Có bạn hỏi: Con bạn đang học trung học cơ sở, chưa thích đọc sách, làm sao để cháu có được thói quen này?
Trước hết xin nói vài điều về việc hình thành thói quen. Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, trang 979) , Thói quen là “lối, cách sống hay hoạt động do lặp đi lặp lại quá lâu ngày đã trở thành quen, khó thay đổi”. Có một thói quen tốt sẽ có được hai điều lợi, một là có bản thân cái thói quen tốt ấy, và hai là sẽ tránh được một thói quen xấu. Từ nhỏ tới lớn, để thích ứng với đời sống có tổ chức, ngăn nắp, trở thành người có nền nếp, cha mẹ thường hình thành cho con những thói quen tốt, như dạy sớm, vận động thân thể, làm việc đúng giờ, đồ dùng để ngăn nắp, biết tự thu dọn chăn màn sau khi ngủ dậy, … Nhìn vào những thói quen của trẻ, người ta có thể đánh giá mức độ quan tâm tới việc dạy con của gia đình cho nên mới có từ “đồ mất dạy” để chỉ những đứa trẻ ít dược bảo ban dạy dỗ. Càng được hình thành sớm, những lối sống, cách sống tốt càng dễ trở thành thói quen, và ngược lại khi đã nhiều tuổi, việc hình thành thói quen rất khó khăn, thậm chí có những điều không thể làm được nữa. Lối sống tự lập, tự chủ nên được hình thành từ nhỏ, càng sớm càng tốt. Vì chưa có những thói quen xấu nên việc hình thành lúc này hầu như không gặp khó khăn gì. Trẻ em phương Tây thường ngủ riêng từ khi lọt lòng nên từ nhỏ đã không đòi hỏi phải có người dỗ ngủ, không sợ bóng tối, không thấy người lớn phải dỗ dành để bón cơm. Nhưng hiện nay, do điều kiện vật chất đầy đủ, lại yêu quý con không đúng cách, đứa trẻ được cưng chiều, bao bọc dần trở thành có lối sống ỷ lại. Đến khi đã tới lứa tuổi trung học cơ sở, thấy con sống quá phụ thuộc, cha mẹ vội cho theo học các lớp dạy kỹ năng sống vào kỳ nghỉ hè. Tôi nghĩ những lớp học trong một tuần lễ hay mười ngày đó chỉ có tác dụng để các cháu có thêm một trải nghiệm, hiểu biết thêm về cuộc sống chứ để hình thành thói quen sống tự lập, thức dậy đúng giờ, gấp chăn màn, tập thể dục buổi sáng, … thì thời gian đó quá ngắn. E rằng chỉ sau khi trở về nhà, sống trong môi trường luôn được chăm sóc “đến tận răng” một tuần lễ, những thói quen gọi là vừa được hình thành ấy sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Đọc sách cũng vậy. Tốt nhất là hình thành từ khi trẻ còn nhỏ. Khi trẻ đã lớn, đã không mấy thiện cảm với sách, mà trở thành thích đọc sách có lẽ không ít khó khăn. Xin mách một vài kinh nghiệm qua cuốn sách tôi mới đọc. Đó là cuốn “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” của Doãn Kiến Lợi do Nhà xuất bản Văn học của ta ấn hành năm 2011. Là một nhà sư phạm, trong cuốn sách này, bà không phủ nhận vai trò của người thầy, của nhà trường, nhưng muốn nhấn mạnh vai trò quyết định của giáo dục gia đình đối với con trẻ. Đây là một cuốn sách hay, thay cho những lý thuyết cao siêu, tác giả đã kể nhiều câu chuyện gần gũi, bình dị, dễ hiểu với mọi người. Cuộc sống, xã hội, thậm chí cả giáo dục Trung Quốc cũng có nhiều nét giống Việt Nam, hy vọng các bậc làm cha mẹ có thể tham khảo nhiều điều bổ ích qua cuốn sách này.
Trong sách, tác giả cũng là một người mẹ có nói tới việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ đã lớn tuổi. Có đứa trẻ dù dã lớn nhưng chỉ thích truyện tranh hoặc truyện có tranh minh họa, nhìn thấy những cuốn truyện dài là “lắc đầu lè lưỡi”. Để hấp dẫn con, cha mẹ đã mua một cuốn truyện có nội dung phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con, rồi hàng ngày, sau khi xong mọi việc mang ra đọc. Trong bữa cơm hoặc lúc rỗi rãi, cha mẹ thường bàn bạc, kể lại cho con những tình tiết hay, những “pha” hấp dẫn trong câu chuyện để thu hút sự chú ý của con. Rồi, đang kể, dừng lại ở chi tiết gay cấn nhất, nói bố, mẹ mới đọc tới đấy, và hứa với con sẽ kể tiếp sau khi đọc. Nhiều lần như thế, tất nhiên trí tò mò của con được kích thích. Họ nói với con “mấy hôm nay bố, mẹ rất bận, không có thời gian đọc, con thử đoc rồi kể lại cho bố, mẹ nghe; bố, mẹ cũng đang rất muốn biết câu chuyện rồi sẽ ra sao”. Thế là đứa con bắt đầu đọc thử. Khi nghe con kể lại, cả hai tỏ ra rất chăm chú, bàn bạc với con về những nhân vật và những chi tiết thú vị trong cuốn sách. Sau khi đọc vài cuốn như thế, đứa trẻ bắt đầu không ngần ngại trước những cuốn truyện dài nữa. Rồi kiên trì thêm một thời gian, đứa con sẽ dần có hứng thú mỗi khi nói tới chuyện đọc sách. Tất nhiên, ban đầu, để duy trì và không ngừng củng cố hứng thú, bố, mẹ phải hướng dẫn cho con đọc những cuốn sách thật hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi. Sau khoảng nửa năm, việc đọc những cuốn tiểu thuyết dài đối với cháu trở thành công việc khá đơn giản.
Người mẹ này đã tổng kết, đưa ra một kinh nghiệm: không nên nói với con “đọc sách đi!”, cũng không nên chuyện trò với con theo chủ đề “có nên đọc sách không?” hay dạy dỗ con “cần phải đọc sách”. Muốn con đọc sách, bước đầu, phải biết “dụ dỗ”. Tác giả đã nhắc một quy luật ai cũng biết: người ta , kể cả người lớn, thường dễ bị cám dỗ và rất sợ bị cưỡng bức.
Nhiều đứa trẻ không thích đọc sách, chỉ thích xem tivi. Với những “ca” như thế này, cần phải áp dụng nhiều biện pháp và công phu hơn.
Trước hết, bố mẹ phải không xem tivi hoặc xem có giới hạn trong một hai tháng, nhiều là nửa năm và yêu cầu con cũng thực hiện như mình. Trong việc hình thành thói quen cho trẻ, tốt nhất là cha mẹ làm gương. Tấm gương gần gũi ngay bên cạnh, ngay trước mắt có sức thuyết phục hơn ngàn vạn lời thuyết lý. Dân gian có câu “Rau nào sâu ấy” hoặc “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” không biết đúng được bao nhiêu phần trăm do khoa học di truyền nhưng do noi gương, theo gương ông bà, cha mẹ thì chắc không có gì phải nghi ngờ. Nên giới hạn chỉ xem những chương trình nhất định (giới hạn thời gian khó kiểm soát). Trong thời gian này, bố mẹ cùng con đọc sách, tìm những cuốn sách hấp dẫn, gợi ý cho con đọc. Cũng có thể cho con làm quen bắt đầu bằng những tờ báo, tạp chí ra hàng ngày có bài về những chủ đề mà con có hứng thú như trinh thám, du lịch, thám hiểm, máy tính, …Từ báo, tới những cuốn sách mỏng. Kiên trì một thời gian, chắc hứng thú đọc sách sẽ dần tới với trẻ. Dĩ nhiên, với đối tượng này, bố mẹ sẽ chịu vất vả và mất nhiều thời gian hơn kể cả phải có sự hy sinh những thói quen của bản thân. Nhưng không thể có cách nào khác.
Cũng có thể bố mẹ cảm thấy như thế mình quá bị ảnh hưởng, cuộc sống của mình bị xáo trộn. Suốt ngày đi làm, đã vô cùng mệt mỏi, tối về, chỉ có xem tivi để thư giãn mà cũng không được thì làm sao chịu nổi? Buổi tối dài như thế, nếu không xem tivi thì biết làm gì bây giờ? Phim nhiều tập hay, vô cùng hấp dẫn, tới cơ quan, ai cũng bàn tán rất sôi nổi, sao mình lại không xem nhỉ ?..
Nếu đã nghĩ như thế thì “bó tay chấm com”. Thôi thì đành “chăn thả tự nhiên”, để cho “trời sinh voi, trời sinh cỏ” vậy!
Biết làm sao bây giờ!
P/S: Tôi nhớ nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn có lần nói đại ý: nhìn những đứa con, có thể biết chất lượng làm người của cha mẹ.
Không dám khẳng định là tuyệt đối đúng, nhưng có lẽ những người làm cha mẹ cũng nên suy nghĩ điều này.
Một kinh nghiệm cực hay:). Đó là phải tạo được sự tò mò hứng thú cho con về nội dung sách, khuyến khích con đọc rồi kể lại. Thầy còn chia sẻ cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”. Cuốn này em chưa đọc, nhưng sẽ tìm đọc. Cảm ơn thầy rất nhiều
Thời buổi bây giờ còn có mấy người đọc truyện cổ tích cho con nghe trước khi con ngủ. Những hình ảnh lặp đi lặp lại thường xuyên này sẽ đi vào tiềm thức của trẻ, sẽ dần hình thành thói quen đọc sách ở trẻ.
Các bài của DDG đều rất hay. Hoan nghênh ! VĐP
Cảm ơn thày vì bài viết rât sâu sắc. Giá như ai cũng có thể nhận thức được:: để nuôi dạy được một đứa trẻ nên người, cha mẹ phải hì sinh nhiều thứ. Và cái mà đứa trẻ cần là thời gian, sự quan tâm đúng lúc đúng chỗ của cha mẹ chứ không phải sự áp đặt sự cưỡng bức của người lớn
Bất kì ai cũng sợ bị cưỡng bức, em rất thích quan điểm này