc đồng ý đã chiếm Hương Cảng. Chính phủ Thanh biết pháo đài Sa Giác, Đại Giác đã thất thủ lập tức tuyên chiến với quân Anh. Hạ tuần tháng 2, quân Anh tiến công vây hãm pháo đài Hổ Môn, Tuỷ sư đề đốc, vị tướng yêu nước Quan Thiên Bồi cùng hơn trăm quân sĩ anh dũng hy sinh. Tháng 5, quân Anh áp sát ngoại thị Quảng Châu, toàn bộ quân Thanh phải rút vào trong thành. Đến cuối tháng, người mới đến nhậm chức  là tướng Dịch Sơn nghị hoà với quân Anh, cùng với quân Anh ký “Hoà ước Quảng Châu”, quy định chính phủ Thanh giao thành Quảng Châu cho quân Anh kèm theo 600 vạn đồng chiến phí.

     Chính phủ Anh vẫn chưa vừa ý với những quyền lợi mà Ý Luật mang về từ Trung Quốc, thay đổi cử Phác Đỉnh Tra làm Công sứ toàn quyền, tăng cường quân đội, mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Hoa. Cuối tháng 8 năm 1841, Phác Đỉnh Tra mang chiến thuyền từ Hương Cảng tiến lên phía bắc, ngày 26 vây hãm Áo Môn, đến tháng 9 xâm phạm Đài Loan; tháng 10 vây hãm Định Hải, Trấn Hải, Ninh Ba. Tháng 5 năm 1842, quân Anh tiếp tục tiến lên phía bắc, tháng 6 vây hãm pháo đài Ngô Tùng  cửa Trường Giang, Bảo Sơn, Thượng Hải sau đó cũng mất. Tiếp theo, quân Anh tiến sang phía tây, ngày 5 tháng 8 đến Giang Ninh (Nam Kinh). Chính phủ Thanh hủ bại vô năng ra lệnh cho lão tướng quân Thịnh Kinh đến Nam Kinh, đến ngày 29 cùng Phác Đỉnh Tra đại diện cho quân Anh ký điều ước bất bình đẳng thứ nhất trong lịch sử Trung Quốc –  “Điều ước Nam Kinh”, chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất kết thúc.

 Diễn biến tiếp theo

     Thông qua “Điều ước Nam Kinh” và điều ước bổ sung, nước Anh đã giành được rất nhiều đặc quyền ở Trung Quốc, nội dung chủ yếu là:

1. Chiếm được Hương Cảng, từ rất sớm, nước Anh đã có ý muốn chiếm được các đảo và vùng ven biển của Trung Quốc . Trước khi chiến tranh Nha phiến bùng nổ, Tra Đốn đã hiến kế cho Phạ Mạch Tư Đốn, cho rằng có thể chiếm được Hương Cảng. Hương Cảng có vị trí rất an toàn, một cảng đỗ tàu thuyền rất rộng lớn, lại có đủ điều kiện để phòng thủ. “Điều ước Nam Kinh” quy định, chính phủ Thanh phải cắt đất Hương Cảng cho nước Anh, để nước Anh “tự lập pháp và cai trị”. Từ đó, Hương Cảng đã xây dựng  ách thống trị của  thực dân Anh, trở thành bàn đạp quan trọng để xâm lược Trung Quốc.

2. Những điều khoản bắt bí. Trung Quốc phải bồi thường cho nước Anh 6.000.000 đồng tiền nha phiến, tiền lãi 3.000.000 đồng, quân phí 1.200.000 đồng, cộng tất cả là 2.100.000 đồng (tiền chuộc thành Quảng Châu 6.000.000 chưa có trong khoản tiền này), số  tiền trả này phải  trong 4 năm. Khoản tiền này tương đương với thu nhập tài chính của chính phủ Thanh trong 3 năm.

3. Mở năm cửa thông thương. “Điều ước Nam Kinh” quy định mở cửa Quảng Châu, Phúc Châu, Hạ Môn, Ninh Ba và Thượng Hải làm cửa khẩu thông thương. Ở năm cửa khẩu này, lãnh sự và quan lại các cấp của Anh có quyền thường trú, thương nhân có thể tự do thông thương. chính phủ Thanh không có quyền  hạn chế buôn bán. Từ đó, vùng biển  các tỉnh phía nam Trung Quốc  mở rộng cánh cửa, các sản phẩm của chủ nghĩa tư bản ào ạt được đưa vào Trung Quốc. Sau đó, “Điều ướcc Hổ Môn” còn quy định người Anh được quyền xây dựng và cư trú vĩnh viễn ở năm địa điểm này. Về sau, những kẻ xâm lược ngoại quốc lợi dụng điều này để tha hồ mang hàng hoá thông thương ở vùng đất này, trở thành Tô giới do họ trực tiếp quản lý, lấy những Tô giới này làm căn cứ, họ tiến hành tăng cường những hoạt động khống chế và cướp đoạt về chính trị và kinh tế với Trung Quốc.

4. Khống chế quan thuế. Cái gọi là hiệp định quan thuế quy định thương nhân  Anh “nộp thuế, phí vào ra cửa khẩu theo sự thoả thuận”. Từ đó, Trung Quốc mất chủ quyền về tô thuế, chỉ cần phía Anh không đồng ý Trung Quốc sẽ không thể tăng hoặc giảm thuế hải quan.

“Chương trình thông thương năm cửa” quy định thuế suất 5%, huỷ bỏ tác dụng bảo hộ của bức tường quan thuế, từ đó, chủ nghĩa tư bản ngoại quốc càng có lợi trong việc vơ vét, chiếm đoạt các sản phẩm và nguyên liệu từ Trung Quốc.

5. Quyền lãnh sự tài phán. “Chương trình thông thương năm cửa” quy định, nếu giữa người Anh và người Trung Quốc phhát sinh  những bất đồng trong giao dịch hoặc phạm tội trên lãnh thổ Trung Quốc , khi muốn định tội phải “dựa vào các nghị định, pháp luật của nước Anh, do lãnh sự quán Anh xử lý”. Quan lại Trung Quốc không có quyền dựa vào pháp luật Trung Quốc  để giải quyết. Chế độ “quyền lãnh sự tài phán” này đã phá hoại nghiêm trọng chủ quyền pháp luật của Trung Quốc, mở ra con đường người ngoại quốc phạm tội trên đất nước Trung Quốc mà không bị pháp luật Trung Quốc xử lý.

6. Đãi ngộ tối huệ quốc một chiều. Đãi ngộ tối huệ quốc phải chú ý đến quyền lợi của cả hai bên. Nhưng trong điều ước bất bình đẳng Trung Anh, ngược lại chỉ quy định bên ký hiệp ước nước ngoài được hưởng đãi ngộ tối huệ quốc.

Trong “Điều ước Nam Kinh” và các phụ ước, nước Anh  lợi dụng  các quan lại của chính phủ Thanh không am hiểu các luật lệ quốc tế, vừa đe doạ, vừa dùng những khái niệm mơ hồ làm cho chính phủ Thanh phải theo những xếp đặt của nước  Anh. Cánh cửa của Trung Quốc đóng chặt trước đây, đến nay đã bị nước Anh mở toang, không thể cưỡng lại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here