Mấy hôm nay, nghe tin Bộ Giáo dục dự định có cải tiến trong mùa thi 2015, để cho các trường nhất là các trường ngoài công lập có quyền tự chủ trong tuyển sinh, mình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì thế ra các bác cũng thấy có những bất hợp lý trong cách thi 3 chung hiện nay, thế ra các bác cũng có ý muốn thay đổi chứ không phải thờ ơ với công luận. Nhưng lo lại nhiều hơn vì nếu trở về cách tự chủ như cũ, giáo dục sẽ lại loạn, kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm sẽ trở thành cái chợ trời bao kẻ tranh mua tranh bán.
Tôi xin kể lại chuyện “tự chủ” của những năm trước vì có thể những năm đó, những người điều hành chuyện thi cử hôm nay không được chứng kiến cái sự tự chủ đã diễn ra như thế nào.
Trước hết, các lò luyện thi đua nhau mở khắp nơi. Học sinh muốn thi trường nào phải xin cho được vào các lò luyện do trường ấy mở. Tôi nói “xin cho được” vì chỉ một số lò do các thầy có quyền ra đề thi dạy mới có sức hấp dẫn vì nó “chắc ăn”. Vì sao “chắc ăn” thì ai cũng có thể biết. Nhớ là phải xin học từ ba năm trước, nghĩa là phải vào học từ khi mới vào lớp 10. Giá học phí có cắt cổ đấy, nhưng cũng cố mà chịu đựng, vì nếu để chậm thì không còn chỗ đâu. Các thầy có quyền ra đề làm sao dạy hết vì học trò đông lắm. Các thầy bèn để cho những người thân cận mở lớp luyện thi. Chỉ cần có hơi hướng quen biết người có quyền ra đề thi là các lớp này cũng gạt không hết học sinh.
Kẻ ngoại đạo muốn mở lò không thể không mời được một vài thầy có đặc quyền. Chỉ cần trương cái biển có tên các thầy là đắt khách như tôm tươi.
Một số trường không có khả năng ra đề (mặc dù đây là điều kỳ lạ, nhưng tôi xin thề có quỷ thần chứng giám, không nói sai), thì lấy đề có sẵn trong các sách in bộ đề đầy đủ cả bài giải các môn do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Đủ cả, từ Toán, Lý Hóa, Sinh đến Văn, Sử, Địa và cả các thứ tiếng của môn Ngoại ngữ. (thuê người ra đề thì hay hơn nhưng tốn kém lắm). Thi vào những trường này, học trò cũng phải vào lò luyện do các thầy trường ấy mở để biết cái hướng, sau đó mới chuẩn bị để mang theo “phao”. Cái “phao” thi hiện rất phổ biến có xuất xứ từ thời kỳ này.
Mùa hè tới, các lò luyện thi mở ra khắp nơi. Nhất là sau kỳ thi tốt nghiệp, sĩ tử các tỉnh đổ về Hà Nội luyện thi, thực chất nhiều người chưa hề ôn, chỉ là tìm nơi học để qua đó có thể biết trước đề thi. Rồi sau khi biết cái hướng ra đề thì tìm mua phao của cái phần ấy, giấu giấu diếm diếm mang vào phòng thi chép.
Chính cái sự gọi là “tự chủ” này đã khiến cho số thí sinh dự thi đại học tăng vọt. Trước đây, khi thi cử tương đối nghiêm túc, chỉ học sinh nào có học lực tương đối vững vàng mới dám dự thi. Nhưng từ khi có sự tự chủ, các trường có quyền ra đề, chấm thi riêng, lại có bộ đề và đáp án in sẵn thì hầu như ai cũng có thể thi được. Mà giữa anh học được với anh học dốt chưa biết ai ăn ai. Không ít trường hợp “mèo mù vớ cá rán” nên con số dự thi ngày càng nhiều. Cái chuyện sờ đầu rùa ở Văn Miếu trước khi thi cũng ra đời trong thời kỳ này vì thực tế cho con người ta biết chuyện thi cử “may hơn khôn”. Tốn kém tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể.
Các trường dân lập tự lo việc thi nên muốn nhận bao nhiêu sinh viên cũng được, điểm chuẩn khá cao, không kém gì các trường “tốp đầu” vì đề do trường tự ra. Đề dễ, biểu điểm chấm thi thấp, lại có lò luyện trước, chỉ sợ Bộ không giao chỉ tiêu!.
Bộ Giáo dục khi đó đã nhìn ra vấn đề nên mới có cái quyết định 3 chung. Cách thi 3 chung này hạn chế tới mức thấp nhất đề thi “rò rỉ” vì cả nước chỉ có một nhóm người làm việc này. Các lò luyện vắng vẻ dần (vì phải người tương đối có thực học mới có hy vọng, chuyện cầu may rất khó). Mấy năm sau thì hiệu quả rõ rệt, số thí sinh giảm hẳn. Việc thi cử dù còn nhiều bất tiện nhưng đã tương đối nghiêm túc.
Cách thi 3 chung ấy giúp cho các trường đỡ phải lo việc ra đề và bảo mật đề thi, một việc rất dễ sai sót gây tai tiếng, nhưng hình như làm mất chỗ làm ăn của một số người và khiến các trường dân lập khó tuyển sinh (nghĩa là không có lợi nhuận). Người học được chẳng dại gì mà thi vào các trường dân lập. Người nhiều tiền thích trường dân lập nhưng không sao moi được bí mật của đề thi, đành chấp nhận kết quả thi ba môn chỉ được năm bảy điểm không bằng điểm sàn. Trường tốn kém biết bao nhiêu mới mở được nay không có sinh viên, chẳng có ai ngó ngàng tới.
Cho nên chẳng ai lạ gì, vì sao lớn tiêng nhất đòi quyền tự chủ là các trường ngoài công lập.
Mong Bộ Giáo dục đào tạo nên cân nhắc kẻo lợi bất cập hại!
Giáo dục của ta cải cách nhiều nhất trong các ngành . Nhưng càng cải cách bao nhiêu thì giáo dục càng bị “tàn phá” bấy nhiêu ! Nhiều trường đại học thế thì “phen này ông quyết đi buôn ..dấu”
Cách tốt nhất là vẫn thi 3 chung. Nhưng đề thi cải tiến đi. Các ngành ngày trước thi các môn tự nhiên thì nay chỉ cần thi những kiểu bài kiểu như trắc nghiệm chỉ số thông minh. Các ngành thi môn xã hội thì nay có thể thi môn tổng hợp: viết các bài luận về các vấn đề xã hội xung quanh (để viết được hay, các em phải có kỹ năng viết nghị luận, có vốn sống và hiểu biết xã hội, có cách hành văn mềm mại…).